Bui Tin (VOA) - Đã nhiều lần vấn đề chôn xác ướp của nhà độc tài Lenin ở Liên Xô được đưa ra bàn cãi, trên báo chí, trong quốc hội Nga, và nay là trong chính phủ, do bộ văn hóa Nga nêu lên.
Theo đài phát thanh Moscow, vừa qua bộ văn hóa Nga đã nêu lên vấn đề đã đến lúc nên đưa xác ướp của V.I. Lenin từ trong lăng ở quảng trường Đỏ ra ngoài thành phố để chôn.
Đây là một loạt động thái chính trị nối tiếp nhau sau khi Liên bang Xô viết tan rã cuối năm 1990, theo hướng thanh toán dần một thời kỳ lịch sử được đánh giá nhìn chung là tiêu cực, một chế độ độc đoán độc đảng kết hợp với quyền độc tài cá nhân đẫm máu tồn tại hơn 70 năm, từ năm 1917.
Năm 2010, tổng thống Nga Medvedev đã nói trong một bài diễn văn trước quốc hội liên bang Nga về vụ thảm sát 22 nghìn sỹ quan Ba Lan trong khu rừng Katyn do đích thân nhà độc tài Stalin chủ trương. Ông kết luận Stalin là “một kẻ sát nhân mang tội ác chống nhân loại”. Ngay sau đó nhiều di vật, vết tích tưởng niệm Stalin nơi công cộng bị xóa bỏ. Bức tượng toàn thân cuối cùng của Stalin ở ngoài trời tại quê hương ông ta là Georgia bị nhân dân địa phương kéo đổ sập.
Xác ướp của Stalin một thời đặt trong lăng cạnh xác ướp Lenin tù năm 1953 bị đưa ra khỏi lăng và đem chôn vào năm 1956, sau khi Đại hội đảng CS Liên Xô lần thứ 20 lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin do chính ông ta chủ trương.
Về xác ướp của Lenin, ngay từ đầu thế kỷ này, năm 2001 đã có nhóm một số nghị sỹ quốc hội liên bang Nga nêu ý kiến cần đặt ra vấn đề đưa xác ướp Lenin ra khỏi Quảng trường Đỏ để chôn. Họ nêu lên một loạt lý do. Một là về chính trị, Lenin đã giải thích, vận dụng tùy tiện chủ nghĩa Marx để dựng lên một chế độ độc đoán phi dân chủ tệ hại, gây vô vàn tổn thất về sinh mạng, của cải của nhân dân. Đây là một nhân vật lịch sử mang bản chất tiêu cực hơn là tích cực. Hai là về khoa học và văn hóa, giáo sư sinh vật học Boris Zbarsky báo cáo chân thực trước quốc hội Nga rằng sau gần 70 năm ướp xác bằng hóa chất chủ yếu bằng chất formol, sau khi đã bỏ ra ngoài cơ thể các cơ quan: tim, gan, phổi, dạ dày, ruột, thận… hiện xác ướp chỉ còn chưa đến 10% cơ thể của Lenin. Tế bào da cũng đã hư hỏng gần hết, ở mắt nhãn cầu hiện nay là nhân tạo, môi đã rời ra, râu rụng, môi được khâu vào 2 má và dán râu giả. Về mặt khoa học và văn hóa, xác ướp không còn gì là của Lenin, bị phân bị hủy với thời gian, không còn nguyên tươi, đã rữa thối, về mặt vệ sinh đã thành vật ô nhiễm.
Nhìn chung về thể xác tiều tụy như thế nên về tinh thần xác ướp còn lại càng tạo nên cảm rác ghê sợ, thương cảm xót xa hơn là sự tôn trọng ngưỡng mộ.
Về mặt tài chánh, bộ văn hóa Nga cho biết xác ướp Lenin tại quảng trường Đỏ tuy có thu hút một số khách du lịch quốc tế, nhưng con số ấy không còn cao, sau khi họ biết rằng xác ướp không còn nguyên vẹn như các xác ướp ở Ai Cập hay Ấn Độ. Đã thế chi phí bảo quản cũng như bảo vệ lăng và xác ướp lại quá lớn, thành gánh nặng cho ngân sách.
Tổng thống Nga Putin, vào năm 2006, cũng từng có ý kiến là sớm hay muộn phải quyết định đưa đi chôn xác ướp không còn nguyên vẹn của Lenin, để quảng trường Đỏ mang một ý nghĩa và sức hấp dẫn khác. Ngay sau đó, nghị sỹ Vladimir Medinski, thủ lãnh đảng Nước Nga Thống nhất cho biết một cuộc thăm dò công luận cho thấy trong 3 ngày đầu có 70.000 người phát biểu, 69% nghĩa là hơn 2 phần 3 chủ trương đưa xác ướp Lenin đi chôn. Dư luận công chúng coi như là dứt khoát.
Nhân đây lại nói đến xác ướp của ông Hồ Chí Minh. Theo gương ướp xác của Lenin, hiện có 3 xác nữa được ướp cùng một kiểu, theo thứ tự thời gian là Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành, đều là lãnh tụ cộng sản. Cũng là các phủ tạng đã bị lấy ra mang chôn và hủy, rồi thay bằng một loại bông tơ nhân tạo.
Ở Việt Nam, ngoài những ý kiến hận thù dễ hiểu của không ít người muốn xóa bỏ lăng ông Hồ, cũng có ý kiến công khai của một số cán bộ, đảng viên, nhân sỹ ngoài đảng yêu cầu nên tổ chức an táng, chôn cất ông Hồ. Họ nêu một số lý do khá thuyết phục.
Lý do đầu tiên là về đạo lý. Ông Hồ đã viết trong di chúc tha thiết mong sẽ được hỏa thiêu, tro sẽ rải xuống 3 miền, không xây lăng mộ to lớn tốn kém. Đây là ý muốn đẹp. Làm theo ý muốn cao đẹp của người vừa khuất là một đạo lý, nhất là ở phương Đông. Làm trái ý ấy là một điều rất nên tránh. Tôi nhớ vào năm 1990, tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hồ, giáo sư Lê Thành Khôi, đại diện đoàn Việt Kiều ở Pháp, người gốc thủ đô Hà Nội, đọc diễn văn ca ngợi ông Hồ, nhưng sau cùng ông tỏ ý mong rằng ước muốn thiêng liêng được hỏa thiêu của người quá cố sẽ được tôn trọng. Thế là ông gặp ngay bao nhiêu điều rắc rối. Một không khí ghẻ lạnh bao quanh ông. Người ta điều tra, phán đoán ông là cái loa của “bọn phản động”. Người ta chỉ muốn ông trở ngay về Pháp. Từ đó ông cạch không chơi với anh cộng sản cầm quyền. Nhưng ý ông trùng hợp với nhiều trí thức, nhân sỹ trong nước.
Hai là về văn hóa, về tình người. Cũng như Lenin, xác ông Hồ cũng chỉ còn dưới 10% cơ thể đã rỗng ruột, số tế bào còn lại cũng đã bị phân hủy, hư hại, phải son phấn, vá víu lại. Tóc râu đều phải dán vào. Một số chỗ phải dung sáp, chất dẻo. Theo bác sỹ Trung Quốc Lý Chí Thỏa, vành tai trái của ông Hồ đã bị rời ra, phải dán lại bằng chất keo đặc biệt.
Nhiều giới Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo cũng cho là có điều rất không ổn, sao những người lãnh đạo cộng sản lại nhẫn tâm cho phép bạo hành độc ác trên thân xác ông Hồ đến thế. Để sau hơn 40 năm rồi thân xác ông bị phân lìa xót xa mà vẫn chưa nhập được vào đất mẹ, vong linh ông còn vất vưởng chơ vơ. Đã đến lúc làm lễ cầu siêu chung và tổ chức hỏa thiêu cho ông Hồ, với sự tham dự chính thức của anh con trai ông là Nguyễn Tất Trung cùng gia đình anh, có cả cháu đích tôn ông Hồ, hiện đang sống âm thầm ở phố Khâm Thiên giữa thủ đô Hà Nội.
Đây là vài ý kiến chợt nghĩ ra khi tại nước Nga đang chuẩn bị để đưa đi chôn xác ướp Lenin, vì những lý do đã chín về chính trị, kinh tế – tài chính, văn hóa, thẩm mỹ, vệ sinh môi trường, về đạo lý, tâm lý và tín ngưỡng.
Xin nêu lên để mong có cuộc trao đổi cởi mở lành mạnh của đông đảo bà con ta về vấn đề này, một vấn đề chung được nêu lên trong xã hội ta, khi xác ướp của Lenin được đưa đi chôn trong một tương lai không xa.
Blog Bui Tin (VOA)
No comments:
Post a Comment