Đoàn Viết Hoạt - Lời tác giả :
Bài trước chúng tôi đã đưa ra ba khối tác nhân trong tiến trình chuyển
hóa dân chủ tại Việt Nam. Bài này là bài mở đầu cho loạt bài trao đổi về
“Giải pháp dân chủ”, về sách lược và phương
thức vận động trong ba khối tác nhân này. Nhưng có ba điểm tiên quyết
khởi đầu cần đạt được sự đồng thuận trước khi đi vào cuộc thảo luận này.
Điểm đồng thuận đầu tiên là cần có một niềm tin
vững chắc không gì lay chuyển được khi tiến hành cuộc vận động khó
khăn, phức tạp hiện nay. Niềm tin này có hai nội dung khác nhau nhưng
tương tác và không thể tách biệt. Đó là niềm tin vào dân tộc và vào dân
chủ. Dân tộc Việt có khả năng và cơ hội để xây dựng một quốc gia
phồn vinh trong tự do, công lý và hòa bình. Và dân chủ là giải pháp tối
ưu để dân tộc Việt phát huy được khả năng và cơ hội này. Như đã trình bầy trong bài Dân Chủ Và Dân Tộc
(*), dân chủ là xu thế chung của nhân loại nhưng nội dung, hình thức và
sinh họat dân chủ phải phù hợp với thực tại và đặc thù văn hóa-xã hội
của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Như thế dân chủ mới thực tại và chân
chính, và quốc gia mới thực tại và chân chính độc lập. Niềm tin vào dân
chủ dễ được chấp nhận, dù đối với khối tác nhân thứ nhất (ban lãnh đạo
cộng sản) còn cần nhiều áp lực và không dễ dàng. Nhưng niềm tin vào dân
tộc cần được vận động mạnh mẽ vì hiện nay người Việt mọi nơi đang mất
niềm tin vào dân tộc rất nhiều.
Lịch
sử Việt Nam cận hiện đại, vượt qua thời gian và vượt trên mọi biến động
văn hóa, xã hội và chính trị, có thể nhìn tổng quan như là một quá
trình quốc tế hóa đời sống quốc dân Việt. Bản sắc đặc thù của
dân tộc –phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật…– đã và đang bị thử
thách sâu rộng. Dân tộc chưa tìm lại được sự tự tin, nếu không muốn nói
là chưa thật sự thoát ra khỏi tình trạng “vong thân” văn hóa và chính
trị, dù không còn bị ngoại nhân đô hộ. Quá trình tiếp thu và thẩm thấu
các chất liệu văn hóa-xã hội mới đến từ Âu-Mỹ vẫn chưa chấm dứt, và
không thể chấm dứt được khi chưa có một sáng tạo văn hóa-chính trị, tổng
hợp được tinh hoa dân tộc (tồn tại trong thực tại đời sống quốc dân) và
tinh hoa nhân loại (đãi lọc qua quá trình hội nhập sinh hoạt quốc tế).
Chưa có được sáng tạo văn hóa-xã hội-chính trị, tổng hợp và thích hợp
trong thời đại toàn cầu, thì dân tộc chưa thể ổn định, thống nhất và
phát triển bền vững. Dân chủ là một điều kiện và mội trường sinh họat
cần có cho sáng tạo này. Nhưng niềm tin vào dân tộc phải là điểm tựa cần
thiết khởi đầu cho cuộc vận động dân chủ, để thống nhất được mọi sức
mạnh đa dạng và còn nhiều khác biệt, kể cả xung khắc, trong cộng đồng
dân tộc trong ngoài nước. Niềm tin vào dân chủ và vào dân tộc không thể
tách biệt và đều cần thiết. Niềm tin vào dân tộc còn cần thiết hơn cả
niềm tin vào dân chủ, hay nói đúng hơn, không có niềm tin vào dân tộc
thì cuộc vận động dân chủ thiếu sức mạnh tổng hợp, dễ trở thành cuộc đấu
tranh phe phái, phân tán mục tiêu và thiếu sức mạnh chung. Trong bối
cảnh phân tang dân tộc hiện nay, chỉ có chia sẻ một niềm tin chung về
dân tộc mới tập hợp được sức mạnh toàn dân và toàn diện cần thiết cho
cuộc vận động dân chủ được sớm thành công.
Bản thân niềm tin dân tộc đã là một sức mạnh.
Không có một suy nghĩ và hành động nào có thể tiến hành được nếu không
có một niềm tin vững chắc, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hơn
thuận lợi, và trước mắt còn đầy bất trắc, rủi ro. Cũng không có một
niềm tin nào được xây dựng hoàn toàn trên thực tế chính xác và cụ thể,
vì nếu thế không còn là niềm tin mà đã là sự thực, mà sự thực hiện còn
nhiều tiềm ẩn. Niềm tin cũng không phải là hoang tưởng và mơ ước. Niềm
tin được xây dựng trên nền tảng những gì đã được quá khứ thực chứng,
những gì đang diễn biến trong hiện tại, và những ươm mầm dự phóng cho
tương lai. Niềm tin dựa cả trên những khó khăn, khuyết tật của quá khứ
và hiện tại, và trên những khả năng vượt khó của con người nói chung và
của người dân Việt nói riêng, cả bình dân và thức giả. Niềm tin bao giờ
cũng xây dựng trên một cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào khả năng vựợt
qua mọi trở ngại của con người, trước mọi nghịch cảnh. Khả năng này đã
được thực chứng qua nhiều giai đoạn lịch sử thế giới và Việt Nam, trong
đó nhân loại cũng như dân tộc Việt đã vượt thoát những nguy biến to lớn
mà họa diệt vong tưởng đã là sự thật. Chúng ta tin rằng người Việt Nam
cũng có khả năng và cơ hội phát triển như mọi con người khác, mọi dân
tộc khác, nhất là trong giai đọan toàn cầu hóa hiện nay. Người dân Việt
chỉ thiếu điều kiện và môi trường để phát huy khả năng và cơ hội này.
Vấn đề chúng ta cần tập trung là tìm cách phát huy tiềm năng và cơ hội
này, hơn là tiếp tục hoài nghi và “tra vấn” niềm tin vào khả năng và cơ
hội đó. Không thể khởi đầu bất cứ việc gì một cách tích cực, toàn tâm
toàn sức, nếu không có niềm tin. Không một cá nhân, một dân tộc nào, dù
có tiềm năng và sức mạnh như thế nào, có thể sống còn và phát triển được
khi đã mất niềm tin vào chính mình. Do đó, kiên định một niềm tin vào
dân tộc là điểm xuất phát vững chắc cần có của những người Việt nào muốn
tiến hành cuộc vận động dân chủ. Đây cũng là điểm đồng thuận đầu tiên
và căn bản, cần có để tiếp tục thảo luận về phương thức vân động dân chủ
cho Việt Nam.
Điểm đồng thuận thứ hai là: thời đại hiện nay là thời đại của “quyền lực mềm” (soft power).
Chúng ta có thể liên tưởng đến một số tên gọi khác để hiểu phần nào về
“quyền lực mềm”, như bất tuân dân sự, bất bạo động, tinh thần
Ghandi…Nhưng quyền lực mềm mang nội dung phong phú và cụ thể hơn thế. Nó
vừa mang tính chất bất bạo động, lại vừa có sức mạnh, có quyền lực.
Quyền lực mềm là một khái niệm mới, xuất hiện từ một thực tế là nhân
lọai đã bước đến một giai đọan tiến hóa mới. Quan hệ giữa người với
người, dù giữa cá nhân với nhau hay giữa chính quyền với người dân, giữa
quốc gia với quốc gia, không còn có thể giải quyết được thuần túy bằng
các phương thức bạo lực sinh-vât lý thô thiển–tay chân, vũ khí hay bạo
quyền. Những tiến bộ của nhân lọai trong mọi ngành khoa học tự nhiên, xã
hội, nhân văn, và kỹ thuật, đang cho phép con người sử dụng được sức
mạnh mềm, phi quân sự, phi bạo lực –kinh tế, văn hóa-giáo dục, tri thức,
thông tin, chính trị, luật pháp….Cộng đồng nhân loại cũng ngày càng
phản ứng mạnh mẽ chống lại các biện pháp bạo lực, dưới mọi hình thái và
trong mọi tình huống. Những biện pháp trấn áp bạo hành, dù đôi khi còn
cần thiết, phải được coi là biện pháp cuối cùng, trong các trường hợp
bất khả kháng, không thể không áp dụng. Quyền lực mềm do đó cụng bao hàm
việc tôn trọng sinh mạng và phẩm giá của mọi con người ngay cả khi
người đó gây tác hại cho người khác và phải bị trừng phạt. Ngày nay, môi
trường thế giới ngày càng thuận lợi hơn cho việc sử dụng “quyền lực
mềm” để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Đối
với cuộc vận động dân chủ của chúng ta, “quyền lực mềm” cũng thích hợp
hơn. Một mặt, chúng ta không thể có “quyền lực cứng” đủ mạnh để đương
đầu được với một đối phương chuyên dùng bạo lực. Mặt khác, các biện pháp
mềm không trực diện đương cự với bạo lực để bị đè bẹp, mà vận dụng tính
chất mềm để vượt qua và/hoặc thẩm thấu vào quyền lực cứng, như nước xói
mòn hoặc vượt qua đá để chẩy vào chỗ trũng. Chọn “quyền lực mềm” có
nghĩa cụ thể là chọn sách lược, lộ trình và phương thức vận dụng các yếu
tố “mềm”, xây dựng sức mạnh mềm và sử dụng được nó một cách tối ưu, vừa
vận dụng được các hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi vừa khắc phục được
yếu tố thời gian (chậm) và không gian (cô lập và hạn hẹp). Nhìn một cách
tồng quát, không gian của sức mạnh mềm càng rộng (toàn dân và toàn diện) thì thời gian
diễm biến càng nhanh mà bạo lực của đối phương càng bị phân tán mỏng
ra, để từ đó khả năng thẩm thấu và vượt qua của chúng ta càng rộng hơn,
mạnh hơn và nhanh hơn.
Sau
hơn 20 năm thay đổi về kinh tế, mở cửa hội nhập khu vực và quốc tế,
Việt Nam đang có được môi trường và các điều kiện kinh tế, xã hội, văn
hóa thuận lợi cho việc phát triển, tập hợp và sử dụng sức mạnh mềm đang
có và đang tiếp tục phát triển trong xã hội và trong quần chúng, ngày
một lan tỏa về không gian và bằng tốc độ nano của thời đại thông tin
điện tử. Sức mạnh mềm này đang âm thầm phát triển, vựợt qua khả năng
ngăn chặn của chính quyền độc tài, quan liêu và tham nhũng. Chúng ta cần
nhận diện ra nó trong các giới quần chúng, mà mũi nhọn là giới trí thức
trẻ ở thành thị, trong các trường đại học, trong các hội đoàn thanh
niên, trong các tòa báo “lề phải” và trên những blog “lề trái” hoặc
“không lề” trong cộng đồng mạng –một xã hội dân sự “trên trời” đang hình
thành, trước khi hạ cánh được xuống đất. Sức mạnh mềm này chúng ta chỉ
nhận diện ra được, tập hợp và sử dụng được, bằng những phương thức
“mềm”, như nước, như không khí, “phi truyền thống”, phi hình tích, phi
danh tính, nhưng ở khắp mọi nơi.
Điềm đồng thuận thứ 3 cần đạt được để có thể đồng hành trên con đường dân chủ chính là dân chủ. Dân chủ phải chân chính, thực tiễn, tại đây và ngay bây giờ.
Dân chủ không phải chỉ là một lý tưởng mà trước hết phải là một thực
tế, được áp dụng ngay cho những người đang vận động dân chủ. Cuộc vận
động dân chủ hóa Việt Nam trước hết phải mang tính chất dân chủ, tôn
trọng mọi khác biệt, tạo điều kiện để mọi người Việt đều có thể tham
gia. Dân chủ phải là quyền và lợi ích của mọi người Việt và cho mọi
người Việt. Không thể chỉ dân chủ cho riêng một nhóm nào, một đoàn thể,
một khuynh hướng tôn giáo, tư tưởng và chính trị đặc thù nào. Dân chủ,
từ bản chất đến hình thức và sinh hoạt, tự nó đã hàm nghĩa “cho mọi
người dân”, không loại trừ ai. Từ đó, mọi người Việt đều có quyền tham
gia vào cuộc vận động dân chủ, và mọi đóng góp thúc đầy tiến trình dân
chủ, dù nhỏ bé, khác biệt và trong lãnh vực nào, đều phải được chấp nhận
và trân trọng. Chính trong tinh thần và sinh họat dân chủ thực tiễn đó
mà sức mạnh mềm được nầy sinh và phát triển. Sức mạnh mềm trong cuộc vận
động dân chủ được hình thành và tập họp từ những cố gắng nhỏ nhoi, âm
thầm nhưng đa dạng, như những giọt nước làm nên dòng nước. Bất cứ người
Việt nào, dù trước đây hay hiện nay, đang đứng trong hàng ngũ nào, quan
điểm chính trị, tư tưởng nào, chấp nhận những điểm đồng thuận khởi đầu
này, đều có thể đóng góp vào cuộc vận động dân chủ trong các lãnh vực và
bằng các phương thức thích hợp với họ.
Tôi tin rằng nhãn quan dân chủ đích thực
này giúp chúng ta nhận ra được tiềm năng phát triển rộng lớn của sức
mạnh mềm và lực lượng dân chủ, trong bối cảnh kinh tế, xã hội và văn
hóa, chính trị tại Việt Nam hiện nay và những năm tới. Việc nhận diện
ra, trân trọng và nối kết được những nỗ lực đa dạng, tản mạn khắp nơi và
trong mọi tầng lớp xã hội, từ trong chính quyền đến ngoài quần chúng,
hiện có và sẽ có, chính là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cuộc
vận động dân chủ những năm tới đây –để chuẩn bị cho cuộc đột biến chắc
chắn phải xẩy ra.
Đoàn Viết Hoạt
(15.5.2011)
No comments:
Post a Comment