Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ.
Trung
Quốc đã bắt đầu lên tiếng chỉ trích Washington chưa thể khai thông thế
bế tắc trong cuộc đàm phán tăng trần nợ, nhưng mới chỉ thể hiện thái độ ở
mức vừa phải, theo báo Wall Street Journal.
Vì sao quốc gia chủ nợ lớn
nhất thế giới của Mỹ chưa có nhiều phát ngôn khi mà Washington mỗi lúc
một cận kề nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia?
Hôm
27/7, Trung Quốc đã bước đầu bày tỏ quan điểm lo ngại về cuộc đàm phán
chưa thể có kết quả về trần nợ của Mỹ thông qua hai bài báo đăng trên
mạng Tân hoa xã.
Trong đó, một bài
báo cho rằng, các nhà lãnh đạo Mỹ đang đặt nền kinh tế thế giới vào
trạng thái nguy kịch, đồng thời kêu gọi Washington “chứng tỏ trách nhiệm
với thế giới”. Đây có thể được xem là phát ngôn mạnh nhất của Bắc Kinh
tính tới thời điểm này về cuộc đàm phán nợ của nước Mỹ.
Tuy
nhiên, bài báo còn lại trên Tân Hoa xã thừa nhận sự phụ thuộc của Trung
Quốc vào Mỹ. “Điều không thể phủ nhận là trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn là
loại trái phiếu an toàn nhất, ổn định nhất, ít rủi ro nhất, và thị
trường nợ Mỹ là thị trường duy nhất có thể hấp thu được kho dự trữ ngoại
hối đang tăng nhanh của Trung Quốc”, bài báo có đoạn viết.
Một
nguồn tin thân cận tiết lộ với Wall Street Journal rằng, các quan chức
kinh tế tầm trung của Trung Quốc vẫn thường xuyên liên lạc với các quan
chức thuộc Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác trong Chính
phủ Mỹ để cập nhật thông tin về cuộc đàm phán trần nợ của Washington.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc
vẫn chưa có cuộc điện đàm nào với người đồng cấp Mỹ về vấn đề này.
Theo
Wall Street Journal, việc các quan chức cấp cao của Trung Quốc lên
tiếng công khai chỉ trích Mỹ có thể phản tác dụng, vì có thể gây ra
những phản ứng bất lợi từ phía Quốc hội Mỹ, đồng thời làm thị trường
toàn cầu hoảng loạn. Cả hai điều này đều không đem đến lợi lộc gì cho
phía Trung Quốc. Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) –
cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối nước này – đã kiềm chế bình luận về
cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ và chỉ đưa ra những tuyên bố bảo vệ lập
trường về quản lý dự trữ ngoại hối của đất nước.
“Trong
ngắn hạn, Trung Quốc chẳng thể làm gì”, nhà phân tích Derek Scissors
thuộc tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation ở Washington nhận xét.
Việc
Trung Quốc phân bổ vốn đầu tư ra sao vẫn là một bí mật. Chính phủ nước
này chỉ công bố số liệu tổng mà không đưa ra chi tiết về danh mục đầu
tư. Nhiều nhà phân tích ước tính rằng, khoảng 70% dự trữ ngoại hối của
Trung Quốc là dưới dạng tài sản bằng USD. Dữ liệu của Nhật Bản cho thấy,
Trung Quốc đã tăng mua nợ của nước này, các quan chức Trung Quốc cũng
tuyên bố tăng mua trái phiếu châu Âu. Tuy nhiên, không ai biết Bắc Kinh
đã đầu tư bao nhiêu vào các thị trường này.
Thống
kê hàng tháng của Bộ Tài chính Mỹ về lượng trái phiếu kho bạc do các
chủ nợ nắm giữ không được xem là đáng tin cậy, thậm chí là trong Chính
phủ nước này. Số liệu này dựa trên cơ sở các lệnh mua được đặt ở đâu,
thay vì địa chỉ thực của người mua thực và thường xung đột với những ước
tính do các cơ quan khác của Mỹ thực hiện nhưng không công bố.
Theo
một báo cáo mà ngân hàng Standard Chartered đưa ra mới đây, hàng năm,
Bộ Tài chính Mỹ đều thực hiện một cuộc thăm dò nhằm xác định người mua
thực sự và “nhận thấy Trung Quốc nắm giữ nhiều tài sản Mỹ” hơn so với
những thống kê hàng tháng mà Bộ Tài chính Mỹ công bố. Như vậy, con số
1.159 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mà Bộ Tài chính Mỹ cho là Bắc Kinh
đang nắm giữ tính đến cuối tháng 5 có thể thấp hơn nhiều so với mức thực
tế.
Ông David Mann, một chiến lược
gia thị trường tiền tệ thuộc Standard Chartered ở New York, cho hay đối
với Trung Quốc, việc cắt giảm điểm tín nhiệm nợ Mỹ ít có khả năng dẫn
tới những thay đổi lớn và ngay lập tức đối với hoạt động đầu tư của nước
này vào trái phiếu kho bạc Mỹ. “Nhưng đây có thể là một lý do nữa để
Trung Quốc tăng cường việc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, thay vì tập
trung nắm giữ USD, thậm chí là đầu tư nhiều hơn vào các tài sản thực
nhất là ở thị trường châu Á”, ông Mann phát biểu.
Trên
phương diện kinh tế, ảnh hưởng đối với Trung Quốc từ việc Mỹ vỡ nợ hoặc
bị cắt giảm điểm tín nhiệm nợ còn phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ khi đó
chịu tác động xấu đến đâu. Bởi lẽ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ.
Nhưng
xét về phương diện chính trị, cuộc đàm phán trần nợ đầy chông gai của
Mỹ có thể đã ảnh hưởng bất lợi đến những cá nhân và tổ chức có quan điểm
ủng hộ Mỹ ở Trung Quốc, trong đó có PBoC. “Trung Quốc cho rằng, họ là
nguồn cung cấp tài chính cho nước Mỹ. Nếu Mỹ bị coi là vô trách nhiệm
trong việc sử dụng nguồn tài chính đó, Trung Quốc sẽ bất bình”, học giả
Eswar Prasad thuộc Viện nghiên cứu Brookings nhận định.
AN HUY
No comments:
Post a Comment