Wednesday, August 31, 2011

Thư gửi ông Tổng Biên Tập báo An Ninh Thủ Đô

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ( Blog Mẹ Nấm ) Thưa ông Tổng biên tập,
Trước hết, xin gửi tới ông lời chào cùng lời chúc sức khỏe, hạnh phúc an khang.
 
Với tư cách của ông là tổng biên tập một tờ báo ngành, thuộc sở Công an Hà Nội, những vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ, tôi không có ý nhận xét hay góp ý trong nội dung của lá thư này. Điều thôi thúc tôi viết thư gửi ông hôm nay xuất phát từ bài báo “Hãy tỉnh lại” được đăng dưới bút danh Nguyễn Việt ngày 25/08/2011 trên báo An ninh Thủ đô. Bài báo nói gì, ông đã rõ. Tôi chỉ muốn trao đổi với ông vài điều sau đây bởi nó có liên quan trực tiếp đến tôi.
 
Thưa ông,
Bài báo nhắc đến tôi dưới một nickname (Mẹ Nấm) – tức tên của một blog và chủ blog đó chính là tôi. Nickname là một cái tên ảo trên mạng. Nhưng ngoài đời phải có một người thật, cũng như một tác giả bài báo nào đó có bút danh thì ngoài đời phải có một phóng viên hoặc một cộng tác viên thật.

Việc báo ANTĐ nhắc đến tên tôi dưới dạng nào đi chăng nữa cũng chỉ đúng cá nhân tôi ngoài đời. Vì vậy, tôi nghĩ mình nên cảm ơn ông và bản báo đã nhắc tên. Ít nhất trong trường hợp này nhờ bản báo mà thêm một số người nữa biết đến tên tôi. Thời buổi này, chuyện được quảng cáo không mất phí trên một tờ báo to như thế đâu phải là chuyện dễ dàng. Một tờ báo cớ “An Ninh Thủ đô”, “top five” đã nhắc tên là không phải chuyện nhỏ,tôi nghĩ vậy.

Vậy, việc được nhắc tên ở đây chủ yếu nhằm mục đích gì, tôi có vài thắc mắc muốn gửi ông.

Thứ nhất, các ông lý giải về vấn đề “yêu nước như thế nào cho đúng”. Tôi nghĩ, đã yêu nước mà phải đúng cách thì chữ “yêu” đó nó có nghĩa như thế nào ông nhỉ?
Ngày xưa, đối với bậc quân vương, thần dân phải lấy chữ “trung” để thờ để đối xử.

Có thể phân định chữ “trung” ở dạng “ngu trung” hay “minh trung” còn có lẽ. Đằng này, bây giờ yêu nước phải có “cách yêu” như các ông “hướng dẫn” trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo tôi, nó thật là vô lý. Có ai hỏi lý do của một chữ “yêu” bao giờ? Tôi yêu nước, xin đừng hỏi tại sao, bởi hành vi đó, tinh thần đó đã giải thích hết mọi cái “tại sao” rồi thưa ông!

Thoạt đầu, các phương tiện truyền thông cũng như bài báo “Hãy tỉnh lại” nói rằng:”Quần chúng biểu tình chống sự xâm lược của Trung Quốc là tự phát, là xuất phát từ tinh thần yêu nước”.

Không những cá nhân tôi mà nhân dân cũng đồng ý với nhận định này. Nhưng sau đó thì sao? Có lập luận lật lọng rằng “hành vi biểu tình là do các tổ chức phản động và các thế lực thù địch xúi giục, kích động”. Tôi nghĩ, nếu ai xúi giục kích động được lòng yêu nước thì cũng đáng nể chứ. Nhưng không ai nói như thế bao giờ. Không lẽ cái gì cũng áp đặt, cũng xúi giục kích động được sao?

Yêu nước mà phải đợi kích động thì có quá buồn cho một dân tộc không thưa ông?
Tôi tham gia biểu tình cũng xuất phát từ tinh thần yêu nước. Tự cá nhân tôi bảo đảm với ông điều đó. Ông và cộng sự có bằng chứng nào cụ thể, thuyết phục, khẳng định rằng tôi bị kích động không? Hoặc các nhân sỹ trí thức bị kích động? Tôi tách riêng tôi với nhân sỹ trí thức, bởi tôi với họ có giống nhau về tinh thần và hành động nhưng tôi chưa phải là trí thức, chúng tôi chỉ có điểm chung là: Yêu nước!

Thứ hai, việc bài báo cho rằng tôi hô hào, kích động biểu tình. Xin nói với ông rằng, nếu tôi kích động được lòng yêu nước, tình yêu quê hương, trân trọng thành quả của cha ông, thì tôi nghĩ rằng, tôi lấy làm mãn nguyện. Có lẽ nền giáo dục hiện nay cũng khó làm được điều này, nếu với cách như hiện tại thưa ông, vậy thì lý do gì không mừng cho tôi?

Nhưng vấn đề ở đây là các ông chụp cho tôi cái mũ “phản động” bằng cách dẫn nhập ngôn từ khéo quá. Tôi không nghe ai để mà hô hào bà con biểu tình, làm mất trật tự an ninh nơi công cộng. Tôi không dại gì mà gây rối hoặc tổ chức “tụ tập bất hợp pháp” hay lôi kéo người này người nọ bằng những bài viết hay lời kêu gọi ở bất cứ phương tiện truyền thông nào. Vấn đề các ông nêu trên mặt báo là “quần chúng tự phát” sao lại gán ghép cho tôi tội “xúi giục kích động” và quần chúng bị lôi kéo bởi các tổ chức phản động và thế lực thù địch. Có mâu thuẫn quá không?

Nhân đây, tôi cũng muốn rõ ràng với ông vài vấn đề nữa.

Việc nhà nước có chủ trương đường lối ngoại giao đúng đắn để bảo vệ chủ quyền. Chuyện này, nếu tôi có đủ trình độ nhưng trách nhiệm và quyền hạn không cho phép chẳng hạn, tôi cũng chẳng dại mà nói lên để ảnh hưởng đến cá nhân một cách bất đắc dĩ. Nhưng, ở đây sự mập mờ quan điểm của nhà nước và biểu hiện là kết quả của những chuyến “ngoại giao con thoi” không làm cho nhân dân – là tôi – yên tâm.

Tôi là người viết blog, tôi có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân. Và quan điểm của tôi cũng trùng với số đông người thì có gì là sai? Họ đồng tình là vì họ thấy đúng hoặc đồng quan điểm, sao lại gán cho tôi cái tội lôi kéo, hô hào? Họ ý thức được vấn đề họ đồng ý hay phản đối chứ? Nếu tôi lôi kéo được họ, thiết nghĩ tôi cũng có những khả năng nhất định đấy chứ, phải không thưa ông? Nhưng vấn đề ở đây rõ ràng không phải là như vậy. Ngay cả ý kiến của các đại biểu quốc hội ở nghị trường, dẫu đúng đôi khi có được chấp thuận đâu?

Hoặc, quyết định của đảng có thể sai nhưng ai dám cãi? Vì vậy, tôi khẳng định mình chưa đủ mọi điều kiện để làm cái việc mà các ông gán ghép chụp mũ đó.
Điều nữa tôi muốn nói thẳng thắn với ông, những gì tôi viết, tôi nói là chính danh.

Tôi không mượn danh, cũng không núp dưới danh nhân dân để lấy sự đồng cảm hay mong muốn tăng sự thuyết phục như các phương tiện truyền thông phổ biến hiện nay. Tôi ý thức được vấn đề và hoàn toàn tư duy độc lập với đầy đủ ý thức của một công dân trưởng thành và có giáo dục. Có thể còn những khiếm khuyết về mặt nhận thức xã hội, bởi tôi là người bình thường. Sự hạn chế nhận thức là không tránh khỏi, bù lại tôi luôn cố gắng trau dồi nhận thức để thay đổi.

Thưa ông, tôi chỉ muốn trao đổi với ông vài điều nho nhỏ nhưng có ảnh hưởng trực tiếp tới tôi. Việc ảnh hưởng như thế nào, cụ thể là tù bài báo nói trên, ông rõ hơn ai hết. Quan điểm có thể khác biệt, nhưng tình yêu với Tổ quốc thì ai cũng giống nhau dù cách thể hiện không giống. Vì vậy, tôi nghĩ, ông và các cộng sự của mình, đừng bao giờ tạo ra lằn ranh giữa những người yêu nước với nhau. Ai sẽ đắc lợi từ chuyện này hẳn ông rõ hơn tôi nhiều.

Một lần nữa, kính chúc ông và cộng sự sức khỏe. Hoàn thành xuất sắc công việc của cá nhân cũng như tập thể.

Cảm ơn ông đã bớt thời gian đọc thư. Nhân đây, tôi muốn nhờ ông chuyển tới phóng viên Nguyễn Việt bài viết “Đấu tố thời @” của tôi, được đăng, trước khi ông cho xuất bản bài báo “Hãy thức tỉnh” nói trên.

Xin cám ơn ông.

Trân trọng,
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

No comments:

Post a Comment