Đoàn Hùng - Trong lời
kêu gọi rất ngắn, dân oan Phạm Văn Sảnh tại Bến Tre đã viết về thân phận
của bà con dân oan đối mặt với hệ thống pháp luật của Cộng sản Việt Nam
như sau:
“…
Suốt nhiều năm qua, bà con dân oan chúng tôi đã kéo nhau đi khiếu kiện ở
hết văn phòng này đến trụ sở khác, chỉ mong lấy lại miếng đất, mảnh nhà
của mình để làm kế sinh nhai.
Nhưng cố gắng mấy vẫn hoài công vô ích.
Nhiều người gọi đó là chuyện “con kiến đi kiện củ khoai”. Thật vậy, các
“tòa án củ khoai” đó suốt bao năm qua vẫn im lìm, lạnh lùng, ù lì, làm
ngơ trước các oan trái. Họ không những không giải quyết cho dân mà còn
xua đám công an hung dữ ra đàn áp, bắt bớ chúng tôi. Điều oái oăm là nay
cái “tòa án củ khoai” tại Bến Tre lại rất mau mắn, vào ngày 30/5 tới
đây, đem ra xử 7 người đã hết lòng giúp đỡ, chỉ vẽ cách thức giấy tờ cho
dân oan chúng tôi. Đó là anh Khải, anh Tâm, anh Thông, anh Thành, anh
Tỉnh và chị Thúy, chị Hoa. Đây là những người ăn ở hiền đức, sẵn sàng
giúp đỡ người hoạn nạn dù không mảy may quen biết, và không hề mong được
trả ơn….”
Theo
số liệu của Bộ nội vụ CSVN phổ biến vào năm 2009 thì cả nước hiện có
hơn 5 triệu dân oan. Hình ảnh “con kiến đi kiện củ khoai” mà ông Phạm
Văn Sảnh mô tả ở trên, diễn tả nỗi cay đắng và chua xót của 5 triệu gia
đình, đã bị cưỡng đoạt trắng tay dưới thiên đường xã hội chủ nghĩa. Nhà
cầm quyền CSVN nói rằng họ đã đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhờ những
tài trợ của Liên Hiệp Quốc nhưng hoàn toàn thất bại trong việc xóa bỏ
bất công. Chính ông Trương Vĩnh Trọng, phó trưởng ban phòng chống tham
nhũng chính phủ cũng đã thú nhận rằng càng chống tham nhũng thì con số
cán bộ tham ô càng gia tăng và những hiện tượng bất công xảy ra đầy dẫy
trong xã hội. Việt Nam là đất nước của tham ô và người dân phải sống
dưới nhiều tầng áp bức của các tệ nạn này.
Chính
trong bối cảnh đó, bà con dân oan đã phải tụ lại để giúp đỡ, khuyến
khích lẫn nhau và coi việc đi nơi này nơi kia nộp đơn khiếu kiện là niềm
hy vọng của cuộc sống còn lại. Với sự cô thế của một nạn nhân đã mất
hết tất cả, họ chỉ còn biết dựa vào những người cùng cảnh ngộ để giúp
nhau hy vọng rằng một ngày nào đó việc khiếu kiện thành công. Sự kiện
này trùng hợp với cảnh ngộ của 7 dân oan hiện đang bị CSVN giam giữ và
đưa ra tòa vào ngày 30 tháng 5 tới với tội danh “âm mưu lật đổ chế độ”.
Họ là những dân oan đã đi khiếu kiện nhiều năm qua để đòi công lý cho
chính mình và cho nhiều bà con dân oan khác.
Mục
sư Dương Kim Khải sinh năm 1958 tại Sài Gòn, là một dân oan trước khi
trở thành mục sư và quản nhiệm Hội Thánh Chuồng Bò tại quận Bình Thạnh,
Sài Gòn. Ông là một người hết lòng đem đạo vào đời, sống phục vụ tha
nhân bất kể những nghịch cảnh và khó khăn của riêng mình. Ngoài việc
chăm lo đời sống tâm linh cho các đạo hữu, ông luôn luôn tích cực giúp
đỡ bà con dân oan thuộc mọi tôn giáo tại Bến Tre, Đồng Tháp trên đường
gian nan đi khiếu kiện hơn 10 năm qua. Với lý tưởng phục vụ đó, Mục sư
Dương Kim Khải đã gia nhập đảng Việt Tân vào năm 2009, vì muốn dấn thân
hơn nữa để xây dựng một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ thật sự, chấm
dứt vĩnh viễn những bất công hiện nay của bà con dân oan và đồng bào cả
nước.
Bà
Trần Thị Thúy sinh năm 1971 tại Đồng Tháp trong một gia đình theo đạo
Phật Giáo Hòa Hảo thuần thành. Suốt từ năm 1992 cho đến nay, gia đình bà
Thúy đã đi khiếu kiện để đòi lại mảnh đất bị các quan chức huyện Tam
Nông cưỡng chiếm. Bà Thúy đã nhiều lần mang đơn ra tận Hà Nội kêu cứu
nhưng vô vọng. Ngày 26 tháng 7 năm 2005, ông Nông Đức Mạnh lúc còn là
Chủ tịch Quốc hội khóa XI đã nhận đơn khiếu kiện và hứa sẽ chuyển giao
cho ông Nguyễn Tấn Dũng cứu xét, nhưng từ đó đến nay gia đình bà Trần
Thị Thúy chưa nhận được câu trả lời nào từ ông Dũng hay bất cứ ai. Ngược
lại, gia đình bà gồm Mẹ và em trai Trần Thanh Tuấn liên tục bị công an
trù dập, sách nhiễu và khủng bố tinh thần. Bà Trần Thị Thúy đã gia nhập
đảng Việt Tân vào năm 2009 vì muốn dấn thân hơn nữa để xây dựng một xã
hội có luật pháp và cùng lúc phải có công bằng và công lý.
Đây
là những con người tranh đấu đòi công lý theo con đường pháp luật, ôn
hòa, và hướng dẫn bà con khác theo con đường đấu tranh ôn hòa đó.
Ông
Nguyễn Thành Tâm sinh năm 1953 tại Bến Tre. Suốt từ năm 1995 cho đến
nay, ông đã làm không biết bao nhiêu đơn khiếu nại để đòi lại mảnh đất
của gia đình ông nội để lại đã bị các quan chức Huyện Ba Tri cưỡng
chiếm. Ông Nguyễn Thành Tâm đã cùng với hàng trăm bà con dân oan Bến Tre
thường xuyên lên Sài Gòn khiếu kiện, nộp đơn tại rất nhiều cơ quan để
kêu cứu nhưng không có cơ quan nào chịu giải quyết. Trong tình cảnh
tuyệt vọng này, ông Nguyễn Thành Tâm đã lên Sài Gòn gặp Mục sư Dương Kim
Khải và Hội Thánh Chuồng Bò để nhờ giúp đỡ. Ông Nguyễn Thành Tâm đã gia
nhập đảng Việt Tân vào đầu năm 2010 vì muốn dấn thân hơn nữa vào con
đường tranh đấu chống lại những bất công trong xã hội.
Ông
Phạm Văn Thông sinh năm 1962 tại Bến Tre. Suốt từ năm 1985 cho đến nay,
ông đã tham gia vào dòng người khiếu kiện để yêu cầu Huyện Ba Tri trả
lại ruộng đất nhưng hoàn toàn vô vọng. Ông đã bị bắt và bị cáo buộc có
“âm mưu lật đổ chế độ” chỉ vì liên lạc với Mục sư Dương Kim Khải để nhờ
Hội Thánh Chuồng Bò giúp đỡ việc khiếu kiện ruộng đất.
Ông
Cao Văn Tỉnh sinh năm 1974 tại Cần Thơ. Từ năm 2000 cho đến nay, ông đã
tham gia khiếu kiện đòi lại đất đai hương hỏa của tổ tiên đã bị Công ty
Nông nghiệp, Huyện Cờ Đỏ của nhà nước cướp đoạt; nhưng không có cơ quan
nào chịu giải quyết.
Bà
Phạm Ngọc Hoa sinh năm 1954 tại Sài Gòn. Từ năm 2001 cho đến nay, bà đã
trở thành dân oan và tham gia vào dòng người khiếu kiện ruộng đất bị
nhà cầm quyền Quận Bình Thạnh cưỡng chiếm.
Ông
Nguyễn Chí Thành sinh năm 1973 tại Phú Yên, nhưng từ năm 1987 di chuyển
về sống tại quận Bình Thạnh Sài Gòn. Ông tham gia sinh hoạt đạo Tin
Lành trong Hội Thánh Chuồng Bò và đã giúp đỡ tích cực cho bà con dân oan
tại các tình miền Nam lên Sài Gòn khiếu kiện.
Nhìn
qua tiểu sử của 7 người đang bị nhà cầm quyền CSVN đưa ra tòa xét xử
tội “âm mưu lật đổ chế độ” cho thấy là hoàn toàn phi lý và bịa đặt. Đây
là những con người tranh đấu đòi công lý theo con đường pháp luật, ôn
hòa, và hướng dẫn bà con khác theo con đường đấu tranh ôn hòa đó. Nếu
chỉ vì họ tham gia đảng Việt Tân (Mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị
Thúy, ông Nguyễn Thành Tâm) hay là nhận những sự hướng dẫn, giúp đỡ từ
các đảng viên đảng Việt Tân trên con đường khiếu kiện đòi công lý (ông
Phạm Văn Thông, ông Cao Văn Tỉnh, bà Phạm Ngọc Hoa, ông Nguyễn Chí
Thành) mà bị cáo buộc là có “âm mưu lật đổ chế độ”, bị hành hung, giam
hãm, tù đày và đem ra xét xử như một tội phạm thì rõ ràng chế độ Hà Nội
đã để lộ ý đồ: dùng nhà tù để che đậy các hành vi chà đạp nhân quyền và
bịt miệng những oan trái do chính chế độ gây ra.
Hơn
thế nữa, với lý tưởng nhân bản và sẵn sàng xả thân vì quyền lợi của
người khác, bảy dân oan Bến Tre chắc chắn đã thu hút được sự hưởng ứng
và ủng hộ của đông đảo bà con dân oan cùng cảnh ngộ. Chính vì thế mà nhà
cầm quyền CSVN đã lo sợ và tìm mọi cách ngăn chặn ảnh hưởng của họ –
bắt giữ và gán ghép 7 người yêu nước, yêu dân này một tội danh vô căn cứ
và vô lý nhất, đó là “âm mưu lật đổ chế độ”. Đây là lối hành xử của
những kẻ chuyên cai trị bằng bạo lực, nhưng lại luôn dán nhãn những
người phản đối họ là khủng bố, bạo loạn, phản động… Thủ đoạn cai trị độc
ác này, sớm muộn gì cũng bị người dân vùng lên đạp đổ. Những diễn biến
chính trị xảy ra tại Tunisia, Ai Cập vào đầu năm 2011 vừa qua đã là minh
chứng hùng hồn cho định luật bất di, bất dịch này.
Khi
thấy rõ dã tâm của Hà Nội và cảm thông nỗi oan ức của bảy dân oan Bến
Tre trên con đường đi đòi công lý, chúng ta không thể nào im lặng. Bất
cứ một thể hiện nhỏ bé nào của mỗi chúng ta để gióng lên tiếng nói lương
tâm, để áp lực lên chế độ phải ngưng ngay những đàn áp tùy tiện đối với
người dân, đều sẽ là những ngọn gió mát cho bà con dân oan và các nhà
đấu tranh dân chủ – đang can trường đứng lên để giải nỗi oan cho cả
nước, để chấm dứt bất công, dựng lại công lý và tình người.
Hãy cùng hành động! Thế giới đang lắng nghe! Dân tộc đang chờ đón! Hương Sen sẽ tỏa ngát bầu trời Việt Nam một ngày không xa!
Đoàn Hùng
Ngày 28/5/2011
Ngày 28/5/2011
No comments:
Post a Comment