Saturday, August 6, 2011

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ: BÀN THẢO LUẬT BIỂU TÌNH

"QUYỀN BIỂU TÌNH ĐƯỢC NÊU RA TỪ HIẾN PHÁP 1946, NHƯNG GIỜ VẪN CHƯA CÓ LUẬT"
 ... "Cuối cùng, chúng tôi muốn nhấn mạnh một Luật, đó là Luật Biểu tình. Tất cả những hiện tượng xã hội gần đây do sự phát triển của đất nước, do những mối quan hệ trong sự phát triển của chúng ta,
dẫn đến một hiện tượng người dân rất muốn bày tỏ chính kiến của mình, một cách có tổ chức, có luật pháp, nhưng đang đứng trước một khó khăn, và đó cũng là khó khăn của chính các cơ quan thực thi pháp luật, những cơ quan bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, cũng không có luật điều chỉnh, dẫn đến sự phân tâm trong nhận thức của nhân dân.

Không phải tự nhiên, trước khi chúng ta thông qua Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một sắc lệnh về quyền biểu tình, để thể hiện một trong những quyền cơ bản của con người.

Chính nhờ quyền biểu tình ấy trong sắc lệnh ấy mà chúng ta đã huy động được quần chúng nhân dân đứng đằng sau nhà nước cách mạng để vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách trong thời kỳ lịch sử ấy.

Đương nhiên, bây giờ thời đại có thể thay đổi, nhưng quyền biểu tình, quyền bày tỏ chính kiến của mình một cách có trật tự, có mục tiêu chính đáng và cũng là cơ sở để nhà nước, có thể bảo vệ được trật tự an ninh xã hội, cũng như quyền của công dân là rất cần thiết.

Vì thế chúng tôi mong muốn Quốc hội và những cơ quan chức năng sớm đưa việc thông qua Luật Biểu tình vì nó cũng liên quan đến bản Hiến pháp mà chúng ta sắp sửa đổi.

Chúng ta sẽ tránh được tình trạng trong Hiến pháp có quyền nhưng không có Luật để thực thi quyền đó. Ví dụ quyền biểu tình được nêu lên, hay quyền lập hội được nêu lên từ trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, cho đến bây giờ vẫn chưa có Luật biểu tình, chưa có Luật hội, đó là điều chúng ta cần suy nghĩ.

Vì thế chúng tôi rất mong muốn rằng, công tác lập pháp của chúng ta hiện nay, bên cạnh việc sớm khắc phục chất lượng, tình trạng thiếu văn bản dưới luật, luật chậm đi vào cuộc sống, việc bổ sung ngày càng hoàn tất, đầy đủ khối lượng các luật và liên thông được với Luật quốc tế, thì việc xây dựng một lộ trình, trong đó có sự ưu tiên những điều cấp thiết là hết sức cần thiết.

Chúng tôi cũng rất mong Luật Biểu tình sớm được Quốc hội bàn thảo. Xin cảm ơn.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh):
"CÔNG DÂN CÓ NHU CẦU VÀ THẤY HIẾN PHÁP CHO BIỂU TÌNH THÌ NGƯỜI TA BIỂU TÌNH, NHƯNG LUẬT LẠI KHÔNG CÓ, GÂY RA XÔ XÁT, LÚNG TÚNG CỦA CƠ QUAN HÀNH PHÁP"

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh)
... "Khi bàn về chương trình xây dựng Luật, thì tôi xuất phát từ điểm thứ nhất là về Nghị quyết Đại hội Đảng XI, trong đó nhấn mạnh rất rõ là sự đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị. Trong đó, đổi mới chính trị, chúng ta rất quan tâm việc xây dựng Nhà nước và pháp quyền.

Điểm thứ hai là nhu cầu cuộc sống đặt ra, nếu chúng ta chậm trễ, thì nó gây ra những ách tắc cản trở hoặc những rối loại cho xã hội.

Xuất phát từ chỗ đó, chúng tôi thấy trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, nó có một đặc điểm là những cái gì thể hiện trong Hiến pháp phải được đưa vào cuộc sống.

Trong Hiến pháp của chúng ta, có một chương rất điển hình cho đặc tính, đặc điểm dân chủ và văn minh của chế độ chúng ta là Chương V của Hiến pháp, tức là các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Chúng ta thấy rằng, từ Hiến pháp năm 1992, hơn 10 năm qua, đã đưa vào cuộc sống một bộ phận của những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhưng vẫn còn một bộ phận khác, thì chúng ta chưa luật hóa nó, và trên thực tế, nó chưa được đưa vào cuộc sống để nó điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong đó, chúng tôi muốn lưu ý đến Điều 69, tức là quyền về thông tin tự do báo chí và hội họp.

Do đó, tôi nhất trí với ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc và tôi muốn nói một chút về quyền này.

Phần đầu của Điều 69 là quyền thông tin tự do ngôn luận, thì chúng ta đã luật hóa rồi. Nhưng vế sau là hội họp, biểu tình thì chúng ta còn chậm chạp.

Từ chỗ đó, thì gần đây nó phát sinh ra một loạt vấn đề là công dân, người ta thấy có nhu cầu và người ta thấy Hiến pháp cho người ta biểu tình, thì người ta biểu tình, nhưng luật thì lại không có, nó gây ra một sự xô xát, sự lúng túng của các cơ quan hành pháp khi hành xử.
Do đó chúng tôi thấy Chương V và đặc biệt Điều 69 là biểu hiện của bản chất dân chủ, văn minh của chế độ ta. Nay trong cuộc sống có nhu cầu, thì tôi đề nghị chúng ta đưa vào chương trình xây dựng luật của năm 2012, hoặc chuẩn bị của năm 2012 xây dựng Luật về Biểu tình.

Tôi muốn nói thêm là khi chúng tôi đi tiếp xúc đối ngoại và nói về vận động quốc tế, để thể hiện bản chất dân chủ, văn minh của chế độ ta. Người ta thừa nhận rằng Chương V của Hiến pháp Việt Nam rất tốt đẹp và so sánh với Hiến pháp nhiều nước không thua kém gì, nhưng người ta có bình luận là việc mình đưa vào cuộc sống nó còn chậm quá.

Tóm lại, tôi nhất trí với ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc vừa rồi: Đưa Luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị năm 2012, và chúng ta không ngại gì. Tôi cho là chúng ta có một kinh nghiệm tốt là Luật về Đình công chúng ta mạnh dạn luật hóa vấn đề quyền đình công, do đó 10 năm qua việc đình công được điều chỉnh, có hành lang pháp lý, chúng ta hoàn thiện từng bước và như thế nó là một biểu hiện để quốc tế nhìn vào thấy Việt Nam chấp hành tốt các Công ước Quốc tế và đối xử tốt với quyền của người lao động"...
http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/08/ai-bieu-quoc-hoi-e-nghi-ban-thao-luat.html

No comments:

Post a Comment