Bạn đọc thân mến, bạn đang cầm trong
tay một cuốn sách rất đặc biệt, bởi vì nó đề cập đến một sự kiện hết sức
đặc biệt, một sự kiện mà chắc chắn không một tờ báo chính thống nào có
thể nhắc tới và công khai thừa nhận vào thời điểm này, trong khi cũng
chắc chắn như thế, sự kiện ấy rồi sẽ đi vào lịch sử Việt Nam hiện đại
như một cột mốc đáng nhớ trên con đường đi tới dân chủ hóa. Đó là các
cuộc biểu tình – “tuần hành chống xâm lăng” – của những người Việt Nam
yêu nước trước hiểm họa bá quyền phương Bắc, vào hai ngày chủ nhật 5-6
và 12-6-2011, đồng thời tại cả Hà Nội và Sài Gòn. Hoàn toàn không được
chính quyền và báo chí – truyền thông chính thống thừa nhận, nhưng các
cuộc biểu tình đó, với quy mô không hề nhỏ, đã chứng tỏ quá nhiều điều:
Đó là sự bắt đầu của một quá trình dân chủ hóa, đa nguyên hóa lành mạnh,
dẫu rằng trước hết chỉ là… trên mạng. Những cuộc tranh cãi, “bút chiến”
gay gắt giữa những người ủng hộ và phản đối biểu tình, vào thời điểm
“đêm trước cuộc xuống đường, chẳng phải cũng là một biểu hiện của sự đa
nguyên hay sao?
Đó là dấu hiệu cho thấy sự trưởng
thành về nhận thức, bản lĩnh của thế hệ người Việt Nam mới. Bất chấp
hoàn cảnh thiếu thông tin, thiếu minh bạch của xã hội, bất chấp nền giáo
dục còn nhiều yếu kém, lạc hậu, thế hệ ấy vẫn vươn lên, hướng ra bên
ngoài thế giới toàn cầu hóa, để học hỏi, bổ sung kiến thức cho mình và
chia sẻ với bạn bè, trên nền tảng “người thầy” vĩ đại của họ: Internet.
Đó là hồi chuông cảnh báo hố sâu cách biệt ngày càng lớn giữa một bộ
phận cầm quyền vẫn mang trong mình đầu óc bảo thủ, phản tiến bộ, phi dân
chủ, với một tầng lớp nhân dân đông đảo của “thế hệ Facebook”, đầy sự
cởi mở, tự tin, năng động, tiến bộ về nhận thức chính trị. Chẳng phải là
sự cách biệt đã tới mức báo động sao, khi cuộc biểu tình của hơn 3000
con người ở cả hai đầu đất nước, lại chỉ được báo chí chính thống coi là
“hành động tụ tập tự phát của một số ít người”, “đi ngang qua Đại sứ
quán và Lãnh sự quán Trung Quốc”? Và trên tất cả, đó là thước đo tình
yêu nước của người dân, mà xuống đường biểu tình, bày tỏ chính kiến của
mình, chống hiểm họa xâm lăng phương Bắc, là một trong những cách
biểuhiện. Chẳng có hình ảnh nào thể hiện đẹp đẽ và cảm động hơn tình yêu
nước ấy bằng hình ảnh những chàng trai cô gái trong sắc áo đỏ, trẻ
trung, phơi phới, xuống đường phất cờ Tổ quốc và giương cao khẩu hiệu
phản đối chính quyền Trung Quốc bá quyền, xâm lược.
Bạn đọc mến, cuốn sách mà bạn
cầm trên tay đây là tập hợp những bài viết của hàng loạt blogger trong
“thế hệ Facebook” đó. Cuốn sách ghi lại cảm xúc của những chàng trai, cô
gái Việt Nam trước giờ xuống đường, trong những khoảnh khắc họ sát cánh
cùng nhau tuần hành yêu nước, và những suy tư, phân tích của họ về các
khái niệm lâu nay vốn bị coi là nhạy cảm, là “độc quyền” của Nhà nước,
của chính quyền: biểu tình, quyền con người, quyền được… yêu nước, v.v…
Bạn đọc có thể thấy, trong cuốn sách, có cả những bài viết theo một
hướng khác, một giọng khác, trái ngược hẳn đa số còn lại. Nhưng những
bài viết đó cũng phản ánh một góc nhìn mà người đọc cần ghi nhận và có
thể đưa ra thảo luận, vì thế chúng được đưa vào tuyển tập, với sự tôn
trọng tinh thần đa nguyên. Các bạn có thể xem cuốn sách như một tập
“nhật ký” lưu lại những ngày tháng đáng nhớ của cả một thế hệ. Về phần
mình, người làm sách xin được coi đây như một món quà tinh thần để tôn
vinh tất cả các bạn – những người đã và đang bằng cách của mình kiên trì
và nỗ lực cho một nước Việt Nam dân chủ, tự do và phồn vinh.
Việt Nam, đêm 13-6-2011
danlambao
No comments:
Post a Comment