Friday, May 13, 2011

Những vấn nạn quanh vụ Osama bin Laden

Trần Bình Nam - Ngày 1/5/2011, sau khi tổng thống Obama tuyên bố Osama bin Laden vừa bị biệt kích Hoa Kỳ đột kích giết chết tại một tòa nhà gần thủ đô Islamabad và xác đã được thủy táng trên biển, nhiều câu hỏi đã được đặt ra.

Hoa Kỳ không cho báo chí quốc tế thấy xác của Osama bin Laden và cũng không phổ biến hình chụp. Một số người đa nghi và giàu tưởng tượng nghi vấn rằng tòan bộ sự việc chỉ là dàn cảnh để nâng cao uy tín của tổng thống Obama.

Có tiền lệ để nghi ngờ. Nhớ lại vụ “Vịnh Bắc Việt” tháng 8 năm 1964 đến nay vẫn còn là một nghi vấn rằng tình báo Hoa Kỳ âm mưu bày ra vụ Hải quân Bắc Việt tấn công chiến hạm Hoa Kỳ để có cớ oanh tạc miền Bắc Việt Nam, và sau đó đổ quân vào miền Nam Việt Nam – một điều trước đó tổng thống Ngô Đình Diệm không chấp thuận – người ta cho rằng chuyện gì trên thế giới cũng có thể là âm mưu chính trị.


Đã đành chuyện gì cũng có thể âm mưu. Nhưng vụ Vịnh Bắc Việt diễn ra ngoài khơi trong một đêm đầy sương mù và bão táp, trong khi vụ tấn công giết Obama liên hệ đến nhiều người và thời gian dài chuẩn bị nên không thể nghi là ngụy tạo nếu không có óc khôi hài.

Sau một tuần lễ, và nhiều tranh luận, al Qaeda công nhận thủ lãnh của họ là Osama bin Laden đã bị giết và truyền đạt mệnh lệnh đánh trả thù thì báo chí và các phe phái chính trị không còn ai nghi ngờ chuỗi sự việc đưa đến cuộc truy nã Osama bin Laden, và cuộc đột kích thành công.
Tuy nhiên một số vấn nạn vẫn còn:

1. Tại sao Hoa Kỳ không bắt sống Osama bin Laden đưa ra tòa để ông ta đối diện với công lý. Bắn chết khi có thể bắt sống là thực hiện công lý một chiều trái với nguyên tắc thi hành luật pháp quốc tế.

2. Chính phủ Pakistan có biết Osama bin Laden sống ở thị trấn Abbottabad, bên nách Trường Sĩ quan Bộ binh của Pakistan và chỉ cách thủ đô Islamabad 62 km không?

3. Nếu “trấn nước” (waterboarding) tù nhân để lấy cung đã đem lại lời khai về tung tích người liên lạc (courier) của Osama bin Laden dẫn đến chỗ trú ẩn của ông ta thì có nên cấm cách hỏi cung đó không (gọi một cách hoa mỹ là “phương pháp hỏi cung được cải tiến” “(enhanced interrogation method)

4. Theo các bản tin cuộc hành quân tại Abbottabad kéo dài 40 phút. Osama bin Laden bị bắn chết vào khỏang 20 phút sau khi bắt đầu. Trong 20 phút đó Osama bin Laden làm gì? Tại sao không chạy trốn?

Từ ngày 1/5, báo chí thế giới, các nhà bình luận, các nhà nghiên cứu đã thảo luận sôi nổi các vấn nạn trên (và hằng loạt vấn nạn khác) với rất nhiều ý kiến phong phú khác biệt nhau.

Hãy bàn về câu hỏi số 4: “Cuộc hành quân tại Abbottabad kéo dài 40 phút. Osama bin Laden bị bắn vào khỏang 20 phút sau khi bắt đầu. Trong 20 phút đó Osama bin Laden làm gì? Tại sao không chạy trốn?”

Trong các cuộc đột kích thời gian 20 phút là một thời gian dài có thể chuyển thắng thành bại và ngược lại. Hãy tưởng tượng Osama bin Laden làm gì và suy nghĩ như thế nào trong 20 phút đó. Tại sao khu nhà không có một đường hầm từ phòng ngủ hay phòng làm việc để Osama bin Laden thoát khi cần. Nếu lấy mô hình đường hầm Củ Chi trong chiến tranh Việt Nam hay việc tù nhân đào lén đường hầm vượt ngục thì việc kín đáo đào một đường hầm để trốn khi bị vây bắt rất khả thi. Tại sao không có một hệ thống phá hủy tài liệu. Và hình như trong ngôi nhà không có vũ khí tự vệ. Câu trả lời không thể đơn giản là: Osama bin Laden bị bất ngờ và đầu óc tê liệt chỉ còn biết ngồi chờ lính biệt kích Hoa Kỳ đến để nộp mạng.

Giả thuyết có thể là: Osama bin Laden quá tin tưởng vào sự bảo vệ của chính phủ Pakistan. Và khi bị đánh bất ngờ ông biết ông có thể chống cự để bị giết tại chỗ nhưng ông ta đã có một quyết định khác: không chống cự để bị bắt và tiếp tục cuộc tranh đấu của ông trong khi bị giam giữ qua hệ thống truyền thông của Tây phương mà ông biết ông có thể khai thác để giữ ngọn lửa của al Qaeda. Để bị bắt sống, Osama bin Laden không cầm vũ khí và đã để cho bà vợ đứng trước ông.

Nhưng Hoa Kỳ cũng biết cái giá phải trả nếu bắt sống được Osama bin Laden. Trước hết là ngoại giao: Pakistan sẽ đòi Hoa Kỳ giao nộp bin Laden để xử theo luật của Pakistan, một quốc gia có chủ quyền. Dĩ nhiên Hoa Kỳ không trả và quan hệ Hoa Kỳ-Pakistan sẽ trở nên căng thẳng mà phần lý qua công pháp quốc tế nằm ở phía Pakistan. Thứ hai là an ninh: giam giữ Osama bin Laden ở đâu? Trại giam tại Guantanamo đang chờ đóng cửa. Giam tại Hoa Kỳ là một đe dọa an ninh. Xử ở đâu? Tháng 11/2009 Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ Eric Holder quyết định sẽ mở phiên tòa xử Sheikh Mohammed và 4 tòng phạm trong vụ đánh bom 911 tại Hoa Kỳ đã gây nhiều tranh luận, và sau khi cân nhắc tổng thống Obama đã hủy bỏ quyết định này. Thứ ba là pháp lý. Xử tại tòa quân sự hay dân sự? Thứ tư là tốn kém: Hàng trăm triệu mỹ kim sẽ phải chi ra để giam giữ, điều tra, xử án. Tất cả sự việc này sẽ được bộ máy truyền thông của thế giới Hồi giáo (với sự tiếp tay vô tình của các cơ sở truyền thông Hoa Kỳ) xử dùng để tuyên truyền, tuyển mộ nuôi dưỡng phong trào al Qaeda.

Cho nên Hoa Kỳ quyết định giết Osama bin Laden và không để lại một vết tích gì về thân xác của ông ta. Không xác, không tro, không mồ chôn, không nơi để thăm viếng lễ bái. Thủy táng, nói đơn giản là vất xác ngoài biển là phương pháp vẹn toàn nhất. Chỉ thị đến với đội biệt kích: “Chỉ bắt sống trong trường hợp biết chắc chắn kẻ địch không thể gây tổn thất.” Đối với những người biệt kích chỉ thị này có nghĩa “bắn chết trong mọi trường hợp”. Tình báo Hoa Kỳ đã lấn Osama bin Laden một bước không cho ông ta cơ hội đấu tranh từ nhà tù.

Sự phân tích trên giải quyết câu hỏi 1: “Tại sao không bắt sống Osama bin Laden đưa ra tòa để thực hiện công lý”?

Câu hỏi 2: “Chính phủ Pakistan có biết Osama bin Laden sống ở thị trấn Abbottabad không?”

Chính phủ Pakistan nói họ không biết. Hoa Kỳ cũng không thông báo khi quyết định tập kích trên đất Pakistan. Khó tin được chính phủ Pakistan không biết Osama bin Laden đang ở trên đất Pakistan, ít nhất là các nhân vật lãnh đạo chóp bu như Tổng thống Asif Zardai, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan Ashfaq Kayani và Giám đốc cơ quan tình báo Pakistan, trung tướng Ahmad Shuya Pasha. Pakistan biết nói không biết chỉ là cách nói ngọai giao không ai tin nên “sự không biết’ này không chứng tỏ một sự kém cỏi của Pakistan.

Hoa Kỳ không thông báo cho Pakistan vì Hoa Kỳ biết Pakistan sẽ báo cho Osama bin Laden chạy trốn. Sai lầm lớn của Osama bin Laden là tin vào sự che chở của Pakistan và do đó không có những biện pháp đề phòng cần thiết. Bệnh chủ quan đã giết Osama bin Laden.

Hiên nhiên Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền quốc gia của Pakistan. Hoa Kỳ có thể công khai xin lỗi chính phủ Pakistan. Số tiền viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Pakistan mỗi năm trung bình 960 triệu mỹ kim quá lớn và quá cần sẽ giúp Pakistan nuốt giận làm ngơ. Và thế giới thông cảm với Hoa Kỳ trong trường hợp vi phạm này.
Câu hỏi số 3 liên quan đến sự hữu hiệu của phương pháp hỏi cung bằng cách “trấn nước” (waterboarding). Phương pháp này đã được Hoa Kỳ dùng tại nhà tù Guantanamo dưới thời tổng thống Bush. Và đã có một cuộc tranh luận gay gắt về “trấn nước” có phải là tra tấn hay không.

Tổng thống Obama cho rằng đây là tra tấn và sau khi đắc cử ông ký lệnh hành chánh cấm dùng phương pháp đó. Lệnh cấm đã được giới đấu tranh cho nhân quyền và các nước đồng minh hoan nghênh. Nhưng cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ vẫn còn âm ỉ?

Ngay sau khi Osama bin Laden bị bắn chết giới tình báo Hoa Kỳ tiết lộ rằng họ biết được manh mối Osama bin Laden qua việc theo dõi hành tung của một người chuyển tin và vệ sĩ thân tín của Osama bin Laden tên là Abu Ahmad. Tên tuổi của người chuyển tin này đã được tiết lộ qua một cuộc hỏi cung bằng cách “trấn nước” ông Khalid Sheikh Mohammed, một người đóng vai chủ chốt trong vụ tấn công 911. Trong khối tình báo có phe này phe kia nên sự tiết lộ này không chắc gì phản ánh sự thật và có thể cố ý để chứng minh “trấn nước” rất hữu hiệu và cần được tái xử dụng để bảo vệ Hoa Kỳ.

Nhưng vấn đề không phải “trấn nước hữu hiệu hay không hữu hiệu”, mà là ở chỗ “trấn nước có phải là tra tấn không”. Những ai có đầu óc bình thường đều thấy “trấn nước” là một hình thức tra tấn. Hoa Kỳ là nước có truyền thống chống tra tấn nên việc cấm “trấn nước” phù hợp với những giá trị của Hoa Kỳ dù “trấn nước” hữu hiệu trong việc khai thác tin tức.

Đối với sự tự do ngôn luận một danh nhân nào đó đã nói một câu bất hủ trở thành danh ngôn rằng “dù tôi bất đồng ý kiến với anh tôi cũng có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói”. Ở đây cũng vậy chúng ta cần một danh nhân nào đó nói “tra tấn là ác, cho nên dù chết con người văn minh cũng không dùng phương pháp tra tấn dưới bất cứ hình thức nào”.

Nếu việc tìm ra tung tích Osama bin Laden và đột kích giết ông ta làm cho Hoa Kỳ nghi ngờ nguyên tắc “tra tấn là ác” để mang ra dùng thì thế giới văn minh đã thiệt thòi nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố trong 10 năm qua. Việc bắn chết Osama bin Laden làm thỏa mãn vong linh những người đã chết ngày 11 tháng 9 năm 2001, giải tỏa sự buồn phiền của thân nhân còn sống, làm thỏa mãn tự ái Hoa Kỳ, nhưng để đạt những điều đó Hoa Kỳ chấp nhận cái ác trở thành thiện thì chúng ta đã làm băng hoại tinh thần của chúng ta.

Và cuộc chiến dù thắng trên mặt “gươm dao” cũng là một thất bại vì nó đẩy chúng ta đi xa “cái thành phố sáng rực trên đỉnh đồi có ngọn đèn pha hướng dẫn lối đi cho bất cứ ai, bất cứ ở đâu yêu chuộng tự do” (America is a shining city upon a hill, whose beacon light guides freedom-loving people everywhere) theo lời của tổng thống Ronald Reagan khi ông đọc diễn văn từ biệt quốc dân trong ngày mãn nhiệm năm 1989.

Trần Bình Nam
May 10, 2011

No comments:

Post a Comment