Tuesday, August 30, 2011

Trung Quốc dự trù hợp pháp hóa việc giam giữ bí mật

Trọng Nghĩa (RFI) - Một số đề nghị sửa đổi luật hình sự tại Trung Quốc cho phép công an quyền quản thúc nghi can tại một nơi bí mật đang tạo ra nhiều lo ngại. Giới bảo vệ nhân quyền sợ rằng điều này sẽ hợp pháp hóa các hành động giam giữ bí mật các nhà đấu tranh dân chủ hay những người bất đồng chính kiến.


Theo tiết lộ của tờ Luật pháp Nhật báo số ra tuần này, trong khuôn khổ cải tổ bộ luật tố tụng hình sự đang được tiến hành, nhiều điều khoản sửa đổi luật lệ về quản thúc tại gia đã được đề xuất. Theo các đề nghị này, công an sẽ được phép cầm giữ nghi can tại một địa điểm bí mật, trong những trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, khủng bố và tham nhũng lớn.


Các tổ chức nhân quyền ở Hồng Kông kêu gọi Trung Quốc
trả tự do cho luật sư Cao Trí Thịnh (Reuters)

Công an có quyền tiến hành việc giam giữ bí mật này nếu xét rằng việc quản chế nghi can tại nhà của đương sự có khả năng “cản trở” công cuộc điều tra. Tuy nhiên quyết định này cần phải được một công tố viên hay một cơ quan an ninh chấp thuận. Công an không cần phải liên lạc với thân nhân của nghi can để thông báo nơi giam giữ nếu thấy rằng điều đó tác hại đến cuộc điều tra.

Giới bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc vào hôm nay, 27/8/2011 đã lập tức lên tiếng tố cáo chủ trương hợp pháp hóa các vụ “một cá nhân đột nhiên mất tích”. Ông Joshua Rosenzweig, người điều hành một tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Hồng Kông mang tên Trung Mỹ Đối thoại Cơ kim hội (Dui Hua) đã nhận xét như sau khi trả lời hãng tin Pháp AFP: “Nếu đề xuất này biến thành luật, điều đó sẽ hợp pháp hóa những vụ ‘mất tích bắt buộc’ đã ngày càng trở nên thường xuyên hơn trong thời gian gần đây”.

Theo ghi nhận của hãng tin AFP, trong những tháng gần đây ở Trung Quốc, đã có hàng chục luật sư và nhà bất đồng chính kiến ​​đã bị bắt giữ hoặc đột nhiên "mất tích" trong khuôn khổ một chiến dịch đàn áp ly khai dữ dội nhất từ nhiều năm nay.

Điển hình của các trường hợp này là vụ nghệ sĩ nổi tiếng Ngải Vị Vị. Ông đã đột nhiên mất tích, và chỉ được thả vào tháng Sáu vừa qua, sau 3 tháng bị giam giữ bí mật. Ngoài ra, nhiều nhà ly khai thường bị cầm giữ nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng tại các địa điểm bí mật trước khi được thả ra mà không hề bị truy tố. Nhưng có người, như luật sư Cao Trí Thịnh, đã bị mất tích hẳn từ tháng tư năm 2010 đến nay.

T.N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

No comments:

Post a Comment