Sáng
ngày thứ Hai, 6 tháng 7 năm 1885, em trai 9 tuổi tên là Joseph Meister
cùng với mẹ tới phòng thí nghiệm của Giáo Sư Louis Pasteur. Em Joseph đã
bị một con chó dại trong làng cắn 14 vết vào tay, đùi và chân. Nếu
không được chữa trị đúng cách, em trai này sẽ chết trong vài tuần lễ.
Em
Joseph không phải là người đầu tiên bị chó dại cắn. Kể từ năm 1885 trở
về trước, không hề có một phương thuốc nào chữa trị bệnh chó dại cả. Các
bác sĩ thời đó chỉ biết dùng một loại axít mạnh đổ vào vết thương nhưng
cách chữa này không hiệu quả. Mẹ của em Joseph được khuyên nên đưa em
trai này về thành phố Paris, cách xa hàng trăm dậm.
Tại
phòng thí nghiệm, Giáo Sư Pasteur lắng nghe kể về bệnh trạng của em
Joseph. Hai vị bác sĩ điều trị trình bày cho Giáo Sư biết em trai Joseph
chắc chắn sẽ chết vì nhiễm độc và sau mỗi giờ trôi qua, chất độc vẫn
lan tràn qua cơ thể của em. Em Joseph cần được điều trị gấp.
Gần
đây, nhà bác học Pasteur mới thử cách điều trị bệnh dại. Ông đã chích
một liều độc chất của bệnh dại được làm cho yếu đi vào các con chó khỏe
mạnh và các con vật này không cho thấy dấu hiệu bị bệnh dại. Rồi qua
nhiều tuần lễ, Giáo Sư Pasteur dùng các liều độc chất mạnh hơn và các
con chó thí nghiệm không những có thể qua khỏi liều bệnh dại mạnh nhất
mà còn có thể không mắc bệnh dại khi bị chó dại khác cắn.
Điều
khám phá của Giáo Sư Pasteur cho thấy rằng có thể phòng ngừa cho một
người trước khi bị chó dại cắn, nhưng sau khi người đó đã bị nhiễm độc
vì bệnh dại, thì cách điều trị kể trên có còn hữu hiệu không? Trước sự
việc em Joseph Meister đã bị chó dại cắn, cách chữa trị này liệu sẽ giúp
ích cho em nhỏ hay sẽ giết em nhỏ này? Chính các vị phụ tá của Giáo Sư
Pasteur cũng cho rằng phương pháp chữa trị bằng cách chích liều độc chất
quá nguy hiểm nhưng cuối cùng, Giáo Sư Pasteur quyết định rằng đó là
cách duy nhất dùng để cứu sống em Joseph.
Chiều
ngày 6-7-1885, em Joseph Meister nhận mũi chích đầu tiên. Trong 10 ngày
kế tiếp, em nhận thêm mỗi ngày một liều chích với độ mạnh của độc chất
tăng dần và nhà khoa học Pasteur đã để em Joseph nghỉ ngơi tại một nơi
tiện nghi. Mỗi ngày, ông quan sát cẩn thận em này để nhận biết từng dấu
hiệu của bệnh dại và cuối cùng, các vết thương đã lành, em Joseph
Meister thoát khỏi chứng điên dại do chó dại truyền qua. Giáo Sư Pasteur
đã tin rằng nếu em Joseph Meister không được miễn dịch bằng phương pháp
chích ngừa kể trên thì các lần chích độc chất sau này càng làm sớm phát
hiện bệnh dại.
Sau trường hợp của em
Meister, tới em chăn cừu thuộc miền Jura tên là Jean Baptiste Jupille.
Em Jean này đã bị chó dại cắn do bảo vệ các em nhỏ khác. Sáu ngày sau,
vào ngày 20-8-1885, em thứ hai này cũng nhận được thuốc chích của nhà
khoa học Pasteur và kết quả rất tốt đẹp.
Tin
tức về cách chữa trị bệnh chó dại đã được loan đi khắp nơi và rất nhiều
nạn nhân đã tới phòng thí nghiệm của Giáo Sư Louis Pasteur. Tới năm
1886, 2,500 người đã được tiêm chích vì bệnh chó dại. Thế nhưng vẫn có
nhiều người chỉ trích nhà bác học Pasteur vì cũng có một số người bị
chết, dù rằng đã được chích ngừa. Nguyên do tử vong vì những người này
đã tới quá trễ phòng thí nghiệm của nhà bác học Pasteur.
Cách
chữa trị bệnh chó dại của nhà bác học Pasteur đã cứu sống được 99.5
phần trăm nạn nhân khiến cho Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp phải cử ra một
ủy ban cứu xét và theo đề nghị của ủy ban này, phải tạo ra các ngân
khoản tư để lập nên một viện nghiên cứu gọi tên là Viện Pasteur và Viện
này đã được khánh thành vào ngày 14-11-1888 tại thủ đô Paris.
2. Thuở thiếu thời của Louis Pasteur
Tuổi
trẻ của Louis Pasteur đã không cho thấy các dấu hiệu của một nhà khoa
học, một nhà khảo cứu tìm hiểu về các bí ẩn căn bản của đời sống con
người. Khi lên 13 tuổi, Louis Pasteur là một cậu bé có tài về hội họa
với các bức chân dung bà mẹ và các người chị, các bức vẽ giòng sông chảy
gần nhà. Louis Pasteur ra đời vào ngày 27-12-1822 tại Dôle, một tỉnh
nhỏ nằm bên giòng sông Doubs, trong một căn nhà nhỏ trên đường “Các thợ
thuộc da” (Rue des Tanneurs). Cha của Louis là ông Jean Pasteur, trước
kia là một trung sĩ trong đạo quân của Hoàng Đế Napoléon Bonaparte, nay
làm thợ thuộc da. Năm 1827, ông Jean Pasteur đem gia đình dọn qua tỉnh
Arbois và căn nhà mới ở gần giòng sông Cuisance và sau nhà là một hố lớn
để ngâm các bộ da bò và da cừu.
Trong
thời gian theo bậc trung học, Louis Pasteur đã không tỏ ra là một học
sinh xuất sắc nhưng lại là một con người kiên nhẫn với thói quen làm
việc cần mẫn. Hai năm trước khi tốt nghiệp trung học, Louis Pasteur được
ông hiệu trưởng Romanet khuyên nên thi vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm
(Ecole Normale Supérieure), một ngôi trường danh tiếng chuyên đào tạo
các giáo sư về Khoa Học, Lịch Sử, Văn Chương và Nghệ Thuật.
Mùa
thu năm 1838, khi 15 tuổi, Louis Pasteur đã cùng với người bạn tên là
Jules, lên xe ngựa để đi Paris, cách Arbois 250 dậm (400 km). Sống trong
một ký túc xá tại Paris, Louis cảm thấy quá nhớ nhà nên một tháng sau,
ông Jean Pasteur phải lên Paris, đón con trở về. Louis Pasteur tiếp tục
học trung học tại Arbois rồi theo Đại Học Besancon cách nhà 25 dậm (40
km). Vào thời gian này, cậu Louis nổi tiếng về vẽ chân dung nhưng cậu
vẫn không quên ước mơ thi vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm.
Tháng
8 năm 1842, Louis Pasteur tốt nghiệp đại học Besancon với các hạng ưu
về vật lý, toán học và tiếng La Tinh rồi thi đậu vào Trường Cao Đẳng kể
trên, với hạng 15 trên tổng số 22 sinh viên được tuyển chọn trên toàn
nước Pháp. Louis đã không vừa lòng với kết quả này nên đã từ chối, không
theo học và đây là một điều khác biệt với các sinh viên cùng lứa tuổi.
Năm sau, 1943, trong kỳ dự tuyển lần thứ hai, Louis Pasteur đứng hạng 4,
theo học phân khoa Khoa Học để sau này trở nên một giáo sư về Vật Lý và
Hóa Học.
Vào thời kỳ này, Paris là
nơi cung cấp các cơ hội học hành tốt đẹp nhất cho giới thanh niên, và
các sinh viên ưa thích các bài giảng của Jean Baptiste Dumas, một Giáo
sư Hóa Học danh tiếng. Louis Pasteur đã viết thư về cho gia đình, cho
biết: “rất đông sinh viên tới nghe các buổi diễn giảng của Giáo Sư
Dumas. Giảng đường rất lớn mà luôn luôn hết chỗ. Chúng tôi phải đến
trước nửa giờ để chiếm chỗ ngồi tốt, như thể trong rạp hát…”. Ngoài Giáo
Sư Dumas, các sinh viên còn mến phục các nhà khoa học khác như nhà vật
lý Jean Baptist Biot, nhà hóa học Antoine Jerome Balard…
Năm
1845, Louis Pasteur là một trong bốn sinh viên tốt nghiệp và các giáo
sư giảng dạy đã ghi chú về Pasteur như sau: “… sẽ trở nên một giáo sư
xuất sắc”. Sau đó Louis Pasteur chỉ xin được một việc làm tại phòng thí
nghiệm của Giáo Sư Balard và bắt đầu nghiên cứu về bản chất của các tinh
thể (crystals).
Vào đầu thế kỷ 19,
giáo sư Biot đã khám phá thấy rằng các tinh thể của vật chất có đặc tính
làm lệch tia sáng chiếu đến, và có loại làm lệch qua bên phải, lại có
loại làm lệch qua bên trái. Louis Pasteur bắt đầu khảo sát một loạt các
hợp chất gọi là axít tartaric và các muối tartrate. Có hai loại tinh thể
axít tartaric được tạo thành bên trong thùng rượu nho khi nước nho lên
men, thế nhưng đã có một bí ẩn vì một loại dung dịch axít kể trên làm
lệch ánh sáng trong khi loại thứ hai không có đặc tính đó. Sau cả ngàn
lần quan sát qua kính hiển vi, Louis Pasteur đã nhận ra rằng trong số
các mặt nhỏ của hai loại tinh thể axít tartaric, chỉ có một mặt nhỏ khác
nhau về độ dốc. Khám phá mới của Louis Pasteur đã là căn bản cho một
thứ hóa học mới của thời kỳ bấy giờ, đó là “ngành hóa học ba chiều”
(stereo chemistry).
Tháng 1 năm 1849,
sau khi tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ Khoa Học, Louis Pasteur nhận chức
vụ giảng sư về hóa học tại trường Đại Học Đường Strassbourg và vào tuổi
26, Louis Pasteur quen cô Marie Laurent, ái nữ của vị viện trưởng đại
học. Họ cử hành hôn lễ vào ngày 29-5-1848 và từ đây, bà Marie đã lo lắng
mọi công việc gia đình, để chồng chuyên tâm nghiên cứu Khoa Học. Tại
Strassbourg, 3 trong 5 người con đã ra đời: cô gái Jeanne sinh năm 1850
rồi một năm sau là người con trai Jean Baptiste và hai năm sau nữa là cô
gái Cécile.
3. Nghiên cứu vi trùng
Vào
tháng 9 năm 1954, Louis Pasteur được Bộ Trưởng Giáo Dục Pháp bổ nhiệm
làm Giáo Sư Hóa Học và Khoa Trưởng Khoa Học tại Đại Học Lille. Đây là
một ngôi trường mới được thành lập tại trung tâm kỹ nghệ rất giàu có
thuộc miền bắc của nước Pháp. Louis Pasteur với tuổi 32, đã được giao
trọng trách là giáo dục các sinh viên làm sao đáp ứng được các nhu cầu
thực tế của địa phương. Giáo Sư Pasteur đã khởi đầu một quan niệm giáo
dục rất tiến bộ đối với thời bấy giờ, đó là lập ra các lớp học buổi tối
dành cho các công nhân trẻ của thành phố kỹ nghệ, đồng thời ông cũng dẫn
các sinh viên ban ngày đi thăm viếng các nông trại và các nhà máy lớn.
Pasteur đã từng nói: “không có hai loại Khoa Học mà chỉ có Khoa Học và
các áp dụng của Khoa Học. Hai thứ này liên kết với nhau như trái cây mọc
ra từ cành cây”.
Tại vùng Lille, có
rất nhiều nhà máy nấu rượu. Người ta đã cho men vào nước nho và sau tiến
trình lên men, nước nho trở thành rượu chát. Nhưng vào thời kỳ đó,
không ai biết rõ tại sao đã có những biến đổi này. Các nhà khoa học chỉ
nói về tiến trình lên men là “lạ lùng và còn bí ẩn”.
Vào
một ngày mùa hè năm 1856, ông Bigo là chủ của một lò nấu rượu đã tới
trường đại học, thăm viếng Giáo Sư Pasteur. Ông Bigo đã trình bầy rằng
một dung dịch củ cải đường thường được chuyển thành rượu nhưng lần này,
nó đã trở thành dấm chua. Các nhà sản xuất rượu khác cũng báo cáo cùng
một trở ngại và đây là một điều xấu cho nền kỹ nghệ trong vùng bởi vì sự
lên men dấm đã gây thiệt hại hàng ngàn quan tiền trong một ngày. Không
ai biết rõ nguyên do đã sinh ra sự lên men rượu, tại sao rượu trở thành
dấm chua. Ông Bigo hi vọng rằng vị Giáo Sư Pasteur dạy người con trai
của ông, sẽ cho các lời khuyên. Vì vậy Louis Pasteur đã tới thăm nhà máy
nấu rượu và đã lấy các mẫu dung dịch của cả loại tốt lẫn loại đã bị hư
hỏng.
Qua kính hiển vi, Louis Pasteur
nhận thấy rằng các tế bào men rượu (ferments) ở dạng hình tròn rất nhỏ,
nhưng trong dung dịch bị hư hỏng, các tế bào tròn đó đã bị các tế bào
hình que lấn át. Louis Pasteur gọi các tế bào men rượu là “wee germs”
(vi trùng) (sau này được gọi là các vi sinh vật = microorganisms). Ông
nhớ lại công trình khảo cứu của nhà khoa học Charles Cagniard-Latour
theo đó các tế bào men rượu đã sinh sản bằng cách mọc mầm (budding).
Pasteur đặt giả thuyết rằng nếu các tế bào này sinh sản được thì chúng
có sự sống và đã sống nhờ đường trong dung dịch củ cải đường và biến
dung dịch này thành rượu. Louis Pasteur đã cấy men trong nhiều loại dung
dịch đường và đã nhìn thấy qua kính hiển vi các tế bào men rượu sinh
sôi nẩy nở, ngay cả trong một môi trường nhân tạo thiếu khí oxygen, quan
niệm này trở thành “hiệu ứng Pasteur” (the Pasteur effect).
Khi
nghiên cứu về dung dịch sữa là thứ dễ bị hư hỏng, Louis Pasteur cũng
thấy sữa trở thành chua khi có nhiều loại tế bào hình que, loại đã thấy
trong dung dịch củ cải đường bị hư hỏng của ông Bigo. Do sự khám phá của
mình, Giáo Sư Pasteur đã khuyên các nhà nấu rượu nên dùng kính hiển vi
để khám xét các thùng rượu đang lên men.
Năm
1857, sau hai năm khảo cứu về dung chất củ cải đường, ông Pasteur phổ
biến một báo cáo về sự lên men theo đó có hai loại men, một loại có ích
đã biến dung dịch củ cải đường thành rượu và một loại có hại, hình que,
chỉ dài bằng 0.001 mm. Báo cáo về sự lên men do các vi sinh vật gây nên,
đã tạo ra một cơn bão phản đối trong giới khoa học vì một số nhà khoa
học thời đó tin rằng sự lên men là do phản ứng giữa các chất thành phần.
Nhiều nhân viên của Hàn Lâm Viện cũng không chấp nhận các chứng cớ nêu
ra. Tuy thế, Giáo Sư Louis Pasteur vẫn tiếp tục nghiên cứu.
Cuối
năm 1857, Louis Pasteur được gọi về Trường Cao Đẳng Sư Phạm tại thủ đô
Paris và làm giám đốc khảo cứu khoa học. Vào thời gian này, Louis
Pasteur đã gặp các khó khăn mà các nhà khoa học đương thời cùng phải
chịu đựng: phòng khảo cứu không được trang bị đầy đủ dụng cụ, không có
ngân khoản và các tiện nghi khác. Ông Pasteur phải dùng tiền riêng của
mình để biến đổi hai phòng trên lầu của nhà trường thành một nơi khảo
cứu. Louis Pasteur tìm cách bác bỏ lý thuyết về sự sinh sản tức thời
(spontaneous generation). Ông tin rằng trong không khí có các vi trùng,
vì vậy ông đã nghĩ ra một cách thí nghiệm theo đó dung dịch nước đường
được đun sôi và chứa trong hai bình thủy tinh khác nhau, một bình được
gắn kín còn bình kia để mở ra không khí. Sau vài ngày, dung dịch trong
bình thông với không khí đã bị hư hỏng, trái với dung dịch kia. Louis
Pasteur cũng làm thí nghiệm với các loại dung dịch khác như sữa, nước
canh… và đã chứng minh được rằng vi trùng từ bên ngoài không khí xâm
nhập vào các dung dịch. Nhưng các nhà khoa học phản đối vẫn cho rằng
việc gắn kín bình đã làm ngưng lại sự sinh sản tức thời.
Ông
Pasteur bèn nghĩ thêm một cách khác, dùng tới loại bình chứa dung dịch
có cổ dài uốn theo hình chữ S nhờ đó dung dịch bên trong vẫn tiếp xúc
với không khí mà không bị bụi chứa vi trung xâm nhập. Louis Pasteur còn
khảo sát ảnh hưởng của không khí có chứa vi trùng tại nhiều địa điểm như
trong hầm rượu, trên đồi miền Arbois và trên miền núi cao Mont Blanc.
Chính vào thời kỳ ông Pasteur bận tâm khảo cứu thì người con gái đầu
lòng của ông tên là Jeanne mắc bệnh sốt thương hàn và qua đời vào tháng 9
năm 1859.
Tháng 11 năm 1860, Giáo Sư
Louis Pasteur báo cáo trước Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp về các kết quả
thí nghiệm của mình theo đó, bụi trong không khí là nguyên do làm hư
hỏng các dung dịch. Louis Pasteur đã nghĩ ra một phuong pháp làm sạch vi
trùng mà ngày nay được gọi là cách khử trùng Pasteur (pasteurization).
Nhờ phương pháp này, các thực phẩm có thể lưu trữ được lâu hơn và được
chuyên chở mà không bị hư thối.
Ngày
8-12-1862, Louis Pasteur được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa Học, một danh dự
cao quý nhất của các nhà khoa học người Pháp. Các công trình nghiên cứu
của ông Pasteur đã mở đường cho nhiều sinh viên và nhà khoa học khác
tìm kiếm các vi trùng tại các phạm vi khác nhau.
4. Nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm
Do
yêu cầu của Bộ Trưởng Canh Nông, Giáo Sư Dumas đã khẩn khoản nhờ ông
Louis Pasteur xuống miền Nam nước Pháp để nghiên cứu về bệnh tầm, một
bệnh dịch đang tàn phá nền kỹ nghệ tơ lụa của địa phương. Miễn cưỡng
phải nhận lời, nhà khoa học Pasteur đã ra đi cùng với người học trò giỏi
nhất là Emile Duclaux và vài sinh viên khác. Nhóm nhà nghiên cứu này cư
ngụ tại làng Alais.
Louis Pasteur đã
tìm đọc tất cả các tài liệu viết về con tầm, cách nuôi tầm cũng như
dùng kính hiển vi để quan sát các mầm bệnh đã giết hại loài tầm. Ông đã
làm việc không ngừng trong khi hoàn cảnh gia đình của ông gặp các bất
hạnh liên tục: ông Jean Pasteur qua đời rồi tới lượt người con gái
Camille, 2 tuổi, thiệt mạng vào tháng 9-1865 vì bệnh sốt thương hàn. 10
tháng sau tới lượt người con gái Cécile, 13 tuổi, cũng chết vì bệnh sốt
kể trên. Do bị căng thẳng và buồn phiền, ông Pasteur đã bị tai biến mạch
máu não vào đêm 19-10-1868. Nhiều người đã tưởng nhà bác học qua đời,
thế nhưng chỉ 3 tháng sau, mặc dù bị liệt một phần thân thể, Giáo Sư
Pasteur vẫn trở lại với các công trình nghiên cứu.
Năm
1870, Louis Pasteur cho phổ biến một báo cáo về bệnh tầm do một loại vi
trùng ký sinh. Ông đã chỉ dẫn cách tìm ra các con tầm mắc bệnh và cách
dùng loại trứng tầm tốt để tạo nên các con tầm khỏe mạnh, và phương pháp
này đã được các nhà chăn nuôi khắp châu Âu xử dụng. Cũng vào năm này,
bùng nổ cuộc chiến tranh giữa nước Pháp và nước Phổ khiến cho ông
Pasteur phải rời khỏi thành phố Paris. Ông trở lại nơi này vào cuối năm
1871, khi chiến tranh chấm dứt với các bệnh viện tràn ngập các binh sĩ
bị thương. Nhà bác học Pasteur vì vậy đã nghiên cứu các vết thương và đã
khuyên các bác sĩ phải chú tâm về vấn đề vệ sinh khi chữa trị bệnh
nhân.
Mấy năm về trước tại xứ Tô Cách
Lan, Giáo Sư về khoa Giải Phẫu Joseph Lister của Đại Học Đường
Edinburgh, đã đọc các luận chứng của Louis Pasteur về vi trùng rồi tìm
hiểu nguyên do các bệnh nhân bị nhiễm trùng. Từ năm 1867, ông Joseph
Lister đã dùng dung dịch axít carbolic để khử trùng các dụng cụ y khoa,
các vết thương và các bàn tay của bác sĩ giải phẫu nhờ đó đã làm giảm số
tử vong của các bệnh nhân được 97 phần trăm. Năm 1874, trong bức thư
gửi cho Louis Pasteur, Joseph Lister xác nhận rằng nhờ lý thuyết về vi
trùng của nhà bác học người Pháp mà ông đã thực hiện được hệ thống diệt
trùng (antiseptic system).
Louis
Pasteur không phải là một bác sĩ y khoa nhưng các khảo cứu của ông về vi
trùng, về các bệnh truyền nhiễm đã khiến cho nhà bác học được bầu vào
Hàn Lâm Viện Y Học của nước Pháp vào năm 1873. Nhà bác học Pasteur lại
có các phụ tá trẻ tuổi tài giỏi: bác sĩ Jules-Francois Joubert, bác sĩ
Emile Roux và bác sĩ Charles Chamberland… và phòng nghiên cứu của ông
vẫn tìm kiếm nhiều phương pháp kiểm soát các vi trùng gây bệnh.
Sau
20 năm nghiên cứu, các khám phá về vi trùng và bệnh truyền nhiễm của
Louis Pasteur đã được phổ biến qua tác phẩm “Lý thuyết về vi trùng và áp
dụng trong Y Khoa và Giải Phẫu” (The Germ Theory and its Application to
Medicine and Surgery). Tác phẩm này cắt nghĩa sự lây lan của các bệnh
truyền nhiễm và từ nay, các nhà khoa học bắt đầu tìm hiểu về các bệnh
dịch như đậu mùa, dịch tả…
Vào thời
kỳ đó, tại miền đông của nước Phổ có bác sĩ Robert Koch đang tìm hiểu
nguyên nhân gây ra bệnh than, một thứ bệnh giết hại rất nhiều cừu và các
gia súc khác. Tháng 4 năm 1876, bác sĩ Kock đã dùng kính hiển vi, tìm
ra loại vi trùng gây bệnh than, được đặt tên là “bacillus anthracis”.
Như vậy bác sĩ Koch đã chứng minh lý thuyết về vi trùng của nhà bác học
Pasteur.
Năm 1878, Louis Pasteur khởi
đầu nghiên cứu vi trùng gây ra bệnh dịch tả gà (chicken cholera). Nhà
bác học đã nuôi vi trùng trong nước dùng gà (chicken broth) rồi dùng các
liều độc chất từ yếu đến mạnh chích dần vào các con gà và đã thấy cơ
thể gà chống cự được sự xâm nhập của vi trùng. Louis Pasteur đã gọi
phương pháp này là chủng ngừa (vaccination) và ngày nay, kỹ thuật miễn
dịch (technique of immunization) của nhà bác học vẫn còn được xử dụng.
Luôn
luôn nhà bác học Pasteur muốn chia xẻ các khảo cứu và khám phá của mình
với các nhà khoa học khác. Năm 1881, Louis Pasteur thuyết trình về phép
chủng ngừa trước Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp thế nhưng, ông vẫn gặp các
nghi ngờ và chống đối. Một số người thắc mắc làm sao một nhà hóa học lại
hiểu rõ về các bệnh tật của súc vật. Viên chủ nhiệm tạp chí Thú Y (the
Veterinary Journal) đề nghị một công cuộc thử nghiệm công khai về thuốc
chủng ngừa bệnh than (anthrax vaccine). Louis Pasteur nhận lời.
Vào
ngày 31-5-1881 tại nông trại Pouilly-le-Fort thuộc vùng Melun gần thủ
đô Paris, các nông gia, các bác sĩ thú y, các nhà khoa học và nhân viên
chính phủ đã chứng kiến Louis Pasteur cùng các cộng sự viên là Roux,
Chamberland và Louis Thuillier chích ngừa nhóm 1 gồm 25 con cừu bằng các
liều thuốc chủng từ yếu đến mạnh, còn nhóm thứ 2 cũng gồm 25 con cừu,
được nuôi riêng để kiểm chứng. Sau đó, cả 50 con cừu đều được chích bằng
liều vi trùng bệnh than cực mạnh. Kết quả là 25 con cừu của nhóm 2 đã
chết và nhóm 1 đã được chủng ngừa không bị ảnh hưởng. Sự thành công thực
là rực rỡ. Như vậy nhà bác học Pasteur đã khám phá ra một thứ võ khí
hữu hiệu để chống lại một số bệnh truyền nhiễm.
Tới
cuối thập niên 1870, Louis Pasteur lại nghiên cứu về bệnh chó dại
(rabies). Đây là một trong các bệnh khủng khiếp của nhân loại với hình
ảnh các con chó điên, miệng sùi bọt, tấn công các người qua đường. Bằng
các phương pháp tương tự khảo cứu về bệnh dịch tả gà, nhà bác học
Pasteur đã không tìm ra được vi trùng bệnh chó dại trong máu của các con
chó và thỏ mắc bệnh.
Vào thời kỳ đó,
các nhà khoa học như Pasteur chưa biết rằng các bệnh như bệnh than,
bệnh dịch tả gà là do vi trùng (bacteria) nên có thể nhận ra qua kính
hiển vi, còn nguyên nhân gây nên bệnh chó dại là các vi khuẩn (virus),
chỉ nhìn thấy được bằng các kính hiển vi cực mạnh mà các nhà khoa học
thuộc cuối thế kỷ 19 chưa có. Thế nhưng, do thấy người mắc bệnh chó dại
bị co giật, Louis Pasteur đã cho rằng bộ óc và hành tủy (medulla
oblongata) là nơi trú ẩn của các vi trùng bệnh chó dại. Nhà bác học
Pasteur sau đó đã tìm ra loại thuốc chủng nhưng chưa có cơ hội áp dụng,
cho tới ngày 6-7-1885, liều thuốc chủng đầu tiên của Louis Pasteur đã
cứu sống em Joseph Meister.
5. Di sản của nhà bác học Louis Pasteur
Vào
năm 1888, một ủy ban khoa học độc lập đã trắc nghiệm thuốc chủng ngừa
bệnh chó dại của Louis Pasteur và xác nhận thứ thuốc này an toàn. Một
nhân viên trong ủy ban đã viết: “chúng tôi tin tưởng vào giá trị của
khám phá do ông Louis Pasteur, và khám phá này còn có thể áp dụng cho
các bệnh tật khác”.
Sau đó, Hàn Lâm
Viện Khoa Học Pháp cổ động một chương trình gây quỹ để thành lập một
viện nghiên cứu. Mọi người trên toàn thế giới đã gửi tới các đóng góp.
Ngày 14-11-1888, Viện Pasteur được mở cửa để phục vụ cho sức khỏe công
cộng và nhà bác học Pasteur đã mời nhiều nhà khoa học thuộc các bộ môn
khác cùng nhau nghiên cứu. 15 bác sĩ và khoa học gia đã cộng tác với
Viện Pasteur. Giáo Sư Pasteur cũng huấn luyện một số nhà khảo cứu trẻ,
đáng kể là bác sĩ Roux và bác sĩ Alexandre Yersin đã tìm ra độc tố và
cách chữa trị bệnh yết hầu (diphtheria), một căn bệnh đã giết hại hàng
ngàn trẻ em mỗi năm, và một vị phụ tá xuất sắc nhất của Louis Pasteur là
Elie Metchnikov đã phát hiện ra các cách cơ thể chống lại vi trùng, rồi
nghiên cứu về tính miễn nhiễm.
Ngày
27-12-1892, các nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia đã họp mặt tại Đại
Giảng Đường của Trường Đại Học Sorbonne ở Paris để kỷ niệm lần sinh nhật
thứ 70 của Louis Pasteur. Nhà bác học Pasteur vì bị liệt nửa người bên
trái, được Tổng Thống Pháp Sadi Carnot dìu vào Hội Trường. Rất nhiều
nhân vật lừng danh trên thế giới đã lên tiếng ca ngợi ông Louis Pasteur,
kể cả Giáo Sư Joseph Lister. Vì không đủ sức khỏe, nhà bác học Pasteur
đã không đọc nổi bài diễn văn và người con trai của ông phải đọc thay
ông. Sau đó các người ngưỡng mộ đến viếng thăm căn phòng thí nghiệm mà
nhà bác học đã làm việc trong 6 năm cuối đời, trong số này có ông
Charles Chappuis, người bạn cũ 50 năm và hiện là Viện Trưởng Danh Dự của
Hàn Lâm Viện Dijion.
Vào tháng 4 năm
1895, Louis Pasteur được đưa tới thăm phòng thí nghiệm của bác sĩ Roux
và được mời coi qua kính hiển vi thứ vi trùng của bệnh dịch “plague
bacillus” mới được tìm thấy một năm về trước và nhà bác học Pasteur đã
phải thốt lên: “A ! thì ra còn quá nhiều việc phải làm”.
Ngày
28-9-1895, nhà bác học Louis Pasteur qua đời, linh cữu được quàn tại
giáo đường mà ngày nay là Nhà Bảo Tàng của Viện Pasteur ở Thủ Đô Paris.
Vào buổi tang lễ, một số công trình nghiên cứu của Louis Pasteur đã được
trình bày trước dân chúng, gồm các tác phẩm: “Hóa học phân tử bất đối
xứng” (Molecular dissymmetry, 1848), “Sự lên men“(Fermentations, 1857),
“Về sự sinh sản tự nhiên”(Spontaneous generation, 1862), “Các khảo sát
về rượu nho” (Studies of wine, 1863), “Các bệnh của loài tầm”(Silk worms
diseases, 1865), “Các khảo sát về rượu bia” (Studies of beer, 1871),
“Các bệnh truyền nhiễm” (Infectious diseases, 1877), “Thuốc chủng ngừa”
(Vaccines, 1880), “Ngừa bệnh chó dại” (Prevention of rabies, 1885)…
Theo
phương pháp khảo sát của Louis Pasteur, các nhà khoa học của phòng
nghiên cứu của bác sĩ Robert Koch đã tìm ra độc tố của vi trùng bệnh uốn
ván (tetanus toxin) vào năm 1890 rồi qua đầu thế kỷ 20, nhiều liều
thuốc chủng ngừa hữu hiệu đã được khai triển để trị các bệnh đậu mùa,
lao phổi, sốt vàng da, tê liệt (poliomyelitis), dịch tả, sởi, thương
hàn, ho gà, cúm, dịch hạch… Các khảo cứu khoa học của Louis Pasteur đã
là căn bản dùng cho hơn 100 phát minh của các Viện Pasteur và kể từ năm
1900, 8 khoa học gia của các Viện Pasteur đã đoạt được các Giải Thưởng
Nobel lừng danh về Sinh Học và Y Học.
Nhà
bác học Louis Pasteur đã từng nói với các người cộng tác: “các bạn đã
mang lại cho tôi niềm vui sâu đậm nhất của một người có niềm tin không
lay chuyển được, đó là Khoa Học và Hòa Bình sẽ chiến thắng sự Ngu Dốt và
Chiến Tranh… và Tương Lai sẽ thuộc về những ai làm lợi ích nhiều nhất
cho Nhân Loại đang đau khổ”.
Louis
Pasteur là một nhà nghiên cứu khéo léo với trí tò mò không giới hạn, có
thiên tài về quan sát, đã tận tụy suốt đời cho các công trình khảo cứu
để bảo vệ Kỹ Nghệ và Khoa Học. Louis Pasteur là một nhà bác học thực
hiện được bốn lý tưởng: Niềm Tin, Hi Vọng, Lòng Bác Ái và Khoa Học
(Faith, Hope, Charity and Science). Do các công trình khảo cứu và các
kết quả hữu ích dùng cho Canh Nông, Kỹ Nghệ và Y Khoa, Louis Pasteur
xứng đáng được người đời sau ca ngợi là Vị Ân Nhân của Nhân Loại./.
©Phạm Văn Tuấn © www.Vietthuc.org
No comments:
Post a Comment