Wednesday, November 16, 2011

1911-2011 - Từ Tân Hợi đến Tân Mão: đoàn tàu đang hạ tốc


Minh Văn - “..Sau hai tai nạn đường sắt cao tốc và đường xe lửa điện, dư luận thế giới khám phá ra rằng kỹ thuật xe điện cao tốc của Trung Quốc còn quá ấu trĩ, thêm vào đó Trung Quốc chưa đủ khả năng huấn luyện và đào tạo nhân sự quản lý...”
Từ sau cuộc khởi nghĩa Vũ Xương ngày 10/10/1911, mở màn cho sự sụp đổ của triều Mãn Thanh cho đến nay vừa đúng 100 năm, Trung Quốc đã như một con sư tử ngáy ngủ để mặc các liệt cường Âu Mỹ và Nhật tầm thực nay đang thức giấc để tự biến thành một quốc gia giàu mạnh, có khả năng đe dọa ngược lại các liệt cường trong một tương lai không xa. Tuy nhiên dưới chế độ độc tài của đảng cộng sản Trung Quốc, trong đó một thiểu số đặc quyền đặc lợi chiếm lãnh hầu hết của cải xã hội, Trung Quốc không thể tiếp tục đi xa nếu cứ tiếp tục đường lối độc tài xa vời với lý tưởng tam dân chủ nghĩa.
Nhìn lại chặng đường 100 năm qua
          Một cách tóm tắt lịch sử 100 năm qua của Trung Quốc có thể gói trọn trong tên bốn nhân vật này: Tôn Văn, Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.
          Tôn Văn (còn gọi là Tôn Dật Tiên) là lãnh tụ của cuộc cách mạng Tân Hợi. Kế vị ông là Tưởng Giới Thạch, người đã dẹp được hết quân phiến loạn phương Bắc và thực hiện thống nhất Trung Quốc dưới quyền lãnh đạo của Quốc Dân Đảng. Mao Trạch Đông chính là người đã chiến thắng trong cuộc nội chiến quốc cộng và thành lập chính quyền cộng sản năm 1949 tại Bắc Kinh. Tiếp theo là Đặng Tiểu Bình, người nắm thực quyền lãnh đạo Trung Quốc trong bóng tối và ban hành các chính sách cải cách mở cửa. Trong số bốn người này, Tôn Văn và Mao Trạch Đông là những nhà cách mạng lật đổ cái cũ để áp đặt cái mới, trong khi Tưởng Giới Thạch và Đặng Tiểu Bình là những nhà quản trị làm đổi hướng cuộc cách mạng.
          Nối chí nhà cách mạng Tôn Văn, cả hai chính quyền cộng sản lục địa và quốc dân hải đảo đều muốn được thế giới nhìn nhận như là người đại diện chính thống cho nhân dân Trung Hoa. Đối với Bắc Kinh, chủ nghĩa cộng sản chỉ là dáng vóc bề ngoài, trong thực tế họ đang thi hành chủ thuyết Tam dân.
          Tam dân chủ nghĩa gồm ba cột trụ: dân tộc, dân quyền và dân sinh, trong đó :
-dân tộc độc lập là sự độc lập của dân tộc Trung Hoa và 5 tộc khác (Hán, Mãn, Mông, Tạng, Hồi),
-dân quyền tự do: tôn trọng lợi quyền của nhân dân,
-dân sinh hạnh phúc: nâng cao đời sống của nhân dân.
          Hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc năm 1946 theo đúng di chúc của Tôn Văn nêu cao mục tiêu tam dân chủ nghĩa với chế độ 5 viện: hành pháp, lập pháp, tư pháp, khảo thí và giám sát.
          Năm 1949, bị đánh bại trên đại lục Tưởng Giới Thạch đã chuyển chính quyền ra đảo Đài Loan và ngưng thực hiện chủ thuyết tam dân. Phải chờ đến năm 1996, với cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp do dân bầu, ông Lý Đăng Huy là vị tổng thống dân cử đầu tiên tại Đài Loan, có thể nói niềm mơ ước của Tôn Văn đã trở thành hiện thực. Từ sau ngày đó, trên đảo Đài Loan hai đảng chính trị thay nhau cầm quyền: Dân Tiến (cầm quyền hai nhiệm kỳ 2001-2005 và 2005-2009) và Quốc Dân Đảng (cầm quyền từ 2009 cho đến nay). Ông Lý Đăng Huy đã cải biến chủ nghĩa tam dân của Tôn Văn thành tự do, dân chủ và cân phú (giàu có chia đều toàn xã hội).
          Trên lục địa, dưới thời Mao Trạch Đông chủ nghĩa tam dân không có chỗ đứng. Lúc đầu Mao chọn mô hình kinh tế kế hoạch kiểu Liên Xô, sau đó biến thành một kiểu xã hội cộng sản độc đáo. Thất bại nặng, Trung Quốc trở thành một nước thuộc loại nghèo nhất thế giới.
          Cuối thập niên 1990, Đặng Tiểu Bình chủ trương cải cách, mở cửa kêu gọi đầu tư quốc tế. Từ đó Trung Quốc từ một nước nghèo nàn và lạc hậu trở thành một quốc gia đứng hạng nhì về sự kinh tế, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 10% mỗi năm, và đang tranh quyền lãnh đạo thế giới với Hoa Kỳ.
          Thế nhưng chính sách mở cửa kinh tế và đóng cửa chính trị đang gây mất cân đối trong sinh hoạt hàng ngày, hố sâu giàu nghèo và bất công ngày càng sâu rộng giữa các vùng địa dư và thành phần xã hội. Dưới chế độ độc tài cộng sản, gia đình các đảng viên, viên chức nhà nước kết hợp với giới tài phiệt chia chác với nhau lợi ích trên toàn quốc. Chỉ số bất công xã hội hiện nay tại Trung Quốc đã lên đến trên 0,5 (1% dân số Trung Quốc chiếm hơn 41% của cải toàn xã hội, trong đó 320 000 người có trong tay hơn 1 200 tỷ USD, tương đương với phân nữa tiền để dành của toàn dân (1,4 tỷ người). Các cuộc bạo động của người nghèo và giới trẻ ở trong nước ngày càng quy mô và tăng cường độ.
          Ngày nay tại Trung Quốc chủ nghĩa tam dân chỉ mới được thực hiện ở vế đầu : "độc lập dân tộc". Nhưng mục tiêu "cộng hòa 5 dân tộc" vẫn chưa thực hiện được: các dân tộc Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông vẫn tiếp tục bị đàn áp. Còn vế "dân quyền tự do" và "dân sinh hướng thượng" vẫn được chưa thực hiện. Chủ trương của Bắc Kinh hiện nay là lợi dụng Tôn Văn, như xây tượng lớn, để chiêu dụ dân chúng Đài Loan hơn là cải cách chính trị (bầu cử tự do).
          Một sự thật không thể chối cãi, phát triển kinh tế kinh tế phải đi đôi với tự do chính trị. Khi mức sống được nâng cao, người dân nào cũng muốn sống trong tự do dân chủ. Chính vì không dám đi hết đoạn đường phải tới, Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong những ngày sắp tới trong việc giữ vững chỉ số tăng trưởng kinh tế như hiện nay, trong khi Đài Loan như thuyền buồm đang căng gió cứ tiếp tục thẳng tiến tới ổn định và phồn vinh.
Đoàn tàu hạ tốc
          Những dấu hiệu khó khăn của chính sách mở cửa kinh tế, khép kín chính trị tại Trung Quốc là những cuộc xuống đường ngày càng gia tăng của dân chúng tại khắp nơi chống bất công và đòi công lý. Các cấp lãnh đạo địa phương đã hành xử như những lãnh chúa, tha hồ tự tung tự tác để vơ vét tài sản vào tay gia đình và thân tín.
          Gần đây hơn, hậu quả của chính sách chạy theo chỉ số tăng trưởng là sự đình chỉ tất cả các chương trình khai thác đường sắt cao tốc vì thiếu an toàn. Nguyên do của sự đình chỉ này là tai nạn đường sắt cao tốc xảy ra vào tháng 7-2011 tại huyện Lộc Thành, Ôn Châu tỉnh Chiết Giang, các toa tàu chạy ngang qua cầu bị rớt xuống sông làm 40 người chết và hàng trăm người bị thương. Tai nạn này làm phí tổn điều động nguồn vốn để xây dựng đường sắt theo đúng kế hoạch bị nâng cao. Thêm vào đó phải tính thêm vào đó các loại phí tổn rủi ro và bảo hiểm phải trả cho nạn nhân khiến 70% lượng đường sắt đang xây dựng phải bị dừng một cách bàng hoàng. Chưa hết, trong tháng 9 vừa qua lại xảy thêm tai nạn xe điện ngầm ở Thượng Hải. Qua những tai nạn liên tiếp này, Bộ đường sắt đã đình chỉ mọi công trình xây dựng đường sắt hỏa tốc.
          Từ cuối tháng 8-2011, 23 công ty xây dựng đường sắt trên toàn quốc đã đình mọi công trình xây dựng (tương đương 8,6% toàn tuyến đường). Do hết việc, khoảng 26% xí nghiệp đã phải đóng cửa vì không có tiền để trả lương cho nhân công. Ngoài 35% tuyến đường kế hoạch bị đình chỉ, hiện nay chỉ còn 26% công trình xây dựng đường sắt tiếp tục hoàn tất công trình theo dự định.
          Do không đủ tiền trả lương cho nhân công, các công ty xây dựng đường sắt đang gặp vấn đề đình công, kháng nghị, có nơi còn xảy ra bạo động. Tổng số tiền trả lương thiếu mỗi tháng khoảng 9,5 tỷ USD. Hiện nay các hợp đồng xây dựng đường sắt đều được ký với hai công ty xây dựng đường sắt quốc doanh, sau đó giao cho hàng ngàn công ty nhỏ khác thi hành. Tổng số công nhân làm việc trong nganh đường sắt lên đến 500.000 người.
          Từ năm 2008 đến nay bộ đường sắt Trung Quốc đã cho xây dựng 10.000 km đường sắt hỏa tốc, một tốc độ vượt quá khả năng kiểm soát độ an toàn. Tổng số nợ của bộ đường sắt lên đến 417 tỷ USD, tương đương 58% tích sản của bộ. Trong năm 2011, bộ đường sắt Trung Quốc đã cho phát hành hơn 2.200 tỷ USD trái phiếu, nhưng sau tai nạn Chiết Giang, mặc dầu tăng lãi suất tiền lời từ 5% lên 6,53% vẫn thiếu người mua. Điều này làm vốn đầu tư vào ngành đường sắt Trung Quốc giảm 11% so với năm trước (2010).
          Qua hai tai nạn trên, bộ đường sắt Trung Quốc đã giảm hẳn khối lượng đầu tư từ 95 tỷ USD xuống còn 50 tỷ USD.
Cố gắng vượt qua khó khăn
          Trong chính sách phát triển tăng trưởng kinh tế, đường sắt chỉ là một trong những kỹ thuật mũi nhọn của Trung Quốc. Khác với vũ khí, đây là lãnh vực kỹ thuật mà Bắc Kinh nhắm xuất khẩu với hy vọng thu về lợi nhuận cao. Cũng nên biết giá bán một hệ thống đường sắt cao tốc cùng với những toa tàu rất cao, hiện nay chỉ có Đức và Nhật xuất khẩu kỹ thuật này. Trung Quốc đã bắt chước được kỹ thuật sản xuất xe lửa cao tốc Shinkansen của Nhật nhưng chỉ chạy trên hai ray chứ chưa chạy trên nệm không khí một ray như tại Nhật. Giá thành của hệ thống đường sắt của Pháp, Ý và Tây Ban Nha quá cao nên Bắc Kinh hy vọng có thể cạnh tranh được, ví nắm được cả kỹ thuật sản xuất đường ray lẫn máy nổ.
          Vấn đề sản xuất xe lửa chạy trên đường sắt cao tốc, cũng như tất cả các ngành kỹ thuật cao cấp khác của các công ty quốc doanh tại Trung Quốc là những ổ tham nhũng, với những món tiền hối lộ đut lót lên đến hàng trăm triệu USD. Ông Lưu Chí Quân, cựu bộ trưởng bộ đường sắt Trung Quốc bị cách chức vì tội tham nhũng và lợi dụng quyền thế. Chỉ những xí nghiệp thân tộc của ông Lưu mới được trúng thầu xây dựng đường sắt. Mỗi gói thầu đều phải đi kèm với tiền lại quà cáp khổng lồ và những phụ nữ đẹp cho ông Lưu. Chính vì muốn gỡ lại những số tiền đút lót, các công ty trúng thầu phải rút bớt lượng sắt thép và xi măng đã khai trong các hợp đồng xây dựng đường tàu. Nhưng chỗ nguy hiểm nhất là những cây cầu và đường hầm. Chiếc cầu bắt ngang qua sông bị sụp đã là nguyên nhân xảy ra tai nạn chết người tại Chiết Giang tháng 7 vừa qua.

Tai nạn xe hỏa cao tốc tại Chiết Giang
          Vì là ngành có thể mang lại lợi nhuận cao nên tất cả các phe nhóm cầm quyền đều tranh nhau xây dựng đường sắt cao tốc. Ông Lưu Chí Quốc là người thuộc phái Giang Trạch Dân nên nhân tai nạn Chiết Giang phe Hồ Cẩm Đào phải ra tay triệt hạ đê giành lại quyền kiểm soát. Một tháng sau, cũng nhân cơ hội tai nạn đường xe điện ngầm tại Thượng Hải, phe Thành đoàn Hồ Cẩm Đào đã giành lại quyền kiểm soát, loại phe Thượng Hải ra khỏi sân chơi. Cuộc tranh giành quyền lợi sẽ còn tiếp diễn trong những ngày sắp tới vì phe Thượng Hải qua Tập Cận Bình sẽ không bỏ qua cơ hội phục thù.
          Trước mắt ai cũng thấy đầu tư vào ngành đường sắt cao tốc trong nước bị thua lỗ nặng nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì ý định xuất khẩu sang nước ngoài với hy vọng thu về một nguồn ngoại tệ cao, vì giá bán của Trung Quốc vẫn rẻ hơn Nhật và Đức.
          Để quảng cáo, Bắc Kinh chỉ nhắm vào các quốc gia độc tài để chào hàng. Trong tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh hứa cho Venezuela vay 4 tỷ USD để xây dựng đường sắt cao tốc. Đầu năm 2011 vừa qua, chính quyền Việt Nam đã vận động quốc hội thông qua dự án xây dựng đường sắt cao tốc từ Bắc chí Nam. Để thí nghiệm độ an toàn, Bắc Kinh tiến hành hai đường sắt trên cao (monorail) ở Hà Nội để lấy tiếng. Trung Quốc cũng đang tiến hành dự án xây dựng đường sắt cao tốc tại Iran.
          Nhưng vấn đề xuất khẩu hệ thống đường sắt cao tốc đã không giản dị như Bắc Kinh mơ ước. Sau hai tai nạn đường sắt cao tốc và đường xe lửa điện, dư luận thế giới khám phá ra rằng kỹ thuật xe điện cao tốc của Trung Quốc còn quá ấu trĩ, thêm vào đó Trung Quốc chưa đủ khả năng huấn luyện và đào tạo nhân sự quản lý hệ thống đường sắt phức tạp để tránh gây tai nạn.
Tư bản nước ngoài bắt đầu tránh xa đoàn tàu hạ tốc
          Tình hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc giống như đoàn tàu cao tốc gặp tai nạn phải giảm tốc, hạ tốc để tránh rơi vào những tai nạn khác lớn hơn. Công ty đánh giá Moody's cho biết mức nợ công của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn cho phép. Cổ phần của các tập đoàn Ngân Hàng Trung Quốc, Ngân Hàng Kiến Thiết Trung Quốc, Tổng Công Ty Xây Dựng Đường Sắt Trung Quốc đã bị giới đầu tư lánh xa. Đại biểu cho sự tẩy chay này là Quỹ Đầu Tư Nhà Nước của Singapore, Tamesak, chỉ tong một ngày (6/7/2011) đã bán 3,6 tỷ USD cổ phần các tập đoàn kinh doanh của Trung Quốc.
          Có thể nói đến thế kỷ 21 phong trào xây dựng ào ạt khắp nước của Trung Quốc giống như một đoàn tàu cao tốc đua nhau chạy hỏa tốc bỗng một số tai nạn liên tiếp xảy ra cho thấy triệu chứng bệnh hoạn, sự suy sụp xảy ra khiến đầu tư phải thắng gấp, hạ cánh gập ghềnh như một cơ thể khổng lồ bị bệnh xơ cứng tim mạch cấp tính bị té nhào là điều có thể xảy ra. Mô thức xe điện cao tốc "hài hòa" bị hạ tốc từ tai nạn ở Chiết Giang là dấu hiệu tiêu vong "kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc".
          Nói tóm lại, mô hình phát triển của Trung Quốc hiện nay đã đạt tới giới hạn cho phép. Bắc Kinh không thể tiếp tục bóc lột sức lao động của nhân dân trong nước để xuất khẩu hàng hóa với giá rẻ thu về ngoại tệ làm của riêng như trước. Hơn nữa, trước đà suy thoái chung trên thế giới, các quốc gia giàu có phương Tây sẽ không nhập khẩu hàng hóa, dù rẻ tiền, của Trung Quốc như trước. Trong những ngày sắp tới, thế giới sẽ chứng kiến những khó khăn mà Trung Quốc phải đối đầu: Thất nghiệp gia tăng dẫn đến hỗn loạn, tổng số nợ khó đòi đã vượt quá mức báo động buộc phải trích thêm ngân sách để bủ lỗ.
          Trung Quốc không thể tiếp tục phát triển bằng mọi giá bất chấp dư luận trong và ngoài nước. Ngoài việc nâng giá đồng CNY (nhân dân tệ), Bắc Kinh phải huấn luyện và đào tạo thêm nhân tài để quản lý guồng máy sản xuất và kỹ thuật. Nếu thất bại trong việc nâng cao phẩm chất giáo dục phổ thông để đào tạo nhân tài quản lý nền kinh tế hiện đại, đoàn tàu Trung Quốc không những phải giảm tốc mà còn phải hạ tốc để không phải chạy thụt lùi và tránh hỗn loạn xã hội.
 Nguyễn Minh (Tokyo)

No comments:

Post a Comment