Friday, September 30, 2011

Đảng là ai mà khờ thế?



Phạm Trần “...Nhưng tại sao lại phải qụy lụy để “trước sau như một”, cam kết “sẵn sàng” và “không ngừng nỗ lực” với những kẻ chỉ vài ngày trước đó đã vô nhân đạo sử dụng vũ khí tấn công và toan tính nhận chìm hai thuyền đánh cá của ngư dân Tỉnh Qủang Ngãi trên Biển Đông?...”

 Hầu như chuyện gì ở Việt Nam có dính tới Trung Cộng cũng bị cấm không cho đụng tới, kể cả khi dân muốn biểu tình chống Tàu âm mưu xâm chiếm lãnh thổ và chống Lao động Tàu vào cướp cơm của dân.

Nếu có ai thắc mắc thì được trả lời: Đã có đảng và nhà nước lo, người dân không nên có hành động làm phương hại đến mối quan hệ “đồng chí anh em” giữa hai nước Việt-Trung.

Có lắm chuyện tồi tệ khiến người dân “muốn tung hê chửi thề”, tỷ dụ như khi nhà nước ra lệnh cho các báo không được đăng tin dưới dây, hoặc đã lỡ đăng thì phải gỡ xuống:

“Ngày 26/9, Trạm Biên phòng cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), cho biết lúc 13 giờ ngày 24/9, Trạm ICom thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã nhận được thông tin 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu nước ngoài tấn công.

Hai tàu cá đó là QNg 95337TS do ông Trương Văn Đức làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu và QNg 95850 TS do ông Trương Tài làm chủ.

Được biết, hai tàu cá trên chạy vào trú bão tại đảo Trụ Cẩu (khu vực quần đảo Hoàng Sa Việt Nam) đã bị một tàu chiến nước ngoài xua đuổi, buộc 2 thuyền trưởng phải cho tàu chạy ra khỏi khu vực đảo Trụ Cẩu.

Khi chạy được 30 hải lý thì tàu chiến này tiếp tục đuổi theo, đâm vào thân tàu cá, bơm nước vào tàu, bắn đạn qua tàu cá làm cháy cabin, cháy bộ đàm…

Hiện nay, 2 tàu cá trên đang chạy vào đất liền tránh bão số 4” (V.Mịnh, Báo Người Lao Động On Line)

Chi tiết hơn Báo Bưu Điện Việt Nam trích dẫn lời kể của ngư dân:

“Cùng với việc dùng súng bắn, suốt khoảng 4 giờ đồng hồ, chiếc tàu chiến nước ngoài chạy áp sát bên hông và dùng chất gây cháy bắn sang tàu cá của ngư dân.

Vào khoảng 8h, ngày 26/9, chiếc tàu cá do ông Bùi Hát (SN 1975), ở thôn Châu thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi làm thuyền trưởng cũng đã cập bến Sa Kỳ an toàn, sau gần 2 ngày đêm bị tàu chiến lạ đuổi bắn và trốn chạy trong sóng dữ.

Theo lời thuyền trưởng Hát, thì vào khoảng 9h, ngày 24/9, khi tàu đến neo đậu cách đảo Trụ Cẩu-Hoàng Sa khoảng 12 hải lý, để nghỉ ngơi, một số ngư dân đang ngồi ăn mì tôm phát hiện một chiếc tàu chiến tấn công nên vội vàng kéo neo bỏ chạy.

Thế nhưng chỉ vài phút sau đó, chiếc tàu chiến đã chạy đến sát bên và dùng súng bắn như liên tiếp về phía tàu.
Qua khe cửa ca bin, ngư dân thấy rất nhiều người đứng lố nhố trên boong, mặt đằng đằng sát khí.

Sau khoảng 4 giờ vừa chạy kẹp một bên hông, vừa bắn, đến khoảng 12 giờ, thì tàu chiến không bắn nữa, mà chỉ chạy kèm đuổi về phía bờ.

Còn thuyền trưởng Trương Văn Đức (SN 1974) kể, không những bắn đạn, mà tàu chiến còn bắn chất gây cháy và sử dụng vòi nước để xịt sang tàu.

Sau khi bắn và đuổi 2 tàu chạy khỏi đảo Trụ Cẩu-Hoàng Sa khoảng 40 hải lý, đến 16 giờ cùng ngày, thì chiếc tàu chiến mới bỏ đi. Rất may là không ngư dân nào bị thương vong, còn tàu chỉ bị hư hỏng nhẹ.” (Báo Bưu Điện Việt Nam)

Đáng chú ý là cả hai bài báo đều không dám nói chiếc tàu ám hại ngư dân Việt là tàu của Trung Cộng mà chỉ viết bâng quơ là “tàu chiến lạ” hay “ tàu chiến nước ngoài”, vậy mà vẫn bị gỡ xuống sau vài giờ xuất hiện vội vàng. Các báo khác đăng lại tin này, kể cả tờ Sài Gòn Giải Phóng, tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải tháo xuống coi như chẳng có chuyện gì xẩy ra.


Hình ảnh nhục này đến bao giờ mới chấm dứt?
Nhưng đảng và nhà nước đã “lo” vụ này như thế nào?

Ngoài hành động trắng trợn phủi tay vô trách nhiệm với dân để che đậy tội ác cho lính Tàu, nhà nước Cộng sản Việt Nam còn chứng minh sự nhục nhã khác của lực lượng Biên phòng và Hải quân Việt Nam khi không dám đem tàu và binh lính ra cứu dân vả trả đũa lại quân Tàu xâm lược hung ác không coi mạng sống của ngư dân Việt Nam ra gì.

Nhục chồng chất lên nhục

Không những thế, chính phủ Việt Nam còn dại dột khi xác nhận Trung Cộng là chủ nhân của Quần đảo Hoàng Sa qua hành động ngoại giao vong nô khi công khai van xin Trung Cộng cho phép ngư dân Việt Nam vào Hoàng Sa tránh hai cơn bão giết người số 4 và số 5.

Một đoạn trong bài viết của Báo điện tử VTC News xuất bản tại Hà Nội ngày 26/09/2011 đã thể hiện cái tâm địa nhục nhã này của nhà cầm quyền Việt Nam: “Cùng với đó, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã có Công hàm gửi Đại sứ quán Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Hà Nội đề nghị giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để 23 tàu cá của Quảng Ngãi và 12 tàu cá của Quảng Nam vào trú, tránh bão ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và lên bờ khi cần thiết; giúp hỗ trợ, cứu chữa người và sửa chữa tàu thuyền trong trường hợp gặp sự cố.

Hiện 12 tàu của Quảng Nam đang trú tránh ở các đảo khu vực quần đảo Hoàng Sa (5 tàu ở đảo Bạch Quy, 4 tàu ở đảo Trung Sa, 3 tàu ở đảo Bông Bay); 23 tàu của Quảng Ngãi đang trú tránh quanh các đảo Trụ Cẩu, Đá Lồi và Bông Bay.”

Cùng mang tâm trạng tự tay dâng đất của Tổ tiên cho Tàu, theo Báo điện tử Khoa học Đời sống (Bee.net.vn) thì: “Chiều 26/9, ông Lê Viết Chữ, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam can thiệp với các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc để ngư dân Quảng Ngãi còn ở trong vùng nguy hiểm có thể tìm nơi tránh bão gần nhất, đảm bảo tính mạng và tài sản cho ngư dân.

Theo ông Chữ, tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa tính đến chiều ngày 26/9, còn 23 tàu thuyền với 335 lao động đang neo tránh trú bão tại các hòn đảo ở Hoàng Sa”.

Ô hay, như vậy là Hoàng Sa không còn là của Việt Nam nữa hay sao mà cả Bộ Ngoại giao và Phó Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã bảo nhau xin Tàu cho ngư dân vào lánh nạn ở Hoàng Sa?

Như vậy thì còn trách gì mỗi khi có cuộc nói chuyện chủ quyền biển đảo với Trung Cộng thì các viên chức Tàu đã xua tay bảo phía Việt Nam chịu khó về nhà đọc lại Bức Công hàm ngày 14/09/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhìn nhận chủ quyền của Tàu trên hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Chẳng nhẽ những kẻ có học như Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngọai giao và Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngọai Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam lại không biết xin Tàu như vậy là đương nhiên xác nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên Hòang Sa rồi chăng?

Tất nhiên việc tìm cách bảo vệ sinh mạng cho ngư dân là việc phải làm bằng mọi giá, nhưng khi xin người Tàu cho phép ngư dân của mình vào lánh nạn trên vùng đảo và biển mà mình vẫn khẳng định có “chủ quyền bất di bất dịch” thì nhà nước Việt Nam có nghĩ đến tác hại về chính trị sẽ lớn như thế nào sau cơn bão?

Miệng lưỡi bò hay lưỡi rắn?

Trong khi lính Tàu đuổi bắn ngư dân Việt trên Biển Đông thì những miệng “lưỡi rắn” ngoại giao của Bắc Kinh vẫn nói chuyện tình nghĩa láng giềng dẻo quánh theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”).

Chẳng những thế, chiều ngày 12/09/2011, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Khổng Huyễn Hựu đã “khẳng định việc không ngừng củng cố và phát triển tình hữu nghị truyền thống Trung Quốc-Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác chiến lược toàn diện hai nước là phương châm nhất quán của Đảng, chính phủ Trung Quốc, phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và thế giới”. (Tin Bộ Ngọai giao Việt Nam)

Tin này cũng viết: “ Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc”.

Và tại cuộc họp ở Liên Hiệp Quốc (24-09-011), Bộ trường Ngọai giao Dương Khiết Trì của Trung Cộng cũng nói ngọt sớt với Bộ trưởng Ngọai giao Việt Nam, Phạm Bình Minh rằng: "Về vấn đề liên quan đến Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), hai bên cần xử lý các mối quan hệ trên bình diện chiến lược, giải quyết bất đồng, tích cực thực hiện Tuyên bố về cách Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy hợp tác thiết thực."

Phạm Bình Minh đã đáp lễ: “Việt Nam sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước…Việt Nam sẵn sàng nỗ lực cùng với Trung Quốc để xử lý các tranh chấp trên Biển Đông”. (Theo Tân Hoa Xã của Bắc Kinh).

Lời lẽ nhũn như con sên của Việt Nam còn được tiếp tục với lời nói của Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trong buổi tiếp tân mừng Quốc Khánh Trung Hoa (01/10/2011) của Đại sứ Tàu Khổng Huyễn Hựu tại Hà Nội.

Theo Bộ Ngọai giao Việt Nam thì ông Quân đã “ thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, gửi tới Đảng, Chính Phủ và nhân dân Trung Quốc lời chúc mừng nhiệt liệt nhất nhân ngày lễ trọng đại của nhân dân Trung Quốc.

Đề cập đến quan hệ hai nước, ông Quân nhấn mạnh: “Thời gian qua, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt tiếp tục có những bước phát triển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực… Hai bên đã thực hiện tốt 3 văn kiện quản lý biên giới trên đất liền, góp phần xây dựng biên giới Việt-Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác, tạo cơ sở để hai nước giải quyết các vấn đề trên biển”.

Tin của Bộ Ngọai giao Việt Nam viết tiếp: “Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm hữu nghị và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời mong muốn cùng với Đảng, Chính phủ Trung Quốc phấn đấu đưa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển tốt đẹp, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phồn vinh của khu vực và trên thế giới.”

Những lời nói “vuốt râu hùm” của ông Phạm Bình Minh và ông Nguyễn Quân sẽ đem lại ích lợi gì cho Việt Nam trong tương lai thì chưa thấy, nhưng thực tế đã thấy quân Tàu không coi Việt Nam ra gì.

Về lĩnh vực ngọai giao cho thấy Bắc Kinh không thèm để ý đến những chuyến sang họp hội tại Bắc Kinh với đối tác Trung Cộng của hai Phái đòan quân sự Việt Nam trong thời gian hai tháng 8 và 9 (2011) do ông Nguyễn Chí Vịnh, Trung tướng, Thứ trưởng Quốc phòng cầm đầu và phái đòan Cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam do Ngô Xuân Lịch, Trung tướng hướng dẫn.

Cả hai đòan này đã phải nghe những giọng điệu lên mặt của phía Trung Cộng như ông Vịnh phải cam kết sẽ dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Hoa của người dân Việt Nam.

Trong khi ông Lịch thì hứa: “Quân đội nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ mối quan hệ Việt – Trung “vừa là đồng chí, vừa là anh em”; mãi mãi ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Trung Quốc trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam. Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Việt Nam sẽ làm hết sức mình để giữ gìn và phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị láng giềng anh em giữa Việt Nam và Trung Quốc lên tầm cao mới…Việt Nam luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại đoàn kết, gây chia rẽ hai nước Việt Nam-Trung Quốc của các thế lực thù địch”.

Sau cùng là những lời chúc và cam kết của phiá Việt Nam trong điện mừng 62 năm Quốc khánh Trung Cộng ngày 01/10/2011 (01/10/1949 – 01/10/2011).

Theo tin của Thông tấn xã Việt Nam viết ngày 29/09/2011 thì điện mừng không những chỉ có tên ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng mà còn có cả ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nước, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng và ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội.

Bức điện viết: “Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Trung Quốc đạt được trong 62 năm qua, đặc biệt là trong hơn 30 năm tiến hành cải cách mở cửa; bày tỏ vui mừng trước sự phát triển không ngừng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức quý trọng tình hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc anh em và sẵn sàng cùng phía Trung Quốc không ngừng nỗ lực để củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước”.

Nhưng tại sao lại phải qụy lụy để “trước sau như một”, cam kết “sẵn sàng” và “không ngừng nỗ lực” với những kẻ chỉ vài ngày trước đó đã vô nhân đạo sử dụng vũ khí tấn công và toan tính nhận chìm hai thuyền đánh cá của ngư dân Tỉnh Qủang Ngãi trên Biển Đông?

Những ngư dân vô tội này họat động trên vùng biển của Tổ tiên để lại đã bị Tàu võ trang của Trung Cộng đuổi bắn trong suốt 2 ngày đêm trên Biển Đông thì tình nghĩa “môi hở ranh lạnh” hay “đồng chí anh em” giữa Bắc Kinh và Hà Nội có còn nghĩa lý gì không, hay chỉ có những kẻ cứ há mồm ra là bảo “đã có Đảng lo” mới còn ngu ngơ tin rằng “sau cơn mưa trời lại sáng” ?

Phạm Trần
09/2011


http://ethongluan.org/component/content/article/712-dang-la-ai-ma-kho-the.html

No comments:

Post a Comment