Tuy rằng cuộc biểu tình lần thứ ba tại Sài Gòn đã bị trấn áp ngay từ trứng nước, sau
khi công an bao vây và ngăn chận ngay
từ nhà những nhà bất đồng chính
kiến nổi tiếng, như đối với chị Tạ Phong Tần hay tới tận sở làm của nhà
thơ Đỗ Trung Quân để 2 lần “nói chuyện” được hiểu như là hù dọa, một
cuộc biểu tình ngồi lặng lẽ cũng thực hiện được dưới những tàng cây công
viên nơi trung tâm thành phố.
Những cuộc biểu tình đã xúc động tới mức,
đã làm nhiều nhà báo nổi tiếng bật khóc, trong đó có anh Huy Đức, có
chị Đoan Trang… và chắc chắn là nhiều người nữa.
Đặc biệt, ngay cả một sĩ quan công an
cũng không ngăn được nước mắt cảm động, bất kể nhiệm vụ của anh phải là
ngăn chận và có thể là sẽ phải đàn áp.
Trong bài kể lại “Biểu tình chống Trung
Quốc tại Hà Nội hôm 19/06/2011,” học giả Nguyễn Xuân Diện ghi trên blog
riêng: “Thật tình các anh em làm nhiệm vụ rất khó ứng xử, một bên là
công vụ một bên họ là dân nước Việt. Tôi thấy một sĩ quan bật khóc. Tôi
hiểu tấm lòng của họ nên họ rất ôn hòa chịu đựng, đồng cảm với dân nữa…”
(hết trích)
Chắc chắn rằng hầu hết người Việt đều giữ
đồng cảm đối với những cuộc biểu tình. Thậm chí có thể, ngay cả khi
được lệnh ngăn chận cuộc biểu tình ngày 12-6-2011 tại Sàì Gòn, một anh
công an đã phi thân, phóng tay vật ngang, kẹp cổ chàng trai Phan Nguyên,
và tấm hình võ công thâm hậu này đã được phóng lên khắp các mạng
Internet… thì lòng anh công an này (tôi tin rằng) cũng đang rất là buồn.
Thậm chí, khi anh về nhà, có thể anh sẽ buồn tới mức không gì đo lường
nổi, khi không biết giảỉ thích làm sao cho vợ mình, cho con mình hiểu…
khi tấm ảnh phi thân kẹp cổ này xuất hiện trên khắp các trang Internet
khi con anh bật máy vi tính lên.
Từ người già, cho tới thiếu niên đều cũng
chia sẻ nỗi nhục, nỗi đau trước viễn ảnh sắp mất biển, mất đảo, trong
lúc ngư dân đang bị khủng bố liên tục ngoàì Biển Đông. Đất nước chưa bao
giờ nhục như thế này, khi chính phủ phải đàn áp những người yêu nước.
Nỗi đau đó, được Người Buôn Gió ghi lại trong bài “Thơ tặng Mẹ và Em những ngày chủ nhật tháng 6-2011,” trích:
“Có mẹ già tóc trắng tuổi tám mươi
Bươn mình đi trong sáng nắng tuần hành
Lầm lũi đi dọc từng con phố cũ
Bươn mình đi trong sáng nắng tuần hành
Lầm lũi đi dọc từng con phố cũ
Nghe quê hương than nhức nhối dưới chân mình.
*
Em đi giữa đoàn người, rực cháy nỗi hờn căm
Nắng gay gắt, nhưng lòng em cũng gắt
Bởi tổ quốc không thể nào chia cắt
Vì lũ ươn hèn, hay lũ cướp xâm lăng…”(hết trích)
Đất nước có thể vượt qua cơn hung hiểm
mới này hay không? Nhưng có phải hiểm nguy này đã được tiên báo từ nhiều
thập niên trước, từ chính ông Lê Duẩn, từ chính ông Nguyễn Cơ Thạch…
những người lãnh đạo một thời xưa cũ?
Nhà báo Bùi Tín, trong lời đề nghị liên
kết với Mỹ để ngăn cản Trung Quốc chiếm Biển Đông, đã viết trên blog đàì
VOA hôm Thứ Tư 22-6-2011, bài nhan đề “Tình bạn Mỹ-Việt giữa hiểm họa
bành trướng,” trích:
“…Mới đây, cuộc đối thoại Việt – Mỹ lần
thứ tư về chính trị, an ninh và quốc phòng đã diễn ra ngày 17-6-2011 tại
thủ đô Washington với một thông báo chung, cam kết hợp tác nhằm bảo đảm
cho một vùng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phồn vinh và
an ninh…
Cuộc đối thoại thứ 5 sẽ diễn ra ở Hà Nội
năm 2012. Trong cuộc đối thoại này đại diện phía Việt Nam là Thứ trưởng
thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (con của nguyên Bộ trưởng Ngoại
giao Nguyễn Cơ Thạch; ông Thạch từng nhận xét sau cuộc họp Việt – Trung
ở Thành Đô cuối năm 1991 rằng «một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm
đã bắt đầu»)…
Hoa Kỳ và cả thế giới dân chủ đang chìa bàn tay bè bạn giữa lúc nước ta, dân ta lâm đại nạn…”(hết trích)
Ông Nguyễn Cơ Thạch đã thấy thời kỳ Bắc
thuộc mới từ năm 1991. Chắc chắn nhiều lãnh đạo Hà Nội khác cũng thấy
như thế. Nhưng tại sao lại để kéo dài cho tới bây giờ, để có vẻ như
không thể nào đủ sức tự lực chống đỡ? Có phải, chính trong nội bộ lãnh
đạo CSVN đã có những gián điệp Hoa Nam cài đặt từ lâu, đã có những mỹ
nhân như Tăng Tuyết Minh và Trương Mỹ Vân mai phục sẵn chiếu chăn, và đã
có những ngàn lượng vàng và những đêm nhất dạ đế vương để dịu dàng hạ
gục các quan chức trong Đảng CSVN?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong bài viết
nhan đề “20 triệu áo, mũ in chữ U-NO, U gạch chéo giúp ngư dân bám biển”
đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã trình bày sáng kiến, trích:
“Mấu chốt là phải phá vỡ âm mưu bá chiếm
Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc mà trước hết là sự đòi hỏi bất
hợp pháp của họ với đường lưỡi bò (sau đây gọi là đường chữ U). Chính
dựa vào cái đường chữ U phi lý đó mà các lực lượng của nhà cầm quyền
Trung Quốc (kể cả quân sự trá hình dưới trướng lực lượng giám hải, kiểm
ngư,…) đang ngày đêm quấy rối hoạt động làm ăn sinh sống của bà con ngư
dân ta (và của bà con ngư dân các nước khác) vốn đã diễn ra từ ngàn đời
nay. Phá bỏ đường chữ U phi pháp này là cách căn bản nhất, lâu bền nhất
để giúp bà con ngư dân bám biển làm ăn, giúp củng cố hòa bình và an ninh
khu vực và thế giới.
Tôi xin nêu ý tưởng có thể góp phần tích
cực xóa bỏ đường chữ U phi pháp đồng thời vận động được tiền để giúp đỡ
bà con ngư dân. Hãy sản xuất 10 triệu (hay vài trăm triệu?) chiếc áo, mũ
với dòng chữ U-NO (chữ U có thể in đứt khúc) hay chữ U bị gạch chéo để
nhà sản xuất vẫn có lời (vừa phải) mà người mua có thể ủng hộ thêm tiền
giúp bà con ngư dân.
U-NO, U bị gạch chéo, là phản đối, là nói
không với đường lưỡi bò phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc. Dòng chữ
này, biểu tượng này không chỉ dân ta cũng hiểu mà cả thế giới đều hiểu.
Và có thể vận động phong trào này ở nhiều nước khác, không chỉ ở các
nước liên quan như Philippines, Indonesia và Malaysia (kể cả vận động
nhân dân Trung Quốc yêu hòa bình ở Trung Hoa đại lục và trên khắp thế
giới)…” (hết trích)
Tuyệt diệu, đó là một sáng kiến tuyệt vời
và dễ được hưởng ứng, dù ở bất kỳ tỉnh thành nào tại VN, mà ngay cả
việc in áo, in mũ… cũng đã là một lễ hội đáng ghi nhớ. Nhưng cũng xin
đừng quên biểu tình, vì không lẽ không đi biểu tình nữa?
Vấn đề là, có vẻ như những cuộc biểu tình
đã được chính phủ mặc nhận là có chính nghĩa, dù là tránh né bằng nhiều
ngôn ngữ quanh co.
Bản tin VTC News hôm Thứ Năm có viết :
“Trong cuộc họp báo hôm nay (23/6), trả
lời câu hỏi về việc nhiều người tụ tập biểu tình hòa bình trước Đại sứ
quán và Lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Nguyễn Phương Nga cho biết, điều này thể hiện sự bức xúc cao độ của
nhân dân Việt Nam trước hành động gây hấn của Trung Quốc.
Trước câu hỏi của phóng viên AP: “Trong 3
chủ nhật vừa rồi, có hàng trăm người tụ tập trước Đại sứ quán Trung
Quốc ở Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Quốc ở Tp.HCM để phản đối hành động
gây hấn của TQ ở biển Đông, xin bà cho biết bình luận?” người phát ngôn
Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga trả lời:
“Về việc này, chỉ có thể nói như sau: Các
hành động gây hấn của các tàu Trung Quốc trên biển Đông vừa qua đã gây
nên bức xúc lớn trong dư luận nhân dân Việt Nam, và sự việc diễn ra
trong những ngày cuối tuần vừa qua đã thể hiện điều này.
Chúng tôi xin khẳng định lại lần nữa chủ
trương của nhà nước Việt Nam là giải quyết mọi vấn đề thông qua thương
lượng hòa bình, bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc
tế.”…”(hết trích)
Có thể hiểu là chính phủ, qua lời bà Nguyễn Phương Nga, đang nêu cao chính nghĩa của những người biểu tình?
Xin đề nghị một cách đơn giản, mà ai cũng
có thể thực hiện được, rằng cuộc biểu tình sắp tới, vào sáng ngày chủ
nhật 26-6-2011 này, xin mời tất cả toàn dân cùng xuống đường, dù là đi
chùa, đi nhà thờ, đi làm, đi học, đi dạo phố, hay vào tiệm uống cà phê,
xin mỗi người cầm một bông hoa, hoặc gắn trước ngực áo, hoặc cài trên
mái tóc, hoặc cầm lơ lửng trên tay — bất kỳ hoa nào, dù là hoa dại ngắt
bên hè phố hay vừa mua ngoàì tiệm…
Tương tựï xin mời tất cả các quán cà phê,
các quán ăn, vào mỗi ngày chủ nhật hãy cắm một cành hoa trên mỗi bàn…
để bày tỏ lòng yêu nước và ý nguyện giữ biển, giữ đảo. Không người công
an nào có quyền cấm chúng ta đừng mang hoa, đừng cầm hoa… Và ngay cả khi
họ có xóa xổ hết, có bứng gốc hết các làng hoa Đà Lạt, làng hoa Sài
Gòn, Hà Nội… thì với giấy bút, chúng ta sẽ vẽ lên những cánh hoa để mang
theo ra phố.
Xin mời hãy ra phố, hãy xuống đường, dù ở
mọi nơi trên đất nước mình, vào những buổi sáng chủ nhật, hãy cầm theo
một bông hoa, lặng lẽ và mỉm cười, không cần hô khẩu hiệu và không cần
giăng biểu ngữ… và bông hoa này có ý nghĩa là: dân Việt Nam có chủ quyền
Biển Đông, và sẽ không ai lấn chiếm được.
Đặc biệt, hãy nhớ cầm sẵn vài bông hoa, khi gặp công an ngăn chận, hãy tặng cho mỗi người công an một hoa…
Và rồi khi ra chợ, khi dạo phố, khi ngồi
lặng lẽ bên bàn cà phê, hãy nhìn vào những bông hoa trước ngực nhau, và
tin rằng đất nước mình sẽ vững bền.
Xin mời, hãy cầm hoa xuống đường. Lặng lẽ, không một lời.
Và hãy để hoa nói lên ước mơ của cả dân tộc.
No comments:
Post a Comment