Friday, August 12, 2011

Biểu Tình (Demonstration)

Hành Khất - Muốn chống ngoại xâm một cách hữu hiệu, không gì hơn được lòng toàn dân hưởng ứng. Nhưng hôm nay, sau cuộc biểu tình lần thứ 9, dường như cũng chưa đánh thức được toàn thể dân tộc VN. Tại sao ? Câu trả lời là… "toàn dân tộc còn đang lo sợ". Vâng, họ lo sợ chính nhà nước cầm quyền của họ hơn là nỗi sợ hãi đối diện ngoại xâm. Họ sợ bị mang tiếng là "phản động" hơn là "phản quốc"...

Lúc gần đây, sau lần thứ 9 của những cuộc biểu tình ở Việt Nam (VN), chống sự xâm lấn biển Đông từ Trung Cộng, vẫn còn những ý kiến qua bài viết hoặc phát biểu trong cuộc phỏng vấn riêng về "sự hợp thức hoá biểu tình"nhằm tránh sự đàn áp của công an vì bất kỳ cuộc biểu tình nào cũng bị xem là "làm xáo trộn xã hội" theo nghị định 38/2005/NĐ-CP.

Căn cứ theo nghị định nầy, nơi chương II: Những Quy Định Cụ Thể, điều 7 nói rằng: "Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động vá phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký…". Và cũng trong chương II, điều 8 nói về "Thủ tục đăng ký tập trung đông người ờ nơi công cộng". Đại khái là họ tên, tuổi, địa chỉ của người đăng ký; nội dung, mục đích việc tập trung; địa điểm, sơ đồ lộ trình; tên các tổ chức dự kiến tham gia và họ tên, tuổi, địa chỉ của người đại diện cho tổ chức; số người tham gia… v.v. Có nghĩa, nhà cầm quyền muốn biết rõ tận tường, ngay cả lích lịch của mỗi cá nhân tham gia, chỉ nhằm mục đích…"bảo đảm trật tự công cộng"(mà đáng lý ra nên viết là "đảm bảo").

Nhưng dường như nhà cầm quyền không phân định ý nghĩa rõ ràng về sự khác biệt giữa "biểu tình" và "sự tập trung đông người" theo hiến pháp nghị định là gì. Hoặc cũng có thể nhà cầm quyền xem hai sự kiện là một. Và nếu là vậy, sự tập trung đông người gẩn đây của những công nhân Trung Quốc kéo vào xóm làng, đường phố là bất hợp pháp, đó là chưa nói đến những hành vi như một nhóm côn đồ của họ như là: đe dọa, chọc phá, quấy rối, xâm phạm gia cư, và hành hung bằng vũ khí. Nhưng chưa bao giờ nghe báo chí hay bất kỳ hệ thống thông tin nào nói về sự bắt giữ họ, hoặc cưỡng chế, thậm chí cả phương cách ngăn chận từ phía công an. Những bản tin tường thuật lại sự kiện đó như là đang nói về chuyện … trên thế giới, không phải đã và đang xảy ra hàng ngày ở ngay trên đất nước Việt Nam, từ Bắc Trung Nam, khắp tất cả mọi nơi nào mà nhân công Trung Quốc đang làm việc. Không bao giờ nghe đến câu như là: "lực lượng công an huy động toàn lực đến giải tán nhóm công nhân Trung Quốc nhằm…", hoặc "công an đã bắt giữ một số người công nhân Trung Quốc phá rối…". Ngược lại, người đọc càng lúc càng "bức xức"khi thấy nhiều người trong những cuộc biểu tình chống Trung Cộng vừa qua bị hành hung, bắt bớ, tra vấn, câu lưu, thậm chí… "bị biến mất" một cách bí mật. Qua hai sự kiện trên, đã nói lên rằng "sự tập trung đông người"hay"biểu tình"cũng chỉ là một, theo cái nhìn của nhà cầm quyền, có khác biệt chăng là điều đó được nhà cầm quyền… "thầm nhìn nhận" hay không. Và điều rất dễ hiểu khi được "thầm nhìn nhận" là … sự vắng mặt của lực lượng công an.

Nhưng nếu xét trên nghị định 38 NĐ-CP, cả hai sự kiện đều không hợp pháp, theo điều 7 và 8, đã nói ở trên. 

Nếu cho rằng, đó là do"vài"cấp chính quyền địa phương không biết "khắc phục", lơ là trong vấn đề bảo đảm trật tự công cộng, nhưng qua báo chí, thông tin, không lẽ cấp lãnh đạo trên cao không nghe biết đến ? Và sau sự kiện xảy ra, không bao giờ được nghe tiếp tường thuật về … sự phản ảnh của chính sách nhà nước do một nhân vật đại diện nhà cầm quyền nào đó, hoặc bất kỳ công cuộc điều tra nào của công an. Trái lại, lực lượng công an làm việc hết mình trong vấn đề "bảo đảm trật tự công cộng" đối với việc biểu tình chống Trung Cộng. Cũng không thể nói rằng nhà cầm quyền không hiểu rõ hai chữ "biểu tình" là gì và khác biết thế nào với "sự tập trung đông người". Nhưng nhà cầm quyền "cố tình" quên lãng từ ngữ "biểu tình" trong nghị định, và xem cả hai sự kiện cùng một nghĩa chữ "tập trung đông người".

Để hiểu rõ một ít về từ ngữ "biểu tình", chúng ta thử nhìn lại một vài định nghĩa trên mạng, từ tự điển tiếng Việt, đến tiếng Anh như sau:

"Tụ họp với nhau lại hoặc diễu hành trên đường phố để biểu thị ý chí, nguyện vọng hoặc biểu dương lực lượng, thường nhằm mục đích gây sức ép gì đó: biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh biểu tình chống khủng bố. (vdict.com)

(Government, Politics & Diplomacy) a manifestation of grievances, support, or protest by public rallies, parades, etc (thefreedictionary.com,)
(Tạm dịch: một sự biểu lộ của bất bình, ủng hộ hoặc đối kháng bởi những cuộc tập hợp công cộng, diễn hành v.v)

a public meeting or march protesting against something or expressing views on a political issue.

(Tạm dịch: một cuộc gặp gỡ công cộng, hoặc một cuộc tuần hành phản đối sự việc gì hoặc bày tỏ quan điểm trên vấn đề chính trị)

Origin:

Late Middle English (also in the senses ‘proof provided by logic’ and ‘sign, indication’): from Latin demonstratio(n-), from demonstrare 'point out' (see demonstrate). Demonstration (sense 3) dates from the mid 19th century (oxforddictionaries.com)

(Tạm dịch:

Nguồn gốc: 

Trung cỗ Anh ngữ (cũng trong ý nghĩa 'bằng chứng được cung cấp bởi sự hợp lý và dấu hiệu, biểu thị) từ chữ La-tin demonstratio (n-), từ chữ demonstrare 'chỉ rõ ra'. Demonstration (trong ý nghĩa phần 3) có niên đại từ giữa thế kỷ 19)

Qua đó, có thể hiểu rằng,"biểu tình là sự biểu thị ý chí, nguyện vọng, là sự biểu lộ của bất bình, ủng hộ hoặc đối kháng qua cuộc tuần hành phản đối sự việc gì hoặc bày tỏ quan điểm trên vấn đề chính trị."Và không hề nghe nói gì đến vấn đề "phải theo quy định của chính phủ, hoặc thủ tục đăng ký". Vì đó là "quyền cơ bản của dân" theo ý nghĩa tự do, dân chủ của đa số nước trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, không phải là một nước thực thi cái quyền đó, phài là văn minh tiến bộ. Điển hình là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, không cần thực thi cái quyền đó,"vẫn tự xem" là văn minh tiến bộ. Hoặc Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa là một nước "đang rêu rao" văn minh tiến bộ, cũng đâu cần thực thi.

Sự văn minh tiến bộ phản ảnh sự ý thức của một dân tộc trên nhân sinh quan nhân loại trong cách cư xử, hành động, và phát triển xã hội trên cơ bản tự do, dân chủ, không phải chỉ nhìn vào vài khu lầu cao trong phạm vi nào đó để tự hào, trong khi dân trí bị hạn hẹp như trong một vùng rào dầy đặc của nhà tù. Vì vậy, từ ngữ "biểu tình"không thể đơn giản hóa ý nghĩa như cụm từ "sự tụ tập công cộng", mà nó quá rõ ràng là chỉ về một nhóm người tụ tập, không mang một ý nghĩa gì về sự cải hóa chính trị, xã hội, hay dân tộc; thậm chí được xem như một đám tụ tập vô bổ cho xã hội trong vấn đề trật tự an sinh. Một cụm từ khiến người đọc cảm thấy sự bất an như đang đối diện với đám côn đồ, phá hoại (như đám công nhân Trung Quốc đã nói đến).

Trở lại điều 8, chương II, của nghị đinh 38, là nói về vấn đề thủ tục đăng ký cho hợp thức hóa việc "tụ tập công cộng". Theo cách nhìn của nhà cầm quyền, biểu tình đồng nghĩa với "tụ tập công cộng"; vì vậy cần phải được kiểm soát kỹ lưỡng, và chi tiết. "Sự hợp thức hóa biểu tình" như điều 8 nầy, cũng… "gần giống" ý kiến của một số nhân sĩ đưa ra. Và muốn được "hợp thức hóa", có lẽ phải chờ nhà cầm quyền kiểm chứng, truy xét, và duyệt xét lại, qua nhiều giai đoạn, từ cá nhân đến tổ chức, từ địa phương đến trung ương, và từ phản ảnh của tổ chức đoàn thể nầy đến thành đoàn khác. Không ai có thể biết được phải mất bao lâu thời gian mới có được mảnh giấy "hợp thức hóa" đó. Cũng có thể 2 tuần, 2 tháng, hoặc 2 năm ! Hoặc vô hạn, có nghĩa… không được chấp nhận, nhưng cũng không cần trả lời. Trong những cuộc biểu tình tự phát chống Trung Cộng gần đây, nếu theo đúng "thủ tục hợp thức hoá", có lẽ… sẽ chẳng bao giờ xảy ra, hoặc đến khi vấn đề biển Đông đã …"xong" mới được phê chuẩn cho phép…"biểu-tình-chào-mừng." Như vậy, từ ngữ"biểu tình" theo những định nghĩa trên đã sai, hay nhà cầm quyền muốn dân hiểu theo sự…"định hướng tư tưởng" của họ ? Và những cuộc biểu tình hợp thức hóa đó, không ngoài mục đích tuyên truyền, cổ động cho đảng phái đang cầm quyền, và che lấp tất cả những gì sai trái từ đảng mà không có một đảng phái nào hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, trong một nước, đảng cộng sản chỉ là duy nhất, thì đương nhiên đảng "phải" luôn luôn đúng ! Tất cả những hoạt động ngoài đảng tổ chức, đều không được chấp nhận, và được liệt kê là phá hoại, phản động, bất hợp pháp v.v. Dù đó chỉ là sự hoạt động để biểu dương lòng yêu nước! không mang bất kỳ tính chất chống phá nhà cầm quyền đương thời, ngoại trừ kẻ ngoại xâm và tay sai cho giặc.

Sự tồn tại của cộng sản Trung Hoa, là mối đe dọa bành trướng Hán tộc chủ nghĩa, mà chúng ta, đa số đều nhận thấy. Không những thế, hệ thống chính trị của Trung Cộng ảnh hưởng nặng nề đối với VN và nó là bước cản của sự phát triển dân tộc theo chiều hướng riêng nào đó của đảng cộng sản VN, nếu có. Do đó, cũng có thể kết luận rằng, nghị định 38 được soạn theo ý kiến từ Trung Cộng, là bản sao trong hệ thống chính trị cộng sản. Trung Cộng, dĩ nhiên không thể để VN tự ý phát triển theo chiều hướng riêng, vì Trung Cộng luôn lo sợ mất đi hàng rào chiến lược, bảo vệ Trung Cộng. Trước những cuộc đàn áp biểu tình, và thái độ "thầm kín" của đảng, đã tự tố cáo rằng đảng đang lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Cộng. Vì vậy, những cuộc biểu tình chỉ là cái gai mà Trung Cộng muốn đảng gỡ bỏ bằng mọi cách. Sự thả lỏng vừa qua trong cuộc biểu tình lần thứ 9, vì nhiều lý do (điển hình là cuộc phát động diễn hành "kỷ niệm ngày vì nạn nhân chất độc da cam") và thủ đoạn khác (như là cuộc bắt bớ "bí mật" 9 người thanh niên Công giáo) mà nhà cầm quyền không chút ngần ngại khi dùng đến. Điều đó cho thấy rõ hơn, khi nhìn thanh niên Sài Gòn tại sao chỉ ngồi âm thầm quanh công viên nhà thờ Đức Bà như chờ đợi mong ngóng điều gì… mầu nhiệm xảy ra, và họ sẽ tham gia. Chính vì sự đàn áp không nhân nhượng, thẳng tay dùng bạo lực, cũng như tra vấn và lao tù, khiến thanh niên Sài Gòn chỉ còn cách …"biểu tình ngồi" trong khi ngoài Hà Nội được "nương tay" hơn tí, nên cuộc biểu tình sống động hơn trong lần thứ 9.

Muốn chống ngoại xâm một cách hữu hiệu, không gì hơn được lòng toàn dân hưởng ứng. Nhưng hôm nay, sau cuộc biểu tình lần thứ 9, dường như cũng chưa đánh thức được toàn thể dân tộc VN. Tại sao ? Câu trả lời là… "toàn dân tộc còn đang lo sợ". Vâng, họ lo sợ chính nhà nước cầm quyền của họ hơn là nỗi sợ hãi đối diện ngoại xâm. Họ sợ bị mang tiếng là "phản động" hơn là "phản quốc". Họ không dám tham gia cuộc biểu tình chống Trung Cộng, nhưng hăng hái tuần hành, hoặc nhiệt liệt trong "hành trình xanh xuyên Việt"vì được hợp thức hóa bởi nhà cầm quyền. Ngày nào nghị định 38 bị xóa bỏ, chính là lúc tiếng nói toàn dân như một trong hội nghị Diên Hồng thuở xưa. Và đó chính là ngày đánh dấu một Việt Nam mới được ra đời trong tự do và dân chủ ! Nếu mãi chờ đợi một sự thay đổi mầu nhiệm nào đó, có lẽ dân tộc phải chờ thêm, sau 1000 năm nô lệ lần nữa.

*

Sao Buồn Quá …

(Viết cho Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên và những người bạn trẻ)

Sao buồn quá, một quê hương bị trị
Nước non xưa, dần lạc vết cơ đồ
Sao đang tay cắt đất, chịu Hán nô
Quỳ bó gối hiến dâng vùng hải đảo

Sao buồn quá, quê hương chùm khế ngọt
Có còn không, nghe chua chát tình đời ?
Vị trên môi, cay đắng tổ quốc ơi !
Sao nuốt được, thương yêu hòa thuốc độc

Sao buồn quá, Em tôi ngồi ngục tối
Bởi ước mong, nếm vị khế ngọt ngào
Qua thơ ca, tình tự ý ca dao
Mà năm tháng, luân lao đời nhi nữ

Sao buồn quá, cuộc đời luôn dối trá
Vì hư danh, lợi lộc một kiếp người
Cũng đành sao, lương tâm nở buông rơi
"Trời đất hỡi !", tiếng kêu than khẩn thiết

Sao buồn quá, bạn tôi nằm trong xó
Bị khinh khi, như một lũ tội đồ
Uất nghẹn neo,trên mồ cát biển khô
Câu ta thán, là gông cùm bản án

Sao buồn quá, bao thanh niên trằn trọc
Tự hỏi lòng, dân tộc đã thức chưa ?
Hay sao vàng, trong cờ máu năm xưa
Còn ru ngủ, trong vinh quang phù phiếm

MTN


No comments:

Post a Comment