Friday, May 27, 2011

Bị dồn vào đường cùng, dân phá nát rừng đầu nguồn

“Có một thực tế là hiện nay ở một số vùng, người dân không phá rừng thì không có tiền để tồn tại được.”
Ông Phạm Hữu Khánh, điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Cát Tiên, phát biểu trong cuộc hội thảo về quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông tổ chức tại thành phố Ðà Lạt do Viện Sinh Học Nhiệt Ðới (Viện Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam) tổ chức các ngày 23 và 24 tháng 5, 2011 vừa qua.


Tường thuật cuộc hội thảo này, báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Tư, 26 tháng 5 thuật lời ông TS Vũ Ngọc Long, phó viện trưởng Viện Sinh Học Nhiệt Ðới, cho rằng rừng và sông suối đầu nguồn suy thoái không chỉ tác động bất lợi đến đa dạng sinh học, các chức năng sinh thái, điều kiện tự nhiên khác mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt với cộng đồng đang sống ở những lưu vực sông và các khu rừng.

Rừng đầu nguồn bị tàn phá, hậu quả là hạ lưu sẽ cạn nguồn nước. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Ông Long “chua chát” dẫn ra một thí dụ. Rừng quốc gia Cát Tiên và Cát Lộc “ôm trọn sông Ðồng Nai.” Nhưng sau 15 năm nghiên cứu và theo dõi, ông thấy 328 ha đất rừng Cát Lộc, vùng đệm của vườn quốc gia Cát Tiên, được giao cho dân địa phương quản lý, sau 5 năm hiện chỉ còn khoảng 10-20 ha.

Rừng mất thì “túi nước” của vườn quốc gia Cát Tiên và các khu phụ cận sẽ cạn kiệt, dẫn đến nguồn nước cung cấp cho sông Ðồng Nai bị giảm nhiều.

Cũng trong cuộc hội thảo này, ông Ðào Trọng Tứ, giám đốc Trung tâm Thủy văn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (đại diện khoa học Viện Quản Lý Nước Quốc Tế - IWMI), cho rằng việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trong những năm qua đã và đang đặt tài nguyên nước nói riêng và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam vào tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục.

Theo ông này, hệ thống sông ngòi tại Việt Nam đang đang phải gánh tới hơn 500 công trình xây dựng đập thủy điện lớn nhỏ. Không những vậy, còn đến 1,201 dự án thủy điện đang chờ xây dựng trong thời gian tới.

Những tin tức hai năm vừa qua sau các đợt thủy điện xả lũ làm ngập lụt các vùng hạ lưu và chết dân ở miền Trung, người ta được biết chỉ riêng hệ thống sông Vu Gia Thu Bồn dài 200 km mà gánh tới hơn 100 dự án thủy điện. Mùa lũ thì ngập lụt còn mùa nắng nóng thì sông trơ đáy vì thủy điện giữ nước. Ngay cả tích nước, nước từ các hồ chứa đó cũng không đủ để chạy máy nên nhiều nhà máy thủy điện phải “đắp chiếu” khi hết mùa mưa.

Theo ông Tứ, từ khi thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn sông Ðồng Nai, trữ lượng nước từ 22 triệu m3/ngày trước kia nay giảm rất đáng kể vào mùa khô trong khi mùa mưa thì có lũ dữ và lụt ở hạ lưu.

“Ví dụ rõ nét nhất là thác Pongour, từng được người Pháp tôn vinh là dòng thác hùng vĩ nhất Ðông Dương, cao 40m, rộng 100m, nước tuôn ào ạt xuống vách đá bảy tầng nhưng từ năm 2008 khi đập thủy điện Ðại Ninh tích nước thì Pongour cạn khô, trở thành dòng thác chết,” tờ Tuổi Trẻ thuật lời ông Tứ.

Tờ báo dẫn lời ông GS Bert Covert, trường ÐH Colorado (Mỹ), nói trong cuộc hội thảo cho rằng việc xây dựng đập thủy điện trên đầu nguồn các dòng sông trong thời gian qua chưa tính đúng, tính đủ đến lợi ích của các bên. “Việc xây dựng các đập thủy điện, khai thác tài nguyên nước của các dòng sông phải tính toán đến yếu tố môi trường, phát triển kinh tế và hai lợi ích đấy phải được cân bằng.” (TN)

Báo Người Việt

No comments:

Post a Comment