Saturday, May 7, 2011

ĐI VỀ ĐÂU HỠI EM ???

Oanh Yến Thị Phạm - Không biết có phải do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu hay không? Nhưng những năm gần đây tôi có cảm tưởng thời tiết ở Sài Gòn thay đổi rất nhiều, mỗi khi có dịp vào công tác. Mới đầu tháng 5 mà cái nóng Sài Gòn giống cái oi của Hà Nội vào tháng 7, tháng 8 trước khi lập thu. Buổi sáng sau khi làm bát phở hoặc hủ tíu uống cốc trà đá và cốc đen đá với đá vụn nhiều hơn café , khiến muốn bị viêm họng luôn nhưng người cứ rịn mồ hôi, rất khó chịu.
Dưới cái nóng khó chịu như thế tôi cũng phục những người rồng rắn xếp hàng chờ phỏng vấn trước Lãnh sự quán Mỹ, có nhiều hôm kéo dài ra gần tới ngã tư Lê Duẫn-Mạc Đĩnh Chi mà trong số đó diện di dân thường chiếm đa số với hồ sơ khám bệnh để trong túi nylon trắng cầm trên tay. Trong hàng người chờ phỏng vấn dạng di dân này có những người ở độ tuổi U50 đi cùng những cháu trai, cháu gái thế hệ 8X, 9X, chắc chắn ở lưá tuổi này mà phải đi đến quyết định ra đi là cả một sự cân nhắc, trăn trở. Họ chỉ có thể là những người trước đây đã từ chối đi cùng gia đình diện HO hoặc bảo lãnh F1, F2, F3… hoặc diện con lai vì vấn đề tình cảm hoặc vì nghe tuyên truyền mà đâm ra … “yêu chủ nghĩa xã hội?” mà ở lại VN không chịu xuất cảnh cùng gia đình trước đây . Ở lứa tuổi mà thời gian không ủng hộ cho việc làm lại từ đầu thì họ chỉ có thể ra đi vì lo tương lai cho lũ trẻ. Lo cho chúng phải còng lưng cõng những chiếc cặp to đùng trỉu nặng trên vai? Mà cứ sau mỗi lần cải cách giáo dục lại càng nặng thêm vài trăm gram. Cũng có thể lo vì nạn bạo lực học đường mà các clip đánh nhau, lột quần ,lột áo đầy rẩy trên youtube , hay trên báo chí học sinh cấp II chỉ vì xích mích nhỏ mà đâm chết nhau là chuyện thường được đăng tải như tin giật gân câu khách. Hay lo vì chuyện chạy điểm , chạy trường mà đôi khi cái giá phải trả , không đơn giản bằng tiền mà sau khi tốt nghiệp Đại học, nếu có kiếm được việc làm thì đồng lương phải nhịn ăn nhịn mặc, để dành cỡ 60 năm mới mua được căn nhà cho người có thu nhập thấp?

Hay cũng có thể những người này lo cho chính bản thân mình, một ngày nào đó sơ xẩy lại vào tù vì điều 79 hay 88 của bộ luật hình sự khi lỡ ngồi trong nhà mà trước mặt có dòng chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! Còn các cô gái trẻ này chắc lại diện hôn phu, chồng bảo lãnh cho dù có kết hôn giả với cái giá 20, 30 nghìn USD thì qua Mỹ dù có lao động chân tay, bưng bê trong nhà hàng , tiệm ăn , trong giai đoạn khó khăn hiện nay ở Mỹ bèo cũng 8USD/giờ chưa kể tiền bo , kể ra cũng là một đầu tư có lãi , còn hơn chán những cô gái xếp hàng dài bên lãnh sự quán Hàn Quốc hoặc phòng Văn hóa Kinh tế Đài Bắc. Đã một dạo báo chí trong nước cũng như báo chí tại Hàn Quốc , Đài Loan rộ lên việc các cô dâu Việt Nam bị bạc đãi ở Hàn Quốc , bị bắt làm nô lệ tình dục cho cả gia đình từ cha tới các con trai bên Đài Loan .

Thay vì giấc mộng đổi đời cô dâu Huỳnh Mai (20t , quê Kiên Giang) được tìm thấy dưới tầng hầm nhà chồng với 18 xương xườn bị gẩy và nhiều vết thương trên thi thể bầm dập 06/2007 sau hai tháng tới Hàn Quốc. Hoặc không chịu được đọa đầy phải tìm tới cái chết như cô Lê Thị Kim Đồng (xã Thới Hưng , Huyện Cờ đỏ , TP Cần Thơ ) đã buộc rèm cửa vào người và nhẩy xuống từ tầng 9 một chung cư thuộc TP Daegu cách Seoul 400km chỉ sau 1 tuần đến Hàn Quốc 04/2007 . Cô Trần Thanh Lan (22t , quê Hậu Giang) nhẩy từ tầng 14 của một chung cư thuộc TP Kyong San 02/2008 * Và gần đây nhất cô Thạch thị Hoàng Ngọc (20t , ấp Thái Hòa B , thị trấn Cờ đỏ , huyện Cờ đỏ , TP Cần Thơ) bị chồng giết chết 07/07/2010 chỉ sau một tuần đến Hàn Quốc **. Những thông tin rùng rợn trên như mô tả một địa ngục trần gian của phụ nữ, vẫn không ngăn nổi những cuộc thi chọn vợ cho người Hàn Quốc , Đài Loan được tổ chức mọi lúc mọi nơi trong địa bàn TP Hồ Chí Minh , thậm chí có nơi những người đàn ông Hàn Quốc, Đài Loan còn bắt các cô nhẩy sexy để chọn người có body đẹp và hàng người phụ nữ Việt Nam xếp hàng chờ phỏng vấn tại lãnh sự quán Hàn Quốc , phòng Văn Hóa Kinh Tế Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội theo diện kết hôn cứ ngày càng dài ra mãi!!!

Đi về đâu vậy hỡi các em? Điều gì khiến các em phải lựa chọn sự ra đi mà qua báo chí , tin tức , tin đồn, các em biết chắc là sẽ bước chân vào một nơi chẳng lấy gì làm hạnh phúc cho các em. Phải chăng vì cuộc sống ? , phải chăng vì miếng cơm manh áo cho gia đình?

Hay phải chăng vì các em đã ghê sợ cái “thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa” này hơn là cái địa ngục trần gian mà các em đã lựa chọn để sẳn sàng dấn thân vào kiếp làm dâu xứ người?

ĐI VỀ ĐÂU HỠI EM ?

Sài Gòn 08/05/2011
Oanh Yến Thị Phạm
*Thái Uyên Thanh Niên online 07/05/2011
**Dân Trí .com

No comments:

Post a Comment