Sunday, May 22, 2011

Góc nhìn kinh tế: lợi tức đầu người tại Việt Nam

Đoàn Hưng Quốc - Báo Thanh Niên đăng vào ngày 13 tháng 05 bài phỏng vấn với ông Ayumi Konishi hiện là giám đốc tại Việt Nam của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (Asian Development Bank hay gọi tắt là ADB) (1). Theo ông này thì lợi tức đầu người tại Việt Nam hiện ở mức 1200 USD, có triển vọng tăng lên 2000 USD năm 2015 và 4000 USD năm 2020.


Đây là hai bước ngoặt vô cùng quan trọng cho mọi quốc gia đang mở mang. Thứ nhất, vượt qua ngưỡng 2000 USD là thoát khỏi cái bẫy của mức thu nhập trung bình (middle income trap) (2) vốn chận đứng nhiều nền kinh tế không tăng trưởng thêm được nữa. Thứ nhì, đạt đến 4000 USD đầu người là bắt đầu hội nhập toàn diện vào khối các quốc gia dân chủ và tiến bộ.

Người viết xin phân tích trước về điểm hai rồi sau đó trở lại điểm một. Dựa trên quá trình phát triển của nhiều nền kinh tế trong đó có cả Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore một nước khi đạt đến lợi tức bình quân 4000 USD thường chuyển đổi sang một nền dân chủ pháp trị vững vàng vào cùng mốc thời gian này. Có nhiều lý do được giải thích như sau:

Dưới mức thu nhập nói trên giới trung lưu còn đang ở giai đoạn thành hình nên chưa đủ sức giữ vai trò chủ chốt trong nước. Từ 4000 USD trở đi tầng lớp chuyên viên học vấn cao đủ đông và trưởng thành để trở thành khối năng lực chính trong xã hội.

· Mức lợi tức này chỉ có thể đat đến khi mậu dịch với nước ngoài phát triển cao độ, từ đó nhà nước và doanh nghiệp phải tôn trọng tác quyền cùng các luật lệ về hợp đồng, minh bạch trong chi thu và tổ chức quản trị khoa học.

· Tiến trình nói trên ảnh hưởng lên lề lối sinh hoạt và ý thức của toàn xã hội. Xã hội dân sự thành hình qua các hội đoàn thương mại và tư nhân. Công dân đòi hỏi quyền sở hữu và đất đai được bảo đảm; giáo dục được nâng cấp; vệ sinh môi trường được tôn trọng; và quyền được chọn lựa đại diện nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.

(Người viết xin lưu ý rằng đây là khoa học xã hội nên không thể có những quy luật chính xác như khoa học tự nhiên – nói một cách khác không có một con số nhất định 4000 USD khi vừa đạt đến thì mọi chuyện đều thay đổi! Cộng thêm đà lạm phát nên con số này có thể tăng lên 6000-7000 USD. Ngoài ra còn có những ngoại lệ như Ấn Độ vốn là nước dân chủ đông dân nhất thế giới nhưng lợi tức bình quân hiện chỉ khoảng 1300 USD.
Nhưng dù nhiều sai lệch các điểm nói trên vẫn đáng để lưu ý vì chúng vẽ ra một hướng phát triển hợp lý và khoa học, dựa trên bài học của các nước kể trong cả vùng Đông Á)

Trở lại điểm một ở phần trên đã có nhiều nước bắt đầu phát triển ngoạn mục nhưng rồi khựng lại không vượt qua được ngưỡng cửa thu nhập trung bình khoảng từ 2000-3000 USD. Lý do cho những bước tiến nhanh lúc ban đầu nhờ vào dân số trẻ, lương bổng thấp và tài nguyên dồi dào nên thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng từ đó họ không xây được nền tảng chính trị và luật pháp vững mạnh nên hệ thống nhà nước và lề lối sinh hoạt trong xã hội trở thành sức cản ngăn chận các mục tiêu tăng trưởng kế tiếp.

Điều đáng nói là trong cả hai trường hợp có vượt qua được cái bẫy lợi tức bình quân hay không ảnh hưởng đến đa số quần chúng nhiều hơn là vào tầng lớp đặc quyền. Mức thu nhập của giới đặc quyền lúc nào cũng tăng, chỉ khác nơi các thành quả phát triển được chia đều cho mọi người hay tập trung vào một thiểu số như thường được đo lường bằng hệ số GINI (3). Vì quyền lợi của nhóm đặc quyền không hẳn song hành với nguyện vọng của dân chúng nên các cải cách xã hội cũng không tất yếu đến từ thượng tầng.

Như vậy lời nhận xét của viên Giám Đốc ADB tại Việt Nam rất đúng: tiềm năng đất nước còn nhiều nhưng tuỳ thuộc vào dân chúng và nhà nước Viêt Nam có thực hiện cải tổ thì mới phát triển lâu dài và thịnh vượng đồng đều cho mọi người. Người dân có chọn lựa hoặc chờ đợi được ban phát ân huệ hay phải lên tiếng đòi hỏi và bảo vệ cho quyền lợi thiết thực của chính mình.

© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
——————————————————-
Ghi chú:
(1) Vietnam to ‘grow up’ by 2020 – Báo Thanh Niên 13/05/2011
http://www.thanhniennews.com/2010/Pages/20110515160542.aspx
(2)ADB warns Asian countries of middle income trap – Xinhua news 04/05/2011
http://news.xinhuanet.com/english2010/business/2011-05/04/c_13858270.htm
(3)Gini coefficient – Wikipedia
http://en.wikipedia.org/wiki/Gini_coefficient

No comments:

Post a Comment