Saturday, December 3, 2011

Kinh tế Trung Quốc nhìn từ chuyện đình công


VnEconomy - Tuần trước, nhiều công nhân làm việc tại nhà máy Jingmo Electronics Corporation ở Thâm Quyến, chuyên sản xuất bàn phím máy tính cho Apple và IBM, đã đình công vì bất bình với giờ làm việc quá dài và điều kiện lao động yếu kém.
Kinh tế Trung Quốc đã “hết lên lưng voi”?
Nguyên nhân dẫn tới đình công thường là do công nhân bức xúc về điều kiện làm việc, tiền lương.
Theo trang MicGadget, khoàng 1.000 công nhân đã tham dự cuộc đình công vì những đòi hỏi làm thêm giờ một cách bất hợp lý do giới quản lý nhà máy đưa ra. Theo đó, các công nhân tại đây buộc phải làm thêm giờ vào tất cả các tối trong ngày.
Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tháng công nhân phải làm thêm 120 giờ. Nhà máy không đồng ý để công nhân chỉ làm thêm vào ngày nghỉ cuối tuần, là thời gian họ phải trả lương gấp đôi cho một giờ làm việc theo đúng Luật Lao động Trung Quốc.
Những công nhân tham gia cuộc đình công còn lên tiếng phê phán điều kiện làm việc tại nhà máy yếu kém, việc những người công nhân nhiều tuổi bị sa thải, không có các chế độ lương thưởng và thậm chí là liên tục bị giới quản lý mắng mỏ.
Vụ đình công kéo dài trong suốt nhiều giờ, chặn cả lối đi vào nhà máy. Hàng trăm cảnh sát đã được huy động tới để giữ gìn trật tự. Vụ việc chỉ tạm thời được giải quyết, sau khi ban lãnh đạo nhà máy này hứa sẽ giảm thời gian làm thêm giờ.
Đây là vụ đình công đầu tiên xảy ra tại Jingmo, nhà máy sản xuất bàn phím thuộc hãng công nghệ hàng đầu thế giới Jingyuan Computer Group đến từ Đài Loan. Đây cũng là nhà máy chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng OEM cho Apple, IBM…
Câu chuyện đình công tại các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc vốn dĩ không lạ. Năm ngoái, các nhà máy sản xuất linh kiện Honda ở Trung Quốc lao đao vì nạn đình công. Song theo tờ Le Monde, thì gần đây tần suất đình công có vẻ tăng lên.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là việc nhiều nhà máy ở Trung Quốc bắt đầu thấm đòn ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới.
Sa thải công nhân, áp dụng các quy định giờ làm việc khắt khe hơn hay di dời nhà máy đi chỗ khác là một trong những biện pháp mà nhiều nhà máy Trung Quốc đang áp dụng nhằm chống chọi lại khủng hoảng kinh tế, RFI dẫn bài viết trên Le Monde cho hay.
Theo số liệu thống kê của HSBC, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 của Trung Quốc chỉ đạt 48 điểm cho thấy, số lượng đơn đặt hàng đã giảm tới mức thấp nhất gần ba năm nay. HSBC ghi nhận các hoạt động sản xuất đang có xu hướng co cụm lại.
Tháng 11 có nhiều xáo động nhất. Một loạt vụ đình công xảy ra tại nhiều nhà máy từ các xí nghiệp gia công linh kiện máy tính cho Apple, IBM, đến các xí nghiệp đóng chai cho Pepsi, gia công giày New Balance, Nike và đồng hồ Citizen …
Theo Le Monde, nguyên nhân khiến công nhân đình công là bị đe dọa sa thải, hay điều kiện giờ làm việc khắc nghiệt (từ 18 giờ đến nửa đêm), và do nhiều xí nghiệp di dời đến những vùng khác tại Trung Quốc, những nơi có giá nhân công rẻ hơn.
Le Monde giải thích, đối với một số xí nghiệp, việc “di dời nội bộ” được xem như là một giải pháp thích hợp, nhằm chấm dứt những lo lắng của lớp người lao động di cư phải sống xa gia đình.
Hơn nữa, do phải đối mặt với giá nhân công ngày càng cao, thì giải pháp này có thể giúp Trung Quốc né tránh được việc làm sẽ bị dịch chuyển sang Đông Nam Á và cho phép các tỉnh duyên hải nghĩ đến việc nâng cấp các dòng sản phẩm của mình.
Tờ New York Times từng nhận định rằng, phong trào đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc buộc các công ty nước ngoài nhắm tới khai thác nguồn lao động giá rẻ ở Trung Quốc cảm thấy khó thu hút và giữ công nhân.
Trước áp lực tăng lương lên các nhà sản xuất, cộng với việc đồng Nhân dân tệ tăng giá sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất ở Trung Quốc và khiến các công ty tính tới việc chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác, nhằm giảm chi phí và giá thành.
Tuy nhiên, theo bà Pietra Rivoli, giáo sư khoa kinh doanh quốc tế Đại học Georgetown, Mỹ, thì hệ quả từ việc gia tăng chi phí lao động ở các nhà máy Trung Quốc sẽ không giống nhau tùy theo mỗi góc ngành công nghiệp khác nhau.
Các ngành giá trị gia tăng thấp như dệt may có thể phải chuyển tới vùng sâu xa của Trung Quốc hoặc nước khác, còn các ngành kỹ thuật như máy tính và điện thoại vẫn ở lại Trung Quốc nhờ thị trường nội địa rộng lớn và nước này có cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Giáo sư Mary Gallagher - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Michigan, Mỹ, cũng phần nào đồng ý như vậy. “Trung Quốc sẽ không đánh mất cơ sở sản xuất công nghiệp vì nước này có thị trường nội địa khổng lồ”, bà nói.
Song, theo bà Mary, “họ sẽ chuyển sang các sản phẩm có giá trị cao hơn. Điều đó phù hợp với mong muốn của chính phủ nước này. Họ không muốn là công xưởng của thế giới mà muốn làm ra sản phẩm công nghệ cao”.
Tuy nhiên, giải pháp di dời này không phải không gây lo âu cho người lao động. Ngay tại những nơi các xí nghiệp dời đến, người lao động ở đó tự hỏi liệu các xí nghiệp này sẽ tồn tại được bao lâu, trong khi vào lúc này đây, nhu cầu thế giới đang chựng lại.
Trong bối cảnh như vậy, một số doanh nghiệp chấp nhận tăng lương để cầm chân công nhân. Về phần chính quyền, một số tỉnh thành công nghiệp như vùng Đông Quảng đã đề ra các chính sách giảm thuế doanh nghiệp với hy vọng giữ chân các nhà đầu tư.
Theo Hồng Ngọc (VnEconomy)

No comments:

Post a Comment