Tuesday, June 7, 2011

TS. Phan Van Song  - Với một Nhà thờ càng ngày càng phát triển, với các tín đồ  mỗi ngày mỗi đông, các giáo  hữu Cơ đốc giáo Tin lành đang làm nhà cấm quyền cộng sản Trung quốc lo sợ. Họ là những bác sĩ, họ là những luật sư, họ là những giáo sư…
và có khi, họ cũng là những đảng viên cao cấp, có quyền thế của đảng cộng sản ? và trong hàng ngũ họ, rất nhiều thành viên đã dám ngang nhiên ra mặt công khai tranh đấu để bảo vệ và đòi hỏi các quyền công dân và các quyền tối thiểu của con nguời.
Mặc dù, hằng tuần, công an cộng sản (Trung quốc) đàn áp, và bắt giam  cả vài  chục người, nhưng với một đức tin mãnh liệt, họ sẳn sàng hy sanh hiến thân làm thánh tử đạo.và tiếp tục cuộc đấu tranh.

Viết phỏng theo tin tức của đặc phái viên Ursula Gauthier của Tuần báo Người Quan sát mới – Nouvel Observateur, Pháp quốc số ra ngày 26 – 05 2011.

Từ hơn hai tuần nay, cứ mỗi chúa nhựt vào đúng 8 giờ 30 phút, từng đoàn người lũ lượt kéo đến cái quảng trường cũ kỷ, không được sửa chữa, của khu các trường Đại học Beijing. Với  những nét mặt tuy đầy cương quyết, nhưng vẫn phản phất đó đây, một thoáng ngập ngừng, e ngại, họ,  những cô gái trẻ tuổi, mãnh mai trong chiếc quần jean tân thời, và đầu tóc chải đuôi ngựa dễ thương ; họ, những cặp vợ chồng trung niên, ăn mặc tươm tất, các đàn ông âu phục cà – vạt tử tế, họ,  những luật sư, những bác sĩ, những giáo chức … Đoàn người vừa mới đến, vừa gặp nhau, vừa mớm định tụ họp lại, thì tức khắc nào công an, nào cảnh sát trong trang phục chống biều tình, nhào đến, chận họ, bắt họ. Và họ bình thản chấp nhận, không kháng cự,  họ bình thản đưa tay ra để còng, và bình thản dìu nhau bước lên xe cảnh sát bít bùng để đi đến trại cảnh sát, hay trại giam. Và, ngay trên xe, hay ngay khi đến nha sở công an, họ cùng nhau đồng loạt mở  Kinh thánh mang theo, và cùng hòa ca vang những bài thánh ca.

Những người hằng tuần nầy đã dám đi đương đầu với  lực lượng công an và cảnh sát chống biểu tình ấy, là những tín đồ của Nhà thờ Tin lành Shouwang (Tháp Canh – La Vigie /  La Tour de Garde – Watch Tower )  một trong những Nhà thờ điển hình nhứt của các « Nhà thờ  gia đình » ở Beijing. « Nhà thờ gia đình » là những nhóm Nhà thờ rất độc lập, và nhứt định không gia nhập vào Nhà thờ quốc doanh ( với tên gọi là « Nhà thờ tổ quốc » hay « Nhà thờ yêu nước »  do Nhà nước tổ chức hay kiểm soát. Những « Nhà thờ  gia đình » nầy thường tụ họp, hôm nay ở gia đình con chiên nầy, tuần sau ở gia đình tín hữu khác, và khi quá đông người thì thường mượn hay mướn một phòng họp công cộng hay một quảng trường hay một sân vận động làm nơi tụ họp lễ lạc ! Họ tự bầu lên người đầu đàn, Mục sư, Thầy Giảng, hay những văn phòng điều hành mục vụ do các « bô lão » hay « kỳ cựu » điều khiển.

Một « nhà trách nhiệm », hiện nay đang bị « tù tại gia » và hoàn toàn bị cô lập từ hai tuần nay đã phát biểu trong lần gặp chúng tôi hai tuần trước : « Chúng tôi không có ý kiến chánh trị, chúng tôi không chống lại nhà cầm quyền, và chúng tôi chỉ mong một việc, là nhà cầm quyền Trung quốc cho phép chúng tôi hoàn toàn được tự do tín ngưởng ».

Tại sao nhà cầm quyền Trung quốc có một thái độ quá khắc khe với Nhà Thờ Tin Lành Tháp Canh như vậy ? Đàn áp : mỗi tuần có cả chục tín hữu bị bắt giam. Từ hơn hai tuần nay, trên 300 người đã bị bắt giam, buộc làm tự khai, tự kiểm, buộc phải đổ tôi cho các lãnh đạo tin thần, Mục sư hay Thầy giảng hay nhà truyền giáo. Một số đông được thả về  sau một thời gian bắt giữ. Hiện nay, có sáu nhà lãnh đạo tin thần đang bị « quản thúc tại gia » từ bảy tuần nay. Một tin giờ chót cho biết, họ có thể bị bắt đưa vào tù. Theo Bob Fu, thuộc NGO « China Aid » chuyên theo dõi những vụ đàn áp người Cơ Đốc Giáo tại Trung Quốc, nhà cầm quyền Beijing chống tất cả mọi nhóm tôn giáo có tổ chức.

Nhà Thờ Tin Lành Shouwang ra đời năm 1993, thành lập bởi Mục sư Jin Tianming, một cựu kỹ sư hoá tốt nghiệp Trường Đại học nổi tiếng Tsinghua của Beijing. Từ một nhóm nhỏ 10 người của những ngày đầu, hôm nay họ đã lên đến con số 1000 người sau 15 năm thành lập. Vì lý đó, Nhà Thờ không ngớt bị sách nhiểu, gặp từ  khó khăn nầy đến khó khăn khác, đến đổi phải dọn nhà trên 20 lần.

«Thoạt đầu, chỉ vì vụ Nhà Thờ Shouwang sửa soạn xin Nhà cầm quyền cấp chiếu khán xuất ngoại để Nhà thờ  gởi 200 con chiên đại diện toàn nhóm Tin lành Trung Quốc  đi dự cuộc Hôi nghị Quốc tế các Phong trào Tin lành tại  Nam Phi ». Vụ ấy  làm cho nhà cầm quyền Trung Quốc hoảng hốt, lo lắng,  « bởi thế lực và tiếng tăm quốc tế, sửng sốt vì sức tổ chức  và cái quyết tâm của Nhà Thờ Shouwang đã dám tự  xưng là « đại diện chánh thức » của Phong trào Nhà Thờ Tin Lành Trung Quốc. Vì vậy, bằng mọi giá, Nhà cấm quyền phải đàn áp và cản không cho các đại diện Shouwang xuất ngoại đi Nam Phi. » Cuối cùng, vì  phong trào Cách mạng Bông Lài đang nở rộ ở Bắc Phi và Trung Đông « làm nhà cầm quyền Trung Quốc đã hoảng hốt càng hoảng hốt thêm nên nhứt định phải ra tay trừng trị cho được nhóm Nhà Thờ Shouwang ».

Năm 2010, các tín hữu đã  quyên góp được một số tiền khá lớn là 6 triệu dollars, đủ để mua một từng lầu của một tòa nhà trong khu vực của Khu Đại học. Nhưng cuộc mua bán không thành do những sức ép cản trở của Nhà cầm quyền. Và Shouwang đành phải mướn dài hạn một phòng tiệc lớn của một nhà hàng sang trọng ở Beijing để làm phòng họp thường trực. Sau một thời gian, hợp đồng tự nhiên bị nhà hàng đơn phương bãi bỏ. Và ngày nay, Shouwang không có cả phòng họp thường trực và cả văn phòng thường trực.

« Nhà cầm quyền muốn chúng tôi tan vỡ thành những mãnh nhỏ, vào có thể, muốn chúng tôi phải hòa tan, gia nhập vào Nhà thờ Tổ quốc quốc doanh » một tín hữu than phiền với chúng tôi, và anh tiếp tục nói tiếp : « Nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận. Chả nhẽ chúng tôi theo lời Chúa mà chúng tôi lại phải chấp nhận nghe lời các công nhơn viên Nhà Nước Cộng sản vô thần trá hình thành những Mục sư của Nhà thờ quốc doanh sao ? ».

Với bốn mươi nhóm chuyên môn khác nhau, nào là nhóm  nghiên cứu Thánh Kinh, nào là nhóm ca đoàn, nhóm giảng dạy, giáo huấn, nào nhóm tổ chức các sanh hoạt, nhóm mục vụ…các tín đồ phàn đông đều xuất thân từ các thần phần trí thức trung lưu mới, giáo sư trung học, giáo sư đại học, y sĩ, luật sư, sanh viên, thậm chí có cả các đảng viên Đảng Cộng sản trung cấp và cả cao cấp. Hằng chục tín đồ mới gia nhập mỗi tháng. Hiện tượng nầy làm chột dạ nhà cầm quyền.

Thành phần trí thức, giai cấp trung lưu dân thành thị, ưu tú, có trình độ giáo dục cao, có đời sống sung túc, vì thành công trong nghề nghiệp, nhưng chán cảnh « thành công kinh tế của tư bản đỏ », chán bài ca « kinh tế tư bản theo định hướng xã hội thiếu lương thiện và đầy rẫy bất công »… các tín hữu Tin Lành lấy Đức Tin vào lời thánh của Jêsus làm kim chỉ nam để chống lại cường quyền vô thần, tham nhũng và vô đạo đức.

Những con số điển hình

Năm 2006, 31 phần trăm người Trung quốc (trả lời với một Viện thống kê) nhìn nhận có Đức Tin và tín đồ một tôn giáo, (sai biệt với con số của Thống kê Nhà nước với con số ba lần nhỏ hơn). Trên 300 ngàn tín đồ các tôn giáo đó, 2/3 thuộc về Phật giáo hay Lão giáo. 100 ngàn còn lại là của Thiên Chúa Giáo. Một con số kín do cơ quan Công an kiểm kê bị lọt ra ngoài là 130 ngàn tín đồ Thiên Chúa giáo, gồm 1/5n là Thiên Chúa giáo La mã và 4/5 là Cơ Đốc giáo Tin lành ( nên so sánh với con số 5 triệu tín đồ  của toàn Thiên Chúa giáo nói chung khi Mao lên nắm quyền năm 1949). Với 7% đến 10 % Thiên Chúa Giáo ngày nay là Tôn giáo thứ hai ở Trung Quốc .

Sự thật đã đến, sau bao nhiêu năm bị đàn áp trong máu, luôn luôn bị xem là một Tôn giáo « nhập cảng », « đầy tớ cho tư bản và đế quốc xâm lược », ngày nay Thiên Chúa giáo đã có một thế đứng rõ ràng. Nhà Luật học và sử học Fan Yafeng, một trong những nhà tư tưởng của  Cơ Đốc Giáo Tin lành, hiện đang bị nghi ngờ và quản thúc tại gia đã trả lời và  nhận định với với chúng trong một dịp phỏng vấn cách đây hai tuần : « Chính do chánh sách vô thần của Đảng Cộng sản đã xóa bỏ các tín ngưỡng cổ truyền, đã mở cửa và tạo khoảng trống cho Thiên chúa Giáo nhập vào thành phần có học ».Và ông cũng nói tiếp : «  Cũng đừng quên  vai trò của các nông dân, khi xưa được các Mục sư ngoại quốc truyền giáo, đã giữ được Đức Tin và ngọn lữa. Và mặc dù với tất cả những khó khăn do sức ép của Nhà Nước và Đảng, họ cũng đã trở thành những Mục sư, những nhà truyền giáo, khi họ có dịp. Và trong những năm 1980, nên nhớ, chính họ đã truyền giáo cho 80% dân chúng ở các  huyện của hai tỉnh Heinan và Zhejiang ».

Và chính trên những mãnh vườn tươi tốt ấy mà mà các nhà trí thức lớp sau tiếp tục vun xới. Thế nhưng, vì những vị trí thức đó, với những bộ óc đầy khoa học tánh, với những cái nhìn đầy đa nghi đối với cái nhiệt tình của sự mê tín, nên họ bèn trở lại với đèn sách, với lý thuyết, với sách vỡ, với Kinh Thánh, với bài luận, với lời bàn. Và họ nghiên cứu, và họ đi sâu vào Kinh thánh và họ tìm hiểu Saint Augustin, và họ tìm hiểu Calvin*. Dần dần họ cảm phục nhà Thần học người Pháp và công dân của thành phố Genève.

« Chính Calvin đã giúp chúng tôi hiểu được cái liên quan giữa Đức tin cá nhơn và Xã hội » Xu Jiê, một nhà tư tưởng Tin lành, một đối lập với Nhà nước Công sản Trung quốc nay đang bị cô lập quản thúc tại gia phát biểu : « Calvin dạy chúng tôi hiểu thế nào là sự phân biệt giữa Tôn giáo, Thần quyền và Nhà nước, Thế quyền. Phân biệt vai trò của một công dân với vai trò một  tín đồ một tôn giáo. Làm sao làm bổn phận một tín đồ đối với gia đình, đối với một sở làm, một nghiệp vụ, và đối với xã hội ?  Calvin nghiên cứu rất nhiều về những câu hỏi trên , và Calvin đã dạy chúng tôi.»

Ngày hôm nay, các nhóm trí thức với một tư tưởng mới, với một  cái nhìn Thiên Chúa Giáo,  với cái nhìn Cơ Đốc giáo Tin lành đang làm một cuộc cách mạng trên đất Trung quốc. Một ngọn gió đấu tranh cho Nhơn quyền, một ngọn gió đấu tranh để bảo vệ và đòi hỏi các quyền công dân, một ngọn gió đấu tranh đầu đòi thành lập những tổ chức, những hội đoàn dân sự đang thổi mạnh tại Beijing và đang lan tràn đến những thành phố chánh ở Trung quốc. Không phải là một ngẩu nhiên mà một số đông  các nhà bất đồng chánh kiến, các nhà đấu tranh bênh vực cho Nhơn quyền là những Luật sư, và cũng không nên ngạc nhiên khi  rất nhiều các Luật sư đang trở thành những tín hữu Cơ Đốc Giáo Tin lành. Chính trong chơn lý của tình yêu tha nhơn và phục vụ tha nhơn -  chơn lý  mà họ không tìm thấy  được trong nền triết học cổ truyền – mà họ tìm được sức mạnh và  tìm được ý thức cho cuộc đấu tranh của họ.

« Chúng tôi muốn dâng lên cho cái xã hội đầy hận thù nầy, một mô hình phát triển được dựa trên tình yêu và tha thứ » Yu Jiê nhận mạnh. Và nhóm Nhà Thờ Shouwang cũng xác tín như vậy. Vì vậy, họ sẳn sàng hy sanh và sẳn sàng đi đến thánh tử đạo. Nhận được hung tin, hơn hai mươi Nhà thờ « gia đình » Tin lành  trên toàn Trung quốc, cùng viết chung một Thỉnh Nguyện Thư gởi cho Quốc hội nhơn dân Trung quốc để tỏ lòng ủng hộ Nhà Thờ Tin lành anh em ở Beijing. Dỉ nhiên, chỉ vì phát xuất từ một đòi hỏi, mà ngày nay các Nhà thờ Tin lành « gia đình » đã trờ thành các  Nhà Thờ do nhóm phản động nước ngoài đã « diễn biến hoà bình phá hoại xã hội chủ nghĩa ».

Và Việt Nam? 

Việt Nam là một « âm bản » cửa Trung quốc. Đã từ lâu Việt Nam Cộng sản xem các Nhà Thờ Tin Lành là những kẻ thù. Các Mục sư như Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Công Chính…đều là những nhà chống đối, những kẻ thù nhơn dân. Nhưng các Mục sư ấy với những Nhà Thờ có trụ sở hay những nhà nguyện còn có tóc để Nhà cầm quyền nắm. Các Nhà Thờ « gia đình »  ở Cao nguyên lại càng nguy hiểm hơn vì không có nhà nguyện Các Mục sư, hay các Nhà truyền giào du mục, đi rao giảng là một vấn đề  nan giải với một Nhà nước cảnh sát cần theo dõi kiểm soát. Những vụ đàn áp anh em tín hữu Tin lành người thượng không chỉ đơn thuần giải vấn đề kiểm soát sắc tộc. Mường Nhé không phải chỉ chống người thượng đơn thuần, Mường Nhé là chống cả Cơ Đốc Giáo Tin Lành.

Một Thiên Chúa Giáo La mã với tổ chức giáo hội  có quy cũ có hệ thống thống nhứt có thể thương thuyết, kiểm soát, mua chuộc. Với các Nhà Thờ Tin Lành, rất phức tạp, nhiều nhóm khác nhau, năm phe bảy phái  khác nhau làm sao có thể thương thuyết được. Đây là cái nghịch lý của « Trăm Hoa đua nở thắng độc tôn ». Đa nguyên thắng độc đảng. Dân chủ đa nguyên thắng độc tài độc đảng.

Mong Hà nội nhìn kỹ Beijing và ráng học bài học đa nguyên nầy.

Phan Văn Song

Viết mừng Ngày Chúa Lên Trời 2 /06 / 2011
*Jean Calvin, tên thật là Jehan Cauvin  sanh 10 /07/ 1509 tại Noyon, Pháp mất ngày 27/05/1564 tại Genève Thụy sĩ là  một luật gia, một nhà văn Cơ Đốc giáo Tin lành, nhà lãnh đạo  Nhà Thờ Tin Lành Cải cách (Eglises réformée).

Ông với Martin Luther, Ulrich Zwingli và Martin Bucer  là những người sáng tạo ra Nhà thờ  Cải cách Cơ Đốc giáo. Ông đã tổ chức ở Genève, Thụy sĩ, một Nhà thờ khác biệt hẳn từ tổ chức lễ lạt đến cách cử hành buổi lễ với Nhà thờ Thiên Chúa giáo La mã. Khác hản từ những cách nhìn, quan niệm về quyền uy như ông Giáo hoàng, các Thánh, các Hôi nghị, các xưng tôi, hay các phép tha tôi.

Jean Calvin  khác với Luther là viết hẳn một lý thuyết thần học về Tin lành và Nhà thờ cải cách. Khác hẩn với Luther, viết bằng những tiểu luận bài giảng hay lời bàn..

Về mặt tổ chức nhà thờ, Jean Calvin dạy cho bầu ra Mục sư, hay Thầy giảng làm trưởng tràng nhà thờ. Việc quản trị nhà thờ do một hội đồng quản trị (Conseil presbytéral) và một văn phòng quản trị  gồm các  Bô lão hay kỳ cựu (les Anciens) điều hành .


http://www.vietthuc.org/2011/06/07/chuy%E1%BB%87n-tau-vi%E1%BB%87c-ta-dan-ap-ton-giao-n%E1%BB%97i-th%E1%BB%91ng-kh%E1%BB%95-c%E1%BB%A7a-cac-con-chien-nha-th%E1%BB%9D-shouwang-thap-canh/

No comments:

Post a Comment