Nguyễn Thanh Giang - Báo An ninh Thế giới Giữa tuần vùa đăng bài “Về sự ngộ nhận của Giáo sư Ngô Bảo Châu”.
Cùng ngày, tựa đề của nó được đổi thành “GS Ngô Bảo Châu quá tùy tiện…
khi phát ngôn” để đăng lại trên báo Đất Việt. Hiện tượng đó chứng tỏ
rằng người ta muốn xác lập giá trị của bài bút chiến này trên báo Đảng.
Kể ra, tầm trí tuệ và văn hóa của bài viết đã tỏ ra có phần hơn một số
bài báo đã từng tham gia các chiến dịch hạ nhục, bôi bẩn các nhà bất
đồng chính kiến khác, trong đó có cả những bậc tiền bối cách mạng như
Nguyễn Hộ, Trần Độ …
Trong bài, tác giả Quý Thanh có những câu khả dĩ có thể tiếp nhận như: “Việt
Nam rất cần những anh hùng. Tuy nhiên, những anh hùng của thời hiện đại
không thể giống những Hector, Turnus hay Kinh Kha ngày trước. Cả thế
giới đang bước vào thời kỳ mà trí thức quyết định phần lớn những tiến bộ
trong xã hội. Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là những người
có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hóa và kỹ năng đối thoại với
thế giới” (1).
Đúng vậy, ngày
nay không nên có những anh hùng cơ bắp, với cái đầu mụ mị bởi những thứ
gọi là “chủ nghĩa” là “Đảng” để hết Cải cách Ruộng đất, phá đình chùa,
tiêu diệt công thương … lại dương cao khẩu hiệu “còn Đảng còn mình” sẵn
sàng dìm đồng bào mình trong “bể máu Thiên An Môn”.
So
với mong ước: “Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là những
người có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hóa và kỹ năng đối thoại
với thế giới” (1), Ngô Bảo Châu và Cù Huy Hà Vũ đều có những yếu tố
tương thích.
Để nghiêm túc và chặt
chẽ, thiết nghĩ chưa nên xưng tụng họ là những anh hùng, tuy nhiên hiển
nhiên rằng họ đã có những biểu hiện anh hùng, có hành động anh hùng.
Trước
hết, hãy xem anh hùng đã được định nghĩa là gì? Theo Đào Duy Anh: “Anh
là vua loài hoa, hùng là vua loài thú. Anh hùng là người hào kiệt xuất
chúng”. Theo Vương Thông: ”Anh là người tự biết mình, hùng là người tự
thắng mình”.
Ít ra, cả hai người này đều đã biết tự thắng mình.
Trong
lĩnh vực tóan học, Ngô Bảo Châu đã phấn đấu để trở thành “niềm tự hào
của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, GS là biểu tượng về mặt trí thông
minh cho một dân tộc”(1). Quý Thanh đã đánh giá như vậy, và nhắc nhở
rằng: “Cuộc sống thì rộng hơn toán học và mang nhiều những phức tạp
trong mỗi toan tính của con người”(1). Vậy mà, sao Ngô Bảo Châu còn dám
đa đoan với những vấn đề cuộc sống trong khi làm toán để đạt được mức
như Quý Thanh đánh giá tưởng đã phi thường. Chứng tỏ Ngô Bảo Châu đã dám
vượt lên chính mình nhiều nhiều lắm, bởi vì riêng toán học đã được xem
là vào loại khó nhất trong các môn học.
Hơn
thế nữa, Ngô Bảo Châu còn đã cố tự thắng mình. Tự thắng mình mà vượt
qua sự sợ hãi. Biết rằng Ngô Bảo Châu rất quan tâm đến điều này, biểu
hiện ở chỗ anh đã chọn tiêu đề “Về sự sợ hãi” để đặt tên cho cái mẩu ghi
chép về Cù Huy Hà Vũ.
Nhìn nhận “Về
sự sợ hãi” như một trọng điểm trong các vấn đề xã hội Việt Nam ngày nay
chứng tỏ NBC không chỉ là một nhà tóan học tài năng.
Sự
sợ hãi đã uy hiếp, đã tàn phá, đã ngăn trở xã hội ta rất đau lòng, song
thử hỏi mấy ai mà không sợ hãi cho được. Luật pháp có thể đưa con người
vào máy chém hay lên giá treo cổ; nhưng không, ở đây chỉ có chuyên
chính vô sản, vậy mà hơn thế, chuyên chính vô sản Trung Quốc đã từng cho
tổng bí thư Triệu Tử Dương của họ chết bó chiếu, CCVS Việt Nam thì bắt
ông tướng đã làm nên “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” đi lo việc
chị em sinh đẻ có kế hoạch ….
Ngô Bảo
Châu thì không sợ hãi những điều khủng khiếp đến thế có thể xẩy ra đối
với mình, Nhưng, sẽ còn đâu sự sủng ái mua chuộc gần như tuyệt đỉnh mà
người ta đã cho diễn ở đại hội trường Mỹ Đình, trên tivi, trên khắp các
trang báo Đảng. Thay vào đó, nhỡn tiền tạm thời là mấy bài báo này đã,
rồi ra, cha mẹ, anh em sẽ thế nào?!.
Sự
thực là Ngô Bảo Châu không đánh giá cao Cù Huy Hà Vũ, “không đặc biệt
hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ” (2) vì “Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không
thấy có tính thuyết phục đặc biệt”(2). Nhưng, NBC đã ví CHHV “Như Hector
người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước
Vệ” (2) chỉ vì “ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của
mình” (2). NBC cho rằng như thế tức là CHHV đã “thể hiện mình như một
con người không tầm thường” (2).
Chữ
nghĩa rành rọt, ý tứ chặt chẽ, diễn đạt chừng mực lắm chứ đâu có chuyện
“ngộ nhận”, đâu có chuyện “quá tùy tiện… khi phát ngôn” như nhà báo cố
tình thóa mạ.
Cái câu: “Dù sức mạnh bạo lực không còn được tôn vinh nhưng giá trị của nhân cách và trí tuệ vẫn là những yếu tố bất biến để tạo nên một anh hùng” (1) của QT chỉ đúng ở nửa sau. Vì sức mạnh bạo lực vẫn còn là định mệnh với những số phận mà CHHV dám công khai đương đầu một cách quyết liệt nên NBC xem đấy là hành động anh hùng, bất kể những dòng sau đây có đúng hay không:
“Nhìn
lại cả quá trình, Vũ chưa bao giờ biết hy sinh cho xã hội. Vũ kiên
quyết giữ căn nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội như một tài sản cá nhân thay
vì chấp nhận để Nhà nước xây dựng một phần thành Bảo tàng Xuân Diệu, một
công trình mang tính cộng đồng. Những đơn kiện chẳng giống ai chỉ là
những scandal nhằm đánh bóng tên tuổi Vũ. Chỉ khác với giới nghệ sỹ đánh
bóng mình trên sân khấu, Vũ đánh bóng mình trên vũ đài chính trị” (1).
Quý
Thanh chê trách NBC đã “quá tùy tiện” khi so sánh CHHV với mấy anh hùng
trong lịch sử: “So sánh ấy thật sự là một điều đáng tiếc cho hình tượng
của Hector, hoàng tử thành Troy, vua Turnus của người Rutuli hay tráng
sỹ Kinh Kha người nước Vệ. Những con người ấy trong tất cả những điều
kiện tương ứng của thời đại đã đạt tới tầm vóc của anh hùng nhờ vượt lên
những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Kể cả ham muốn sống với họ cũng
trở thành nhỏ bé khi đi đến cùng những giá trị tinh thần của mình” (1).
Sự thưc, họ không lý tưởng đến thế đâu.
Ban
đầu Hector không tán thành cuộc chiến giữa người Hy Lạp và dân thành
Troia. Khi thất trận Hector đã cúi mình xin Achilles đừng làm nhục xác
mình, mà trao trả cho vua Priam để mong được an táng theo đúng nghi lễ
và ngõ hầu được đời sau phúng viếng, nhưng đã bị Achilles từ chối.
Kinh
Kha thì là người nước Vệ, nhưng đã bất mãn rời bỏ quê hương vì không
được vua Vệ trọng dụng. Tới nước Yên ông đánh bạn với Cao Tiệm Ly và một
người bán thịt chó, cùng nhau uống rượu và ca hát suốt ngày. Đến khi
được thái tử Đan nước Yên cử đi ám sát Tần Thuỷ Hoàng, Kinh Kha đã
thuyết phục Phàn Ư Kỳ tự sát để không bị Tần Thủy Hoàng lấy đầu. Lấy cớ
dâng đầu Phàn Ư Kỳ, Kinh Kha đã có cơ hội tiếp cận và đâm Tần Thuỷ
Hoàng. Vì đâm trượt, Kinh Kha bị Tần Thủy Hoàng chém gẫy tay rồi bị lính
Tần giết chết.
Trở lại bài viết của NBC. Rất ngắn gọn, NBC chỉ ra rằng CHHV phải đối mặt với số phận vì “Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết” (2). Quả vậy, đối diện với những tình huống, những con người như vậy thì nguy hiểm vô cùng chứ. Bắt người bằng hai bao cao su, xử án bằng “quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng” thì đúng họ là những kẻ cố cùng rồi còn gì, mà dân gian thì đã bảo ”Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”.
Đối với Quý
Thanh, có thể xem là không chính xác và hơi nhảm nhí khi nhà báo lên
giọng châm chích, bảo ban: “Trong khi đó hơn một nửa cuộc đời mình GS
Ngô Bảo Châu làm việc, học tập và nghiên cứu ở châu Âu. Lĩnh vực chuyên
môn và chắc chắn cũng là lĩnh vực GS dành nhiều thời gian nghiên cứu
nhất là toán học. …. Phải sống trên chính đất nước của mình, thấu hiểu
từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người mới hiểu
phần nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ” (1).
Có
phải cứ “Phải sống trên chính đất nước của mình ” thì “mới hiểu phần
nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ” ở đây?. Trong thời đại
thông tin, với cái đầu “nobel tóan học” lại đã từng sống nửa quãng đời
trên đất mẹ, ai có thể đặt đúng được cái bất đẳng thức về mức “hiểu phần
nào thực tại đang diễn ra” giữa NBC và QT. Huống chi, người thì tỉnh
táo, khách quan; người thì bị đeo cái lăng kính “Định hướng XHCN”.
Tuy
nhiên, có thể khen thêm Quý Thanh về một câu viết rất đúng: “Hệ quả là
chính GS (Ngô Bảo Châu) cũng được biến thành một kiểu biểu tượng về trí
tuệ uyên bác trên các diễn đàn. Là một tài năng trong lĩnh vực toán học,
GS đã được đám đông mặc định như một trí tuệ ở một ngạch khác bao trùm
hơn: hình ảnh của GS đã trở thành một cái gì đó hao hao như một nhà
triết học, một nhà chính trị học, một nhà xã hội học có khả năng phán
xét đúng sai cho mọi vấn đề trong cuộc sống Việt Nam (1).
Hơn
một nhà tóan học tài năng, một nhà triết học, một nhà chính trị học,
một nhà xã hội học, NBC đã biết công khai thét lên lời của một công dân
yêu nước chân chính: “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng
khó mà làm hơn mấy ông bà này” (2).
Và
dõng dạc phán quyết như một lãnh tụ: “Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai
cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc.
Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả
năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ.
Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công
tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương
pháp bảo vệ chế độ”(2).
Hà Nội, 14 tháng 5 năm 2011
© Nguyễn Thanh Giang
© Đàn Chim Việt
Ghi chú:
(1) Quí Thanh - GS Ngô Bảo Châu quá tùy tiện… khi phát ngôn
(2) Ngô Bảo Châu – Về sự sợ hãi
No comments:
Post a Comment