Minh Anh (RFI)
- Về tình hình Trung Quốc, nhật báo Liberation hôm nay quan tâm đến vụ
biểu tình của người dân tại thành phố Đại Liên trong vụ nhà máy hoá chất
thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Theo nhận định bài viết, internet vẫn
là công cụ hữu hiệu nhất để người dân bày tỏ chính kiến.
Theo
thông tín viên của nhật báo Liberation tại Bắc Kinh, hôm chủ nhật vừa
qua, có khoảng từ 50.000 đến 70.000 người đã xuống đường biểu tình trước
tòa thị chính của thành phố Đại Liên. Họ yêu cầu chính quyền địa phương
phải cho di dời nhà máy hóa chất thuộc tập đoàn Fujia Corp., chuyên sản
xuất chất paraxylène, một loại hóa chất độc hại, được biết đến dưới tên
viết tắt là PX.
Dân chúng Đại Liên biểu tình đòi di dời nhà máy hoá chất (Reuters)
Trước
đó, nhiều lời mời đăng tải trên mạng khuyến khích người dân « đi dạo »
trước cổng tòa thị chính của thành phố Đại Liên xuất hiện trên các trang
blog. Liberation cho rằng, sở dĩ có lời mời kỳ lạ là vì những người nào
đưa ra lời « kêu gọi biểu tình » sẽ bị kết án rất nặng.
Tin nhắn tối thiểu, biểu tình tối đa
Thế
nhưng, theo Liberation, chính những hình ảnh, những đoạn vidéo được ghi
lại bằng điện thoại di động và được đưa lên mạng là những yếu tố quyết
định, thúc đẩy người dân thành phố Đại Liên xuống đường đông đảo, khiến
cho lực lượng an ninh của thành phố trở nên bất lực.
Bài
báo cho biết, nguyên nhân bắt đầu từ việc cơn bão tràn vào thành phố
Đại Liên và đã phá hủy phần bên trong nhà máy. Họ e sợ rằng nếu chất PX
thoát ra ngoài, sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của gia đình họ. Theo tác
giả, người dân thành phố Đại Liên không mấy tin tưởng vào những lời hứa
của chính quyền địa phương là sẽ cho xây đập và mọi nguy hiểm sẽ được
loại trừ, vì chính quyền đã từng gạt bỏ ngoài tai những lời cảnh báo vào
thời điểm khởi công xây dựng nhà máy, chỉ vì lợi nhuận kinh tế mà bất
chấp rủi ro.
Liberation
nhận định, đối với một số người dân thành phố Đại Liên, vụ biểu tình
hôm chủ nhật vừa qua là một chiến thắng. Họ hy vọng rằng chính quyền nên
lắng nghe ý kiến của người dân. Họ khẳng định rằng các trang blog nhỏ
cũng chính là những phương tiện để bày tỏ chính kiến.
Tuy
nhiên, một số khác vẫn cảm thấy nghi ngờ về những lời hứa của ông Bí
thư tỉnh ủy. Theo Liberation thì sự nghi ngờ này cũng chính đáng, khi mà
toàn thể báo giới Trung Quốc theo lệnh của chính quyền không được đề
cập đến sự cố tại nhà máy Đại Liên.
Không
những thế, hôm qua, tất cả những hình ảnh nào liên quan đến Đại Liên cả
trên báo chí địa phương lẫn trên các trang blog đều bị xóa sạch. Cuối
cùng, Liberation cho biết tin đồn các vụ bắt bớ bắt đầu lan truyền trong
thành phố đêm hôm qua.
Nước Mỹ không giỏi xử lý chất thải điện tử
Liên
quan đến vấn đề môi trường, nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết so
sánh nước Mỹ như một học trò dốt cho nên "đội sổ" trong việc tái chế
chất thải điện tử. Bài báo cho biết, không những Mỹ dẫn đầu thế giới về
sản xuất các mặt hàng điện, mà còn là nước xuất khẩu hàng đầu các chất
thải điện-điện tử độc hại.
Theo
Le Monde, mỗi ngày Mỹ xuất khẩu – bằng con đường chính ngạch - từ 50
đến 100 công-tê-nơ các chất thải trang thiết bị điện và điện tử (viết
tắt là DEEE) sang Châu Á, chủ yếu là Hồng Kông, trung tâm Châu Á chính
của Mỹ. Trong khi đó, từ 1997, liên hiệp Châu Âu đã có văn bản cấm xuất
khẩu các chất thải độc hại sang các nước không là thành viên thuộc Tổ
chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (viết tắt là OCDE).
Le
Monde cho biết, để đấu tranh chống lại việc kinh doanh các chất thải
độc hại sang các nước Châu Á và Châu Phi, ông Jim Puckett, một nhà làm
phim của Mỹ đã thành lập một tổ chức phi chính phủ, với tên gọi là «
Basel Action Network » (viết tắt là BAN) vào năm 1997, đặt trụ sở tại
thành phố Seattle, thuộc bang Washington, Mỹ.
Ông Jim Puckett cho biết trước đó một luật bổ sung đã được thông qua năm 1995, nhưng không thực hiện được do không được nhiều nước thông qua. Đến năm 2010, ông đưa ra một chương trình hành động dưới tên gọi « e-stewards ». Theo đó, các nhà tái chế cam kết không xuất khẩu các chất thải độc hại qua các nước thứ ba và chính họ phải từ đảm bảo về việc xử lý trong khuôn khổ tôn trọng môi trường và sức khỏe.
Le
Monde cho biết, phương pháp hành động của tổ chức này rất đơn giản :
đến thẳng địa bàn, thu thập các nhân chứng (bằng cách sử dụng máy quay
phim ẩn, nếu cần thiết) để gây áp lực. Ông Jim Puckett đã kể cho Le
Monde biết tại Trung Quốc, Việt Nam hay Ghana, những người làm công việc
tháo gỡ các linh kiện điện tử trong các máy vi tính, màn hình tivi và
các loại máy móc khác đến từ các nước phương Tây, phải làm việc trong
những điều kiện thật đáng sợ. Do không được bảo vệ tối thiểu, những cư
dân trong những vùng chứa chất thải mở này phải hít khói độc và lội bì
bõm trong vũng nước chứa đầy các kim loại nặng.
Cuối
cùng Le Monde cho biết, Châu Âu cũng không lấy làm gì trong sáng cho
lắm. Lệnh cấm xuất khẩu chất thải độc hại đã được tránh né qua các vụ
buôn lậu hay thông qua hệ thống khai báo giả.
Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Trung Quốc
Liên
quan đến quan hệ Mỹ - Trung, nhật báo Le Figaro hôm nay có bài đăng về
chuyến thăm Trung Quốc của phó Tổng thống Mỹ. Qua bài viết « Nhân vật số
2 của Mỹ đến Trung Quốc để trấn an ông chủ nợ của mình », Le Figaro
nhận định rằng ông Joe Biden muốn thuyết phục Bắc Kinh về độ tín nhiệm
tài chính của Mỹ.
Le
Figaro nhận định, đây là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của ông
Joe Biden tại Trung Quốc, kể từ sau khi nhậm chức. Và Trung Quốc cũng là
chặng đầu tiên trong chương trình công du Châu Á trước khi ghé thăm
Mông Cổ và Nhật Bản. Đến thăm Trung Quốc lần này, phó Tổng thống Mỹ hy
vọng tăng cường các mối quan hệ với Bắc Kinh. Nhất là, ông đến để gặp gỡ
thế hệ lãnh đạo mới, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, người được xem là sẽ
kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào vào năm 2013.
Le
Figaro cho biết, trong khi báo chí Trung Quốc không kiệm lời chỉ trích
Mỹ không biết « liệu cơm gắp mắm » và việc Cơ quan thẩm định tài chính
Đại Đồng hạ bậc Mỹ, thì chính quyền Bắc Kinh vẫn tỏ vẻ tin tưởng vào nền
kinh tế Hoa Kỳ và tiếp tục mua công trái phiếu của Mỹ.
Theo
Le Figaro, qua đợt khủng hoảng lần này cho thấy, Trung Quốc hiện đang
chiếm ưu thế hơn so với Mỹ. Cho dù chính quyền Obama vẫn đang cố gắng
trấn an thị trường, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt nhiều niềm
tin vào thị trường Châu Á, nhất là Trung Quốc.
Le
Figaro cho biết, riêng trong tháng 7 năm nay, đầu tư trực tiếp của nước
ngoài vào Trung Quốc đã tăng 19,83%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Le
Figaro cho rằng có lẽ Mỹ cũng nên rút lại lời chỉ trích Trung Quốc kềm
giá đồng nhân dân tệ, do giá đồng nhân dân tệ hôm qua đã lên cao đến mức
kỷ lục 6,39 tệ/ đô-la. Nói một cách khác, là đồng nhân tệ tăng 7% kể từ
khi Trung Quốc cố tình hạ giá đồng tiền của mình từ tháng 6/2010.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khẳng định rằng chính áp lực của lạm phát buộc Bắc Kinh phải thả đồng nhân dân tệ của mình.
Tại Pháp, ngành bán dược thảo đang hồi sinh trở lại
Liên
quan đến vấn đề thị hiếu của người tiêu dùng tại Pháp, nhật báo Le
Monde chú ý đến khuynh hướng quay trở lại với thiên nhiên và các sản
phẩm sinh học. Qua bài viết « Các nhà dược thảo trông chờ được hồi phục
lại bằng cấp và vị thế », Le Monde nhận định khuynh hướng tiêu thụ dược
thảo đang là một mốt thời thượng hiện nay.
Cửa
hàng « Mảnh đất đầu tiên của tôi » (Ma Terre première) của Delphine
Stolar, được khai trương vào trung tuần tháng 10-2010, là một cửa hàng
chuyên bán các sản phẩm được chế biến từ các dược thảo, nằm trên phố
Oberkampf, thuộc quận 11 của Paris. Tại đây, người mua có thể tìm thấy
muôn vàn sản phẩm thảo dược từ thuốc bổ tự nhiên, nước hoa, thảo dược
ngâm trong cồn, đến các loại mứt từ cây cỏ, mỹ phẩm sinh học, tinh dầu
và hương liệu thực vật.
Theo
chủ tiệm « các loại dược thảo có tính chất dự phòng hơn là chữa trị
[... ] và có thể đi kèm theo y học thông thường». Chính vì đặc tính này,
mà nhu cầu các loại sản phẩm này ngày càng tăng « các khách hàng tìm
kiếm chủ yếu những loại sản phẩm để chăm sóc những cơn đau thường nhật,
giảm stress, giúp tiêu hóa tốt hơn… Trong đó, các loại trà thảo dược và
tinh dầu là những sản phẩm hàng đầu ».
Thế
nhưng, Le Monde đưa ra một nghịch lý là, tuy chị Delphine Stolar đã
được « Hiệp hội cho sự hồi sinh thảo dược » (ARH) cấp chứng nhận thẩm
quyền về khoa học thực vật và thảo dược, một ngành đào tạo tư và độc
lập, nhưng chị không phải là nhà dược thảo học. Le Monde cho biết, chính
Thống chế quân đội Pháp Pétain đã hủy bỏ bằng cấp và nghề thảo dược vào
năm 1941, dưới áp lực các vụ vận động hành lang của ngành dược.
Dù
vậy, Le Monde cũng nhận định rằng nghề thảo dược đang dần xuất hiện trở
lại. Từ năm 2008, chính phủ Pháp đã cho phép và thương phẩm hóa tự do
148 loài thảo mộc. Tuy nhiên, việc bán các loài thảo mộc vẫn dành cho
các trình dược viên.
Delphine
Stolar và các đồng nghiệp của chị đòi phục hòi lại bằng cấp và nghề bán
thảo dược, trước tiên là vì trong khuôn khổ hợp pháp, có thể cung cấp
cho người tiêu thụ những thông tin đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc
và các thức sử dụng. Vì theo chị, tuy thảo dược có nhiều ưu điểm, nhưng
vài hoạt tính chính của thảo mộc có thể có những hậu quả tai hại cho cơ
thể con người.
Cuối
cùng, theo Le Monde, hiện tại khó có chuyện cho phép kinh doanh buôn
bán nhiều loại thảo mộc bổ sung. Các trình dược viên vẫn duy trì sự độc
quyền của họ về thảo dược.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110817-trung-quoc-trang-blog-cang-nho-bieu-tinh-cang-lon
No comments:
Post a Comment