Friday, April 29, 2011

Vì sao có nước giầu và nước nghèo?

Nguyễn Quốc Khải - Cơ quan Phát Triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Program – UNDP) với sự cộng tác của Oxford University, đã thực hiện một nghiên cứu về nghèo đói và phát triển con người trong những năm gần đây tại 104 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Khoảng 1.75 tỉ người trên tổng số 5.7 tỉ dân của tất cả các nước này, tức khoảng 1/3, sống dưới mức nghèo đói được đo lường theo chỉ số nghèo đa diện (multidimensional poverty index – MPI) bao gồm các khía cạnh như giáo dục, sức khỏe, và dịch vụ. Cũng theo cuộc nghiên cứu này, khoảng 2.6 tỉ người tại những quốc gia này sống bằng dưới 2 Mỹ kim mỗi ngày.

Vùng Sub-Sahara của Phi châu có tì lệ nghèo đói cao nhất. Tỉ lệ này tăng từ 3% tại Nam Phi đến 93% tại Niger. Tuy nhiên Nam Á châu chiếm 51% dân số nghèo của thế giới (844 triệu người) và Phi châu chiếm hơn 28% (458 triệu người), và Đông Nam Á và Thái Bình Dương chiếm 15% (247 triệu người).

Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy là Việt Nam có 12.3 triệu người so với một dân số 86.1 triệu, tức khoảng 14.3%, sống dưới mức nghèo đa diện. Tì lệ số người có lợi tức dưới 2 Mỹ kim mỗi ngày là 48% và theo mức nghèo quốc gia là 29%.  Việt Nam xếp hạng thứ Trung Quốc có 165.8 triệu người trên dân số 1,329.1 triệu, tức khoảng 12.5%, sống dưới mức nghèo đa diện. Tì lệ số người có lợi tức dưới 2 Mỹ kim mỗi ngày là 36% và theo mức nghèo quốc gia là 3%.

Tình trạng nghèo đói và khác biệt giầu nghèo đáng kể ở trên thế giới nói chung và ở Việt-Nam nói riêng là một đề tài làm cho nhiều nhà xã hội học và kinh tế gia lưu tâm.  Chúng ta thử làm một cuộc so sánh nhanh chóng giữa các quốc gia để tìm hiểu những nguyên nhân gây ra sự nghèo đói.

Tuổi tác của quốc gia.

Chắc chắn không phải là vì tuổi tác của những quốc gia này. Trước nhất chúng ta hãy xem xét một số nước trên thế giới. Việt-Nam và Trung Quốc đã có trên 4,000 năm. Ấn Độ và Ai Cập đã thành lập trên 2,000 năm. Nhưng đây lại là những nước nghèo. Mặt khác, Hoa-Kỳ, Canada, Úc Đại Lợi, và Tân Tây Lan là những nước chỉ mới thành lập dưới 250 năm nay nhưng lại ở trong những nước giầu nhất thế giới. Israel  mới lập quốc vào năm 1948 tại phần đất Palestine. Dân số là 7.5 triệu người.   Tuy là một quốc gia trẻ trung, nhưng sau một nửa thế kỷ Israel đã mau chóng trở thành một quốc gia giầu có với lợi tức trung bình mỗi đầu người tính theo mãi lực quân bình (purchasing power parity GDP) là 29,500 Mỹ kim. East Timor là một quốc gia mới nhất, thành lập vào năm 2002, với dân số vỏn vẹn có khoảng 1 triệu người, nhưng East Timor là một trong những nước nghèo nhất thế giới với lợi tức trung bình hàng năm mỗi đầu người tính theo mãi lực quân bình là 2,600 Mỹ kim.

Tài nguyên thiên nhiên.

Sự khác biệt giầu nghèo cũng không phải do nguồn tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia. Thật vậy, dân Iraq sống trên mỏ dầu lớn thứ nhì trên thế giới với số dầu dự trữ ước tính là 115 tỉ thùng  , gần bằng 43.5%    số dầu dự trữ lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia. Nhưng mức sống của dân Iraq không hơn gì dân Việt-Nam bao nhiêu. Tổng sản lượng nội địa mỗi đầu người theo mãi lực quân bình của Iraq là 3,600 Mỹ kim, so với con số của Việt-Nam là 3,100 Mỹ kim vào năm 2010.

Trái lại, Nhật Bản đất hẹp dân đông. Tổng số diện tích của Nhật bản là 377,835 Km2, hơi nhỏ hơn tiểu bang California. Khoảng 12.1% đất đai là có thể trồng trọt được. Phần còn lại là đồi núi. Tuy nhiên, Nhật Bản có 127 triệu dân, gần gấp 4 lần dân số của California. Mỗi năm Nhật Bản có khoảng 1,500 trận động đất (phần lớn là những chấn động nhỏ).  Nước Nhật hầu như không có một khoáng sản nào cả. Quốc gia này phải nhập cảng mọi nguyên liệu từ cát, sát thép phế thải, cho đến dầu thô và thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới và sản xuất các sản phẩm chế biến để xuất cảng đến hầu hết mọi quốc gia.  Người ta thấy ngay trên đất Mỹ cách xa Nhật Bản một nửa vòng trái đất, những dụng cụ khổng lồ dùng trong kỹ nghệ xây cất và nông nghiệp nặng cả ngàn tấn, mang các nhãn hiệu như Komasu, Hitachi, Mitsubishi, Kubota và Shibaura.

Thụy Sĩ là một thí dụ khác. Tổng số diện tích của quốc gia này là 41,300 Km2, tương đương với 12.5% diện tích của Việt-Nam. Tuy nhiên đất đai trồng trọt của Thụy Sĩ được chỉ bằng 10% tổng số diện tích. Không những thế, Thụy Sĩ không có đường thông thẳng ra biển và hoàn toàn bị bao vây bởi năm quốc gia khác là Đức, Áo, Pháp, Ý và Liechtenstein.  Dân số của Thụy Sĩ là 7.6 triệu gồm 3 sắc dân chính là Đức, Pháp, và Ý.  Vì những giới hạn về thời tiết và đất đai, nông dân Thụy Sĩ chỉ có 4 tháng để trồng trọt và chăn nuôi gia súc ngoài trời. Tuy nhiên, Thụy Sĩ sản xuất kẹo xúc cù là và sữa bò ngon nhất thế giới. Ngoài ra, quốc gia này còn có những sản phẩm công nghệ tinh sảo mà không một ai trên thế giới có thể sánh kịp: đồng hồ, dao kéo, dụng cụ làm vườn, dụng cụ khoa học chính xác và hóa phẩm. Dịch vụ ngân hàng tân tiến của Thụy Sĩ đã thu hút rất nhiều ngoại tệ từ mọi nơi trên thế giới nhờ danh tính của khách hàng và nguồn gốc của tiền tệ được bảo vệ tối đa. Tổng sản lượng nội địa tính theo mãi lực quân bình của Thụy Sĩ là 326.5 tỉ Mỹ kim. Con số tương đương tính theo đầu người là 42,900 Mỹ kim, cao hơn hầu hết các nước ở Âu châu, kể cả Đức và  Hoa-Kỳ, ngoại trừ Norway và Luxembourg.

Hòa Lan là một nước rất nhỏ ở Âu châu nhưng cũng đáng chú ý, với dân số là 16 triệu người và diện tích là 41,500 Km2 mà một phần nằm dưới mặt nước biển, nên máy bơm phải hoạt động 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần để bơm nước ra khỏi phần đất này.  Đất trồng trọt được chỉ chiếm có 26.5%, tuy nhiên Hòa-Lan nổi tiếng về kỹ nghệ nông nghiệp. Quốc gia này xuất cảng hoa tươi, hạt giống và các nông phẩm chế biến đi khắp thế giới. Ngoài ra, Hòa Lan còn sản xuất dụng cụ kim loại, máy móc điện và điện tử, hóa phẩm. Kỹ nghệ xây cất của Hòa Lan rất mạnh.  Tổng sản lượng nội địa cho mỗi người (GDP tính theo mãi lực quân bình) là 40,500 Mỹ kim.

Chúng ta chắc chắn phải nghĩ ngợi rất nhiều về những nước nhỏ như Bỉ, Đan Mạch, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Tân Gia Ba, và Tân Tây Lan với dân số của tất cả 6 nước cộng lại chỉ bằng 54.6 dân số của Việt-Nam mà phải viện trợ cho một quốc gia với 90 triệu dân.

Kiến thức

Sự khác biệt giầu nghèo một phần do sự chênh lệch về kiến thức. Người có kiến thức rộng, học lên trình độ cao, ra trường thường có việc làm tốt. Tuy nhiên trên bình diện quốc gia, yếu tố này cũng không có một tầm quan trọng đặc biệt.

Ấn Độ, Trung Quốc, và ngay cả Việt-Nam sản xuất nhiều nhà trí thức, khoa học gia mà kiến thức của họ không thua gì những đồng nghiệp của họ ở những nước Tây phương. Những quản trị gia của các nước giầu nhận định rằng không có sự khác biệt sâu xa về kiến thức của những đối tác viên của họ tại những những nước nghèo và thường những chuyên viên ngoại quốc lại phải học hỏi Kinh nghiệm địa phương từ những chuyên viên bản xứ vì sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng thiếu kinh mghiệm về quản trị là một yếu tố quan trọng.

Phần lớn những phát minh khoa học trên thế giới từ trước đến nay đều do những người Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Thuỵ Sĩ, và Ý thực hiện.  Phát minh mới cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên học hỏi những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật ngày nay không phải là một vấn đề khó khăn. Người Nhật và Đaị Hàn và hiện nay là Trung Quốc đã mau chóng hấp thụ và áp dụng những tiến bộ khoa học vào bộ máy sản xuất của họ.  Ngoài ra, chính sách đầu tư nước ngoài đã giúp cho việc chuyển giao kỹ thuật cho các nước chủ trở nên dễ dàng. Thêm vào đó, hàng năm cả trăm ngàn sinh viên từ các nước Á châu, Phi châu, Châu Mỹ Latin du học tại các cường quốc kỹ nghệ. Không những các sinh viên này học về những môn khoa học và kỹ thuật mà còn cả về những ngành quản trị, kinh tề và tài chánh nữa. Với các phương tiện thông tin tân tiến hiện nay, kiến thức được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới.  Sự cách biệt về kiến thức ngày càng thu hẹp.

Sắc tộc 

Sự khác biệt giầu nghèo cũng phải do sự khác biệt về sắc tộc hay mầu da.  Một cách tổng quát người ta nhận thấy những quốc gia ở Bắc Mỹ và Châu Âu là những nước giầu hơn cả. Mặt khác, những nước ở Phi châu tương đối nghèo nhất, rồi đến các nước Á châu, Trung và Nam Mỹ.  Nhưng không phải nước nào ở Âu châu cũng giầu có.  Liên Bang Nga, Serbia – Montenegro và Moldova là những nước nghèo. Mặt khác không phải nước nào ở Á châu cũng nghèo. Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, và Tân Gia Ba là những nước giầu.

Nhìn về Tây Bán Cầu, từ Mexico trở xuống Cape Horn ở cực nam, không kể Virgin Islands và Puerto Rico của Hoa-Kỳ, tổng sản lượng nội địa hàng năm cho mỗi đầu người tính theo mãi lực quân bình của những quốc gia trong vùng này ở trong từ khoảng 1,200 Mỹ kim tới 15,500 Mỹ kim. Nhưng có nước tương đối giầu hơn là Barbados và Bahamas. Đây là hai nước nhỏ mà đa số là dân da đen với tổng sản lượng nội địa theo mãi lực quân bình trung bình hàng năm cho mỗi người lần lượt là 21,700 Mỹ kim và 28,600 Mỹ kim.

Như vậy người ta không có thể kết luận rằng dân thuộc sắc tộc sống ở miền Bắc thường giầu có hơn dân thuộc sắc tộc sống ở miền Nam. Nhìn một cách tổng quát, người ta có thể có cảm tưởng rằng cách phân biệt này có phần đúng. Các nhà kinh tế học thường hay dùng đến danh từ “North-South Trade” để chỉ sự buôn bán giữa hai khối giầu và nghèo Bắc và Nam. Nhưng xét kỹ hơn cũng có một số trường hợp không theo định luật này. Liên Bang Nga, Mongolia, và Trung Quốc ở miền cực Bắc, nhưng là những nước nghèo. Nếu so sánh những quốc gia lân bang với nhau, người ta cũng thấy có những nước miền Bắc nghèo hơn nước láng giềng ở phương Nam như Bắc Hàn so với Nam Hàn, Miến Điện so với Thái Lan, Bắc Việt so với Nam Việt (trước 1975), Nepal so với Ấn Độ, hoặc Afghanistan so với Pakistan.  Úc châu và Tân Tây Lan ở miền Nam Bán Cầu là hai trường hợp đặc biệt vì công dân của hai nước này phần lớn thuộc gốc người miền Bắc là Anh quốc.

Chính trị

Thể chế chính trị rõ ràng có ảnh hưởng đến sự giầu nghèo. Kinh tế gia đoạt giải Nobel người Ấn Độ Amartya Sen nghiên cứu về nghèo đói và dân chủ đã đưa ra một lời tuyên bố nổi tiếng: “Không bao giờ có một nạn đói nào đáng kể xẩy ra ở một nước độc lập, dân chủ và có tự do báo chí”  . Nhân loại đã chứng kiến nhiều nạn đói khủng khiếp, nhưng hầu hết xẩy ra dưới những chế độ độc tài: (1) Ireland dưới sự đô hộ độc đoán của người Anh (1845-1850). Hậu quả: 1 triệu ngưới Ái Nhĩ Lan chết và 2 triệu người di dân qua Mỹ châu; (2) Nga Sô dưới chế độ Cộng Sản và hạn hán (1921). Hậu quả: 5.1 triệu người chết; (3) Ukraine do kế hoạch nông trường tập thể của Cộng Sản Liên Sô (1932-1933). Hậu quả: 7-10 triệu người chết; (4) Ethiopia dưới chế độ Cộng Sản và hạn hán (1984-1985). Hậu quả: 8 triệu người chết; (5) India: liên tục trong thời gian người Anh chiếm đóng cho tới khi Ấn Độ được độc lập vào năm 1947; (6) Trung Quốc do kế hoạch “Bước Nhẩy Vọt” (1958-1961). Hậu quả: 30 triệu người chết; (7) Somalia dưới chế độ độc tài (1992). Hậu quả: 1.5 triệu người chết đói; (8) Bắc Hàn dưới chế độ Cộng Sản (1996 đến nay). Đây không phải là thiên tai mà tất cả là tai họa do con người tạo ra.

Riêng tại Việt-Nam nạn đói xẩy ra hai lần kể từ Đệ Nhị Thế Chiến đến nay: (1) dưới sự đô hộ tàn bạo và độc tài của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp (1945). Hậu quả: một triệu người chết; (2) trong thời kỳ kinh tế xã hội chủ nghĩa (1975-1986). Kết quả: nạn đói đe dọa từ Bắc vào Nam, trầm trọng hơn hết là những vùng núi xa xôi hẻo lánh. Nhà nước phải lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc giúp thực phẩm và một triệu người vượt biên.

Chế độ kinh tế chỉ huy tại những nước Cộng Sản đã làm cho hầu hết những nước này trở nên nghèo đói. Nổi bật nhất là Liên Bang Sô Viết và Đông Đức. Một số các nước Cộng Sản trước đây sau khi trở thành những nước tự do dân chủ đã trở nên giầu có hơn trong hơn một thập niên vừa qua: Czech Republic, Estonia, Poland, Hungary, Slovakia, và Slovania. Trung Quốc và Việt-Nam một mặt cải tổ kinh tế, mặt khác vẫn chủ trương độc tài về phương diện chính trị. Chế độ kinh tế chỉ huy tuyệt đối đã được hủy bỏ nhưng nhà nước vẫn chủ trương đóng một vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Tham nhũng, hiệu năng thấp kém, và khu vực tư nhân bị đối sử phân biệt là những hàng rào cản cho sự phát triển. Mức sống của dân chúng đã được cải thiện một phần nhưng chậm chạp và mất quân bình. Sự chênh lệch giầu nghèo mỗi ngày một gia tăng. Cuba mới đây chuẩn bị chuyển sang kinh tế thị trường. Cả thế giới chỉ còn một nước duy nhất còn tuyệt đối trung thành với chế độ chuyên chính vô sản là Bắc Hàn. Tổng sản lượng nội địa cho mỗi người tính theo mãi lực quân bình của Bắc Hàn là 1,800 Mỹ kim vào năm 2009, một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Kết luận

Tuổi tác của quốc gia, tài nguyên thiên nhiên, và sắc tộc không phải là những yếu tố sống chết định đoạt sự tiến bộ của một quốc gia. Căn bệnh nghèo đói có những nguyên nhân trực tiếp như thể chế chính trị, chính sách kinh tế, xã hội và giáo dục của mỗi quốc gia.  Nhưng chính trị và chánh sách bị chi phối bởi địa lý và văn hóa. Như sẽ được trình bầy trong bài “văn Hóa Chậm Tiến”, văn hóa là yếu tố sâu sa làm cho một quốc gia chậm tiến.

Nếu một dân tộc có một bản chất vững mạnh, một nhân sinh quan đúng đắn, dân tộc đó có thể vượt qua được những hoàn cảnh khó khăn và những nguyên nhân trực tiếp của sự nghèo đói.

© Nguyễn Quốc Khải
© Đàn Chim Việt
—————————————————
[1] UNDP, “Human Development Report 2010 —20th Anniversary Edition”, 2010.
[2] Tất cả những số liệu về tổng sản lượng nội địa, dân số, diện tích và tôn giáo dùng trong bài viết này đều liên hệ với năm 2010 và lấy từ tài liệu “World Factbook 2010” do cơ quan CIA soạn và lưu trữ trên mạng lưới www.cia.gov.
[3] Mỗi thùng (barrel) chứa 42 gallons dầu thô.
[4] CIA, “World Factbook – Country Comparison: Oil Proved Reserves, March 2011.
[5] Tổng sản lượng nội địa (không tính theo căn bản mãi lực quân bình) cho mỗi đầu người là 1,100 Mỹ kim vào năm 2010 so với 430 Mỹ kim vào năm 2002.
[6] Amartya Sen and Amartya K. Sen, “Poverty and Famines – an Essay on Entitlement and Deprivation”, Oxford University Press, London, 1983.
[7] Nguyễn Quốc Khải, “Liệu cải tổ kinh tế và mở cửa buôn bán với thế giới sẽ mang lại tự do dân chủ cho Việt-Nam hay không?” Thế Kỷ 21, số 176, Westminster, California: December 2003.

No comments:

Post a Comment