Thursday, December 15, 2011

“Nỗi oan” của đỉa?



Vũ thế Long - Ồ lạ nhỉ? Những tưởng chỉ có ở cái giống người mới có chuyện oan sai, nào ngờ con vật thấp hèn sống rúc dưới bùn thối đáy ao như con đỉa mà cũng bị oan sai ư? Chẳng tin thì cứ mở báo ra mà xem. Người ta viết rành rành ra đây này “Minh oan cho con đỉa”. (*)

 Chuyện rằng vừa rồi “Đùng một cái” người Trung Quốc sang Việt Nam mua đỉa với số lượng lớn, giá cao tới 10.000 đồng/con, 1,5 – 2 triệu đồng/kg. Các phương tiện truyền thông bình luận xôn xao. Trong khi nông dân ở nhiều nơi tranh thủ gom đỉa bán kiếm tiền, nhiều người còn có ý định nuôi đỉa để kinh doanh.
Các chuyên gia thì lên tiếng cảnh báo: Hãy cảnh giác với tình trạng như ốc bươu vàng! Còn các trang mạng thì không ngớt la lối về “âm mưu phá hoại” của Trung Quốc. Rằng không nên nuôi đỉa, nuôi đỉa lợi bất cập hại, rằng đỉa sẽ sinh sôi nhiều, khi Trung Quốc không mua nữa thì không diệt được, rằng đỉa là giống “sinh sản vô tính”, dù có đốt cháy nhưng nếu còn tế bào thì vẫn sẽ sinh ra đỉa, rất nguy hiểm cho môi trường…” (*) Thế là nhà báo nọ xông ra làm trạng sư để minh oan cho con đỉa Việt,  thể hiện rõ cái lập trường yêu đỉa của mình.
 Đã lâu lắm rồi mới thấy người ta đem trí thức ra để bàn luận. Họ bảo: “Đỉa là giống mà giới trí thức chưa bao giờ ưa thích. Nó không có “địa vị” tốt đẹp gì trong văn chương thơ phú, người ta chỉ dùng nó để chửi bới: “Đồ đỉa đói”, “đồ đỉa hút máu”…
 Chỉ có giới trí thức mới dùng đỉa để ví von chửi bới mà thôi. Tôi chưa bao giờ nghe ai bàn đến chuyện “diệt đỉa”, chưa thấy bà con nào bực mình với con đỉa, dù đa số nông dân chưa ai nghĩ đến chuyện dùng đỉa để làm gì.(*)
 Lạ nhỉ, tự nhiên trí thức bị đem ra phê phán vì dám phỉ báng đỉa, dám chê bà con nông dân nuôi đỉa bán cho thương gia Tàu để làm giàu. Trước hết, xin hãy chứng minh liệu câu cửa miệng “đồ đỉa đói”, “đồ đỉa hút máu” câu ví von xưa như trái đất của người Việt là do Trí thức nghĩ ra “để ví von chửi bới” đỉa mà không phải là câu nói cửa miệng của người Nông dân Việt?
 Là một người nghiên cứu về Động vật học, cũng chẳng dám tự vỗ ngực mình là trí thức hay trí ngủ, thấy trí thức bị vu cho là kẻ “không ưa thích đỉa”, là thủ phạm “dùng đỉa để ví von chửi bới” tôi muốn lên tiếng để cho mọi chuyện được minh bạch công khai.
 Trí thức và con đỉa
 Tôi quê ở Hà Nội nên hầu như rất ít có dịp về nông thôn, dầu răng quê tôi ở gần chợ Mơ, mấy chục năm trước vùng này vẫn còn thôn dã lắm. Tôi nghe người lớn bảo khi đi học chỉnh huấn, có người nói câu của một vị lãnh tụ nước ngoài: “Trí thức không bằng cục phân”. Trí thức là phần tử lừng chừng, không làm cách mạng được. Vì vậy, trí thức phải cải tạo bằng cách cho đi lao động chân tay, hạ phóng về nới nông dân, xuống hầm mỏ với công nhân may ra mới gột rửa được tư tưởng. Thế là thỉnh thoảng tôi lại thấy ở Hà Nội có những nhóm thầy trò trường Y, trường Dược, trường Bách khoa.. những bác sỹ, kĩ sư và sinh viên kéo nhau khăn gói quả mướp xuống nông thôn hàng tháng để lao động ba  cùng với bà con để cải tạo bản thân. Có nhóm bác sỹ sinh viên đêm đông lặn lội đi vào tận nhà dân ở nội thành để “đổi thùng” (thu dọn phân tươi trong các hố xí thùng ở các hộ gia đình nội thành. Công việc dành cho phu đổ thùng làm vào những năm 1959-1960 ở Hà Nội) để tự cải tạo mình.
 Hồi đó, chúng tôi mới học lớp bốn. Mới lớp bốn thôi mà nhà trường cũng tổ chức cho học trò đi xuống xã lao động, tu dưỡng. Cụ giáo già trường Vân Hồ của tôi lúc bấy giờ là người rất mô phạm. Đi dạy học bao giờ cũng com lê cà vạt chỉnh tề, giầy da, cặp da đánh xi bóng loáng nhưng theo lệnh trên ông cũng phải dẫn chúng tôi “xuống xã” để tham gia lao động. Thầy dẫn cả lớp xếp hàng ra tầu điện rồi vào làng Hoàng Mai. Công việc của chúng tôi là làm cỏ cho lúa. Nhiều đứa trong lớp tôi mới lần đầu nhìn thấy cây lúa nên cũng chẳng phân biệt được đâu là cỏ, đâu là lúa nên thấy bác nông dân bảo làm gì thì cứ theo thế mà làm. Lũ chúng tôi xắn quần lội xuống ruộng, tay vơ cỏ quanh gốc lúa và dìm xuống bùn. Thầy giáo mặc đồ Tây đứng trên bờ trông nom lũ trẻ như ông cai thợ. Lũ trẻ chúng tôi được vầy bùn thì khoái chí lắm. Lấm be lấm bét nhưng mà vui. Chẳng bù cho khi ở nhà hễ để dây bùn bẩn ra quần áo thế nào cũng bị đánh cho mấy roi. Bỗng có con bạn trong lớp bên kêu ré lên vì thấy chân mình có con vật gì nhun nhũn bám vào. Con bé sợ quá hoảng hốt vùng chạy lên bờ. Thấy vậy, thằng Thông còi, dân con nhà cán bộ mới từ Việt Bắc về học cùng lớp chạy tới dứt mạnh con đỉa ra khỏi chân cái Thanh. Máu tươi rỉ ra đỏ cả bắp đùi. Con bé mặt tái cắt không ra hột máu. Cụ giáo hoảng quá luống cuống chẳng biết xoay sở ra sao. Bác nông dân hướng dẫn chúng tôi làm cỏ vội lấy dúm thuốc lào giắt cạp quần ra rịt vào vết cắn. Một lúc sau thì máu cầm lại. Từ đấy, cả lũ lội xuống ruộng mà cứ rón ra rón rén chỉ sợ gặp đỉa. Con đỉa “đại gian đại ác” hút máu người bị đem ra hành hình. Bọn con trai lấy đá đập cho nát ra nhưng xác đỉa vẫn “ngoan cố” quăn lại như miếng cao su đẫm máu.
 Kỉ niệm lần đầu gặp đỉa của tôi là thế. Lớn lên, lũ chúng tôi mỗi người một ngả, mỗi người một nghề và không ít người đã ngã xuống trên chiến trường. Mỗi lần gặp lại nhau, chúng tôi lại nhắc đến kỉ niệm về đỉa năm nào. Cụ giáo Nghiêm thầy chúng tôi đã khuất núi và chúng tôi thì đã lên ông lên bà cả. Tôi theo học ngành Sinh học và ngay từ khi mới vào năm thứ nhất, những bài tập đầu tiên của chúng tôi trong phòng thí nghiệm chính là giải phẫu con đỉa. Cả cuộc đời lăn lộn rừng sâu núi thẳm lặn ngụp trong hồ ao đầm lầy, con vắt, con đỉa đã quá quen thuộc với tôi và hầu như với tất cả đám bè bạn chúng tôi từ thủa ấy. Chẳng có ai có ý nghĩ “trí thức là cục phân” như người ta dè bỉu. Nhiều bè bạn tôi đã là giáo sư , bác sỹ , nhà khoa học, nghệ sỹ có tiếng nhưng tuyệt không có ai coi con đỉa là thấp là hèn cả . Tôi chưa có lần nào đặt câu hỏi với bè bạn rằng “Bạn có ưa thích đỉa không?” Vì nếu đặt câu hỏi như thế  tôi chắc rằng người hỏi sẽ bị xem là “dở hơi không biết bơi”. Còn nếu ai bảo rằng “tôi là người ưa thích đỉa, là người yêu đỉa” thì chắc nếu họ không phải là nhà đỉa học, tay lái buôn đỉa hay người bào chế thuốc, trị bệnh bằng liệu pháp đỉa thì cũng là kẻ yêu thiên nhiên thái quá mà thôi.
 Lạ có mỗi điều cho đến tận ngày hôm nay, sang Thế khỉ thứ XXI đã hơn chục năm rồi mà vẫn có người mang chuyện quan hệ giữa trí thức,  nông dân với con đỉa ra mà dạy thiên hạ.
“Dai như đỉa đói ”! thật không sai.
 Tri thức về con đỉa.
 Tôi có nghiên cứu về Động vật học nhưng không phải là “nhà Đỉa học” nên không dám phát biểu điều gì mà mình không biết, không chuyên sâu. Kì lạ thay, qua biện luận minh oan cho đỉa, người ta lại dạy thiên hạ trên báo chí những tri thức lạ lùng mà khó có thể tin được:
 “không nên khuyến cáo người dân không nuôi đỉa, vì nuôi đỉa không hại gì hết. Không nên sợ có quá nhiều đỉa không tiêu diệt được, vì thứ nhất là nhiều đỉa chỉ có lợi chứ không có hại gì, thứ hai là đỉa chỉ sống trong môi trường nó cần và cần có nó, khi không thích hợp thì tự nhiên nó sẽ bị thải trừ”.
 “Đối với trâu bò, đỉa có tác dụng rất tốt, khi bị đỉa cắn, trâu bò mạnh khỏe hơn (tác dụng như giác lể làm lưu thông máu huyết và hút được máu độc); ruộng nào có nhiều đỉa thì trâu bò rất ít bị bệnh
 “ Đỉa ở đồng bằng thường cắn dưới chân (từ đầu gối trở xuống), đỉa suối ở lưng chừng núi cắn từ đầu gối trở lên, còn đỉa lá thì cắn từ bụng trở lên chứ không bao giờ cắn dưới bụng.
 Điều kỳ thú là đỉa chỉ cắn vào những vùng sinh học có lợi cho cơ thể, khi đỉa cắn vào những vùng đó làm khí huyết lưu thông và chất độc bị hút đi theo máu. Người bị đỉa cắn không bao giờ bị phong đòn gánh (tetanus).
 Hồi chiến tranh, nhiều người miền xuôi lên miền núi do không thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng nên thường bị bệnh “bủng beo” (do suy giảm hệ tuần hoàn thận, chức năng gan hoạt động kém), ai bị vắt cắn thì không mắc bệnh này.
 Vắt cắn cũng làm hạn chế bệnh sốt rét. Nếu con vắt ngẫu nhiên cắn đúng vào huyệt “khí hải quan nguyên” (1 huyệt ở trên và 1 huyệt ở dưới rốn) thì cơ thể trở nên hưng phấn, ai bị sốt rét sẽ cắt cơn ngay.
 “Chất thải từ đỉa rất tốt cho đất đai. Nhiều vùng trũng trồng lúa nước rất tốt mà không cần đến phân, đó là do chất thải từ đỉa.”(*)
 Ôi nếu quả thực đỉa có ích như thế thì tuyệt vời biết bao ! Đỉa tạo ra phân bón cho ruồng đồng, đỉa là thầy lang phòng và chữa bệnh cho người, cho trâu bò ! Đỉa xứng đáng được chăm sóc và thưởng công vì chỉ toàn mang lại lợi ích cho muôn loài! Nhưng xin hãy để cho các trí thức hàng đầu bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn  kiểm nghiệm trước khi đưa ra chính sách ưu đãi lâu dài cho đỉa có công theo đúng luật định.
 Tình cờ đọc được một bài báo khoa học của những chuyên gia thực thụ tôi mới tá hỏa khi biết rằng khi hút máu người bệnh, hàng loạt vi khuẩn và siêu vi trùng độc hại không loại trừ siêu vi HIV và viêm gan B có thể tồn tại trong ruột đỉa đến vài tháng trời và nếu chẳng may ai đó bị đỉa có máu nhiễm bệnh hút từ người bệnh cắn thì nó có thể lây bệnh cho người lành. (**)
 Nếu quả vậy thì việc cấm nuôi đỉa, nhập lậu đỉa, buôn bán và phát tán đỉa bừa bãi mà bộ Khoa học và phát triển Nông thôn vừa ban hành đâu có sai
 Liệu đỉa có còn oan nữa không?
Hà Nội 14-12-2011
Tác giả gửi cho Quê choa
 Ghi chú:

http://quechoa.info/2011/12/15/n%E1%BB%97i-oan-c%E1%BB%A7a-d%E1%BB%89a/#more-18850

No comments:

Post a Comment