Trần Vinh Dự - VOA -
Tham vọng thôn tính hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và độc quyền kiểm
soát, khai thác Biển Đông của Trung Quốc đã có từ lâu. Quyết tâm thực
hiện tham vọng này của họ ngày càng lớn. Đã qua rồi giai đoạn Trung Quốc
chỉ nói bằng mồm. Bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu hiện nay và
nội lực tự thân cho họ cơ hội tốt để biến quyết tâm thành hành động. Và
họ đang từng bước thực hiện. Cách hành xử của họ trên Biển Đông ngày
càng quyết liệt và ngông cuồng.
Các
láng giềng phía nam của Trung Quốc đang ở thế yếu, đặc biệt là Việt Nam.
Các nước này ít có cơ may giành được lợi thế nếu xảy ra đối đầu trực
tiếp. Tuy nhiên, điều may mắn là Trung Quốc cũng chưa sẵn sàng cho những
cuộc đối đầu trực tiếp. Vì gây ra một cuộc chiến tranh phi nghĩa với
các nước phía nam cũng đồng nghĩa với việc biến Trung Quốc thành kẻ thù
đáng sợ nhất trong thế kỷ XXI của hòa bình thế giới, đặc biệt là của các
nước láng giềng phía Đông, phía Tây, và Tây Nam của nước này. Trung
Quốc đang mạnh lên, và hiện đã có sức mạnh đáng kể về kinh tế và quân
sự, nhưng Trung Quốc chưa thể thực hiện cái việc mà Đức Quốc Xã làm hồi
giữa thế kỷ XX (và ngay cả Đức Quốc Xã thì cuối cùng cũng thất bại).
Điều
không may là có lẽ Trung Quốc cũng không cần phải viện đến một cuộc đối
đầu trực tiếp và toàn diện, vì họ cũng không cần phải thôn tính Hoàng
Sa và Trường Sa trong lúc này. Điều họ nôn nóng thực hiện hơn là khai
thác tài nguyên dưới lòng Biển Đông và xua đuổi các nước láng giềng yếu
thế khỏi cuộc cạnh tranh. Để thực hiện được mục tiêu này Trung Quốc chỉ
cần làm mạnh hơn những gì họ đang làm, tức là dọa nạt, gây gổ, phá hoại,
và tiến tới chủ động tạo ra các xung đột vũ trang cục bộ có thể kiểm
soát được trên biển.
Quốc kỳ Trung Quốc và một đĩa vệ tinh tại một khu nhà do Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Trường Sa-Hình: Reuters
Đối
phó lại với chiêu bài này là việc làm rất khó khăn, và đòi hỏi nhiều nỗ
lực từ nhiều phía khác nhau. Chính phủ các nước như Việt Nam hay
Phillipines là các players quan trọng nhất, nhưng không phải duy nhất.
Trong bài viết này tôi muốn đặt ra câu hỏi: người Việt ở nước ngoài làm được gì?
Chắc
chắn mỗi người sẽ có cách trả lời khác nhau dựa trên các đặc điểm và
điều kiện riêng.Vấn đề Biển Đông là vấn đề đa phương liên quan đến nhiều
nước khác nhau (không chỉ các nước trong khu vực mà còn với các cường
quốc hàng hải và với hầu hết các nền kinh tế theo con đường mậu dịch).
Lợi ích của Việt Nam hay Phillipines nằm ở chỗ phải quốc tế hóa được
cuộc xung đột này thay vì rơi vào bẫy phải đơn phương đối đầu với Trung
Quốc trong một cuộc chơi bất đối xứng. Người Việt Nam ở nước ngoài có
một vị trí quan trọng trong mục tiêu quốc tế hóa này.
Có
nhiều việc mà người Việt ở nước ngoài có thể làm để quốc tế hóa vấn đề
Biển Đông. Những việc đầu tiên như đọc nhiều hơn để hiểu về bản chất sự
việc, lập trường của các bên, các thủ đoạn mà phía Trung Quốc hay sử
dụng, và các lợi ích cũng như thiệt hại của các nước trong cuộc xung đột
này, đặc biệt là lợi ích quốc gia của nước mà người Việt đang sinh
sống.
Nói về cuộc xung đột này với
bạn bè, đặc biệt là người nước ngoài và người Trung Quốc là một công
việc hết sức quan trọng và cần tới sức mạnh đám đông của người Việt ở
nước ngoài. Dĩ nhiên để tuyên truyền có hiệu quả thì cũng cần đến sự
hiểu biết về bản chất của cuộc xung đột và các vấn đề liên quan, vì thế
cũng cần phải đọc và theo dõi vấn đề thường xuyên. Đổi lại, việc tuyên
truyền qua bạn bè và người quen lại mang đến hiệu quả cao hơn so với các
phương tiện thông tin đại chúng.
ASSOCIATED PRESS Biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, ngày 4/6/2011
Việc
lên tiếng bằng các hình thức đấu tranh bất bạo động như biểu tình, tuần
hành, viết kháng thư, hay các phong trào tẩy chay cũng hết sức có ý
nghĩa. Điều khó khăn đối với Việt Nam là do đặc thù lịch sử và sự chia
cắt về ý thức hệ, các phong trào phản kháng này dễ rơi vào tình trạng
người Việt biểu tình chống đối lẫn nhau. Và vì thế không tạo được hình
ảnh về một cộng đồng người Việt Nam khắp thế giới đoàn kết bảo vệ lợi
ích dân tộc.
Việc nghiên cứu và phổ
biến trên các tạp trí khoa học, viết và phát biểu trên các phương tiện
truyền thông quốc tế cũng là một việc đặc biệt quan trọng và rất thích
hợp với giới trí thức Việt Nam ở nước ngoài do điều kiện tiếp cận và
nguồn lực tốt hơn so với người Việt Nam ở trong nước. Hiện nay Việt Nam
cũng như Phillipines và các nước Đông Nam Á khác trong cuộc xung đột với
Trung Quốc đang bị lép vế rất nhiều trên phương diện này do nguồn lực
trong nước để phục vụ công tác nghiên cứu và tuyên truyền ở nước ngoài
còn rất hạn chế so với đối thủ.
Đóng
góp để tài trợ các nghiên cứu về Biển Đông và xung đột ở Biển Đông cho
các học giả khắp nơi trên thế giới cũng là một việc đặc biệt có ý nghĩa
vì đây là cách nhanh nhất vãn hồi lại sự mất cân bằng nguy hiểm trong
nghiên cứu và tuyên truyền. Tất nhiên khó có thể “mua” được các sử gia
và luật gia nước ngoài viết theo lập trường của Việt Nam hay Phillipines
nhưng ít ra thì họ cũng có cách nhìn cân bằng hơn so với các học giả
Trung Quốc khi nói về Biển Đông.
Đóng
góp tài trợ cho các ngư dân bám biển, đặc biệt là những người bị Trung
Quốc bắt giữ, tịch thu thuyền bè và ngư cụ cũng là một việc rất quan
trọng. Trước đây do không có thiết bị định vị, ngư dân Việt Nam ra khơi
không nhiều khi xác định được mình đang ở vùng biển nào. Những người bị
đe dọa hoặc bị tước mất thuyền bè ngư cụ cũng không có điều kiện quay
lại nghề đánh bắt cá ở các vùng biển nguy hiểm nếu không được sự giúp đỡ
về tài chính. Điều này rất nguy hiểm về lâu dài vì nếu Trung Quốc thành
công trong việc xóa bỏ sự hiện diện của người Việt trên các ngư trường
của Việt Nam hay trong vùng tranh chấp thì đó là cách để họ xác lập trên
thực tế chủ quyền của họ tại các ngư trường này. Việc dựa vào các lực
lượng hải quân bảo vệ ngư dân là việc không thể thực hiện rốt ráo được
vì năng lực hải quân của Việt Nam hiện nay có hạn và số lượng thuyền bè
của ngư dân quá lớn và họat động trên diện rộng.
Tiếp
theo, ở mức cao hơn nữa là vận động chính giới của các nước bản địa ủng
hộ việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột này bằng con đường hòa bình và
công bằng. Mặc dù trên thực tế cuộc xung đột vũ trang trên Biển Đông dẫn
tới việc Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát vùng biển này sẽ đem lại những
bất lợi to lớn cho tự do hàng hải, tự do mậu dịch, và các lợi ích chiến
lược khác của nhiều nước, nhưng những tổn thất này còn chưa thành hình.
Vì thế, trong điều kiện các quốc gia còn rất nhiều các quan tâm ngắn hạn
cần phải giải quyết, thì việc bỏ quên các vấn đề chiến lược trong dài
hạn là việc dễ xảy ra. Và như vậy cần có những thúc ép về chính trị từ
bên dưới thì các chính phủ các nước này mới nhìn nhận sự việc theo đúng
tầm quan trọng của nó.
* Blog của
Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng
tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập
trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment