Saturday, May 28, 2011

Từ thiện – “độ chín” của xã hội công dân

Nước Mỹ – khi từ thiện trở thành văn hoá

Trong xã hội văn minh, từ thiện trở thành một thứ văn hoá. Người ta làm từ thiện như một thói quen không cần suy tính. Đây là sự thể hiện độ chín của xã hội công dân, tức xã hội trong đó người dân thông qua hoạt động trong các Nhóm công dân (như tổ chức từ thiện, think tank …) để cùng chính quyền quản lý xã hội một cách hợp lý nhất.


Người Mỹ có truyền thống làm từ thiện quy mô lớn, nhất là người giàu. Các tỷ phú đều lập quỹ từ thiện riêng. Ở nước Mỹ tồn tại một nền kinh tế không kiếm lời (non-profit economy) chuyên làm từ thiện, có giá trị khoảng 8% GDP, sử dụng hơn 10 triệu người, tức gần 7% lực lượng lao động, hơn cả tổng số công chức Mỹ.

Năm 2009 Mỹ có 1.238.201 tổ chức từ thiện hoạt động ở trong và ngoài nước. Tổng số vốn của 100 quỹ từ thiện lớn nhất lên tới hơn 120 tỷ USD, một số quỹ trên 10 tỷ USD. Có quỹ còn lập các viện nghiên cứu y học, môi trường để giúp nước nghèo. Các tổ chức từ thiện dân lập xây dựng nhiều nhà ở hoặc nhà tạm trú và cung cấp bữa ăn miễn phí cho người nghèo, người vô gia cư. Mở cửa hiệu cung cấp hàng cho người nghèo, mở lớp dạy nghề miễn phí cho người thất nghiệp.

Viện trợ quốc tế do chính phủ Mỹ cung cấp tuy đứng đầu thế giới về số lượng (khoảng 20 tỷ USD/năm) song tỷ lệ so với GDP thì chưa đến 0,3%, thấp nhất trong các nước phát triển. Bù lại dân chúng Mỹ viện trợ rất nhiều cho các nước nghèo.

Năm 2007 họ đã giúp 115,9 tỷ USD; nếu kể cả tiền góp làm từ thiện trong nước thì rất lớn. Năm 2009 người Mỹ góp được 304 tỷ USD tiền từ thiện (tương đương 2,1 GDP), trong đó 75% do các cá nhân góp, 8% là tài sản do những người già trước khi chết hiến tặng, 4% do các công ty góp. 65% gia đình Mỹ góp tiền từ thiện, mỗi năm bình quân 2213 USD.

Đáng mừng là nước ta hiện nay có khá nhiều người giàu, kể cả tỷ phú đô-la. Nhưng người giàu ở ta đóng góp cho xã hội còn rất ít, kể cả đóng góp qua thuế và đóng góp từ thiện. Nhiều người giàu giấu mặt. Tình trạng này có phần do Nhà nước chưa thi hành chế độ công khai tài sản cũng như chế độ thuế tài sản hợp lý.

Nếu cứ để tình trạng “đi đêm” này kéo dài thì chẳng những nhà nước mất nguồn thu mà phân hóa giàu nghèo sẽ ngày càng sâu sắc, xã hội sớm muộn sẽ mất ổn định. Sự minh bạch hóa, công khai về tài sản và thu nhập của mọi công dân, trước hết là công chức và doanh nhân, người giàu, cần được Nhà nước thể chế hóa bằng luật pháp, không được để các nhóm lợi ích ngăn cản việc này.

Vua sắt thép Andrew Carnegie (1835-1919) từ 30 tuổi trở đi đã thực hiện lời hứa từ thuở hàn vi là bao giờ kiếm được mỗi năm 50 nghìn đô-la thì phần thu nhập cao hơn sẽ tặng hết cho xã hội. Vua dầu lửa J. D. Rockefeller Jr. (1874-1960) từng nói Chết trong giàu sang là ô nhục. Có nghĩa là người giàu trước khi chết phải biếu hết tài sản cho xã hội, có như vậy chết mới thanh thản. Họ cho rằng để tài sản cho con cháu hưởng chỉ làm hư chúng. Rất nhiều người Mỹ đã làm như vậy, kể cả người không giàu.

Tháng 6/2010, 2 người Mỹ giàu nhất Bill Gates và Buffett phát động phong trào Cam kết Hiến tặng (Giving Pledge campain) kêu gọi các nhà giàu cam kết trong quãng đời còn lại, hoặc sau khi chết, sẽ hiến tặng một nửa tài sản cho xã hội. Riêng Buffett đã hứa tặng 99%.

Trước mắt họ kêu gọi 400 người Mỹ giàu nhất tham gia cam kết và về sau sẽ mở rộng ra toàn thế giới. Hiện đã có 57 người ký cam kết này. Nếu 400 nhà giàu Mỹ đều làm như vậy thì tổng số tiền từ thiện của họ ít nhất sẽ là 600 tỷ USD, tương đương GDP của Saudi Arabia, nước sản xuất nhiều dầu mỏ nhất thế giới .

Bao giờ Việt Nam có văn hoá từ thiện?

Cuối tháng 9/2010, Gates và Buffett đến tìm hiểu tình hình từ thiện ở Trung Quốc, là nước hiện có nhiều tỷ phú đô-la nhất thế giới (189). Một tháng trước đó họ gửi thiếp mời 50 nhà giàu Trung Quốc dự bữa tiệc gặp mặt thân mật họ sẽ tổ chức tại Bắc Kinh. Nhưng một số người đã gửi trả thiếp mời, hoặc gọi điện hỏi xem đây có phải là dịp sẽ bị mời tham gia phong trào cam kết hiến tặng hay không.

Tin ấy làm dư luận Trung Quốc dấy lên một đợt bàn cãi sôi nổi về vấn đề công tác từ thiện nước này còn lạc hậu nghiêm trọng so với nhu cầu phát triển của chính mình, tới mức phải để nhà từ thiện nước ngoài đến lên lớp. Dư luận nhấn mạnh: Để chứng tỏ là một cường quốc, Trung Quốc không những phải trở thành nền kinh tế lớn mà còn phải chủ động giúp các nước nghèo, nếu không thì chỉ chuốc lấy tiếng “Vi phú bất nhân” (Giàu mà không thương người).

Khi bàn cãi nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, đa số cho rằng đó là do tư duy người phương Đông nói chung còn hẹp hòi thiển cận. Người giàu chỉ nghĩ tới mình, chưa nghĩ tới lợi ích quốc gia hoặc quốc tế. Tâm lý trọng gia đình khiến họ còn lo để tài sản thừa kế cho con cháu, vì thế giàu bao nhiêu vẫn chưa đủ, chết đến nơi vẫn lo làm giàu, và ngại giúp kẻ nghèo.

Thực ra người giàu Trung Quốc vẫn có làm từ thiện, song ít người nói ra, có lẽ vì họ muốn giấu địa vị nhà giàu của mình. “Nhà từ thiện số một Trung Quốc” là ông Trần Quang Tiêu, Chủ tịch công ty Tận dụng tài nguyên tái sinh Hoàng Phố, từ năm 1998 tới nay đã góp 1,34 tỷ Nhân dân tệ (1Tệ = 0,15 USD) cho xã hội. Hơn 700 nghìn người được hưởng lợi từ sự quyên góp ấy.

Hôm 3/9/2010 ông công bố thư gửi 2 tỷ phú Gates và Buffett, trong đó có viết: “Hôm nay, khi 2 ông đến Trung Quốc, đất nước nổi tiếng thế giới bởi phẩm chất cần lao, trí tuệ và lương thiện này, tại đây tôi xin trịnh trọng tuyên bố: Tôi sẽ là doanh nhân Trung Quốc đầu tiên hưởng ứng và ủng hộ hành động của 2 ông. Khi rời thế giới này, tôi sẽ tặng xã hội toàn bộ tài sản của mình.”

Xã hội ta ngày nay khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng. Làm giàu là một việc gian khổ, đòi hỏi nhiều phẩm chất quý. Ngày nay người giàu được vinh danh, vì họ góp phần làm đất nước giàu mạnh. Nhưng họ chỉ thực sự được tôn trọng nếu biết sử dụng đúng tài sản của mình, biết giúp đỡ đồng bào nghèo. Người giàu chỉ lo ăn chơi thường bị gọi là trọc phú, tức người giàu kém hiểu biết.

Mọi người cần hiểu rằng tài sản xã hội là do toàn dân làm ra nhưng phân phối không đều. Một số ít người do có năng lực và có cơ hội nên chiếm phần hơn, trở thành người giàu, trong khi đa số dân vẫn nghèo hơn. San sẻ tài sản của mình cho người nghèo là một nghĩa vụ đạo đức.

Đáng mừng là nước ta hiện nay có khá nhiều người giàu, kể cả tỷ phú đô-la. Nhưng người giàu ở ta đóng góp cho xã hội còn rất ít, kể cả đóng góp qua thuế và đóng góp từ thiện. Nhiều người giàu giấu mặt. Tình trạng này có phần do Nhà nước chưa thi hành chế độ công khai tài sản cũng như chế độ thuế tài sản hợp lý.

Nếu cứ để tình trạng “đi đêm” này kéo dài thì chẳng những nhà nước mất nguồn thu mà phân hóa giàu nghèo sẽ ngày càng sâu sắc, xã hội sớm muộn sẽ mất ổn định. Sự minh bạch hóa, công khai về tài sản và thu nhập của mọi công dân, trước hết là công chức và doanh nhân, người giàu, cần được Nhà nước thể chế hóa bằng luật pháp, không được để các nhóm lợi ích ngăn cản việc này.

Nhà nước và xã hội cần đẩy mạnh công tác từ thiện, đưa lên thành công việc hàng ngày chứ không nên như hiện nay, chỉ rộ lên mỗi khi có thiên tai. Cần thành lập các quỹ từ thiện, vận động quyên góp tiền thường xuyên từ các doanh nghiệp và doanh nhân, nhà giàu, và tổ chức công tác này một cách quy mô, có chiến lược lâu dài nhằm đạt mục tiêu “Không chỉ giúp người nghèo con cá mà quan trọng nhất phải giúp họ cái cần câu cá”.

Bản thân người giàu cần thấy làm từ thiện không chỉ thể hiện đạo đức thương người của mình mà còn là một công việc có tầm quan trọng quốc gia, có ý nghĩa với dân tộc. Vì thế phải lập kế hoạch làm từ thiện suốt đời và dành thời gian tiến hành công tác này sao cho hiệu quả nhất, không phải chỉ góp một số tiền là xong.

Muốn làm tốt công tác từ thiện, cần tạo điều kiện để xã hội ta dần dần tiến lên thành xã hội công dân. Sao cho từng người dân thực sự làm chủ đất nước bằng hành động tham gia cùng chính quyền tổ chức đời sống mọi mặt của xã hội. Chừng nào từ thiện chưa trở thành một dạng văn hoá thì xã hội ta còn chưa thể được coi là xã hội văn minh.

Nguồn: Thạch Giản, tuanvn

No comments:

Post a Comment