Ngô Sơn (laodong) -
Cuộc họp giữa UBND tỉnh Đồng Nai và Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt
Nam (TKV) hôm 27.7 cho thấy cảnh “nước đến chân mới nhảy” khi hạ tầng
không đảm bảo nhưng bauxite thì cận ngày vận hành.
Và
dù Bộ GTVT đã quyết định trước mắt đầu tư nâng cấp tỉnh lộ, nhưng không
thể kịp trước khi xe lăn bánh. TKV nói không thể ngừng việc vận chuyển,
còn Đồng Nai tuyên bố hạ tầng chưa đảm bảo thì không thể. Giải pháp nào
khả thi nhất trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này?
Nước đã đến chân
Theo
ông Dương Văn Hoà - Phó Tổng GĐ TKV - trước đây, bộ ngành và TKV đã cân
nhắc rất nhiều 3 phương án vận chuyển. Nếu bằng đường sắt thì nguồn vốn
đầu tư quá cao, khoảng 3 tỉ USD và đặc biệt là không thể kịp khi nhà
máy vận hành. Còn phương án dẫn nguyên liệu bằng đường ống sau khi rửa,
pha nước và dịch chuyển sản phẩm từ nơi khai thác đến các nhà máy ven
biển, cách làm này tiết kiệm vốn đầu tư, nhưng hạn chế ở chỗ, chỉ sử
dụng cho việc vận chuyển alumin, nên không khả thi đối với những hoạt
động khác. Cuối cùng, ngành chức năng mới quyết định chọn đường bộ, rẻ
hơn đường sắt, đắt hơn đường ống.
Ông
Nguyễn Thanh Liêm (Trưởng ban nhôm – titan - TKV) cho hay, tháng 9 này,
nhà máy bauxite tại Lâm Đồng sẽ vận hành, cũng tức là xe vận chuyển
alumin và nguyên liệu (sút, than v.v...) sẽ lăn bánh. Tính toán của TKV,
năm 2011 công suất nhà máy chỉ đạt khoảng 30% nên việc vận chuyển
alumin và nguyên liệu 2 chiều sẽ không nhiều, khoảng 400.000 tấn. Năm
2012 với công suất 60%, vận chuyển sẽ là 800.000 tấn. Sang năm 2013 nhà
máy đạt công suất 100% thì alumin và nguyên liệu chở qua Đồng Nai khoảng
1,2 triệu tấn/năm. Năm 2014 khả năng xong cảng Kê Gà thì nguyên liệu
vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ qua Đồng Nai (than và sút) nhưng chỉ
khoảng 10%.
Ngày 27.7 UBND Đồng Nai được nghe TKV thông tin chính thức
vận chuyển alumin và nguyên liệu cho bauxite. Ảnh: Ngô Sơn
TKV
đã thuê một Cty vận tải TPHCM với đoàn xe siêu trường, siêu trọng (xe
đầu kéo, tính cả rơmoóc dài 18m, rộng 2,3m, cao 2,75m và tải trọng cả
hàng khoảng 40 tấn). Với công suất vận hành của nhà máy như trên, thì
trung bình dưới 10 phút/chuyến xe 40 tấn “xuất bến”. Ước sẽ có chừng 140
chuyến xe như vậy mỗi ngày ngang qua Đồng Nai, mỗi chiếc cách nhau
khoảng 4km
.
“Chúng tôi biết, với tình
trạng đường sá xuống cấp và quá tải hiện nay, dù thêm 1 chiếc xe nữa
cũng là tăng thêm quá tải, tăng thêm nỗi lo TNGT. Nhưng cho đến thời
điểm này, khi dự án đi vào hoạt động và đang trong giai đoạn sản xuất
sản phẩm, thì không thể dừng lại được!” - ông Liêm nói.
Theo
ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - kế hoạch vận
chuyển mà chủ đầu tư đưa ra không phù hợp với thực tế, trái với quy định
của pháp luật. Xe tải trọng 40 tấn, trong khi đó, lâu nay QL20 chỉ đáp
ứng được 1/4 trọng lực thiết kế; tương tự QL51 chỉ chịu lực 1/3. Như
vậy, sức chịu dựng của các cung đường mà kế hoạch xe vận tải nặng đương
nhiên không thể đảm bảo an toàn, kể cả về mặt giao thông lẫn an ninh
trật tự.
Hàng chục chiếc cầu trên lộ
trình với tải trọng cao nhất 30 tấn (chưa nói nhiều cầu đã xuống cấp và
cầu La Ngà kết nối Lâm Đồng - Đồng Nai chỉ có tải trọng 25 tấn) thì
không thể “cõng” nổi hàng chục chiếc xe tải trọng 40 tấn siêu trường
siêu trọng.
Vì vậy, nếu không có giải
pháp, khi chưa đảm bảo các yêu cầu về ATGT thì tạm thời không nên vận
chuyển qua địa bàn Đồng Nai. “Do đó, sẽ không có trường hợp ngoại lệ khi
xe quá tải qua cầu!” - ông Vĩnh nhấn mạnh.
Trong
tình huống “tiến thoái lưỡng nan” này phải xử lý ra sao? Nhiều đại diện
Đồng Nai cho rằng có thể nâng cấp ngay các cầu trên lộ trình vận chuyển
để làm sao đảm bảo đủ tải trọng 40 tấn. Với đường, có thể xử lý nhanh
những “điểm đen” hư hỏng gây TNGT bằng giải pháp vá nhanh mặt đường và
phân luồng để giảm lưu lượng xe cũng là giải pháp đề ra.
Trước
những sáng kiến này, ông Vĩnh cho rằng, TKV và ngành chức năng cần mời
cơ quan kiểm định cầu đường để nhanh chóng phối hợp với Đồng Nai có ý
kiến với Bộ GTVT thống nhất giải pháp.
Đại
tá Võ Văn Sáng - Phó GĐ Công an Đồng Nai: Trong năm 2010, trên QL20 đã
xảy ra 92 vụ tai nạn giao thông, làm chết 44 người và hàng trăm người
khác bị thương; QL51 xảy ra 132 vụ TNGT, làm 44 người chết. Riêng đường
tỉnh lộ 769, trong năm 2010 cũng xảy ra 15 vụ TNGT, làm chết 3 người.
Nguyên nhân một phần là do mật độ lưu lượng xe vượt quá khả năng thiết
kế. Có sự tham gia của xe vận chuyển bauxite, không thể đảm bảo ATGT!
laodong.com.vn/Tin-Tuc/Duong-van-chuyen-bauxite-Nuoc-den-chan-moi-nhay/51816
*
Phó giám đốc sở giao thông vận tải Đồng Nai: Cầu đường nào chịu nổi xe chở bôxit
TT
- Ngày 27-7, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẳng định nếu xe chở bôxit có tải
trọng 40 tấn còn chạy qua tỉnh này sẽ bị xử lý theo diện xe quá tải. Lý
do: cầu đường mà xe chở bôxit chạy qua chỉ chịu tải trọng cao nhất 30
tấn.
Sáng 27-7, làm việc với Tập đoàn
Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) về việc vận chuyển bôxit, đại
diện tỉnh Đồng Nai nói thẳng: “Nếu TKV vận chuyển bôxit quá tải sẽ bị xử
lý như các trường hợp khác”.
Nếu làm đúng như trên, xe vận chuyển bôxit có tải trọng 40 tấn sẽ “hết cửa” qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
10 phút có một xe chở bôxit chạy qua.
Nếu làm đúng như trên, xe vận chuyển bôxit có tải trọng 40 tấn sẽ “hết cửa” qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
10 phút có một xe chở bôxit chạy qua.
Theo
phó tổng giám đốc TKV Dương Văn Hòa, TKV vận chuyển alumin với quãng
đường 210km từ Nhà máy alumin Tân Rai đến Bảo Lộc (Lâm Đồng) rồi theo
quốc lộ 20 về ngã ba Dầu Giây, tiếp đó đi theo tỉnh lộ 769 và quốc lộ 51
xuống cảng Gò Dầu, Đồng Nai. Theo tính toán, năm 2011 sản xuất khoảng
400.000 tấn alumin.
Đề cập việc vận
chuyển, ông Hòa cho hay trong lúc chờ cảng Kê Gà (Bình Thuận) đưa vào sử
dụng năm 2014, TKV chọn phương án vận chuyển alumin qua nhiều tuyến
đường ở Đồng Nai. Cứ mười phút có một xe chở hàng xuất bến và mỗi xe
cách nhau khoảng 4km. Về tải trọng xe chở bôxit, ông Nguyễn Thanh Liêm,
trưởng ban nhôm - titan (TKV), cho hay xe kéo rơmoóc nặng 15 tấn, chở 25
tấn bôxit nên tổng tải trọng là 40 tấn.
Ông
Trần Văn Vĩnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hỏi thẳng: “TKV có khảo
sát tất cả cầu đường để vận chuyển bôxit qua Đồng Nai và có bảo đảm
không?”. Ông Hòa giải thích: “Không đảm bảo được 100% vì có cầu chịu tải
được, có cầu không. Đơn vị khảo sát mấy năm trước nhưng giờ tình hình
đã khác, không thể xem đó là căn cứ”. Ngoài ra, đại diện tỉnh Đồng Nai
còn bức xúc trước việc TKV tự ý cho mình quyền được vận chuyển bôxit qua
địa bàn mà không cần phối hợp với ngành chức năng của tỉnh.
Để
dẫn chứng, ông Dương Danh Quý, chánh văn phòng Ban an toàn giao thông
tỉnh Đồng Nai, nói: “TKV vận chuyển bôxit qua quốc lộ 20, tỉnh lộ 769
thuộc địa phận tỉnh nhưng chúng tôi không biết vận chuyển bao nhiêu xe.
Nhiều đại biểu tiếp xúc cử tri cũng không trả lời được về việc TKV cho
vận chuyển bôxit qua địa bàn ra sao do thiếu thông tin”.
Theo
ông Quý, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết khi xe chở bôxit quá tải
đi trên đường, nhưng khi TKV khảo sát đường cũng không phối hợp và không
bàn bạc với địa phương. “Tôi đơn cử cầu La Ngà nâng được tải trọng lên
25 tấn trong điều kiện chắp vá. Đây là chiếc cầu duy nhất trên quốc lộ
20, nếu cứ mỗi mười phút có một xe quá tải 40 tấn chạy qua làm nó sập
thì hậu quả sẽ rất lớn” - ông Quý nói.
Đường tan nát
Khẳng
định về việc TKV chở bôxit quá tải đang gây thêm gánh nặng cho Đồng
Nai, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Vý bức
xúc: “Quốc lộ 20 chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, toàn tuyến bong tróc
xuất hiện ổ gà, ổ voi đã được Đồng Nai kiến nghị từ rất lâu nhưng không
được nâng cấp, sửa chữa. Nay xe chở bôxit quá tải chạy qua chắc chắn
đường tiếp tục hư, tai nạn giao thông gia tăng”. Cũng theo ông Vý, tuyến
đường 769 dài 33km là đường cấp 4, chỉ có một cây cầu chịu tải trọng
cao nhất là 30 tấn thì TKV cho xe 40 tấn chở bôxit đi qua. “TKV chơi như
vậy là không có cầu đường nào chịu nổi” - ông Vý than thở.
Ông
Nguyễn Công Thanh - phó tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ VII (đơn vị
quản lý quốc lộ 20) - thừa nhận tuyến đường này được bảo trì cách nay
hơn mười năm và đã xuống cấp, hư hỏng. Quốc lộ này được thiết kế với
6.000 lượt xe/ngày đêm nhưng đã quá tải. Ông Thanh cho hay: “Do TKV chưa
làm việc với chúng tôi về việc vận chuyển bôxit nên sắp tới phải làm
việc lại và bàn biện pháp để gia cố cầu, tăng tải trọng cầu đường”.
Ông
Trần Duy Nhân - phó tổng giám đốc Công ty BVEC (đơn vị đang nâng cấp,
mở rộng quốc lộ 51) - cho biết quốc lộ 51 đang được mở rộng, nâng cấp,
sắp tới sẽ hoàn thành rất đẹp nhưng nếu TKV cho xe chở bôxit chạy rầm
rập mỗi ngày như vậy thì con đường này sẽ sớm xuống cấp. “Toàn tuyến
quốc lộ Bộ Giao thông vận tải cho phép chúng tôi mở rộng, nâng cấp năm
chiếc cầu, tải trọng hiện nay chỉ dừng ở mức 30 tấn. Nếu xe bôxit 40 tấn
chạy qua thì sao chịu thấu” - ông Nhân nói.
Theo
đại tá Võ Văn Sáng - phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (phó Ban an
toàn giao thông tỉnh), các tuyến đường mà xe vận chuyển bôxit đi qua
hiện nay đều đang trong tình trạng quá tải và tai nạn giao thông ngày
càng tăng. Hiện quốc lộ 20 có đến 24.500 xe/ngày đêm, còn quốc lộ 51 là
66.000 lượt xe/ngày đêm. “Nếu TKV cho xe vận chuyển quá tải, chưa đảm
bảo các quy định về cầu đường thì chúng tôi buộc phải xử lý theo quy
định” - ông Sáng khẳng định.
Mặc dù
TKV nói sẽ có phương án cụ thể trong quá trình vận chuyển bôxit, nhưng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh vẫn cương quyết: “Hiện nay
xe chở bôxit với tải trọng 40 tấn qua những cây cầu yếu như vậy là
không đảm bảo. TKV cho biết mỗi ngày đêm sẽ có hơn 100 lượt xe chở bôxit
chạy qua nhưng hạ tầng hiện nay chưa đảm bảo thì đề nghị chưa được vận
chuyển. TKV phải lập phương án vận chuyển và các phương án ứng phó khi
có sự cố xảy ra”. Theo ông Vĩnh, sau buổi làm việc này, nếu xe của TKV
chở bôxit quá tải còn chạy qua địa bàn sẽ bị xử lý bởi: “Nếu không xử lý
xe chở bôxit, làm sao chúng tôi xử lý các xe quá tải khác? Tất cả phải
bình đẳng trước pháp luật, không có ngoại lệ nào”.
HÀ MI
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/448546/Cau-duong-nao-chiu-noi-xe-cho-boxit.html
No comments:
Post a Comment