Monday, June 13, 2011

Trong mắt tôi

Nguyễn Thông - Trưa nay tôi uể oải lầm lũi chạy xe về, khác hẳn với một tuần trước đầy phấn chấn. Nỗi buồn cứ quay quắt, ồn ào khiến mình mệt mỏi. Chả dám than trách bởi đã xác định trước rồi, đường đời lắm nỗi gian nan. Không thể viết ngay được, mà mình lại vốn chậm chạp, viết cũng chậm. Nhưng không thể không viết.


Người xưa khi cần tăng tính thuyết phục cho điều gì đó thường quả quyết “mắt thấy tai nghe”. Những gì tôi biên ra đây là qua con mắt của tôi, còn bạn có tin hay không thì tùy.

Điểm lại một chút: 6 giờ 30 sáng bà xã chưa dậy, tôi ghi vội mấy chữ để trên bàn rồi xách xe đi. Đi về có báo cáo tuy hơi mất tự do nhưng trong trường hợp này có cái hay của nó. Đến cơ quan gặp đồng nghiệp Mr.Do cũng vừa tới. Nó trẻ, nhanh hơn mình, bỏ xe máy lại, lủng lẳng chiếc máy ảnh ống kính dài, thoắt cái đã ngoắc xe ôm vù mất. Mình cũng kêu một chiếc, bảo bác tài nhẩn nha dọc đường để xem nhân tình thế thái. Sài Gòn vẫn ồn ã nhộn nhịp, chả ai biết sau những gương mặt kia là những suy nghĩ gì. Tới nhà hát thành phố, dòng đời thường vẫn như hôm qua hôm kia hoặc có thể ngày mai nên mình bảo bác tài quành về nhà thờ lớn. Kia rồi sự khác lạ. Người đông hơn, đứng đầy trên vỉa hè đường Hàn Thuyên, quảng trường Công xã Paris và vườn cây trước dinh Độc Lập, càng ngày càng đông. Và dù chỉ là tay mơ, mình rất dễ dàng nhận ra nhan nhản công an, an ninh chìm nổi, rồi đủ loại sắc phục dân phòng tự vệ làm xanh mặt nhân dân. Họ chả cần giấu diếm, oai vệ vác dùi cui, cứ vài ba anh lại có một anh tay cầm bộ đàm, lúc líu lo lúc thầm thì ngó trước ngó sau rất chi là bí mật. Thôi tí nữa mình sẽ kể kỹ hơn về mấy “đồng chí” này bởi họ là nhân vật chính của ghi chép hôm nay.

Tới ngã ba Alecxandre de Rode- Phạm Ngọc Thạch nhìn sang quán cà phê tầng trệt Diamond còn gọi là cà phê Đá lối trông sang nhà văn hóa thanh niên thấy Mr.Do và bạn bè đứng đó tự bao giờ. Trò chuyện vài câu, gặp thêm bạn đồng nghiệp cũ Phạm Thương. Thương chỉ một anh chàng nhỏ con đẹp trai đeo chiếc máy ảnh bảo ông xã em đây. Mọi người vui vẻ nhưng dường như trong ánh mắt có điều gì lo toan. Mình hiểu. Mọi người theo tiếng gọi của trái tim, tình yêu đất nước mà tụ họp về đây nhưng nó cứ tự phát, tản mát thế nào ấy, không khéo lại chỉ là cuộc vi vu vô nghĩa. Kim phút kim giờ cứ nhích dần. Ai nấy sốt ruột mà chẳng dám nói ra, sợ làm nhụt chí kẻ khác. Mình tranh thủ đi tìm Duy Ngọc bởi hắn có khuôn mặt rất dễ nhận ra, vả lại lần trước mình thích mấy cái ảnh của hắn quá, hầu như các báo mạng kể cả trong ngoài nước đều dùng ảnh của hắn. 8 giờ hơn, đang đếm bước trên lề đường Phạm Ngọc Thạch thì có bước chân chạy rầm rập. Mình nép vào tường, một thanh niên cầm tấm biểu ngữ chỉ kịp đọc thoáng chữ China stop… chạy trước, dăm sáu anh lực lưỡng mặc thường phục đằng đằng sát khí bám sát. Lúc mình quay lại chỗ quán cà phê Đá thì Mr.Do bảo công an vừa bắt một người trong quán, là con trai nhà thơ Đynh Trầm Ca, mình chắc là cái cậu hồi nãy.

Len qua trùng điệp lực lượng chức năng, tôi tới cổng nhà văn hóa thanh niên, nơi một tuần trước ông Ba Đua đã test các vị nhân sị trí thức. Lần này đến giờ vẫn chưa thấy ai, kể cả phe này phe kia. Trông sang trại Tàu, bức tường màu vàng nhơn nhơn thách thức. Chả biết đằng sau những ô cửa sổ khép hờ kia có ai, chúng nó đang làm gì nghĩ gì. Công an đủ sắc phục kín đặc như bức thành lũy thép kiên cố bảo vệ trại Tàu, cần chi mấy chiếc hàng rào sắt. Chỗ này có lẽ là điểm nóng nhất nên anh nào cũng dùi cui hoặc máy bộ đàm. Để ý thấy mấy anh cảnh sát trật tự thì dùi cui, còn anh an ninh thì bộ đàm. Cầm máy đàm oai hơn nên rất ra vẻ ta đây, lộ liễu. Số công khai còn đông đặc như thế thì số chìm biết đường nào mà lần. Tôi có cảm giác hai anh mặc thường phục đứng gần hai bên tôi đều là dạng này, thỉnh thoảng liếc tôi rất khó hiểu rồi một anh biến mất. Linh cảm không sai. 5 phút sau một anh an ninh có vẻ gộc đến thân tình vỗ vai hỏi nhỏ anh ở bộ phận nào, tôi bảo gì cơ, lại hỏi như cũ, bèn đáp rằng tôi ở bộ phận nhân dân. Cái mặt thoắt lạnh tanh, đề nghị anh đi, đây không phải chỗ của anh. Mình bảo tôi chẳng thèm, nhân dân chúng tôi làm gì có chỗ trên cái nước này, anh nhìn xem, toàn người của anh đó thôi. Anh ta đuổi được mình xong liền đưa cái bộ đàm lên mồm lèo nhèo điều gì không rõ rồi ra đuổi tiếp một bác cứng tuổi phía sau.

Kể đến đây, phải trữ tình ngoại đề một chút. Cách nay hơn chục năm thằng cu nhớn nhà mình làm hồ sơ thi vào đại học an ninh. Mình cũng xăng xái giúp nó, hồ sơ đã được duyệt, sức khỏe đạt yêu cầu, chỉ còn chờ thi. Nhưng cứ lăn tăn thế nào ấy. Mình gặp ông anh, bạn đồng môn, khi đó trưởng khoa ngữ văn ĐH KHXH-NV, anh ấy chả ngẫm ngợi gì khuyên ngay rằng nếu em cho nó đi công an sau này có hối cũng không kịp. Thằng con mình biết nghe nhời, làm hồ sơ khác thi vào công nghệ thông tin. Sáng nay nó cũng đi, khi về nó bảo bạn con làm ở công an quận 1 nhắc rằng phải cẩn thận nhưng con cứ đi, sợ gì. Được.

Tôi trở lại chỗ cà phê Đá đứng chờ, lòng cứ không thể hiểu nổi tại sao công an lại có thể hành động rất xăng xái, tích cực, mẫn cán để ngăn chặn những người dân yêu nước biểu tình chống TQ xâm lược. Họ là ai? Họ có thể có lý của họ nhưng gần như có một số người mất hết cả trí khôn, danh dự, liêm sỉ, lòng tự trọng, không còn biết mình là ai trên cõi đời này. Thử hỏi các anh, nhìn những con người đang ôn hòa khuôn mặt trong sáng kia, với cờ tổ quốc quấn quanh mình, biểu ngữ đòi Hoàng Sa-Trường Sa cho Việt Nam trên tay, có sự mờ ám, âm mưu, côn đồ, phản động gì không mà siết người ta đến thế. Không có dân - những con người ấy, mai này nếu bọn Tàu gây chiến các anh có dám kêu họ cùng đi?

Có chút lý do cá nhân, khoảng 8h30 tôi bắt xe ôm về cơ quan. Anh xe ôm ngự trên đường Đồng Khởi chẳng thèm biết tôi là ai, chửi đù mẹ nó cứ thế này thì dân chịu sao nổi. Tôi hỏi anh chửi bọn TQ hay chửi ai, anh bảo chửi tuốt. Tôi nói lát nữa tôi ra xem người ta biểu tình anh có đi với tôi không, anh gằn giọng đi xem thì đừng rủ tôi đi. Trả thêm chút tiền cho bác tài thẳng thắn.

9h, nhận được thông tin qua mạng từ Phạm Thương “đã bắt đầu”. Phải công nhận Thương nhanh nhẹn thật, up lên liên tục. Nhỏ người, trông yếu đuối, vậy mà sức lực đâu giúp Thương bám theo suốt mọi chặng đường, cứ dăm phút lại có tin mới. Hồi Thương mới về cơ quan tôi, cùng lúc hai cô trong đó có Thương, tôi rất quý Thương về sự thẳng thắn, đâu ra đấy, không nịnh bợ. Có lần tôi nói với đạo diễn Lê Phong Lan điều này, chị Lan cũng đồng ý như vậy.

Tôi vội vàng lấy xe quay trở lại. Đoàn người mỗi lúc đông thêm nhưng bị công an khéo léo chia cắt thành từng nhóm. Tuy vậy còn hơn không bởi trước đó đến tận 8h30, được sự trợ giúp của cả một bộ máy khổng lồ, tòa lãnh sự Tàu vững như bàn thạch. Thiếu những người đi đầu như cụ Nguyễn Đình Đầu, ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Cương Quyết... nên sức mạnh quần chúng vẫn chỉ là sức mạnh tiềm ẩn. Giờ thì đã có lá cờ đỏ sao vàng do một bạn trẻ phất lên, nhiều người đồng loạt đứng dậy rời ghế quán cà phê, ra khỏi vỉa hè để nhập vào. Ôi các bạn trẻ, lần này hầu hết là học sinh sinh viên, nhiều bạn ăn mặc rất giản dị, thậm chí áo quần cũ kỹ nhưng trông họ thật đáng mến, đáng khâm phục. Họ kéo một tốp khoảng hơn trăm người ra lề đường Lê Duẩn vừa phất cờ, giương cao khẩu hiệu vừa hô “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”…, từng nhóm công an chìm nổi lẽo đẽo theo sau. Người đi đường dừng lại xem như xem một sự lạ, không ai có vẻ muốn gia nhập với họ. Ôi nhân dân. Tôi nhìn các bạn trẻ mà trào nước mắt.

Lòng càng thấy nặng nề buồn hơn khi tôi chạy qua đường Nguyễn Du, quẹo vào Nguyễn Trung Trực, ra Lê Thánh Tôn. Hai bên đường suốt từ sáng sớm đã kín người là người, già có trẻ có. Họ thản nhiên cà phê cà pháo, chơi game bằng điện thoại di động, cãi cọ nhau ồn ào, cứ ngồi đồng thế suốt mấy tiếng đồng hồ, dường như chẳng biết gì đang xảy ra ngoài kia, chỉ cách có vài trăm bước chân. Buồn.
Viết đến đây tôi không muốn viết tiếp nữa.
 
8:22 pm, 12.6.2011
NGUYỄN THÔNG
 
 
https://www.facebook.com/notes/nguy%E1%BB%85n-th%C3%B4ng/trong-m%E1%BA%AFt-t%C3%B4i/1015022067554796

No comments:

Post a Comment