Friday, August 12, 2011

Bên kia bức tường

Trần Quốc ViệtCách đây đúng 50 năm vào rạng sáng ngày 13 tháng Tám năm 1961 Bức tường Berlin bắt đầu được dựng lên để phân chia Đông và Tây Đức. Nhờ những cuộc biểu tình liên tục vào mỗi ngày thứ Hai ở Leipzig và ở Berlin vào mùa thu năm 1989 cũng như nhờ vào những nhân tố khác, Bức tường -biểu tượng của sự sụp đổ về đạo lý của chủ nghĩa cộng sản - cuối cùng thành tro bụi trước sức mạnh mãnh liệt như trào dâng của lòng khao khát tự do và dân chủ của nguời dân Đông Đức.

CHRISTOPH NIEMANN
Trần Quốc Việt (danlambao) dịch

Tối ngày 9 tháng 11 năm 1989, tôi đang xem tivi. Thấy Bức tường Berlin sụp đổ, mà lòng sững sờ.

Trong đầu óc mười tám tuổi năm ấy tôi vẫn tưởng Bức tường luôn ở đó, nào có hoài nghi rằng nó sẽ vẫn ở đó đến muôn đời. Tin Bức tường sụp đổ tựa như ai bảo tôi lục địa ngầm Bắc Mỹ và Á Âu bất ngờ đổi hướng khiến từ giờ trở đi ta có thể đi bộ từ Hamburg đến Boston.

Tôi thấy hình ảnh dân chúng nhảy múa trên Bức tường trước Cổng Brandenburg. Hàng triệu người đổ xô ra các đường phố Berlin, không quen biết gì vẫn ôm chầm lấy nhau, vừa khóc vừa cười đan quyện nhau. Những hình ảnh này không thể nào xúc động hơn, nhưng vì tôi sống ở miền tây nam nước Đức và chúng tôi chẳng có bạn bè hay người thân gần gũi nào ở bên kia Bức tường tại Đông Đức, cho nên đó vẫn là một sự kiện trừu tượng.

Trong lần duy nhất đến Berlin thời còn chia cắt năm 1988, tôi đã trải nghiệm qua tất cả bao kỳ quặc kinh sợ nơi thành phố này. Tôi nhớ lại rõ ràng cảnh các nhà ga tàu điện ngầm được gọi là các ga ma: một số tuyến tầu điện xuất phát từ phía Tây chạy qua lãnh thổ phía Đông, khiến đi về mỗi ngày như đi qua cõi liêu trai. Hãy tưởng tượng ta lên tàu số 6 chạy tuyến mạn trên ở Union Square, nhưng thay vì dừng lại ở đường 23, ở đường 28, hay ở đường 33, tàu chỉ chạy chậm dần, và ta liếc nhìn ra các sân ga bên đường hiu hắt ánh đèn với bóng dáng lính quân thù trang bị vũ khí đầy mình đang đi tuần tra. Rồi ta xuống tàu ở nhà ga Grand Central để mua tờ báo và chiếc bánh lót dạ như thể chẳng có gì xảy ra.

Chính thức mà nói, bức tường tồn tại để bảo vệ các công dân bên Đông khỏi bị tư bản Tây Berlin xâm lược. Ngày sau khi bức tường được dựng lên năm 1961, tờ báo tuyên truyền Đông Đức Neues Deutschland đăng đầy lời cảm ơn của người dân Đông Berlin. Một bài báo đã so sánh lối sống có kỷ cương của các công dân xã hội chủ nghĩa với đám dân bên phía Tây: "Máu đã đổ và âm thanh điếc đặc đã rền vang trong buổi trình diễn nhạc của tay tổ sa đọa người Mỹ Bill Haley tại Cung Thể thao Tây Berlin. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp bảo vệ biên giới tổ quốc của chúng ta, cuộc sống ở đây vẫn diễn ra bình yên." Lý do thật sự của việc dựng tường thì khác hẳn: không khéo Đông Đức mất hết dân. Hàng triệu người bên Đông đã trốn qua biên giới ngỏ trong thành phố Berlin kể từ lúc chiến tranh chấm dứt.

Ngày nay tôi và gia đình sống rất gần đường Bernauer Straße, nơi Bức tường cắt ngang thành phố tàn nhẫn nhất. Vào sáng sớm ngày 13 tháng Tám năm 1961, những toán công an Đông Đức bắt đầu đóng biên giới giữa khu vực Xô-viết và Đồng minh, chẻ thành phố thành Đông và Tây Berlin. Tại các nơi khác, đường phân chia thường chạy dọc theo biến giới tự nhiên, hay ít ra cũng băng qua những nơi đất trống. Riêng ở đây, Bức tường chạy dọc theo con đường có nhà dân bình thường. Người sống ở phía nam đường Bernauer Straße ngủ dậy thấy nhà mình nằm ngay sát biên giới, căn hộ của họ ở phía Đông, nhưng vỉa hè trưóc mặt toà nhà họ ở thuộc phía Tây.

Hè vừa qua từ New York chúng tôi dọn về sống ở Berlin. Nhà cửa đến giờ vẫn chưa sửa sang xong. Chúng tôi đều mệt lử. Thêm vào đó chúng tôi có cháu bé hay quấy, chỉ vui vẻ khi tôi đẩy xe đưa cháu đi dạo thật xa để thăm thú nơi ở mới. Hai cha con thường đi ngang Đài Tưởng niệm Bức tường ở góc đường Bernauer Strasse và đường Ackerstrasse. Chính nơi đây lần đầu tiên tôi thấy những tấm ảnh cũ chụp cảnh người dân nhảy qua cửa sổ nhà mình để trốn sang phía Tây. Sau khi công an dùng gạch bịt kín các cửa sổ ở tầng thấp hơn, người dân cố gắng trốn từ các cửa sổ ở tầng cao hơn. Mãi mãi bỏ lại sau lưng họ là bao tài sản, bạn bè, và thường cả gia đình. Bà Ida Siekmann chết ngay ở đây vào ngày 22 tháng Tám năm 1961, một ngày trước sinh nhật lần thứ 59, sau khi nhảy từ căn hộ của bà ở tầng thứ ba. Bà là nạn nhân chính thức đầu tiên của Bức tường. Thế mà ở đây tôi lại thương hại cho bản thân mình vì tôi chỉ được ngủ có vài giờ và không vào mạng thông suốt được.

Trong những ngày đầu tiên sau khi Bức tường dựng lên, nó chỉ là đống kẽm gai giăng ngang. Anh Conrad Schumann, người lính 19 tuổi trong quân đội Đông Đức, đang đứng gác ở góc đường Ruppiner Strasse và đường Bernauer Strasse. Bên phía Tây, nhiều người đi bộ qua lại chế giễu và xỉ vả anh, rồi đột nhiên nổi hứng, anh bất đầu chạy và phóng mình qua hàng rào kẽm gai để sang phía Tây, thế là trở thành nhân vật trong một trong những tấm ảnh ấn tượng nhất của thời đại. Mới gần đây thôi tôi chợt nhận ra rằng tôi thường hay chạy bộ ở ngay chính vỉa hè đó.

Ngày nay nơi tôi ở sầm uất với bao nhà hàng, cửa tiệm, phòng trưng bày tranh, và công viên cho trẻ em vui chơi, điều này càng khiến ta thêm rùng mình khi phát hiện ra biết bao tấn kịch đã từng diễn ra ở đây. Ngay sát chỗ tôi và các cháu trai chơi nghịch cát, cách đây độ hơn bốn mươi năm những người hàng xóm của tôi hiện nay đã đào một con đường hầm, qua đó 57 người đã trốn thoát trước khi có người chỉ điểm cho công an chìm biết sự tồn tại của đường hầm bí mật này. Một tấm ảnh khác ở Đài Tưởng niệm chụp cảnh cô dâu chú rể vẫy tay chào cha mẹ phía bên kia hàng rào kẽm gai. Có lẽ họ chỉ sống cách nhau mấy con ngõ, giờ chia lìa nhau ở hai đầu hai nước rạch ròi, thù địch. Tôi nghĩ về cha mẹ tôi có thể lên tàu đến Berlin để xem cháu hát ở nhà trẻ.

Trong khi tôi cố gắng tìm về lịch sử qua các viện bảo tàng, sách và ti vi, cách đây 20 năm lịch sử đã thật sự được làm nên chỉ cách đây vài con phố ở phía Đông, trong giáo xứ quận Prenzlauer Berg. Người dân đã liều mất việc làm, liều làm tan nát tương lai con cái, và liều cả việc bị tống vào các trại tù Stasi khét tiếng, tuy nhiên họ vẫn hoạt động trong các nhóm đối lập trong suốt nhiều năm trời. Tựa như những nhóm tương tự ở Leipzig, họ bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình công khai vào mùa Thu năm 1989. Chỉ trong vòng vài tuần, từ vài mươi người dấn thân can đảm đã lên đến hàng trăm ngàn người trên khắp cả nước, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nước Đức, với cả một lịch sử biết bao kinh hoàng tàn bạo, chiến tranh, và bạo lực vô nghĩa, cuối cùng đã trải qua một cuộc cách mạng mà không tốn một viên đạn nào.

Trong suốt 28 năm, Bức tường Berlin là một trong những biên giới đáng sợ nhất và khó vượt qua nhất. Ít người thoát qua được phía bên kia bình an vô sự; đa số đã cố liều mình nhưng rồi bị bắt và bị tống vào tù, và nhiều người bị sát hại trong lúc đang tìm cách trốn. Ngày nay, chỉ còn rất ít chỗ còn sót lại tàn tích của Bức tường năm xưa. Thay vào Bức tường đã mất, người ta xếp hai gờ đá nhỏ, chạy song song trên mặt đường của Berlin để đánh dấu chỗ bức tường của một thời đã qua. Hôm nay mỗi lần đạp xe băng qua vết sẹo nhân tạo này, tôi vội nhắm mắt lại và lòng dậy lên niềm biết ơn cái gờ đường bé nhỏ khiêm nhường ấy.




Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

No comments:

Post a Comment