Thursday, December 8, 2011

Cải Cách Ngân Hàng VN


Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA
...chưa chắc là Việt Nam sẽ vui vẻ đón nhận giới đầu tư ngoại quốc vào thị trường ngân hàng...
Hội nghị hàng năm của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội trong ngày Thứ Ba mùng sáu. Dưới chủ đề "Thúc đẩy Tái cơ cấu Kinh tế và Giảm nghèo", nghị trình có một hồ sơ nóng mà cũng là mối quan tâm của nhiều người là hồ sơ tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng của Việt Nam. Nhân dịp này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về các vấn đề nổi cộm trong hệ thống ngân hàng Việt Nam qua phần trao đổi sau đây cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, tư vấn của đài Á châu Tự do.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Sau khi lãnh đạo Việt Nam đề ra chủ trương cho năm năm tới là tái cơ cấu hệ thống đầu tư, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, hội nghị năm nay của các nhà tài trợ cho Việt Nam cũng nêu trong nghị trình hồ sơ tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng. Trước khi tìm hiểu hồ sơ đó, xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh về hội nghị của Nhóm Tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Từ khi Việt Nam được quốc tế tái cấp phát viện trợ vào năm 1993 nhờ đã bắt đầu tiến hành đổi mới thì hàng năm, các nhà cấp viện gồm các định chế tài chính quốc tế và các chính quyền vẫn họp vào Tháng 12 để cứu xét yêu cầu và quyết định về ngạch số viện trợ cho tài khoá tới. Sau đó họ có thêm hội nghị giữa năm để rà soát lại việc sử dụng viện trợ. Các cơ quan cấp viện còn định chế hóa việc này qua bộ phận gọi là Nhóm Tư Vấn hay "Consultative Group", gồm đại diện các cơ quan cấp viện, chủ yếu là Ngân hàng Thế giới, và các tổ chức ngoài chính phủ cùng với đại diện của Chính phủ Việt Nam. Hội nghị năm nay đáng chú ý ở hai điều.
- Thứ nhất, không thảo luận nhiều về số lượng viện trợ mà tập trung vào phẩm chất của tăng trưởng và số phận của dân nghèo. Thứ hai, cả phiên họp được thâu vào một ngày và thời gian thảo luận về các hồ sơ thật ra không nhiều. Nghị trình là có hai cuộc họp then chốt là 1) cải cách tài chính và ngân hàng và 2) nguy cơ nghèo khốn mới, như đô thị hóa, di dân và nạn nghèo đói, cùng các chính sách đối phó. Bên cạnh đó, cần nói thêm rằng nhân dịp này đại diện Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF cảnh báo rằng Việt Nam không nên vội nới lỏng tiền tệ vì sẽ lại gây bất ổn mà phải nhanh chóng và triệt để bảo đảm sự lành mạnh của khu vực tài chính ngân hàng.
Vũ Hoàng: Ngân hàng Thế giới có chức năng viện trợ tài chính và kỹ thuật với điều kiện ưu đãi để phát triển các nước nghèo, còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế là định chế có chức năng bảo đảm sự ổn định tài chính và ngoại hối của các nước trong luồng giao dịch toàn cầu. Khi hai định chế này đều quan tâm đến hệ thống tài chính và ngân hàng của Việt Nam, phải chăng họ có nhìn thấy vấn đề và cũng nêu ra nhiều khuyến cáo?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Họ thường nêu ra một cách lịch sự để khỏi xúc phạm tự ái của các nước cầu viện. Riêng về Việt Nam, theo dự trù họ sẽ nghe giới hữu trách trình bày kế hoạch cải tổ của Việt Nam gồm có sáu bảy biện pháp và báo tin vui là có ba ngân hàng vừa tự nguyện sát nhập! Rồi một số người sẽ phát biểu về kinh nghiệm cải cách của các nước Á châu cho Việt Nam dễ thấy mà chọn lựa. Nhưng chung cuộc thì quyết định tối hậu vẫn thuộc Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam, mà đấy cũng là một vấn đề, và là vấn đề mà các định chế quốc tế đều biết!
Vũ Hoàng: Các định chế cấp viện có biết rõ về hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là khủng hoảng của hệ thống ngân hàng Việt Nam hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi tin là họ biết và từ lâu rồi đã cảnh báo về loại rủi ro có thể bị. Có lẽ ta nên trở lại nguyên ủy của vấn đề lưu cữu bây giờ mới phát tác thành nguy cơ khủng hoảng.
- Mươi năm trước, người ta thấy ra cái nạn "nợ không sinh lời" của các ngân hàng Việt Nam. Nợ không sinh lời là các khoản tín dụng ngân hàng bất trắc, loại nợ khó đòi và có thể mất. Khi thấy tỷ lệ nợ xấu này quá lớn so với dư nợ tín dụng, nhà cầm quyền cũng nói đến yêu cầu tăng vốn và tái cơ cấu, thậm chí giảm số ngân hàng hoạt động cho đúng với kích thước của thị trường. Nhưng Hiệp định Thương mại Song phương ký kết với Hoa Kỳ mở ra một trào lưu lạc quan và ngân hàng lại có thêm tiền nhờ bán thêm cổ phần và cả sự hồ hởi hùn vốn từ nhiều ngân hàng lớn của nước ngoài. Vì vậy, hệ thống ngân hàng lại thêm cơ sở và nhờ số vốn dày hơn, chả còn ai nói đến tỷ lệ nợ xấu quá cao nữa. Nhưng trong khi đó phẩm chất quản lý và nhất là khả năng thẩm định rủi ro của các ngân hàng vẫn không mấy cải tiến.
- Lần hồ hởi thứ hai - khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 - thật ra lại không bền vì sau đó là lạm phát và khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 rổi Tổng suy trầm toàn cầu. Khi ấy, Ngân hàng Trung ương cũng nói đến cải cách ngân hàng và cấp tốc đối phó với nạn sụt giá cổ phiếu của ngân hàng. Chúng ta không quên rằng thời đó rồi, Việt Nam đã gặp bài toán lưỡng nan là vừa đạp thắng để hãm đà lạm phát vừa rú ga để đẩy mạnh tăng trưởng trong khi các ngân hàng được yêu cầu kiểu hành chính là trong hai năm ngắn ngủi phải nâng vốn pháp định lên mức tối thiểu là ba ngàn tỷ đồng Việt Nam, tương đương với 142 triệu Mỹ kim.
Vũ Hoàng: Như vậy thưa ông có phải là vấn đề đang gặp ngày nay đã manh nha từ nhiều năm trước rồi?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vấn đề ngày nay thật ra còn nguy ngập hơn mấy năm trước vì còn lãnh hậu quả của chính sách quản lý vĩ mô bất cập và bất nhất trong hai năm qua.
- Lạm phát trên dưới 20% gây áp suất cho các ngân hàng và gieo họa cho các doanh nghiệp khi phải đi vay với lãi suất từ 20 đến 22%. Doanh nghiệp bị ách tắc tín dụng là khó đi vay, dù phải trả lãi cắt cổ; ngân hàng thì thiếu thanh khoản và phải tạm vay nhau qua ngày trong thị trường liên ngân hàng với lãi suất quy ra toàn năm tới 40%. Các đại gia thì có lời chứ ngân hàng cò con và tư doanh thì mắc nghẹn. Nạn đầu cơ địa ốc vì sự lạc quan năm xưa đã dứt và thị trường bất động sản đóng băng, ngân hàng mất nợ, v.v....
- Ngoài ra, quyết định có vẻ chính đáng hầu trấn an trương chủ ký thác là không để ngân hàng nào bị vỡ nợ lại gây hậu quả bất lường là nuôi thói ỷ thế làm liều vì tin rằng khi hữu sự thì ai đó sẽ cứu. Ngày nay, người ta không biết núi nợ xấu này cao chừng nào. Ngân hàng Trung ương thì nói là khoảng 3% dư nợ tín dụng mà nhiều giới chức khác thì đưa ra con số gấp ba... Và bây giờ thì mọi người đều đồng ý rằng Việt Nam có quá nhiều ngân hàng mà thiếu ngân hàng lành mạnh nên sẽ phải mua, bán hoặc sát nhập để có ít ngân hàng hơn mà đa số là khả tín hơn.
Vũ Hoàng: Sau khi mô tả tình hình u ám như vậy, ông có tin rằng người ta hiểu ra căn nguyên vấn đề là tại đâu không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thật khó trả lời cho câu hỏi này vì căn nguyên nằm bên trong cơ cấu xã hội và chính trị của Việt Nam.
- Trước hết, dù Việt Nam khẳng định sự hữu ích của tư doanh trong sản xuất và ngân hàng, thì vẫn duy trì vai trò chủ đạo của khu vực nhà nước, gồm có doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại của nhà nước. Không gian kinh doanh của tư nhân thật ra vẫn bị méo mó và thu hẹp khiến tư nhân nhặm lẹ và biến báo nhất vẫn phải xây dựng quan hệ tốt với quan chức nhà nước. Và đấy là đầu mối của những quyết định kinh doanh lệch lạc, nhất là trong môi trường lạc hậu và thiếu minh bạch của luật lệ vốn dĩ lại đổi thay thất thường. Trong môi trường đó, nhiều cơ sở có tiếng là tư nhân thật ra chỉ là cánh tay nối dài của hệ thống kinh tế nhà nước hoặc thân tộc của quan chức nhà nước. Các cơ sở này không tính toán về rủi ro kinh doanh như ở xứ khác vì đặc tính tôi xin gọi là "tư bản thân tộc" hay "crony capitalism" của nền kinh tế và tổ chức chính trị.
- Đi vào lĩnh vực ngân hàng thì hiện tượng đó dẫn tới sự xuất hiện của nhiều ngân hàng cổ phần tiếng là của tư nhân, mà thực chất là vệ tinh hay "captive banks" của tập đoàn nhà nước, được lập ra để giải quyết nhu cầu tài chính của doanh nghiệp nhà nước. Song song, nhờ cậy thần cậy thế, không ít người có thể lập ra nhiều ngân hàng một lúc để quét nợ hoặc dẫn khách cho nhau trong một quan hệ tài chính chằng chịt đa số là mờ ám. Sau khi linh động khai thác kẽ hở luật lệ và ưu thế về đất đai để kiếm lời rất nhanh, loại ngân hàng gọi là tư doanh đó mà thật ra là "bán tư" lại có nhiều thủ thuật đổi nợ, gán nợ làm bảng kết toán tài sản là tài liệu kế toán không đáng tin.
- Dĩ nhiên, không phải ngân hàng cổ phần nào cũng vậy nhưng một số không nhỏ các ngân hàng có vấn đề đều đã có hoàn cảnh làm bậy, chưa nói đến trình độ nghiệp vụ chung là vẫn còn rất kém. Kết quả thì chính các doanh nghiệp sản xuất tư nhân mới là nạn nhân.
Vũ Hoàng: Như vậy thì làm sao giải quyết được một vấn đề có những nguyên nhân sâu xa từ cơ cấu kinh tế, xã -hội và chính trị thiếu minh bạch như ông vừa phân tích?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi cứ hay nói ngược nhưng vẫn cho rằng việc cải cách hệ thống ngân hàng phải bắt đầu từ trên xuống, từ cái đầu là vai trò của nhà nước trong nền kinh tế.
- Một thí dụ là phải kiểm tra tình hình tài chính và đầu tư thật của các tập đoàn kinh tế nhà nước, kể cả ngân hàng thương mại của nhà nước, để thấy ra quan hệ tài chính với các ngân hàng và công ty tài chính gọi là tư nhân này. Việc chấn chỉnh nên khởi sự từ đó để tính ra phí tổn của việc cấp cứu là bao nhiêu, ai sẽ thanh toán - nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hay nhà đầu tư tư nhân vịn tay vào hệ thống nhà nước - theo tỷ lệ nào? Đấy là một tín hiệu về thực tâm cải tổ.
- Chuyện thứ hai, ai cũng biết việc cải cách sẽ mất nhiều năm chứ không giải quyết chóng vánh bằng một quyết định hành chính. Trong thời gian trung hạn ấy, câu hỏi cần nêu ra là tư doanh, từ nông thôn về thành thị, sẽ giải quyết nhu cầu tín dụng ra sao để duy trì sản xuất và tránh được nạn đi vay lãi cắt cổ trên thị trường đen là chuyện đang xảy ra?
Vũ Hoàng: Thế còn các trương chủ ký thác, họ có cần được bảo vệ trong đợt cải tổ chăng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Người ta nghĩ đến các trương chủ ký thác và mức bảo đảm ký thác hiện nay quả là vẫn quá thấp. Nhưng, dân có tiền tiết kiệm mà không tin ngân hàng hoặc thấy gửi tiền ký thác có lời ít vì đụng trần thì còn ngả khác gìn giữ giá trị tài sản, kể cả qua vàng và Mỹ kim. Khi ấy nhà nước có bảo đảm cả các khoản ký thác bằng ngoại tệ không? Đây là câu hỏi không dễ có giải đáp khi Việt Nam muốn tránh nạn đô la hoá và nhà nước muốn gom đô la vào trong tay. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng giới sản xuất thấp cổ bé miệng cần đi vay để sản xuất. Họ mà bị ách tắc thì doanh nghiệp phá sản và thất nghiệp tăng. Và nạn nghèo đói lại tái diễn.
Vũ Hoàng: Nhiều nhà lý luận cho là các cơ sở kinh doanh lỗ lã, kể cả ngân hàng, thì nên bị dẹp vì khoảng trống của nhu cầu đó sẽ do doanh nghiệp khác đảm nhiệm. Ngoài ra, nhân kỳ họp tuần qua của Phòng Thương mại Âu châu, một số doanh gia quốc tế cũng nói đến triển vọng tham gia của giới đầu tư nước ngoài. Liệu đấy có phải là một giải pháp chăng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đó là lý luận về "sáng tạo trong hủy diệt", là nên cho doanh nghiệp kém hiệu năng tiêu vong để nhường không gian kinh doanh cho các cơ sở có khả năng hơn. Sự thật tại Việt Nam lại chưa được như vậy vì tiềm năng thay thế của tư doanh thật ra còn bấp bênh yếu ớt do không được nuôi dưỡng hay yểm trợ từ nhiều năm nay. Đấy là một vần đề của thực tế.
- Về cái hướng đề nghị của Phòng Thương mại Âu châu thì tôi e rằng sự thật lại trái ngược.
- Lý do thứ nhất, doanh giới Âu châu cảnh báo là nếu Việt Nam không cải cách thật thì họ sẽ rút vốn đi qua các thị trường khác và cách lượng giá nghiêm khắc của các công ty thẩm định trái phiếu cũng nói ra điều ấy. Nôm na là sau khi thất vọng quá nhiều, đầu tư ngoại quốc sẽ bỏ thị trường Việt Nam qua Thái Lan hay Indonesia! Lý do thứ hai, chưa chắc là Việt Nam sẽ vui vẻ đón nhận giới đầu tư ngoại quốc vào thị trường ngân hàng vì phản ứng bảo hộ mậu dịch vẫn còn quá mạnh, nhất là khi được lãnh đạo trình bày như tinh thần độc lập dân tộc. Còn lại, vẫn là cách xoay trở của người Việt với người Việt, ở trong và ngoài chính quyền trong một thị trường đầy bất trắc vì Âu châu bị suy thoái và Mỹ có thể bị suy trầm. Tôi thật không mấy lạc quan về cách xoay trở đó của nhà nước ở trên cùng, do sức cản quá mạnh của các nhóm quyền lợi.
Vũ Hoàng: Thay mặt thính giả đài Á châu Tự do, xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

No comments:

Post a Comment