Lê Phan - Cho đến nay chính quyền Hà Nội vẫn cứ úp mở về bức công hàm mà cố thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã viết cho Bắc Kinh.
Và trong khi đó, Bắc Kinh, bất cứ lúc nào có cơ hội, cũng nhắc lại bức công hàm này.
Vậy
bức công hàm đó đã xác nhận điều gì. Như một số học giả trong nước đã
nhắc lại, năm 1958, Bắc Kinh đã ra một tuyên bố về lãnh hải. Các tài
liệu của các học giả ở trong nước thường nói là việc Bắc Kinh đưa ra
tuyên bố về lãnh hải này là vì sợ Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ gửi đệ thất hạm đội
đến eo biển Ðài Loan sau cuộc pháo kích kinh hồn của Trung Quốc vào hai
đảo Kim Môn và Mã Tổ vào giai đoạn năm 1956. Lý luận đó thực vô lý vì
Hoa Kỳ gửi hạm đội đến vùng này chỉ vì sợ Bắc Kinh thôn tính Ðài Loan.
Bản
tuyên bố đưa ra năm 1958 có một số điều đặc biệt là về lãnh hải tính
theo hải phận từ các hòn đảo mà bản tuyên bố bao gồm đảo Ðài Loan, quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặc dầu xác nhận hải phận chỉ có 12 hải lý,
nhưng bản tuyên bố khẳng định “Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản
của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là
các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo
ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính từ các đường căn bản này là hải
phận của Trung Quốc.” Bản tuyên bố còn khẳng định là nếu không có sự cho
phép của Bắc Kinh thì “tất cả máy bay nước ngoài và tàu bè quân sự
không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận
này. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc
đều phải tuân thủ các luật lệ liên hệ của chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa”.
Trong một bản phân tích
công phu của trên IBRU Boundary and Security Bulletin, Tiến Sĩ Daniel J.
Dzureck giải thích là nguyên tắc đường thẳng, mà tiếng Anh gọi là
“baseline” đã được Trung Quốc định nghĩa rộng hơn bình thường. Tính hải
phận theo baseline, theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển chỉ được tính đối
với đất liền dựa trên đường lúc triều xuống đánh dấu bởi các bản đồ
được công nhận bởi quốc gia đó. Trong các đoạn có nhiều eo biển, công
ước công nhận việc nối hai đỉnh của eo biển nếu eo biển đó không có
tranh chấp chủ quyền.
Sau khi ký vào
Công Ước Quốc Tế về Luật Biển năm 1982, Bắc Kinh cũng khẳng định thêm
vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Trong văn bản đính kèm được gửi đến
ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh còn đưa ra thêm khẳng định “Tái
xác định những điều khoản của công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển liên
quan đến việc lưu thông vô tư qua vùng biển lãnh hải sẽ không thay đổi
quyền của quốc gia duyên hải yêu cầu, theo đúng luật lệ của mình, một
quốc gia khác phải xin phép trước và thông báo cho quốc gia ven biển cho
việc di chuyển của các chiến hạm qua vùng biển của quốc gia này.”
Tiến
Sĩ Dzurek đã bày tỏ ngạc nhiên “Thật bất bình thường cho một quốc gia
thêm một đòi hỏi chủ quyền trong văn kiện đính kèm. Lời tuyên bố đính
kèm chữ ký công nhận công ước cũng tái xác nhận chủ quyền hải đảo và
những lời lẽ lộn xộn về lưu thông vô tư.” Nhiều quốc gia coi cả hai điều
kiện về “chấp thuận trước” và “thông báo trước” là đi ngược lại với
công ước năm 1982.
Ông Dzurek cũng
nói là Bắc Kinh không định nghĩa rõ ràng khu vực đặc quyền khai thác của
họ, nhưng với các vùng biển ven biên bao quanh Trung Quốc, hẳn là có
nhiều khu vực vùng 200 hải lý sẽ đụng với các quốc gia láng giềng. Bắc
Kinh có hứa là sẽ điều đình với các quốc gia lân bang thành ra phải nói
khu vực đặc quyền 200 hải lý của Bắc Kinh chưa định hình.
Một
trong những điều mà ông Dzurek ghi nhận là đường thẳng của Bắc Kinh
trong vịnh Bắc Việt sẽ đụng sâu vào vùng hải phận của Việt Nam, bởi nếu
đúng vậy thì Bắc Kinh phải ngừng lại bên ngoài vịnh Bắc Việt và cùng lắm
chỉ nhận một phần nhỏ của vịnh này.
Ông
Dzurek khẳng định là Bắc kinh đã định đường hải phận tính qua các hòn
đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ không được quyền theo luật biển. Ðiều
46 của Luật Biển xác định là chỉ có các quốc gia quần đảo mới có quyền
tính hải phận theo đảo, một điều mà cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không
áp dụng được, và việc tính này phải dựa trên tỷ số đất liền so với biển
ở tỷ lệ 1:1 hay 9:1. Khu vực Bắc Kinh nói là chủ quyền quanh quần đảo
Hoàng Sa lên đến 17,400km2. Những vùng đất của quần đảo Hoàng Sa không
được xác định rõ ràng nhưng nếu đúng theo tiêu chuẩn của luật biển thì
cần phải có 1,933km mới đủ tỷ lệ đất đai so với nước.
Lúc
đó, Bắc Kinh chưa vẽ đường hải phận bao quanh quần đảo Trường Sa. Mới
đây họ vẽ thêm khu vực đó và nhờ vậy cộng lại thành đường lưỡi bò, hay
đúng hơn đường thẳng 9 đoạn.
Cũng năm
đó, Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng của Hà Nội gửi một công hàm cho Thủ Tướng
Chu Ân Lai trong đó ông Ðồng viết “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính
phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung
Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy
và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng
hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa
Nhân Dân Trung Hoa trên mặt biển”.
Tuyên
bố rất rõ ràng và phải nói là Bắc Kinh đúng khi họ nói Hà Nội đã công
nhận chủ quyền của họ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một
số các nhà nghiên cứu trong nước biện luận là lúc đó, chính phủ Hà Nội
đang trong thế cô, cần sự giúp đỡ của Trung Quốc, vả lại cũng còn chưa
thấy có thể đạt được mục tiêu thống nhất đất nước dưới quyền họ chứ đừng
nói đến hải đảo, thành ra đã chấp nhận việc đó.
Lý
luận như vậy nghe không ổn bởi điều mà các sử gia chỉ ra là trong giai
đoạn đó, dầu cho Hà Nội không đưa ra công hàm này, Bắc Kinh cũng không ở
trong cái thế có thể làm gì được Hà Nội. Ngược lại, trong cái thế tay
đôi của thế giới Cộng Sản hồi đó, Bắc Kinh vẫn phải cạnh tranh giành ảnh
hưởng với Nga nữa. Việc ông Ðồng đã gửi công hàm này quả là một hành
động nhẹ nhất thì cũng là thiếu suy nghĩ, mà tệ hơn thì phải nói là quá
hèn.
Bởi lãnh thổ kể cả vùng trời
vùng biển là di sản của cha ông để lại. Ngay đến Việt Nam Cộng Hòa, mà
Hà Nội vẫn coi là tay sai của Ðế quốc Mỹ, cũng không thể lòng dạ nào mà
ký vào một công hàm công nhận bán đứng một phần lãnh thổ. Khi Bắc Kinh,
thừa nước đục thả câu, tấn công vào quần đảo Hoàng Sa để khẳng định một
phần của đường lưỡi bò, chính phủ Cộng Hòa, mặc dầu thế cô sức yếu, đã
cương quyết tìm cách bảo vệ lãnh thổ. Tất cả các chính phủ Việt Nam, kể
cả chính phủ Trần Văn Hữu tại Hội nghị Cựu Kim Sơn, đều đã khẳng định
chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại hội nghị Cựu Kim
Sơn năm 1951, Thủ Tướng Trần Văn Hữu đã kết luận bài diễn văn của ông
với lời khẳng định “Việt Nam rất hứng khởi ký nhận trước nhất cho công
cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy, cần phải thành thật lợi dụng
tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm móng tranh chấp sau này, chúng
tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo
Trường Sa và Hoàng Sa”.
http://baotoquoc.com/2011/07/13/da-d%E1%BA%BFn-luc-noi-th%E1%BA%ADt/#more-31347
No comments:
Post a Comment