Nguyễn Tường An -Bài viết «Về sự sợ hãi» đã góp phần vẽ lên một bức chân dung sống động của giáo sư Ngô Bảo Châu: một con người xuất chúng về mặt khoa học, nhưng hết sức ngây thơ về mặt chính trị: giáo sư ngỡ rằng Đảng tặng mình căn hộ trị giá sáu trăm nghìn đô-la và chức giám đốc viện Toán cao cấp kinh phí bảy trăm tỷ đồng là vì Đảng thực sự trọng dụng nhân tài! Đương nhiên, giáo sư đã tá hỏa trước phản ứng - thất vọng, phẫn nộ, coi thường - của không ít người.
Vì thế, nhân vụ Cù Huy Hà Vũ (được dư luận đánh giá là quan trọng nhất trong sinh họat chính trị xã hội Việt Nam trong vòng 5 năm nay), giáo sư cũng muốn làm một hành động gì đó để đánh bóng lại cái tên tuổi của mình đã phần nào bị hoen xỉn. Nhưng viết thế nào để vừa khen Cù Huy Hà Vũ (ra vẻ mình cũng là trí thức am hiểu và chính trực) nhưng cũng không được mất lòng đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (là người vừa tặng nhà tặng chức cho mình)?
Và kết quả là bài viết «Về sự sợ hãi».
Hai câu đầu: «Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt» là viết cho Đảng đọc. Giáo sư muốn khẳng định ngay với nhà cầm quyền Việt Nam rằng mình không «cùng hội cùng thuyền» với Cù Huy Hà Vũ.
Người ta chưng hửng: là một nhà khoa học lớn, nhưng giáo sư viết hoàn toàn cảm tính, không một dòng lập luận. Ơ, giáo sư viết cho các đồng chí Ban văn hóa tư tưởng đọc cơ mà!
Mấy câu tiếp theo: «... ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình...», giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn viết trong nỗi lo kiểm duyệt. Một người bình thường sẽ viết: «ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với nhà cầm quyền Việt Nam». Nhưng bị ám ảnh bởi cái máy soi của Ban văn hóa tư tưởng, nên câu chữ của giáo sư trở nên u u mê mê. «Đối mặt với số phận của mình» là gì vậy, thưa giáo sư?
Đoạn sau cũng theo cùng một logic như thế. Giáo sư đóng kịch «Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải», rồi thình lình đi đến một bổ đề cơ bản: tất cả sai lầm là do «ông quan tòa»! Khán giả ngã bổ chửng. Kẻ ngớ ngẩn nhất Việt Nam cũng phải biết đây là một vụ án ở tầm quốc gia: lần đầu tiên một công dân Việt Nam dám kiện cả bộ máy cầm quyền. «Ông quan tòa» chỉ là đầy tớ của các «đầy tớ nhân dân» thôi, giáo sư ạ.
Thiết nghĩ, cái giọng u u mê mê đó của giáo sư Ngô Bảo Châu là tất nhiên thôi, vì mục tiêu giáo sư đặt ra, có Thánh cũng chẳng làm được. Ai lại có thể vừa khen Cù Huy Hà Vũ lại vừa không làm phật lòng Đảng?
Vậy nên giáo sư Ngô Bảo Châu thông minh, khéo léo đến mấy cũng bị lộ tẩy. Đi hai hàng giỏi mấy cũng khó tránh khỏi tai nạn. Và người «sợ hãi» đầu tiên là chính giáo sư Ngô Bảo Châu! Ngay trên blog riêng của mình ở mãi tận xứ Chicago, giáo sư vẫn run lẩy bẩy!
Đương nhiên, không ai có quyền bắt giáo sư phải hô khẩu hiệu ủng hộ Cù Huy Hà Vũ, nhưng người ta có quyền đòi hỏi giáo sư sự thành thật.
Tôi biết nhiều trí thức chưa đủ dũng cảm để lên tiếng trước vụ Cù Huy Hà Vũ. Nhưng thà im lặng còn hơn bóp méo sự thật. La moitié de la vérité ce n’est pas la vérité - Một nửa sự thât không còn là sự thật.
Ngược lại, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng có quyền nói «những lý lẽ» Cù Huy Hà Vũ đưa ra «không thấy có tính thuyết phục đặc biệt», nhưng ít nhất giáo sư Ngô Bảo Châu cũng nên phân tích cụ thể: «Những lý lẽ» là gì? Vì sao giáo sư không thấy thuyết phục? Điều này rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho người vắng mặt, hơn nữa một người đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ, một người không thể tự bảo vệ mình.
No comments:
Post a Comment