Nhà máy điện nguyên tử Tomari hôm nay đóng lò để bảo dưỡng
Nguyễn Việt (Germany) dịch - Công nghiệp điện hạt nhân Nhật Bản đang gặp khó khăn nặng nề từ vụ thảm họa Fukushima. Hôm nay (5.5.2012) hàng trăm người biểu tình đã hân hoan chào đón việc đóng tạm thời lò phản ứng nguyên tử cuối cùng của đất nước họ.
Quốc gia đã từng dẫn đầu thế giới trong công nghệ điện nguyên tử hiện đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi tư tuy 180°. Lò phản ứng nói trên là một trong ba lò của nhà máy điện nguyên tử Tomari trên đảo Hokkaido.
Đối với nhiều người phản đối năng lượng nguyên tử, kể cả đối với nền công nghiệp hạt nhân và những người ủng hộ nó, ngày hôm nay có thể coi là một ngày đặc biệt. Vì hôm nay, nhà máy điện nguyên tử cuối cùng còn hoạt động ở Nhật đã nghỉ. Quốc gia này trên thực tế, mặc dù có thể chỉ tạm thời, đã hoàn toàn rút lui khỏi năng lượng hạt nhân chỉ trong vòng một năm.
“Tác động gây chấn thương tinh thần (Trauma)”
Với 54 nhà máy điện hạt nhân cung cấp 30% năng lượng toàn quốc và 3 nhà sản xuất cung cấp các nhà máy điện nguyên tử, Nhật Bản đã là một trong các quốc gia đứng đầu thế giới về lãnh vực này. Nhưng vụ tai nạn nguyên tử hôm 11.3.2011 đã quay nguợc lại toàn bộ nhận thức, oái ăm thay, ngay cả tại Nhật Bản. Mycle Mayer, chuyên gia nguyên tử lực và đồng thời là nhà nghiên cứu Nhật Bản đã nói: “Vụ chấn thương tinh thần Fukushima đã cùng một lúc phá hủy niềm tin vào công nghệ, quyền lực và chính phủ”. Mọi người đã nhìn ra rằng, chẳng có cái gì hoạt động đuợc như dự định.
Dân chúng Nhật Bản biểu tình chào mừng việc đóng lò phản ứng cuối cùng tại Tomari
Tạm thời hay vĩnh viễn?
Theo điều tra dư luận mới nhất, 80% dân Nhật ủng hộ việc từ bỏ điện nguyên tử. Điều này đã đưa đến những kết quả rất cụ thể. Theo luật định, cứ sau 13 tháng mỗi nhà máy điện nguyên tử ở Nhật phải ngừng hoạt động các tổ máy để bảo dưỡng định kỳ một lần. Từ sau Fukushima, nhà nước quy định Nghị viện địa phương phải cho phép thì các nhà máy điện hạt nhân mới được khởi động lò phản ứng trở lại. Cho đến nay tất cả mọi giấy phép xin khởi động lại lò lại đều bị từ chối.
"Stresstests không đảm bảo độ an toàn"
Chính phủ ở Tokyo đã thử dùng cái gọi là Stresstest (thử độ an toàn) để chứng minh cho dân chúng về độ an toàn của các nhà máy điện nguyên tử. Nhưng dân chúng hầu như không tin vào điều đó. Rất đúng! Đó là ý kiến của Masashi Goto, cựu kỹ sư lò phản ứng, nay là một người phản đối điện hạt nhân: “Các vụ thử Stresstest này chẳng nói lên điều gì về độ an toàn hết cả. Người ta ngồi trên bàn làm việc, kiểm tra hồ sơ, bản vẽ của các nhà máy. Trong một số trường hợp, nhà máy buộc phải nâng cao tường chống sóng thần (Tsunami) hoặc phải tăng cường thêm các biện pháp cứu hỏa. Nhưng về cơ bản, ở các hệ thống thiết bị, ở các lò phản ứng, các nguồn gây nguy hiểm bởi động đất chẳng có tý gì thay đổi cả. Như vậy rõ ràng là sớm hay muộn, một tai nạn kiểu Fukushima vẫn rất có thể quay trở lại“.
Xuất khẩu nhà máy điện hại nhân chắc chắn sẽ khựng lại
Mặc dù cho đến nay, ánh đèn điện vẫn sáng ở nước Nhật, song đối với chính phủ Nhật thì tình hình kể từ hôm nay đã trở nên khó khăn gấp đôi. Họ không chỉ phải lo tìm nguồn năng lượng thay thế cho các nhà máy bị đóng cửa. Thêm vào đó ngành công nghiệp chế tạo nhà máy điện hạt nhân của Nhật đang đứng trên đôi chân run rẩy. Các hãng chế tạo lò phản ứng khổng lồ như Hitachi, Mitsubishi và Toshiba chắc chắn sẽ gặp khó khăn để bán các nhà máy điện của họ ra nuớc ngoài như đã dự định. Trên nhiều khu vực của thế giới, những ý định mua sắm thêm nhà máy điện hạt nhân đang dần biến mất.
Trong năm qua, tỷ lệ điện hạt nhân trong tổng sản lượng điện thế giới đã giảm đi hơn 4%, chỉ còn chiếm 13%. Vụ đóng lò hôm nay và sự ra đi của Nhật Bản, tuy có thể chỉ là tạm thời, chắc chắn sẽ kéo tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa. Sự cáo chung của thời đại điện hạt nhân, với ngày hôm nay, đã tiến thêm một bước quan trọng đến hiện thực.
Nguồn: Jürgen Döschner, truyền hình Tây Đức
Nguồn: Jürgen Döschner, truyền hình Tây Đức
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment