Tuesday, September 27, 2011

Công an đề nghị truy tố lãnh đạo Vinashin

 
BBC - Chín quan chức cao cấp của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bị đề nghị truy tố sau khi công an Việt Nam nói hoàn tất điều tra giai đoạn một tại tập đoàn nhà nước lớn thứ hai đất nước.


Truyền thông nhà nước đưa tin thiệt hại trong vụ án được mô tả là “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế” là khoảng hơn 900 tỷ VND (khoảng 43 triệu USD).

Vinashin được sự hậu thuẫn mạnh từ Chính phủ và các cơ quan của Đảng

Chín quan chức của Vinashin bị buộc tội mua ba tàu cũ mà không có sự chấp thuận của chính phủ và mua sắm thiết bị lạc hậu để đầu tư hai nhà máy nhiệt điện.

Báo chí trong nước cho hay cơ quan điều tra Việt Nam hiện đang tiếp tục làm rõ những sai phạm khác tại Tập đoàn Vinashin cũng như hành vi tham ô tài sản.

Vinashin, tập đoàn bên bờ vực phá sản vào năm ngoái, đã và đang được tái cơ cấu theo hướng chuyển một số tài sản, dự án của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines).

Bấm Báo cáo của Tranh tra Chính phủ hồi tháng Sáu năm nay ghi nhận nợ phải trả của Vinashin là 96.700 tỷ VND (4.6 tỷ đôla), cao hơn mức 85.000 tỷ VND (4 tỷ đôla) đưa ra trước đây.

Thanh tra Chính phủ trong báo cáo này cảnh báo tập đoàn sẽ phải trả thêm hàng trăm triệu đôla tiền phạt hủy hợp đồng.

Vinashin được chính phủ cho nhận 750 triệu đôla, là toàn bộ khoản tiền có được từ lần phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên, và chính phủ đã viết thư ủng hộ Vinashin đi vay 600 triệu đôla từ 15 ngân hàng và 2 quỹ đầu tư nước ngoai.

Trong số này có Standard Chartered PLC, Credit Suisse AG, Depfa Bank PLC và quỹ đầu tư dạng hedge fund là Elliott Advisers Ltd.

Tất cả các hãng đánh giá tín nhiệm như Investors Service của Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch Ratings đều đã hạ điểm xếp hạng tín dụng của Việt Nam trong những tháng gần đây, đa phần do các vấn đề tại Vinashin.

‘Đề án thí điểm’

Công an Việt Nam nói sẽ còn điều tra những sai phạm khác ở Vinashin

Chính phủ sau đó tuyên bố không trả nợ thay cho Vinashin khi tập đoàn đến hạn mà không đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ.

Giới quan sát nước ngoài bấy lâu nay xem Vinashin kể như dự án với ý đồ riêng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Một số tiếng nói trong nước muốn ông Dũng phải nhận lãnh trách nhiệm đầy đủ hơn về sự đổ bể của tập đoàn quốc doanh này, bao gồm cả đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên đề nghị này đã bị bác bỏ và ông Dũng xin lỗi về vai trò của mình trong việc quản lý yếu kém của Vinashin tại một phiên chất vấn ở quốc hội được truyền hình trực tiếp.

Đáng chú ý là kết luận của cuộc điều tra mới nhất, cũng như kết luận của Thanh tra chính phủ hồi giữa năm nay và năm ngoái đều khẳng định điều họ gọi là Vinashin “đã làm trái chỉ đạo của Thủ tướng”.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ hồi tháng Sáu nói về “hàng loạt sai phạm trong việc thành lập mới, tổ chức lại của Tập đoàn Vinashin.

Báo cáo cho hay công ty mẹ Vinashin trong vài năm đã đẻ ra hàng trăm công ty con, đầu tư dàn trải vào các lĩnh vực không thuộc năng lực ngành nghề chính.

Bấm Website của Vinashin cho biết “Thủ tướng Chính phủ ngày 04/11/2003 có quyết định về việc thí điểm Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 15/5/2006 cũng đưa ra quyết định phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, cũng như ký một quyết định khác nhằm hình thành cơ chế đa sở hữu trong đó có sở hữu Nhà nước là chi phối.

Chính phủ Việt Nam muốn Vinashin trở thành tập đoàn có vị thế lớn trong thị trường đóng tàu quốc tế nhằm có thể cạnh tranh với các tập đoàn đóng tàu lớn mạnh của Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản.

Thế nhưng dự án này đổ bể khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra trong năm 2008 và các đơn hàng của công ty bị cắt giảm, làm tê liệt vốn hoạt động, chưa kể những sai phạm quản lý tài chính của chính tập đoàn này.

Giới quan sát nhận định bê bối Vinashin là gánh nặng đối với triển vọng của Việt Nam, gây tổn hại danh tiếng của Việt Nam đối với cả các công ty cho vay quốc tế và có khả năng làm chậm lại dòng vốn đầu tư nước ngoài giúp tạo đà cho nền kinh tế của đất nước này.

No comments:

Post a Comment