Nguyen Xuan Nghia - Vu Hoang - Vụ khủng hoảng tài chính tại Âu Châu đang phơi bày một mâu thuẫn có thể khiến chúng ta liên tưởng đến Việt Nam.
Hy Lạp là xứ tương đối nghèo và đã
khai thác hệ thống tiền tệ thống nhất của Âu Châu khi bỏ đồng bạc quốc
gia là đồng “Drachma” để dùng đồng Euro từ 10 năm trước hầu người dân
có mức sinh hoạt cao hơn thực lực quốc gia. Nhưng quyền lợi quốc gia ấy
lại gây vấn đề cho tập thể là khối Euro và cơ chế Liên hiệp Âu Châu,
đến nỗi đe dọa luôn sự tồn tại của đồng Euro. Cũng hoàn cảnh quốc tế ấy
khiến lãnh đạo Cộng hoà Liên bang Đức đang gặp khó khăn với dân chúng
khi phải hy sinh phương tiện quốc gia để cưu mang một xứ khác hầu cứu
vãn đồng Euro.
Nhân viên của công ty thuộc sở hữu nhà nước phản đối trước quốc hội Hy Lạp
việc tư nhân hóa công ty vào ngày 21 tháng 6 năm 2011. AFP photo
Nhìn
rộng ra ngoài, người ta thường nghĩ là hội nhập kinh tế toàn cầu có
thể đem lại lợi ích lớn hơn cho từng quốc gia. Thí dụ như sau khi đổi
mới rồi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, quả là Việt Nam có mức
tăng trưởng cao hơn và đạt xuất siêu rất lớn với kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng
quyền lợi quốc gia của xứ này lại bị một nước láng giềng là Trung Quốc
đe dọa, mà không chỉ về ngoại thương khi bị nhập siêu rất nặng. Lồng
bên dưới, có một câu hỏi khác là liệu ta có thể bảo vệ quyền lợi quốc
gia bằng chính sách tự cô lập hoặc bảo hộ mậu dịch hay chăng?
Vũ Hoàng nêu vấn đề với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về những câu hỏi thiết thực đó.
Hội nhập quốc tế
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, có thể là nhân danh quyền lợi quốc gia mà xứ Hy Lạp đã gia nhập hệ thống tiền tệ thống nhất của Âu Châu vào năm 2001 và thậm chí còn khai gian thống kê về kế toán quốc gia để đạt tiêu chuẩn gia nhập. Chưa đầy 10 năm sau thì Hy Lạp bị nguy cơ vỡ nợ, rồi khủng hoảng lây lan cho cả khối Euro và gây khó khăn cho cường quốc kinh tế số một trong khu vực là nước Đức khi cứ phải cưu mang các xứ khác. Mâu thuẫn ấy dẫn tới một câu hỏi không trừu tượng: chủ nghĩa quốc gia và quyền lợi dân tộc có mâu thuẫn với hội nhập kinh tế hoặc thống nhất tiền tệ hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Câu hỏi này quả là không trừu tượng mà còn là thời sự nóng bỏng tại Âu
Châu và đang ảnh hưởng đến các thị trường khác trên thế giới. Tuy
nhiên, trong vấn đề này, ta có hai loại hồ sơ khác nhau. Một là vấn đề
đặc thù của Âu Châu với tham vọng đầy mâu thuẫn. Hai là vấn đề hội nhập
của các nước vào luồng trao đổi kinh tế toàn cầu trong đó, yếu tố quốc
gia có thể tan loãng trong một khái niệm lớn lao mà mơ hồ hơn, nhưng
vì vậy cũng gây ra mâu thuẫn.
Vũ Hoàng:
Nếu vậy, ta sẽ bắt đầu từ Âu Châu với mâu thuẫn giữa mục tiêu hội nhập
quốc tế và thống nhất tiền tệ với những tính toán bảo vệ quyền lợi
quốc gia, là mâu thuẫn đang de dọa sự tồn tại hoặc ít ra là sự nguyên
vẹn của đồng Euro. Xin ông giải thích và phân tích cho vụ này.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Âu
Châu là một tập thể phức tạp của nhiều quốc gia bị chia cắt bởi điều
kiện thiên nhiên quá khác biệt. Chính là sự khác biệt ấy mới sinh ra bản
sắc riêng của từng tập thể và kết tinh thành chủ nghĩa quốc gia dân
tộc. Chủ nghĩa ấy có dẫn tới chiến tranh trong nội bộ Âu Châu, ít ra là
ba lần đại chiến trong thế kỷ 19 và 20, vào các năm 1871, 1914 và 1939.
Nhưng
do hoàn cảnh khác biệt và giới hạn về khả năng bành trướng bên trong
mà từ năm 1492, Âu Châu đã vươn ra ngoài, rồi trở thành đầu máy kinh tế
và sức mạnh khuynh đảo thế giới trong 500 năm, cho đến khi một cường
quốc trong khu vực tan rã là Liên bang Xô viết vào năm 1991.
Rút
tỉa kinh nghiệm gọi là “nội chiến Âu Châu”, sau Thế chiến II, các nước
trong khu vực muốn giải trừ nguy cơ chiến tranh bằng hợp tác kinh tế.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô, người ta
nói đến hợp tác kinh tế toàn cầu, và khái nhiệm toàn cầu hóa chủ yếu
xuất hiện từ đó. Nhưng các nước Âu Châu còn muốn hội nhập cả kinh tế lẫn
chính trị, với sự ra đời của một khối tiền tệ thống nhất là khối Euro,
dù khác biệt về trình độ phát triển và mâu thuẫn về quyền lợi vẫn gần
như nguyên vẹn bên trong với kết quả là vụ khủng hoảng ngày nay.
Vũ Hoàng:
Khi ông trình bày bối cảnh lâu dài là 500 năm và rộng lớn là chiến
tranh mang nội dung quốc gia dân tộc của Âu Châu ta mới để ý đến một
nghịch lý. Đó là các nước Âu Châu thường xuyên giao chiến với nhau để từ
đó hình thành những tập thể mang tính chất quốc gia như người ta đã
thấy sau này. Nhưng các quốc gia đó cũng liên thủ với nhau để chinh phục
và khai thác cả thế giới, trước hết là các nước Nam Mỹ rồi Bắc Phi,
Châu Phi và sau cùng là Châu Á. Vì vậy, thế giới từng là nạn nhân của ba
chủ nghĩa bành trướng xuất phát từ lục địa Âu Châu là thực dân, phát
xít và cộng sản. Nhưng cái gì đã khiến là sau Thế chiến Hai, các nước Âu
Châu lại gom sức làm một và hết tự xâu xé như thế giới đã thấy trong
mấy thế kỷ liền?
Câu
hỏi này rất khó trả lời cho ngắn gọn nhưng tôi thiển nghĩ là do một võ
khí và hai siêu cường! Do bom nguyên tử hay hạch tâm với khả năng tàn
sát cả một quốc gia, là điều trước đây nhân loại chưa có. Và do sự bành
trướng của Liên Xô, Hoa Kỳ phải góp phần bảo vệ bằng Minh ước NATO, là
một tập thể quân sự siêu quốc gia chưa từng có trước đây.
Ba
yếu tố ấy thúc đẩy sự hội nhập cả Âu Châu vào một thị trường chung rồi
một khối kinh tế thống nhất trong gần nửa thế kỷ Chiến tranh lạnh. Tập
thể Âu Châu thành hình và tự củng cố từ đó. Khi Chiến tranh lạnh chấm
dứt, Âu Châu mới lạc quan nghĩ xa hơn, đến sự hình thành của một khối
kinh tế thống nhất để tiến tới thống nhất chính trị. Nhưng mâu thuẫn về
quyền lợi quốc gia thì còn nguyên vẹn và ngay nay kết tinh vào một câu
hỏi: có thể nào mà nhân danh quyền lợi của tập thể để đòi các hội viên
tuân thủ những kỷ luật kinh tế trong nội bộ không? Câu hỏi ấy quyết
định về tương lai của đồng Euro vì bao hàm hai giả thuyết.
Một
là sẽ khai trừ ra khỏi khối Euro xứ nào không chấp nhận kỷ cương quốc
tế. Hai là nếu Đức không đòi các nước kia chấp nhận kỷ cương ấy thì dân
Đức gây khó khăn cho lãnh đạo khiến Đức có thể ra khỏi khối Euro. Mà
nếu không có cường quốc kinh tế này làm xương sống và đầu máy thì đồng
Euro thành vô giá trị. Hôm mùng bảy vừa qua, khi Thủ tướng Hà Lan đề
nghị lập ra một cơ chế giám sát kỷ luật chi tiêu của các thành viên
Euro đang được chuộc nợ, có lẽ xứ này muốn cứu vãn đồng Euro đồng thời
tránh được một kịch bản mà các nước Âu Châu đều e ngại từ khi nước Đức
thống nhất vào năm 1871. Đó là sự thống trị thực tế của quốc gia đông
dân nhất, có sức nặng kinh tế cao nhất và lại nằm ở trung tâm của Âu
Châu. Chúng ta đang chứng kiến một sự xoay chuyển rất nghiêm trọng của
thế giới và là mặt trái của hiện tượng toàn cầu hóa.
Bảo vệ quyền lợi quốc gia
Vũ Hoàng: Nói đến toàn cầu hoá và trở lại chủ đề liên quan tới Việt Nam, thưa ông, chủ nghĩa quốc gia dân tộc có còn ý nghĩa gì không trong một thế giới hội nhập và thực tế là liên lập giữa các nước với nhau?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi
thiển nghĩ là chủ nghĩa quốc gia vẫn còn và càng là yếu tố cần thiết
trong khung cảnh gọi là toàn cầu hóa, nhưng nó phải biểu hiện cách khác.
Thứ
nhất, kinh tế thị trường được hội nhập với nhau qua giao dịch ngoại
thương và tư bản có gia tăng sự thịnh vượng trong mọi quốc gia và chắc
chắn là thịnh vượng hơn thời kỳ tự cung tự cấp và ngăn sông cấm chợ ngày
xưa. Chúng ta có thấy mức sống của nhiều người Việt được nâng cao
chính là nhờ việc hội nhập đó. Cho nên điều ấy có lợi hơn chủ trương
bảo hộ mậu dịch theo lối suy nghĩ ngắn hạn là bảo vệ quyền lợi quốc gia
chống lại hàng hóa của xứ khác
Thứ
hai, trong trào lưu hội nhập như vậy, các nước chặt chẽ hợp tác với
nhau nên ta thấy ra một hiện tượng là “hàng hóa không quốc tịch”. Đó là
một món hàng kết hợp nhiều thành tố xuất phát từ nhiều quốc gia với
kết quả là cái vỏ thì ghi là, thí dụ như “chế tạo tại Malaysia” hay
“chế tạo tại Trung Quốc”, nhưng cái ruột, đôi khi là bộ não, lại thuộc
một quốc gia khác.
Vũ Hoàng: Xin hỏi ông ngay một câu là trong hoàn cảnh ấy thì làm sao phân định được phần đóng góp của xứ này hay xứ khác?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đấy chính là cách biểu hiện khác của chủ nghĩa quốc gia dân tộc!
Chúng ta hiểu ra một sự thể kinh tế là sự gia tăng giá trị của sản phẩm trong tiến trình sản xuất. Thí dụ như đất đai hãng xưởng của xứ này, công nghệ hay kỹ thuật mẫu mã của xứ kia, tư bản thì có phần đóng góp của một nước thứ ba, rồi nguyên nhiên vật liệu và nhân công lại do một số nước khác cung cấp…. Trong tiến trình kết hợp nhiều đợt đóng góp vào giá trị của sản phẩm hoàn tất, mỗi nước thành viên lại hưởng lợi một cách. Nhưng, yếu tố sinh tử là trong tiến trình hợp tác đa quốc ấy làm sao quốc gia của mình đóng góp được phần trọng yếu và then chốt nhất để hưởng được nhiều lợi ích nhất. Khi ấy, ta thấy vấn đề kế toán lại trở thành quyền lợi quốc gia.
Công nhân VN làm việc cho công ty nước ngoài đầu tư tại VN. AFP photo
Vấn đề kế toán là danh mục các phương tiện sản xuất được lần lượt kết hợp từ nhiều xuất xứ trong chu trình tích lũy trị giá ngày một cao hơn. Nhưng nếu quốc gia chỉ có thể cung cấp loại phương tiện sản xuất thấp kém thì mức lợi thu về cũng thấp kém. Việc bảo vệ quyền lợi quốc gia, thí dụ như Việt Nam, là làm sao nâng cao mức đóng góp của người Việt Nam. Đi vào cụ thể là nếu cướp đất của dân cho ngoại quốc lập nhà máy và ép sức người dân để nhà máy ngoại quốc tuyển lao công của ta với giá rẻ mạt và gây ô nhiễm cho môi sinh thì phần đóng góp của người Việt trong một sản phẩm có tiếng là “Chế tạo tại Việt Nam” chỉ là một phần cực nhỏ với phí tổn rất cao. Khi ngoại quốc lại tìm ra mối lợi cao hơn ở xứ khác, họ đem nhà máy hay công nghệ qua nơi khác là quốc gia gặp họa. Đó là hiện tượng ta gọi là “có tiếng mà không có miếng”.
Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc là một nước điển hình đã bị hiện tượng ấy mà cứ hù doạ thế giới trong khi những miếng ngon nhất là dành cho ngoại quốc. Rồi bên trong thì theo thứ tự về trị giá gia tăng, mối lợi được gom vào các tập đoàn nhà nước, các công ty quốc doanh, rồi các đại gia có quan hệ với lãnh đạo, các doanh nghiệp tư nhân hay xí nghiệp hương trấn nằm dưới đáy. Dưới cùng là lực lượng lao động bị bóc lột trong suốt tiến trình tích lũy giá trị nhưng thường xuyên bị rủi ro mất việc khi cơ sở làm gia công phá sản vì mức lời quá thấp lại bị bào mỏng.
Việt Nam học được gì?
Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu ra lý luận của ông là trong chu trình phức tạp nhằm tạo ra sản phẩm hoàn tất bán ra có lời thì xứ nào đóng góp vào khâu trọng yếu nhất thì có lời cao nhất. Trong hoàn cảnh ấy, một nước đi sau và đang phát triển như Việt Nam có thể làm gì và nên làm gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Tôi nghĩ đến một bài học cơ bản và sơ đẳng là hãy nhìn vào một dự án
đầu tư để hiểu được tiến trình tuần tự tạo ra giá trị của sản phẩm hoàn
tất. Từ dự án đó, mình thấy ngay cái khâu nào là then chốt, yếu tố sản
xuất nào là có giá trị cao nhất. Đó là công nghệ hay thiết bị, là
nguyên vật liệu hay mẫu mã hay mạng lưới phân phối, v.v…?
Căn
cứ trên thực tế ấy, một quốc gia biết bảo vệ quyền lợi dân tộc sẽ phải
nghĩ đến việc tạo ra điều kiện cho người dân có thể lần lượt đóng góp
vào những khâu quan trọng hơn. Trước hết là qua giáo dục và đào tạo vì
là điều cần thiết mà chỉ có kết quả trong lâu dài nên càng phải khởi sự
sớm. Thí dụ như khi nhân công Việt Nam có tay nghề cao hơn, chuyên
viên Việt Nam có kiến thức bén nhạy hơn về sản xuất và tổ chức, thì
phần đóng góp của người Việt cũng bền vững và có giá trị hơn.
Chuyện
thứ hai và quan trọng không kém là nâng cao khả năng nhận thức của
người dân về lịch sử để thứ nhất là biết yêu nước và thứ hai là biết yêu
nước trong một thế giới toàn cầu hóa, là điều xưa nay chưa có.
Từ
đã quá lâu rồi, người Việt bị nhiễm độc bởi lý luận “yêu nước là yêu
xã hội chủ nghĩa” nên nay đang bị một nước xã hội chủ nghĩa anh em bóc
lột đến xương tủy mà lãnh đạo nín thinh còn nhân dân thì mơ mơ hồ hồ.
Thậm chí một ông tiến sĩ về canh nông của xứ này còn công khai nói là
nông dân của ta nên đội ơn các thương lái Trung Quốc vì họ mở ra thị
trường cho mình. Lý luận này có thể sai vì trình độ hiểu biết quá thấp,
y hệt như khẩu hiệu hồ đồ năm xưa của ông ta về “con tôm ôm cây lúa”.
Nhưng thật ra nó còn có dụng tâm triệt tiêu tinh thần dân tộc trong
khung cảnh kinh tế thị trường để đưa mối lợi qua Trung Quốc. Khi lãnh
đạo và chuyên gia mà như vậy thì Việt Nam rất khó bảo vệ quyền lợi của
mình. Vấn đề ấy nghiêm trọng hơn chuyện Hy Lạp của Âu Châu!
Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa [RFA]
Biểu tượng đồng tiền chung Châu Âu bên ngoài trụ sở ECB tại Đức. AFP photo
No comments:
Post a Comment