Cuối cùng thì bản án của chính quyền Việt Nam dành cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cũng đã được tuyên, với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa", ông Cù Huy Hà Vũ phải nhận một bản án rất nặng là 7 năm tù và 3 năm quản chế. Với những người còn tin và yêu chế độ thì đây là một gáo nước lạnh dành cho họ.
Đã có rất nhiều bài viết và lời kêu gọi ủng hộ cho ông Cù Huy Hà Vũ, đáng chú ý nhất là lời kêu gọi mọi người hãy đến tham dự phiên tòa này thật đông, để vừa bày tỏ tình cảm đối với ông Hà Vũ vừa để gửi đến chính quyền một thông điệp rằng ông Hà Vũ là vô tội và người dân Việt Nam luôn ở bên ông.
Có thể khẳng định mà không sợ sai rằng vụ án của ông Cù Huy Hà Vũ đã đạt được mức độ kỷ lục về sự chú ý của dư luận Việt Nam trong số các vụ án xử các nhà bất đồng chính kiến từ trước đến nay.
Lý do cũng rất giản dị. Ông Cù Huy Hà Vũ đã gây được tiếng vang rất lớn trong dư luận. Đầu tiên đó là thân thế của ông, ông là người thuộc "hoàng tộc cộng sản", bố ông là Cù Huy Cận, một nhà thơ lớn của cách mạng và là một trong những bộ trưởng đầu tiên của chế độ cộng sản (tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa), một khai quốc công thần. Ông Hà Vũ đồng thời cũng là con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu, một nhà thơ mà tên tuổi của ông không ai là không biết đến. Bản thân ông Hà Vũ cũng có một học vấn và trình độ đáng nể: ông là tiến sĩ luật, chuyên ngành hành chính công, tốt nghiệp tại Pháp. Ông đồng thời cũng là thạc sĩ văn chương, là một họa sĩ… Nếu ông im lặng và là người theo chủ nghĩa "mackeno" thì con đường ông tiến thân chắc chắn sẽ trải bằng hoa hồng như bao nhiêu thái tử đỏ khác trong hoàng tộc.
Dư luận bắt đầu biết đến ông Hà Vũ qua việc ông đã có các hành động chưa từng có trong tiền lệ từ trước đến nay, như việc khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay việc ông tự ứng cử chức "bộ trưởng văn hóa" và mới nhất là việc công khai kêu gọi đa nguyên đa đảng cho Việt Nam, kêu gọi hòa giải dân tộc, tố cáo và chỉ đích tên những nhà lãnh đạo Việt Nam tham nhũng và bao che cho đàn em…
Tất nhiên ai cũng biết là những việc làm của ông (như ứng cử bộ trưởng văn hóa hay nộp đơn kiện thủ tướng) là những việc không có kết quả nhưng qua đó ông đã chứng minh cho mọi người dân Việt Nam thấy rõ một điều là chính quyền cộng sản không hề tuân thủ ngay chính những gì họ đã viết trịnh trọng trong Hiếp pháp. Ông Hà Vũ làm sáng tỏ lời khẳng định của bà luật sư Ngô Bá Thành rằng "Việt Nam có cả một rừng luật nhưng chỉ dùng một thứ là luật rừng".
Vì là một tiến sĩ luật nên ông Hà Vũ đã đề cao vai trò nhà nước pháp trị, tức là trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng, quyết định của tòa án là quyết định sau cùng và có giá trị nhất. Bất cứ ai cũng phải ra tòa nếu phạm tội, dù đó có là đương kim thủ tướng.
Một điều nữa khiến mọi người càng chú ý đến vụ án này đó là việc gia đình của ông Hà Vũ đã hết lòng bênh vực ông, từ người trưởng tộc đến những người chú của ông hay như vợ, em gái ông… Tất cả đã dành cho ông những tình cảm tốt đẹp, tôn trọng những việc ông đã làm. Đây là một nét son và là sự cỗ vũ mạnh mẽ cho những người dấn thân vì dân chủ.
Vì tất cả những lý do trên mà chính quyền Việt Nam sẽ lúng túng trong việc xử ông. Nếu tha ông thì sợ bẽ mặt chính quyền và khuyến khích cho những tiếng nói bất đồng khác, nếu bắt ông bỏ tù thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy và bất mãn cho nội bộ đảng. Người ta sẽ đặt câu hỏi rằng với một thân thế như vậy mà vẫn bị tống vào tù thì ai có thể an toàn được dưới chế độ này?
Người dân còn mơ hồ tin vào chế độ sẽ hỏi "Tại sao một người, với thân thế như ông Hà Vũ mà lại chống chính quyền ?"...
2. đến vụ án của Vi Đức Hồi…
Ông Vi Đức Hồi không có một lý lịch đặc biệt như ông Hà Vũ, bố mẹ ông không nổi tiếng như nhà thơ Cù Huy Cận và Xuân Diệu. Nhưng bản thân ông thì rất đáng chú ý, ông là người dân tộc thiểu số, ông đã từng là thường trực huyện ủy huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, giám đốc trường đảng Hữu Lũng. Ông Vi Đức Hồi cũng có thể sống một cuộc sống đàng hoàng nếu ông im lặng và cam chịu như những người khác. Ông đến với phong trào dân chủ bằng cả một quá trình nhận thức, tuy âm thầm nhưng rõ ràng và đoạn tuyệt một cách dứt khoát.
Ông biết và hình dung được những cái giá mà ông phải trả, ông không có những hậu thuẫn tốt như ông Cù Huy Hà Vũ, và thực tế đã diễn ra như vậy. Ông bị mất chức thường trực huyện ủy Hữu Lũng, mất chức giám đốc trường đảng, bị giam giữ nhiều lần, bị quản chế liên tục và thẩm vấn thường xuyên. Vợ ông bị khai trừ khỏi đảng cộng sản và không cho dạy tiểu học nữa mà phải xuống trông coi trẻ em mẫu giáo. Tháng 10-2010 ông đã bị thẩm vấn trong suốt 10 ngày, sau đó bị bắt và ông đã bị xử án một cách đặc biệt thô bạo: 8 năm tù và 5 năm quản chế.
Ông Vi Đức Hồi viết rất nhiều về sự cần thiết của việc dân chủ hóa đất nước, các bài viết của ông mang nhiều suy tư, trăn trở và có giá trị lý luận cao. Có thể thấy rõ điều đó qua tác phẩm "Đối mặt" đang được đăng tải trên bán nguyệt san Tổ Quốc. Cách đấu tranh của Vi Đức Hồi là đúng đắn và dứt khoát. Ông hiểu rằng đấu tranh cho dân chủ không thể là đấu tranh cá nhân mà phải là đấu tranh có tổ chức, ông đã tìm đến với những người dân chủ khác để hợp sức với họ. Ông cũng đã gặp và chịu nhiều gian truân gấp nhiều lần so với Cù Huy Hà Vũ. Trong vụ dân chúng Bắc Giang bạo loạn tấn công và đập phá trụ sở ủy ban tỉnh vì lý do một thanh niên không đội mũ bảo hiểm đã bị cảnh sát đánh chết, chính quyền đã nghi cho Vi Đức Hồi đứng đằng sau vì thời gian diễn ra vụ việc ông cũng có mặt ở Bắc Giang.
Bản án 8 năm tù và 5 năm quản chế mà chính quyền dành cho ông Vi Đức Hồi cũng đã nói lên nhiều điều, điều đầu tiên đó là chính quyền rất sợ Vi Đức Hồi, vì quá sợ nên phải "nhốt" ông thật lâu. Không ai hiểu rõ một kẻ nào đó bằng chính kẻ thù của người đó. Không ai hiểu rõ sức mạnh và giá trị của ông Vi Đức Hồi bằng chính đảng cộng sản. Bản án của ông là một minh chứng.
Thế nhưng, rất tiếc, trong trường hợp của ông Vi Đức Hồi thì những người đang đấu tranh cho dân chủ, những người cùng hội cùng thuyền với ông lại không nhận ra điều đó qua việc dư luận đã không dành cho ông những quan tâm cần thiết và đặc biệt như ông Cù Huy Hà Vũ. Ông Hà Vũ xứng đáng nhận được sự quan tâm đó của dư luận và ông Vi Đức Hồi cũng xứng đáng với sự quan tâm như vậy. Ông Hà Vũ đã gây được tiếng vang rất lớn nhưng (tiếc là) ông Hà Vũ không có ý định tham gia hay thành lập một tổ chức chính trị đối lập nào, ông Hà Vũ cũng không liên kết với ai, ông chỉ đấu tranh trên phương diện cá nhân, và một cá nhân thì dù có nổi tiếng đến đâu cũng không đủ sức mạnh để gây áp lực lên chính quyền để buộc chính quyền phải thay đổi, đó là lối đấu tranh kiểu nhân sĩ. Nó khác xa với kiểu đấu tranh tuy âm thầm nhưng có thể đi đến đích của ông Vi Đức Hồi, rõ ràng là dư luận đã không được hướng dẫn một cách đúng đắn.
Sau nhiều tháng bị giam giữ, ông Cù Huy Hà Vũ đã ra trước vành móng ngựa, bản án 7 năm tù và 3 năm quản chế dành cho ông cũng khắc nghiệt không kém gì bản án dành cho ông Vi Đức Hồi. Rõ ràng là chính quyền Việt Nam ngày càng hoảng hốt với mọi tiếng nói đòi dân chủ của người dân. Dù bất cứ là ai, dù đó là con cha cháu ông như Hà Vũ, là đồng đội như ông Vi Đức Hồi hay dân đen như Hùng-Hạnh-Chương… thì cũng đều bị chính quyền đàn áp thẳng tay. Một niềm tin cần được thay đổi qua sự kiện này là : "Khi đã đứng lên đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam thì cho dù có tham gia vào một tổ chức chính trị đối lập hay không thì vẫn bị chính quyền đàn áp như nhau".
Lý do đứng một mình và lên tiếng cho dân chủ để không bị kết tội "chống phá nhà nước" đã hoàn toàn bị phá sản. Bản án dành cho ông Cù Huy Hà Vũ đã, đang và sẽ gây chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ đảng cộng sản, một số đông trong đảng, gồm nhiều người lương thiện rất muốn bênh vực cho ông Hà Vũ nhưng đều bất lực…
3. Và con đường dang dở của Phan Châu Trinh…
Trong phần một cuộc hội luận với Tập Hợp Dân Chủ đa Nguyên do báo điện tử Dân Luận tổ chức, ông Nguyễn Gia Kiểng một người tham gia cuộc hội luận đã có đề cập đến hai trường hợp của ông Cù Huy Hà Vũ và ông Vi Đức Hồi. Ông Nguyễn Gia Kiểng muốn nói lên một hiện tượng đó là việc dư luận chạy theo sự hào nhoáng và tiếng vang (như trường hợp của Cù Huy Hà Vũ) mà bất công với những người đấu tranh nghiêm chỉnh (như Vi Đức Hồi).
Không riêng gì trường hợp của ông Hà Vũ mà đối với trường hợp của Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung cũng thế, ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhiều lần khẳng định rằng phải bênh vực họ. Mọi người nói lên lập trường dân chủ đều đáng được ủng hộ, dù họ là ai và hành động với những mục tiêu nào. Ngay cả một ông tướng công an mà nói lên một lập trường đúng chúng ta vẫn phải tán thành (như trường hợp ông Nguyễn Văn An). Điều quan trọng là phải biết "ai là ai ?" để đừng ủng hộ hay chống đối một cách lệch lạc.
Thí dụ việc đảng Nhân Dân Hành động là một đảng của công an là điều hoàn toàn đúng sự thực, việc anh Nguyễn Tiến Trung là đảng viên đảng này cũng hoàn toàn đúng và chính anh ấy cũng đã nói như vậy trong bài nhận tội truyền hình. Việc Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức hợp tác với đảng Nhân Dân Hành Động cũng đúng sự thực. Những sự thực này cần được cho mọi người biết rồi sau đó mỗi người tự quyết định thái độ cho mình.
Dù bao dung đến đâu chúng ta vẫn có bổn phận phải thẳng thắn.
Điều không nên làm là ủng hộ hoặc đả kích người khác vì sự hiểu lầm.
Điều không nên làm là ủng hộ hoặc đả kích người khác vì sự hiểu lầm.
Rất tiếc là có một số người vẫn không hiểu điều này, tôi muốn lấy ví dụ về ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Già, một người thuộc "phe dân chủ", một người tốt và yêu nước (có nhiều bài viết trên Dân Luận) nhưng không hiểu và chỉ trích ông Nguyễn Gia Kiểng với câu hỏi : "Có phải Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đi ngược lại chủ trương hòa giải - hòa hợp dân tộc của mình hay không khi phê bình Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, hoặc khen Vi Đức Hồi hơn Cù Huy Hà Vũ?".
Ông Nguyễn Ngọc Già chưa hiểu hiện tượng theo chiều sâu và ý mà ông Nguyễn Gia Kiểng muốn nói. Ông Nguyễn Gia Kiểng đã đưa ra trường hợp Vi Đức Hồi và Cù Huy Hà Vũ trong một đoạn trao đổi về thanh niên, là ông muốn tuổi trẻ Việt Nam dành sự hưởng ứng cho những đấu tranh đúng đắn để đóng góp một cách có hiệu quả cho cuộc vận động dân chủ và nhất là để khỏi thất vọng sau đó. Điều này không có liên quan gì đến tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Ông Nguyễn Gia Kiểng cũng đã nói rõ là Cù Huy Hà Vũ rất đáng được quý mến và bênh vực. Ông chỉ muốn nhấn mạnh với tuổi trẻ Việt Nam về phương thức đấu tranh nên có cho cuộc vận động dân chủ sắp tới.
Chúng ta không nên chỉ quan tâm đến Cù Huy Hà Vũ mà quên đi những người dân chủ khác đang gặp nạn. Nhiệm vụ của những người trí thức như chúng ta là nhận ra những người như Vi Đức Hồi và hướng dẫn dư luận bênh vực cho những người như ông.
Ông Nguyễn Ngọc Già cho rằng "giá như những hoạt động của Vi Đức Hồi được quảng bá mạnh và công khai như Cù Huy Hà Vũ, tôi tin sẽ rất nhiều người dân ủng hộ, lên tiếng". Ai sẽ là người quảng bá mạnh cho những người như ông Vi Đức Hồi, nếu không phải là chúng ta? Không phải là những người dân chủ thì ai sẽ làm việc đó?
Một độc giả của Dân Luận tham gia cuộc hội luận, bạn Lê Anh Tuấn đã giúp Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phản biện các ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Già, và cách đặt câu hỏi của bạn Tuấn rất đáng để tất cả chúng ta suy nghĩ :
"Vì sao lượng cảm tình và bênh vực mà dư luận dành cho một người đối lập chỉ phụ thuộc vào lượng tiếng vang mà anh ấy tạo ra? Vì sao người ta không chú ý đến tính đúng và sai của đường lối đấu tranh, đến trình độ tư tưởng và bản lĩnh chính trị của người này, đến mức độ can đảm của cuộc dấn thân, hay đến những đổi thay mà anh ta có thể mang lại ? Vì sao người ta tập trung mọi sự chú ý vào một bề ngoài vang dội, thay vì vào thực lực và nội dung?
Ví dụ này, theo ông Kiểng, đã thể hiện rõ sự yếu kém trong nhận thức của những người dân chủ Việt. Chúng ta vẫn hài lòng với lối đấu tranh nhân sĩ. Chúng ta lầm tưởng rằng những thư ngỏ, tuyên ngôn, tuyên cáo kí tên cá nhân có thể thay đổi tình hình, và vì thế dành cho chúng mọi sự ủng hộ và bênh vực. Trong khi đó, chúng ta quên lãng những cố gắng xây dựng âm thầm nhưng bền bỉ, và có thể mang đến thành công. Vì không biết chọn lựa, chúng ta đang lãng phí sự ủng hộ của mình. Mà trong hiện trạng rời rã của tinh thần quốc gia, những ủng hộ này là một tài nguyên rất khan hiếm.
Nếu chưa đồng ý, bạn hãy tự hỏi mình:
Những người chưa từng thừa nhận mình đấu tranh cho dân chủ có thể vận động quần chúng đứng dậy và tham gia một cuộc cách mạng dân chủ hay không?
Những người từ chối mọi đề nghị phối hợp kết hợp có thể đơn độc chọi lại một tổ chức cầm quyền, đang nắm trong tay nhà tù và súng hay không?
Có thể thay đổi đất nước bằng những thư ngỏ và kiến nghị xin-cho hay không?
Chúng ta, vì tình đồng bào và công lí, phải sẵn sằng bênh vực mọi người đấu tranh. Nhưng trước những câu hỏi trên, chúng ta nên dành nhiều ủng hộ và tiếp sức hơn cho ai ? Những cố gắng xây dựng đường lối và lực lýợng mà để khỏi bị đàn áp, chúng bắt buộc phải được tiến hành một cách âm thầm? Hay những thư ngỏ, kiến nghị, tuyên cáo, tuyên ngôn hiện diện nhiều trên mặt báo?".
Đến đây không thể không nhắc đến bài viết rất đặc sắc của nhà văn Nguyên Ngọc viết về Phan Châu Trinh nhân dịp ngày giỗ thứ 85 của cụ : "Chương trình vĩ đại bị dở dang của Phan Châu Trinh". Đây là bài viết mà bất cứ người Việt nào có quan tâm đến vận mệnh đất nước cũng nên đọc và hiểu được những gì mà tác giả muốn nhắn nhủ trong đó.
Chương trình vĩ đại của Phan Châu Trinh là gì? Theo nhà văn Nguyên Ngọc, thì: "Chương trình của ông là chương trình thay đổi một dân tộc, sửa chữa và làm lại nó, tự trong chiều sâu nhất của nó, chiều văn hóa, để nó có thể tồn tại và phát triển trong một thế giới tất yếu toàn cầu hóa". Với những ai không đủ thời gian và kiên nhẫn thì chỉ cần đọc bài viết này cũng nhận ra một điều là nếu dân tộc Việt Nam chúng ta chọn tư tưởng và văn hóa của cụ Phan Châu Trinh thay vì tư tưởng Mác Lê và chủ nghĩa cộng sản thì số phận chúng ta bây giờ đã hoàn toàn khác. Chắc chắn là Việt Nam đã không thê thảm và tụt hậu như hiện nay. Tư tưởng của Phan Châu Trinh gói gọn trong mấy chữ "Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh".
Từ hơn 100 năm về trước, cụ Phan đã nhận ra sự thua thiệt và yếu kém của người Việt chúng ta trước nền văn minh và tiến bộ của Phương Tây nói chung và thực dân Pháp nói riêng. Để chiến thắng thực dân Pháp và xây dựng một nước Việt Nam hùng cường thì theo cụ, chúng ta phải thay đổi đường lối đấu tranh, thay đổi tư duy, từ chối sử dụng bạo lực, từ chối việc xem bạo lực như là một công cụ để giải quyết các bất đồng. Cụ vận động người dân từ bỏ văn hóa Khổng giáo để tiếp thu văn hóa Phương Tây, học hỏi để nâng cao dân trí và chấn hưng tinh thần dân tộc, tinh thần quốc gia. Cụ cho rằng chính sức mạnh nội lực và tinh thần cởi mở, sẵn sàng học hỏi và tiếp thu cái mới sẽ làm cho Việt Nam trở nên độc lập và hùng mạnh.
Tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh hoàn toàn đối lập với một nhà cách mạng khác, cụ Phan Bội Châu. Tư tưởng của cụ Phan Bội Châu mang nặng đặc tính dân tộc Việt Nam từ trước đến nay đó là chủ trương dùng bạo lực để đánh đuổi thực dân Pháp và nếu không đủ sức mạnh thì đi cầu cạnh những cường quốc khác (Nhật Bản), lấy mục đích biện minh cho hành động, quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, chuyện kiến thiết đất nước sẽ tính sau.
Đảng cộng sản Việt Nam sau này đã hành động đúng y như cụ Phan Bội Châu đã làm trước đó nhưng may mắn hơn cụ là họ đã gặp thời, Pháp bị Nhật hất cẳng, sau đó Nhật bị quân đồng minh đánh bại, khoảng trống quyền lực tại Việt Nam nhanh chóng bị Việt Minh cướp lấy từ tay chính quyền non trẻ vừa mới được hình thành trong vội vã, chính phủ của cụ Trần Trọng Kim.
Thậm chí ngay cả bây giờ vẫn còn có những tổ chức hay cá nhân kêu gọi và cổ vũ cho việc sử dụng bạo lực của đám đông để làm cách mạng. Quả thật chương trình vĩ đại để canh tân đất nước mà cụ Phan Châu Trinh khởi xướng gần 100 năm về trước vẫn còn dở dang và còn nhiều việc phải làm, vẫn rất cần những bài viết cụ thể mà sâu sắc như của nhà văn Nguyên Ngọc hay nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh...
Có lẽ chúng ta cần phải đồng ý với nhau một điều rất quan trọng rằng: cụ Phan Châu Trinh là nhà tư tưởng, nhà cách mạng và là nhà văn hóa lỗi lạc nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20. Và chúng ta cũng phải đồng thuận với ông Nguyễn Gia Kiểng rằng "phải đoạn tuyệt với tinh thần Phan Bội Châu".
Nếu chúng ta đồng thuận với nhau như thế, thì may ra Việt Nam mới có một tương lai khác, một tương lai mà Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Một tương lai mà mỗi người Việt Nam sẽ không còn xấu hổ vì mình là người Việt Nam nữa.
4. Sẽ đến đích
"Phải chăng, có thể một trong những nguyên nhân của những vấn nạn mà chúng ta, xã hội chúng ta, đang gặp ngày nay và vẫn còn rất loay hoay chưa thật tìm được đường ra, chính là ở sự dở dang vừa nói trên đó. Cuộc khai hóa cơ bản, do nhà khai hóa vĩ đại Phan Châu Trinh chủ trương và tiến hành một trăm năm trước thì nay vẫn dở dang, vẫn còn nguyên đó. Rõ ràng tư tưởng của ông, chương trình của ông, trong cốt lõi của nó, hôm nay vẫn còn nguyên tính cập nhật, thậm chí còn nóng hổi hơn, cấp bách hơn. Tiếp tục chương trình lớn của ông là trách nhiệm lịch sử của chúng ta, mỗi chúng ta, hôm nay, và cả ngày mai". (Nhà văn Nguyên Ngọc).
Đúng thế, con đường dang dở của cụ Phan Châu Trinh vẫn đang được tiếp tục bởi một nhà tư tưởng, một nhà cách mạng, một nhà văn hóa lớn khác của Việt Nam trong thế kỷ 21, ông Nguyễn Gia Kiểng, với tư tưởng "dân chủ đa nguyên, Bất bạo động, Hòa giải và hòa hợp dân tộc".
Dù còn nhiều chông gai, hay dở dang nhưng chúng ta vẫn tin vào hai ông, dù học cách xa nhau hàng thế kỷ, tin vào con đường mà chúng ta đang đi, tin rằng rồi sẽ đến đích.
Một sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hòa giải dân tộc và mang tính liên đới dân tộc qua vụ án xử Cù Huy Hà Vũ là việc hiệp thông cầu nguyện của các tôn giáo lớn trong cả nước như Công giáo, Phật giáo Việt Nam thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành... dành cho ông Hà Vũ. Nếu mọi tôn giáo và mọi thành phần dân tộc Việt Nam chủ động hòa giải với nhau, coi nhau như là anh em, quí trọng và bênh vực lẫn nhau… mà không cần đếm xỉa đến nhà nước thì phong trào dân chủ hóa đất nước sẽ tiến triển rất nhanh.
Khi cả một dân tộc biết đoàn kết lại thì không một chính quyền nào làm gì được.
Việt Hoàng
© Thông Luận 2011
© Thông Luận 2011
No comments:
Post a Comment