LTS: Bài viết
“Thoát Trung Luận” của tác giả Giáp Văn Dương đang gây tranh luận khá
sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Đàn Chim Việt vừa đăng tải bài phản biện của tác giả Phạm Hồng Sơn, để tiện cho bạn đọc theo dõi, chúng tôi xin tải bài viết này về trang nhà.
Thời
gian gần đây, khi thảo luận về những nguy cơ đối với nước ta trước sự
trỗi dậy của Trung Quốc, về lựa chọn mô hình phát triển cho Việt Nam, về
tình hình tranh chấp Biển Đông …, một số người thuộc giới trí thức
trong và ngoài nước, dù chưa chính thức, cũng đã ít nhiều đi đến một
nhận định chung: Cần thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc!
Tuy
nhiên, nhận định này chưa bao giờ được viết ra một cách mạch lạc, có hệ
thống, và dường như chỉ mới dừng ở mức trực giác. Vì thế, một bài luận
nhằm phân tích rõ ràng về nhận định quan trọng này là cần thiết.
*
* *
Tư
tưởng thoát khỏi Trung Quốc thực ra không hề mới. Lịch sử nước ta có
thể được diễn giải tương đối đầy đủ dưới góc nhìn thoát Trung. Phần lớn
các cuộc khởi nghĩa, các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong suốt
chiều dài lịch sử của dân tộc ta đều mang trong mình một thông điệp nóng
hổi: Thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc!
Sự
kiện dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa và giành lại được độc lập sau
gần một nghìn năm Bắc thuộc là một sự kiện hy hữu trên thế giới. Đó là
kết quả của một quá trình thoát Trung bền bỉ kiên trì. Sau khi giành
được độc lập, quá trình này được tiếp nối không chỉ ở các cuộc kháng
chiến vệ quốc, mà còn ở các nỗ lực giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa ở các triều
đại sau này.
Khi còn nhỏ, tôi đã
từng ngạc nhiên khi đọc bài hịch của vua Quang Trung khích lệ tướng sĩ
trước khi ra trận: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để răng đen…”. Tôi đã
tự hỏi, vì sao nhà Vua không chọn những biểu tượng lớn lao hơn mà lại
chọn những điều nhỏ nhặt như vậy để động viên quân sĩ? Nhưng càng ngày
tôi càng thấm thía: Đó là lòng kiên định của tổ tiên nhằm thoát khỏi
vòng kiềm tỏa của nền văn hóa Trung Hoa, ngay từ những việc nhỏ nhất.
Ý
thức vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này là thường trực. Tuy nhiều lúc bị
chao đảo bởi sự tấn công mạnh mẽ đến từ phương Bắc, nhưng mỗi khi cần
đến thì ý thức vùng thoát này lại bùng lên dữ dội. Nỗ lực xây dựng chữ
viết riêng cho dân tộc như chữ Nôm của cha ông, và gần đây nhất là việc
toàn dân đồng loạt chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, là minh chứng rõ
ràng cho sự vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này.
Riêng
với việc chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, có thể nói, đây là một cuộc
thoát Trung ngoạn mục. Thành quả của nó thật đáng nể: Số người biết đọc
biết viết tăng lên gấp bội, số lượng văn bản sử dụng chữ quốc ngữ chỉ
trong một thời gian ngắn đã tăng lên gấp nhiều lần so với số văn bản chữ
Nho của toàn bộ lịch sử nước ta trước đó. Cũng chính nhờ chữ quốc ngữ
mà về mặt hình thức, ngôn ngữ của chúng ta đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa
của tiếng Hán. Tỷ như đến giờ phút này, nước Việt ta vẫn dùng chữ Nho để
viết và giao tiếp với thế giới, thì đối với họ, ta có khác nào một quận
huyện của Trung Quốc? Ta sẽ gặp khó trong việc thuyết phục họ rằng, ta
là một quốc gia độc lập, có ngôn ngữ và văn hóa riêng.
Tên
gọi của nước ta cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Đằng sau mỗi cái
tên đều là một lời nhắn nhủ hoặc một mong đợi sâu thẳm. Ông cha ta đã
chọn hai chữ Việt Nam để đặt làm tên nước. Việt Nam có nghĩa là tiến về
phương Nam. Điều này có nghĩa là gì? Chỉ có thể cắt nghĩa: Tiến về
phương Nam để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người phương Bắc. Đó là di
lệnh của tổ tiên cho các thế hệ con cháu người Việt Nam mình.
Như
thế, tổ tiên chúng ta bằng kinh nghiệm và trực giác, thông qua cách
chọn tên nước, đã di lệnh cho con cháu: Muốn tồn tại thì phải tiến về
phương Nam, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người phương Bắc. Lịch sử mở
nước của chúng ta trong thời cận đại có thể được hiểu là gì khác hơn
việc thực hiện di lệnh của tổ tiên mình?
Nhưng
điều không may cho chúng ta là nền văn hóa Trung Hoa có sức ảnh hưởng
quá lớn. Nó như một đại nam châm hút các dân tộc xung quanh về phía
mình. Nên dù luôn có ý thức vùng thoát khỏi ảnh hưởng của người Trung
Quốc, dù đã được cha ông di lệnh kỹ càng, thì lịch sử của Việt Nam luôn
là sự giằng xé giữa hai luồng vận động: Vùng thoát khỏi Trung Quốc và
chầu về Trung Quốc.
Sở dĩ có sự giằng
xé này là vì, trong suốt thời phong kiến, do sự hạn chế của phương tiện
giao thông, thế giới bên ngoài đối với nước ta dường như chỉ có một
mình Trung Quốc. Khi người của ta chưa đủ đông, kinh tế của ta chưa đủ
mạnh, văn hóa của ta chưa đủ trưởng thành, thì việc chịu ảnh hưởng của
văn hóa Trung Hoa cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng
ngày nay, thời thế đã đổi thay. Một em bé sinh ra ở một vùng quê hẻo
lánh cũng có đủ thông tin để biết rằng, thế giới không chỉ có một mình
Trung Quốc. Thế giới còn có nhiều nền văn hóa khác, mang nhiều giá trị
tiến bộ hơn, đáng học hỏi hơn nền văn hóa Trung Hoa, đến mức bản thân
người Trung Quốc cũng phải mau mau thay đổi để học hỏi những điều tiến
bộ này. Trên thực tế, những vùng nào của Trung Quốc gỡ bỏ được một phần
văn hóa Trung Hoa truyền thống để du nhập các giá trị văn hóa phương Tây
như các Hồng Kông, Đài Loan… thì đều phát triển vượt bậc so với những
phần còn lại của Trung Quốc lục địa.
Nhiều
nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng đã tìm cách
thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thành công và trở thành những
con rồng con hổ châu Á mới. Họ không chỉ giữ được độc lập, mà còn tiến
nhanh thành một nước phát triển, được thế giới kính nể trọng vọng.
Hãy
lấy trường hợp Nhật Bản làm ví dụ: Bằng cách thực hiện cuộc thoát Á
nhập Âu từ nửa sau của thế kỷ 19, Nhật Bản đã tránh được ách nô lệ thực
dân và phát triển thành cường quốc chỉ sau một thời gian ngắn.
Thoát Á
với Nhật Bản thời gian đó là gì, nếu không phải là thoát khỏi ảnh hưởng
của văn hóa Trung Hoa? Vì vậy có thể nói, chìa khóa để Nhật Bản phát
triển thành công là thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vậy
thì tại sao chúng ta lại không làm như họ? Tại sao ta lại không vùng
thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc để phát triển, khi gương thành
công đã bày ra trước mắt cả trăm năm, khi di lệnh của tổ tiên vẫn còn
bên tai văng vẳng?
Câu trả lời chỉ có
thể là: Tư tưởng chầu về Trung Quốc đã trở thành một quán tính tâm lý,
một vô thức xã hội hay một phản xạ có điều kiện. Tư tưởng này đã ăn sâu
vào đời sống ở nhiều dạng nhiều mặt nên khó lòng dứt bỏ được. Với người
dân thì đó là sự tiếp nhận văn hóa Trung Hoa một cách vô tư hào hứng qua
phim ảnh, sách báo… đến mức trẻ em thuộc sử Tàu hơn sử Ta, quen với đồ
chơi Tàu hơn đồ chơi Ta. Thương nhân ta thì chỉ chăm chắm nhập hàng
Trung Quốc giá rẻ về bán cho dân, dù biết là hàng kém và có nhiều độc
hại. Ở mức quốc gia thì đó là sự ràng buộc đến mức vô lý về ý thức hệ
vào người Trung Quốc, dẫn đến thua thiệt và bất bình đẳng trong bang
giao quốc tế.
Những việc này đều diễn
ra một cách trơn tru tự động, đến mức không mấy ai tự hỏi: Vì sao mọi
chuyện lại quá dễ dàng như vậy? Câu trả lời hẳn nhiên là tư tưởng chầu
về Trung Quốc đã bén rễ sâu trong tiềm thức của xã hội ta như một chất
gây nghiện, tuy độc hại nhưng rất khó từ bỏ. Vì nếu từ bỏ thì sẽ gây ra
đau đớn và chống chếnh phần nào. Nhưng từ xưa đến nay, có chất gây
nghiện nào có lợi?
Trong hoàn cảnh
đó, chỉ còn một cách duy nhất là quán chiếu để nhìn sâu hiểu kỹ tác hại
của việc chầu về Trung Quốc, để thấy được mối nguy lâu dài của nó đối
với đất nước thì may ra mới có thể dứt bỏ được.
Trước hết là về văn hóa:
Có so sánh ra bên ngoài mới thấy, bản sắc văn hóa của ta quá đỗi mong
manh. Lý do chính là văn hóa của ta đã bị áp đảo bởi văn hóa Trung Hoa
trong suốt nhiều thế kỷ, nay càng bị áp đảo mạnh hơn bởi tiến bộ của
phương tiện truyền thông. Nhiều người khi còn sống thì một chữ tượng
hình bẻ đôi không biết, nhưng khi chết thì lại được cúng tế bằng các bài
văn khấn chữ Nho. Chuông, khánh trong chùa dù mới đúc, cũng hết thảy
được khắc bằng thứ chữ của người Hán dù chẳng ai đọc được. Truyền thanh
truyền hình, tuy sống bằng tiền thuế của dân Việt Nam ta, lại ngày đêm
truyền bá văn hóa Trung Hoa đến tận hang cùng ngõ hẻm. Thời sự hơn nữa
thì phim về tổ tông được quay bên Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành được
mang về Đà Lạt… Ôi thôi, biết bao nhiêu mà kể!
Xin
hỏi: Một dân tộc được định hình chính bởi cái gì? Có phải là bởi đất
đai, tài nguyên của dân tộc đó hay không? Chắc hẳn là không. Người ta
phân biệt dân tộc này với dân tộc khác bởi chính văn hóa của nó. Nay văn
hóa của ta đang bị áp đảo mà dân ta lại vui vẻ cổ vũ chấp thuận, thì
khác nào tay ta đã yếu, mắt ta đã chậm mà ta lại tự mua dây về bịt mắt
trói tay mình?
Chính do sự áp đảo của
văn hóa Trung Hoa nên những thói hư tật xấu của họ đã tìm được đất sống
và tác oai tác quái ở ta. Nạn chuộng bằng cấp hư danh, tệ mua quan bán
chức, thói tầm chương trích cú, ếch ngồi đáy giếng, ngông nghênh coi
thường chân lý, bệnh phụ mẫu quan phương, chính trị thống soái …– những
đặc trưng của văn hóa hủ nho Trung Quốc không hề giảm đi trên đất Việt
Nam ta mà ngược lại, như rồng gặp nước, múa may phát triển tràn lan,
biến hóa gây hại không biết bao nhiêu mà kể. Vì sao vậy? Vì không sáng
tạo ra chỉ học đòi bắt chước, nên nhiều người mang lòng kính sợ, nhất
nhất tuân theo không dám đổi thay, nên chỉ nhăm nhắm chầu về, nghiêm cẩn
như học trò đối với ông thầy.
Nay
những thói hư tật xấu này đang tác oai tác quái làm suy đồi văn hóa và
đạo đức của ta quá thể. Bệnh hình thức hư danh, tật khoe khoang thành
tích, thói hành dân, nịnh trên lừa dưới, tệ chạy chức chạy quyền… đã
thành phổ biến , nên không còn cách nào khác là phải dứt bỏ để học những
giá trị tiến bộ của phương Tây như dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái,
thực học thực nghiệp… thì mới có thể tiến kịp người.
Ta
phải tự gỡ bỏ tấm khăn đang bịt mắt ta ra, phải vứt bỏ sợi dây đang
trói buộc mình thì bàn tay khối óc mới được giải phóng, hoa thơm trái
ngọt của sự sáng tạo mới được thành tựu. Còn như chỉ mê muội sùng kính
những thứ người ta đã phải bỏ đi, thì mãi lếch thếch lôi thôi cũng là
điều tất yếu!
Thứ hai là về kinh tế:
Việt Nam ta đang bị áp đảo trong thương mại đối với người Trung Quốc.
Nhập siêu từ họ lên đến 90% so với tổng nhập siêu của cả nước ta. Trong
khi đó, xuất khẩu từ ta sang họ chỉ chiếm một phần rất nhỏ, lại chủ yếu
là nguyên liệu thô và hàng nông sản, là những thứ mà giá trị chẳng được
bao nhiêu. Vậy có thể nói, về kinh tế, chúng ta đang phụ thuộc vào họ
một cách nặng nề. Nền kinh tế của ta đang ở mức chông chênh, có thể sụp
đổ khi họ chủ tâm đóng cửa.
Nhưng
điều đáng lo hơn cả là những người có thẩm quyền lại không thấy sự bất
thường này. Những dự án lớn hầu hết đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc.
Tỷ như, 90% các dự án tổng thầu gần đây đã rơi vào tay họ. Chất lượng
của những công trình này rất kém, vì một lẽ giản đơn: Trình độ về công
nghệ của họ còn thấp, việc tôn trọng môi trường và văn hóa bản địa họ
chẳng quan tâm. Hàng hóa xuất phát từ Trung Quốc luôn bị thế giới cảnh
báo là độc hại và kém chất lượng. Chính họ đã gây ra nhiều vấn nạn về
văn hóa và môi trường trong nước họ. Vậy thử hỏi, vẫn những con người đó
sang nước ta thì làm sao có thể làm tốt cho được?
Đáng
tiếc thay, tư duy chộp giật, “sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi” của
nhiều người có trách nhiệm đã dung túng tình trạng này, gây hại lâu dài
cho nền kinh tế. Việc này ta phải trách ta trước hết, vì nếu ta không
tiếp tay thì làm sao họ có thể tác oai tác quái. Tiếp tay cho họ hại
mình, thời buổi cạnh tranh, hỏi có khác nào mua dây để tự trói chân
mình. Mà đã mua dây để tự trói chân mình thì làm sao có thể đi nhanh đi
xa cho được?
Chính vì thế, bên cạnh
việc vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa về văn hóa, chúng ta cần tìm cách
thoát khỏi vòng kiềm tỏa về kinh tế. Nhà nước cần có chính sách giảm
thiểu nhập siêu từ Trung Quốc, khuyến khích người trong nước sản xuất
kinh doanh. Người Việt phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập so với
người Trung Quốc, phải mở được những lối đi riêng, tạo dựng được những
mô hình phát triển khác hẳn so với họ. Phải phấn đấu trở thành hội điểm
đầu tư và thương mại toàn cầu. Việc này nói thì dễ mà làm thì rất khó.
Nhưng không vì thế mà không gắng sức, vì tương lai dân tộc phụ thuộc
phần nhiều vào chính chỗ này.
Thứ ba là về chính trị:
Nước ta đang có một sự ràng buộc kỳ quặc về ý thức hệ đối với người
phương Bắc. Họ làm gì thì sớm muộn ta cũng làm theo như bị thôi miên.
Rất nhiều khổ đau trong lịch sử của ta đã có nguồn gốc từ việc làm theo
như họ.
Dân ta khác, phong hóa của ta
khác, đất đai vị thế của ta khác, vậy hà cớ gì ta phải dập khuôn theo?
Đành rằng, trước đây ta chỉ biết đến Trung Hoa nên triều chính phải rập
khuôn bắt chước, tuy đáng trách những có thể cảm thông. Nhưng nay thế
thời đã đổi, thế giới đã mở rộng muôn phương, mà sao ta vẫn nhăm nhắm
hướng về phương Bắc? Bao phen cửa nát nhà tan, bị đè đầu cưỡi cổ, mà sao
vẫn chưa hết tỉnh hết mê? Lẽ nào, luồng tư tưởng chầu về Trung Quốc,
tưởng chừng sẽ nhạt đi khi thế giới được mở rộng ra, lại một lần nữa giở
trò mánh khóe kéo chìm ta xuống đáy?
Vì
sao vậy? Vì đâu vậy? Vì sự u mê đã đến mức thâm căn cố đế, hay vì đặc
quyền đặc lợi của một nhóm người? Di lệnh của tổ tiên và những bài học
lịch sử vì sao không còn tác dụng? Dù câu trả lời là thế nào đi chăng
nữa thì trên thực tế, sự ràng buộc kỳ quặc về ý thức hệ này đã gây ra
nhiều thua thiệt cho ta trong quốc tế bang giao, làm mất đi nhiều cơ hội
làm ăn của ta với thế giới bên ngoài. Người ngã xuống vì biên cương hải
đảo ta cũng chẳng dám vinh danh… Hỡi ôi!
Thời
thế đã đổi thay. Thế giới ngày nay không chỉ có một mình Trung Quốc.
Đoàn thuyền ra khơi phần đông đều đi theo một hướng, vậy lẽ gì ta phải
tách nhóm đi riêng với kẻ vẫn bắt nạt mình? Sợi dây trói tay trói chân
gỡ ra còn chưa được, vậy cớ gì ta lại mua dây để tròng đầu tròng cổ ta
thêm?
Và cuối cùng là chủ quyền bị đe
dọa: Khi chân tay ta bị trói, đầu cổ ta cũng chẳng được tự do, mắt ta
cũng bị buộc nhìn về một hướng, thì thân thể ta làm sao mà vẹn toàn tự
chủ? Sự trỗi dậy của người Trung Quốc tất yếu dẫn đến việc họ mở rộng
biên giới quốc gia. Tranh chấp với xung quanh là điều khó tránh khỏi.
Điều này họ đã công khai thừa nhận. Biển Đông đã nổi sóng. Giờ việc ta
cần làm là hãy nhanh nhanh tự cởi trói cho mình, làm cho ta hùng mạnh
thêm lên thì mới có thể giữ được vẹn toàn cương thổ.
Khi
lực ta còn yếu thì mắt ta phải nhìn xa trông rộng, phải tìm cách kết
thân với những kẻ có thế có quyền, có cùng lợi ích cùng mối lo âu để
đồng tâm đối phó. Muốn vậy ta phải thiện chí thành tâm, đặt lợi ích quốc
gia lên trên những tính toan nhỏ nhặt. Tình thế đã trở nên nguy ngập.
Nước Việt ta đang đứng trước một lựa chọn lịch sử: Thoát Trung để phát
triển hay cam tâm làm nô lệ một lần nữa?
Là
người Việt, không ai muốn trở thành nô lệ ở bất cứ dạng nào. Điều này
có nghĩa, lựa chọn duy nhất là vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người
Trung Quốc để phát triển.
Vậy thì, hãy làm một cuộc thoát Trung toàn diện để hội nhập cùng thế giới và kiến tạo một kỷ nguyên phát triển mới!
Hãy
tỉnh cơn mê, dứt cơn mộng mị! Hãy từ bỏ chất gây nghiện chầu về Trung
Quốc! Hãy cởi bỏ tấm khăn bịt mắt! Hãy vứt sợi dây đang trói tay, trói
chân, tròng cổ, tròng đầu!
Hãy trở về với di lệnh của tổ tiên: Thoát Trung hay là chết!
No comments:
Post a Comment