Chiều Thứ Bảy - Sẽ rất khó khăn để viết cho trọn vẹn chủ đề này, đó là một câu chuyện dài của báo chí Việt Nam hiện tại. Chỉ đơn giản, kể và phân tích một vài câu chuyện, dưới góc nhìn cá nhân.
Tôi ít khi đọc báo, cả báo giấy và báo mạng. Sự thật là báo chí Việt Nam đã làm tôi thấy ngán, một cảm giác ngầy ngậy nơi cổ họng khi đọc tiếng nước mình. Nếu cho tôi là người lạc hậu, tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chậm nắm bắt thông tin, hơn là phải đọc báo. Không phải chụp mũ tất cả, nhưng với cảm nhận cá nhân, tôi cảm thấy mình bình yên hơn nếu không có báo chí.
Ngày xưa, nhà tôi ở một vùng quê hẻo lánh, không điện thoại, không sách báo. Mỗi lần muốn đọc báo, tôi phải đạp xe ra bưu điện xã, coi đi coi lại mấy tờ báo cũ, nhưng mê. Tuổi thơ của tôi là thế, nắm bắt thông tin qua tờ báo gói xôi của mẹ, qua mảnh báo gói bánh mì của cha. Một chữ cũng là tin tức, cũng là niềm vui.
Vậy mà giờ đây, khi có đủ điều kiện, khi có thể tiếp xúc với đủ loại báo đài, tôi lại cảm thấy “dị ứng”. Báo bây giờ cẩu thả đến từng con chữ. Không biết từ khi nào chuyện sai chính tả, viết câu lủng củng, lặp ý, lặp từ… đã trở thành cái lẽ dĩ nhiên. Xót xa thay cho những người buôn chữ kiếm lời. Ngay cả con chữ cũng không tròn trịa, liệu hỏi còn thiết tha gì với cái nội dung. Một lần, tôi đọc một tin trên trang NĐT, tin không dài nhưng sai chính tả đến nực cười. Tôi góp ý, thế là nhà báo sửa lại, nhưng chẳng thấy cái góp ý của tôi hiện lên. Tôi cũng chẳng cần phải hiện, biết sai biết sửa là tốt. Nhưng không thể phủ nhận một sự thật về tính cẩu thả của người làm báo, không thể phủ nhận một sự thật về tính cố chấp của người làm báo.
Báo chí bây giờ lắm tin giật gân. Tờ báo sẽ trở nên “xấu xí” nếu thiếu một cái tít lộ hàng, tụt váy, sao đua đòi, đại gia chịu chơi… Tôi tự hỏi, báo đang làm gì? Báo có đang sống với hiện thực, hay đang chạy giựt giựt theo những kẻ dị hợm, sao nọ, trăng kia? Gần 90 triệu dân ta có được mấy người làm sao, giàu có? Cũng từng đó người có mấy ai được cái quyền tụt váy, sốc hàng? Có khi nào báo ta tự hỏi, ta đang ru dân ta đến giấc ngủ nào? Những thứ ảo đang dần dần được dựng lên, danh vọng ảo, tiền tài ảo… nhờ báo chí. Khen cũng báo, chê cũng báo. Ta nên hiểu báo đa chiều ngôn luận hay báo nhiều mặt ngôn luận?
Gần đây, lại lùm xùm việc tờ báo nào “cải hóa” hơn tờ báo nào. Đọc báo này đến báo kia, nghe báo này phê phán báo kia, buồn cười đến chảy nước mắt. Đọc cái tit trên NĐT, tôi nghe sao nó “đạo đức” đến thán phục, rồi bỗng thấy vỡ òa đến đáng sợ với một sự “giả” nực cười. Tôi hiểu sao NĐT lại viết bài phê bình như thế, đơn giản, vì trước đó vừa mới bị PN và LĐ phê bình. Có tật giật mình, ai cũng biết tính chất “cây lá” của tờ báo, với những cái tít giật gân sặc mùi, chỉ có cái gọi là “nhóm PV” thì chưa biết thôi. Cũng đúng, vì họ chính là những người đang tạo nên khu vườn cây lá đó. Cứ tưởng chỉ có hàng rau, hàng cá, các bà, các chị ngoài chợ mới có tính sân si. Đến nay tôi mới biết báo chí cũng sân si không kém. Ờ cũng phải, báo chí cũng đã chuyển qua bán rau cả rồi, thứ rau lắm sâu, nhiều mọt…
Khi cái thực bị cho là tầm thường, cái dị hợm được coi là quý giá, có lẽ không mấy chốc nữa thì mọi giá trị cũng bị bóp méo, lệch lạc. Báo chí vẫn ngày ngày nhồi nhét vào đầu người dân những chuyện “thiên đường”, tạo cho dân những ước mộng đầy tính “huyền bí”, và ru dân trong giấc ngủ “lạc hướng”. Tự hỏi, mùa này sao rau cải rẻ thế?
Tác giả gửi Quê choa
http://quechoablog.wordpress.com/2012/06/03/san-si-va-la-cai/
No comments:
Post a Comment