Nguyễn Kim Anh - Chúng
tôi bị đưa đến một cái lán nhỏ trong cánh rừng già vào lúc nửa đêm. Ngọn
đèn dầu le lói soi những khuôn mặt lo sợ mệt mỏi nằm ngồi ngổn ngang
bên những cái ba lô trên những chiếc chiếu trải vội vã trên mặt đất.
Những đôi mắt hướng về chốn xa xăm đầy vẻ lo âu và có lẽ họ có cùng suy
nghĩ. “Ngày mai cuộc đời mình sẽ ra sao?”. “Bọn cộng sản sẽ chôn sống
mình giống như chúng đã từng làm với dân Huế vào năm Mậu Thân”.
“Bọn
cộng sản sẽ đày ải mình suốt đời trong rừng sâu nước độc như bọn cọng
sản Liên Xô đã từng đày ải hàng chục triệu người ở Tây Bá Lợi Á”. Ngoài
kia màn đêm đen như bức tranh sơn mài tiếng kêu của thú rừng hỗn loạn
man dại. Bỗng một tiếng kêu thật to “Trót…Bóp…” trên mái lán làm tất cả
mọi người giật mình, xa hơn tí nữa có tiếng kêu “Bóp … thì….Bóp” đáp
lại. Vài anh nhốn nháo ngồi dậy hỏi “Con gì kêu vậy ?” ” Nó kêu Bóp thì
Bóp”. “Không phải. Nó kêu Trót…Bóp”. Tôi buột miệng nói giọng quả quyết ”
Nó kêu Trót..Sót. Nó gọi những người còn sót lại không chạy thoát được”
Không một ai cười theo lời nói đùa của tôi chỉ có những tiếng thở dài
não ruột. Đó là những giây phút u ám sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi
quân cộng sản Miền Bắc Việt Nam cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam và lùa
hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hòa giam vào rừng trên
dãy núi Trường Sơn.
Phải đến một
thời gian sau tôi mới biết tiếng kêu đêm đó là tiếng gọi nhau của loài
chim Từ Qui đi ăn đêm với sự tích ngộ nghĩnh như sau: Hai chị em đang
đùa giỡn, người em trai vô tình bóp trúng vú chị. Người chị e thẹn ngỡ
ngàng run lên. Người em trai không hiểu chuyện gì xảy ra cho chị mình lo
sợ chạy trốn vào rừng. Người chị hằng đêm tìm em la vang động núi rừng
Bóp thì Bóp không can gì cả. Người em trai trả lời đã Trót Bóp nên không
dám trở về.
Hôm sau giữa cánh rừng
già mênh mông chúng tôi bắt đầu một cuộc đời mới đầy bi thảm. Một vài
anh bạn lượm được vài mảnh sắt vụn của những quả bom. Một lò rèn thành
hình để có vài dụng cụ chặt cây dựng trại đón thêm những người bất hạnh
mới nhập cuộc. Rừng sâu xa xôi nên thiếu thốn đủ thứ. Anh em lạ nước đau
ốm liên miên cũng chẳng có thuốc men. Có anh bị ruột thừa được đưa vào
mùng tránh ruồi bu rồi mổ bụng đại ra như mổ bụng heo mặc cho anh ta la
khóc. Đêm đến bọn cán bộ cộng sản họp từng nhà nói oang oang động viên
cần phải khắc phục khó khăn này khắc phục khó khăn khác. Sáng ra tiếng
kêu “La Fa La Độ” của một loài chim nào mà chính tôi hiện nay vẫn chưa
biết mặt vang động cả núi rừng. Một hôm trong lúc ngồi nghỉ giải lao một
anh bạn cho biết trong cuốn sách của bọn cộng sản có viết về con chim
này và gọi tên là “Bắt Cô Trói Cột”. Chúng tôi cho rằng cái tên này nghe
quá tàn nhẫn và đổi lại tên cho nó là “Khó Khăn Khắc Phục”.
Tháng
ngày dài dằng dặc trôi qua, chúng tôi vào rừng đốn mây chặt cây trồng
sắn trông khoai v.v… để trả món nợ đã lỡ Sanh Lầm Thế Kỷ. Điều khổ nhất
trong những năm tháng tù đày là cái đói: Mỗi buổi tờ mờ sáng khi nhận
được một ca quân đội cơm độn sắn ngang miệng ca và chút nước muối tôi
thường tính toán chỉ nên ăn một nửa ca và để dành nửa còn lại đến trưa
ăn chung với phần ăn trưa để có được một bữa no. Tôi thường tự vỗ về
mình nên bắt chước người Pháp ăn lót lòng buổi sáng thật ít cho nhẹ
bụng. Nhưng than ôi khi ăn hết nửa ca cơm độn sắn thì cái đói đã làm tư
tưởng tôi thay đổi: Cứ ăn hết rồi trưa sẽ tính sau. Đến trưa khi với
phần cơm độn sắn chưa được góc bụng thì tôi hối hận thầm trách mình ham
ăn nên chẳng bao giờ có được một bữa no. Đến tối khi phần cơm chiều đã
tiêu hết trong bụng từ lâu tôi lại thèm ăn và đành nếm một chút nước mắm
để có được mùi vị gì trong miệng. Nhưng mặn miệng thì phải uống nước
nhiều đêm lại mất ngủ vì phải đi tiểu nhiều và chập chờn thao thức với
ước mơ được ngậm trong miệng cục đường nằm dưới bóng mát một gốc cây.
Rồi lại kinh hoàng khi nghe tiếng kẻng báo hiệu một ngày lao động nặng
nhọc đón chờ nhưng cũng lại rất mừng vì sắp được ăn sáng.
Những
lúc ngồi trước phần cơm đã được vét sạch sành sanh mà bụng còn đói meo
và miệng vẫn thèm ăn vô hạn tôi mới hiểu được tại sao đại văn hào
Constantin Vigil Gheorghiu khi lê lết qua các trại tù đã viết thỉnh
nguyện thư để xin chút mỡ và tiếng “La Fa La Độ” của con chim rừng nhỏ
bé lúc đó lại trở thành tiếng nói của lòng tôi với người chung quanh
“Cơm còn Cho Cục”. Lẫn lộn trong những tiếng chim rừng quanh trại giam
tôi còn nghe con chim “Tây Về Chưa Hết” hỏi tôi với giọng đùa cay đắng
“Cơm Còn Canh Hết”. Tôi trả lời nho nhỏ trong miệng “Cơm Hết Canh Hết
Bụng Đói Meo”. Rồi nhìn ra ngoài hàng rào trại giam nghe rừng cây lao
xao những tiếng rì rào buồn nhất thế kỷ.
Điều
tàn nhẫn nhất của bọn cộng sản là bắt những người bụng đói ấy làm việc
quần quật ngày đêm. Trong những mùa thi đua chúng đẩy chúng tôi ra đồng
lúc trăng chưa tàn và trở về lúc trăng đã mọc. Lâu lâu chúng lại lôi một
anh em trong chúng tôi ra đánh bề hội đồng để dằn mặt những anh thiếu
năng nổ và để tăng năng xuất hoặc chúng đem vào rừng bắn chết vài anh để
tạo căng thẳng lo sợ cho đám tù (Trại Kỳ Sơn đã bắn chết các anh Thiếu
Úy Hà Thúc Long, Trung Tá Võ Vàng, Thiếu Tá …Hoàng ). Đêm đến là những
cuộc họp từng nhà với những lời phê bình đấu tố gắt gao để tìm những sơ
hở của anh em trong lời nói trong việc làm để hành hạ trả thù. Ai đã
từng đi qua các trại tù cộng sản chắc chắn sẽ được thấy từng đoàn người
da bọc xương đi ra đồng làm việc. Sáu cân gạo cộng thêm chín cân màu và
nước muối cùng rau là tiêu chuẩn ăn hàng tháng đã làm cho anh em không
có thăm nuôi kiệt sức chết chôn đầy trong những hốc núi. Nhưng không ai
biết rằng trong các lùm cây bên đường có tiếng của các ca sĩ rừng xanh
hỏi “Đi Mô Mà Tội Chơ Tề” “Đi Mô Mà Tội Chơ Tề” khi thấy chúng tôi gánh
những người chết vì đói vì làm đến kiệt sức đi chôn như đang ngạc nhiên
về hành động đối xử với nhau của thế giới loài người và như cảm thông
với những người tù binh đang bị đày đọa trong rừng sâu thăm thẳm.
Âm nhạc không phải là môn tôi ưa thích. Những lúc nhìn ca sĩ Thái Thanh uốn éo đứng hát tôi thấy mệt trong người, ca sĩ Giao Linh rầu máu rên rỉ tôi đứng dậy đi lơ. Nhất là lúc mấy cậu lính của tôi chụm vào nhau nghe ca sĩ Elvis Phương gào lên thảm thiết “Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie ” hoặc “Anh không chết đâu anh”. Tôi thường chửi đổng “Đ.M. thằng đó đang trù yểu bọn mày nghe nó hát làm gì”. Mà quả đúng như vậy, lúc các anh đang sống đang ngon lành thì chúng than khóc về những cái chết, lúc các anh từ chết đến ngất ngư thì chúng chạy đi đâu biệt tăm chỉ còn lại tiếng chim rừng đầy thông cảm.
Người
ta nói sáo là nữ hoàng trong nhạc cụ bằng gỗ vì nó phát ra âm thanh
thánh thót xoáy vào tai đi thẳng vào tâm hồn. Kèn Trumpet là vua trong
nhạc cụ bằng đồng vì nó kéo được cảm xúc con người dài theo tiếng nhạc.
Nhưng dù cho nữ hoàng và vua có hợp lực nhau lại cũng không bằng một
phần của tiếng chim kêu. Tất cả phát minh nói cho cùng là chỉ là những
thứ được bắt chước từ thế giới tự nhiên mà con người dẫu thông minh tới
đâu cũng không thể phát minh được những gì ngang hàng với phát minh của
tạo hóa. Đó là món quà quí báu mà tạo hóa ban cho con người nếu biết
thưởng thức. Đó là những nhạc công thực thà nói lên tiếng lòng bằng
những nhạc cụ sống.
Rừng Hiệp Đức,
nơi tôi bị giam cầm, không xa Tây Nguyên lắm. Cây trăm năm cao âm u che
kín những cuộc đời buồn. Thỉnh thoảng có những khoảng đất trống giữa
rừng thì hoa đủ màu nở bạt ngàn lan cả mọi lối đi, chim rừng tranh nhau
ríu rít kiếm ăn trong không gian chật hẹp. Tôi không biết hoa rừng có
bao nhiêu thứ, cánh hoa nào đẹp nhất rừng Tây Nguyên. Tôi cũng không
biết chim rừng bao nhiêu loại. Trời hé sáng chim rừng ca rộn ràng náo
loạn, tìm được miếng ăn chim rừng mừng rỡ hát vang. Lời của chim trong
sáng thật thà mang vẻ hoang sơ như thuở thượng đế lập địa khai thiên tạo
ra muôn vật. Đôi lúc rảo bước đi qua khu rừng vắng, im nghe nhạc rừng
tâm hồn vui phơi phới, tôi cười một mình rồi cất tiếng hát vang cây rừng
họa tiếng theo lời ca miên man. Nhạc rừng ồn ào không nhịp không điệu,
lúc mới nghe tưởng rằng man rợ chẳng có lớp lang nhưng nghe lâu mới bất
chợt tìm ra nét chấm phá tuyệt vời của âm thanh ngoài tầng nhận thức.
Nhạc rừng cũng như vũ điệu hùm bà lằng của giới trẻ trong các phòng trà
huyên náo qua tiếng nhạc Hip Hop lung tung mới nhìn thấy các vũ công huơ
tay múa chân thật là man dại chẳng ra đầu đuôi, nhưng nhìn lâu mới lòi
ra những vũ công đặc sắc. Bên này con chim nho nhỏ hỏi “Sao Không Thấy
Về Chi Hết?”, bên kia con Đa Đa nhắc lại kỷ niệm xưa “Giắt Bà Xã Đi Chơi
Tà Tà”. Kìa con chim Khứu nhảy quanh và đang hót trả lời từng tiếng
huýt sáo của tôi. Có những chị em chỉ nói được hai tiếng Ô Kê mà đã lấy
chồng ngoại quốc và sống với nhau đến răng long đầu bạc. Tôi huýt sáo,
chim hót trả lời qua lại hằng giờ lẽ nào chẳng hiểu được nhau.
Năm
ấy bọn cộng sản xây dựng đập Phú Ninh, cái đập mà các chuyên viên VNCH
chẳng dám rớ tới vì sợ có ngày nước tràn vỡ đập thổi bay thành phố Tam
Kỳ bên dưới. Chúng dùng sức tù của Trại 2 Kỳ Sơn để phát lòng hồ. Chúng
tôi ngày ngày đi đốn cây vào mùa trứng chim nở. Phần đông anh em đều có
được một tổ chim con để trên đầu nằm nuôi cho qua ngày đen tháng bạc.
Chiều chiều đi làm về đút mồi cho chim ăn cũng là một thú vị của những
người tù, chim há miệng thật to ríu rít đập cánh đòi ăn, đút bao nhiêu
ăn bấy nhiêu, ăn đầu miệng phọt ra đầu đít rồi vẫn đập cánh đòi ăn.Tôi
chứng kiến tận mặt các ca sĩ rừng xanh từ lúc mới nở từ trong trứng ra
đỏ ỏng cho đến ngày lông cánh xù ra đầy đủ. Mỗi ngày đi làm về anh em
đều có một xâu châu chấu làm quà. Chim bay ra tận cổng đậu trên đầu trên
vai đám tù binh để ríu rít chào đón giành ăn. Người và vật, một kẻ muốn
tư do mà chẳng được, một kẻ có sẵn tự do mà chẳng muốn đi, ồn ào quấn
quýt bên nhau trên một đỉnh đồi.
Ngày
Chúa nhật các anh có nuôi chim tụ họp với nhau vào một góc trại, anh
nào cũng đem chim mình… nuôi ra khoe. Con Bìm Bịp to bự chát nhưng lờ đờ
hiền khô. Con Chèo Bẻo nhỏ xíu dữ dằn lì lợm. Có con chim màu xanh
không biết tên gì chạy tới chạy lui làm con chim nào cũng sợ nhảy tạt ra
xa. Một đám người một bầy chim nói cười kêu hót với nhau trong hàng rào
trại giam. Mặt trời trôi nhẹ trên cao, thời gian đi chìm trong tê tái.
Tôi
có anh bạn là Trung Úy Hạ Quốc Huy, trước khi trốn thoát trại giam đã
năn nỉ nhờ tôi nuôi giùm con chim bìm bịp. Khi đói đòi ăn nó nhảy đến
bên chỗ nằm ngoạm lấy tóc giựt vài cái kêu tôi dậy. Nó nuốt một cái là
xong một con cắc kè, nuốt hai cái là vào trong bụng một con rắn không ai
đủ khả năng cung cấp thực phẩm. Thế nhưng khi bọn cộng sản họp chúng
tôi lại để lên lớp, chúng phá nát cả đất nước nhưng miệng luôn ca ngợi
một cách trơ trẽn những thành quả cách mạng láo khoét thì con bìm bịp
đứng bên thành cửa sổ ngưng rỉa cánh chõ miệng vào lớp học nói “Bịp!
Bịp! Bịp!” làm tôi cười khoái trá.
Thế
rồi một hôm có tiếng chim gọi đàn rộn ràng trong sớm. Bầy chim được
nuôi trong trại tù lần lượt bay theo đàn người như những người tình
người vợ bỏ người tù ra đi. Người xưa dạy rằng nước mất thì nhà tan nên
lâu lâu có anh được thăm nuôi xách gói quà vào mời anh em ăn một miếng
rồi nói nho nhỏ “vợ tao bỏ tao rồi!” cũng như “Con chim tao nuôi bay mất
rồi!”. Thế nhưng cũng có nhiều người vợ chung thủy nuôi con chờ đợi
chồng như con chim Bìm Bịp to lớn dềnh dàng đi tới đi lui mãi trong trại
giam không hiểu vì tính chung thủy không muốn rời xa các tù binh hay
tính làm biếng đi kiếm ăn.
Năm ấy
chúng tôi lại bị chuyển lên giam ở trại tù An Điềm. Tôi bị giam vào đội
quản chế chung cùng các anh Bùi Đình Khai, Hồ văn Ánh, Lê Xuân Nhuận.
Những con người một thời hét ra lửa nhưng nay lại trở nên thật khù khờ.
Sau này tôi mới biết ai cũng phải đóng vai khù khờ để đi qua ải vì tên
trưởng trại hằng đêm xuống phòng sử dụng độc chiêu của chúng là Phê Bình
và Tự Phê Bình cố tìm cho ra sơ hở của người tù để cho vào phòng kỷ
luật.
Phòng kỷ luật được xây từng
ngăn như những cái nhà cầu, người bị giam nằm dài trên mặt nền thòng hai
chân cùm vào một thanh sắt để ngang trên mặt đất. Trung úy Đặng Như An
chỉ vì lấy nước uống đụng rớt thùng thơ chúng gán tội phá hoại bị cùm
một năm. Lúc ra khỏi phòng kỷ luật người nhỏ lại như một bộ xương người
biết đi. Anh Trương Thanh Tân vì nói chuyện đường từ trại qua Lào bao
xa, chúng gán tội lập kế hoạch trốn trại bị cùm không có ngày ra, anh
phải cắn lưỡi tự tử. Đại Úy Nguyễn Văn Phượng viết vào bản kiểm điểm lao
động không vinh quang, chỉ có hưởng thành quả lao động mới là vinh
quang bị chúng cùm tới ngày chết v.v… Phần đông người tù bị vào phòng kỷ
luật do những tội không đâu vào đâu, bị bọn cộng sản gán tội lập công
hay bị chúng tạo ra tội để làm điển hình răn đe những tù nhân khác. Mười
anh vào phòng kỷ luật ra được vài anh, số còn lại ra nghĩa địa.
Vào
một buổi chiều, anh Võ Văn Lang, ủy viên trung ương Quốc Dân Đảng, chửi
thằng đội trưởng Nguyễn Đức Lộc, tục gọi là Lộc Hô một tên anten ngầm
rất nguy hiểm. Y chạy lên báo cáo cùng bọn cán bộ là Võ Văn Lang đã chửi
nó và ngăn cản anh em lao động. Y ghép tôi đứng cạnh đó có nghe. Tôi
nói không có nghe nên bị hai tên công an đứa đứng trước đứa đứng sau
đánh suốt một ngày. Chịu không nổi trận đòn thù tôi phải nhận có nghe để
can tội bao che cho đồng phạm và bị đẩy vào phòng kỷ luật. Vào một đêm
trong phòng kỷ luật tôi mê man và thiếp vì trận đòn hằn và cơn đói hành
hạ. Tôi nghe tiếng ai hỏi bên tai “Con có no không?” “Con có no không?”
Tôi ngồi dậy chẳng thấy ai ngoài tiếng muỗi bay vo vo chung quanh. Câu
nói như có luồng sinh khí bơm vào người làm tôi khỏe hẳn ra và được ra
khỏi phòng kỷ luật vài hôm sau. Kỳ lạ thay, tôi nhớ như in mãi trong trí
tôi âm thanh ngọt ngào dịu dàng đầy tình thương kia và tôi biết chắc
rằng âm thanh đó không phải là tiếng nói của con người, tiếng nói của
con người dù dịu ngọt đến đâu cũng ẩn chứa trong đó những âm thanh man
trá tàn ác.
Nếu quả thật có câu
chuyện Thiên Chúa sanh ra muôn loài và ông Adam vì lời nghe con rắn mà
ăn trái cấm để bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng thì chúng ta cần phải cẩn
thận khi nghe lời nói của con người, những hậu duệ của ông Adam, vì
trong đó có một phần của ác quỉ. Không phải trong ngẫu nhiên mà loài
người hiện nay gọi người cộng sản là con ma cộng sản. Cách tốt nhất là
đừng nên nghe những gì người cộng sản nói, cái giá tin vào lời nói của
bọn cộng sản đôi lúc phải trả bằng cả sanh mạng mình.
Hơn
12 năm bị giam trong rừng sâu của dãy núi Trường Sơn, tôi biết được một
điều cần nói lại cùng với các em nhỏ: Con người là một sinh vật tàn ác
nhất trên thế gian, sự tàn ác càng tăng khi đằng sau con người có những
tổ chức và thế lực hậu thuẫn và tôi cũng biết thêm trong những cánh rừng
kia có những loài chim đã rơi lệ khi nhìn chúng tôi bị đày đọa. Tôi
biết tôi viết ra điều sau này sẽ có vài em nhỏ cho rằng tôi quá tưởng
tượng nhưng làm sao em biết bia đá không đau, chim rừng không khóc?
Thế
rồi cuộc hành quân Nhân Đạo (Human Operation) đã đưa tôi ra khỏi vùng
đất dữ Việt Nam và cho tôi đậu và miền đất lành Hoa Kỳ đã được 21 năm
qua. Ngày tháng khó khăn ở vùng đất mới rồi cũng qua đi, các bạn tôi nhờ
có sự trợ giúp của con cái, đứa lớn dìu đứa nhỏ, cùng nhau hội nhập và
thành công trên miền đất lạ. Quê hương Việt Nam đầy khốn nạn của tôi nằm
bên kia trái đất xa vời vợi và mờ dần trong trí óc ngày mỗi già của
tôi. Một buổi sáng ngồi đọc báo trên mạng điện toán theo dõi cuộc xử án
và cách kết tội hèn hạ của bọn cộng sản đối với bốn thanh niên yêu nước
đáng thương: luật sư Lê Công Định, thạc sĩ nguyễn Tiến Trung, anh Trần
Huỳnh Duy Thức, anh Lê Thăng Long, những người này sẽ bị bọn cộng sản
dẫn qua con đường mà tôi đã bị dẫn qua vào 35 năm trước. Tôi bỗng nhớ
lại những năm tháng tù đày và viết lại trên bài viết này. Tôi nghĩ người
cộng sản cần phải chấm dứt gây thêm những tội ác với dân tộc Việt Nam.
Yêu nước mà không yêu đảng cộng sản, không muốn thực hiện chủ nghĩa cộng
sản là quyền của mọi người. Đừng nên dùng bạo lực bắt dân Việt tôn thờ
một thứ mà cả thế giới đều đã cho vào thùng rác: Chủ nghĩa cộng sản.
Nhất Hướng Nguyễn Kim Anh
http://boxitvn1.wordpress.com/2011/04/25/ca-si-r%E1%BB%ABng-xanh-va-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-tu-binh/
No comments:
Post a Comment