Friday, June 17, 2011

Vì sao chúng ta cần đến tổ chức?

Việt Hoàng “...Việc xây dựng và hình thành tầng lớp nhân sự chính trị này là việc làm cấp bách và không thể trì hoãn được. Số phận của một dân tộc là được sống trong vinh quang hay tủi nhục đều do tầng lớp này quyết định...”


 Công việc của tôi là kinh doanh, ba việc chính của kinh doanh là chọn hàng, mua hàng và bán hàng. Cả ba việc đó đều quan trọng như nhau, nếu sai sót bất cứ khâu nào cũng đều gặp thất bại. Kinh doanh là việc khó khăn và người làm kinh doanh phải hết sức thực tiễn, mọi sai lầm dù nhỏ đều phải trả giá bằng tiền.

Trong ba việc chọn hàng, mua hàng và bán hàng thì tôi nghĩ rằng bán hàng là việc tốn nhiều công sức và khó khăn nhất. Chuyện kinh doanh theo kiểu "tiền chao cháo múc", tức là giao hàng là lấy tiền ngay, trong thời buổi kinh tế thị trường mang tính toàn cầu hóa như hiện nay là điều không tưởng, nó chỉ xảy ra với những mặt hàng độc, hàng đang vào vụ, hoặc lúc "cháy hàng"… Còn thì thông thường các mặt hàng đều bán tiền chậm, kiểu gối hàng, lấy hàng mới thì trả tiền hàng cũ.

Khi đã bán hàng trả chậm, tức là cho người mua hàng nợ tiền thì việc thu tiền về rất là khó khăn, khó như "thả gà rồi đi đuổi". Nếu hàng đẹp và đúng thị hiếu người tiêu dùng thì việc đòi tiền sẽ rất dễ dàng, nhưng với những mặt hàng mà cạnh tranh nhiều thì ngoài việc giá cả hợp lý còn phải cần đến quan hệ tình cảm lâu dài và tốt đẹp với bạn hàng. Ngoài đức tính trung thực trong kinh doanh, theo tôi, còn một bí quyết nữa để thành công đó là hãy chịu thiệt một chút với khách hàng để đôi bên cùng vui vẻ. Đáng lý lãi mười, chỉ cần lấy về tám là được. Chi li và chắc lép quá cũng khiến đối tác khó chịu. Ông bà mình cũng đã dạy "xởi lởi trời cho", "tham bát bỏ mâm", "tham thì thâm"...

Khi giao hàng trả chậm cho ai đó thì việc đầu tiên mà bạn phải làm là đặt câu hỏi "người này là ai ?", "anh (chị) ta có thể tin tưởng được không ?". Thứ tự ưu tiên sẽ là :

a) những người đã làm ăn với mình lâu dài, tức là đã có đủ uy tín vì đã có thời gian để kiểm chứng.
b) những người có gia đình nhà cửa, vợ con.
c) đối với những người mới kinh doanh thì phải có người bảo lãnh và chưa có tai tiếng gì.

Những người trẻ, chưa có gia đình, mới tập kinh doanh là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi đi lấy hàng. Hoặc là họ phải nhờ người bảo lãnh hoặc họ phải làm kiểu cò con, lấy hàng ít một, rồi dần dần xây dựng uy tín. Trong kinh doanh thì hai yếu tố quan trọng hàng đầu đó là năng lực và uy tín. Thiếu một trong hai thứ này thì không thể kinh doanh thành công, nhất là uy tín. Uy tín của con người (hay uy tín của một tổ chức) cũng như thương hiệu một công ty là những thứ không thể vay mượn mà phải tự xây dựng. Muốn tạo dựng một uy tín hay thương hiệu thì phải cần có thời gian.

Như vậy, một tổ chức chính trị cũng như một công ty kinh doanh, muốn có uy tín thì phải có thời gian để tạo dựng. Tổ chức đó phải trung thực, bao dung và đồng thời phải có phương pháp hay bí quyết để giành thắng lợi. Một người kinh doanh thành công là người có tầm nhìn, dám nghĩ dám làm, giao tiếp giỏi, thực tiễn, tôn trọng khách hàng, biết mình biết người. Một người làm chính trị giỏi cũng cần phải có những đức tính trên với một tầm cao hơn vì "khách hàng" là cả dân tộc và bạn bè quốc tế. Một chính khách thật sự còn cần thêm một số đức tính khác như yêu nước, kiên nhẫn, bao dung, luôn biết lắng nghe và thấu hiểu người dân.

Vậy :
Việt Nam ta có người yêu nước và trung thực khôngc? Có. Rất nhiều là đằng khác.
Việt Nam ta có người vị tha, bao dung và biết sống vì người khác không ? Có. Có nhiều người.
Việt Nam ta có người có tầm nhìn (viễn kiến) không ? Có, nhưng không nhiều.
Việt Nam ta có người biết yêu nước đúng cách, muốn thay đổi vận mệnh cho đất nước không ? Không nhiều lắm.

Nếu xét từng khía cạnh một thì Việt Nam không thiếu người yêu nước, bao dung, viễn kiến. Thế nhưng tại sao chúng ta vẫn không có những nhà chính trị xuất sắc? Tại sao dân tộc ta vẫn đắm chìm trong lạc hậu và nghèo khó? Tại sao Việt Nam vẫn chưa có được một tầng lớp chính trị tinh hoa, tầng lớp "nhân sự chính trị" hay "trí thức chính trị" đúng nghĩa, như ông Nguyễn Gia Kiểng đã nói ?

Rõ ràng là để trở thành một chính trị gia thật sự thì người đó phải hội đủ tất cả những yếu tố trên: yêu nước, bao dung, kiên nhẫn, biết chia sẻ, biết hy sinh vì dân tộc, có giấc mơ lớn và trung thực. Rất tiếc là người hội tụ đầy đủ những yếu tố trên không nhiều. Có thể họ chỉ thiếu một yếu tố thôi, như "tính kiên nhẫn" chẳng hạn, thế là không thể đến đích, không thể trở thành một chính trị gia xuất sắc được.

Có thể nào trong một con người hội tụ tất cả những yếu tố trên không ? Hoàn toàn có thể ! Và chỉ trong một môi trường duy nhất: môi trường của tổ chức.

Vì sao ? Môi trường của tổ chức cho ta những gì ?

Tổ chức cho ta lý tưởng và niềm tin. Nếu giấc mơ của bạn nho nhỏ như muốn làm một chức quan thì bạn không cần đến tổ chức mà chỉ cần luồn lách rồi cũng sẽ đạt được ước mơ đó. Nhưng nếu giấc mơ của bạn lớn lao như muốn thay đổi số phận của cả một dân tộc, muốn làm tác nhân thay đổi lịch sử Việt Nam thì rõ ràng bạn phải cần đến tổ chức vì một lý do giản dị : không ai có thể làm nổi công việc đội đá vá trời một měnh. Tổ chức là chổ dựa tinh thần cho chúng ta, là nơi củng cố niềm tin cho chúng ta, bởi lẽ niềm tin phải được vun đắp và động viên thường xuyên. Sự cô đơn sẽ làm thui chột mọi ước mơ, nhất là những ước mơ lớn.
Tổ chức cho ta sự kiên nhẫn. Bản thân sự kiên nhẫn là đặc tính riêng của những người làm chính trị. Quần chúng nhân dân không bao giờ có đủ sự kiên nhẫn, nhất là kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu chính trị, vì họ có quá nhiều việc phải lo toan. Đã có nhiều nhân sĩ, những người lên tiếng đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam trước đây đã lui vào hậu trường sau một thời gian hoạt động có nhiều tiếng vang. Ngoài việc bị chính quyền gây sức ép, bản thân họ cũng cảm thấy cô đơn và mất kiên nhẫn vì cảm thấy con đường dấn thân cho lý tưởng quá gian nan mà sức người thì có hạn nên đành bỏ cuộc.

Nhiều nhân sĩ ở hải ngoại cũng vậy, họ cảm thấy mệt mỏi và thất vọng sau một thời gian hoạt động cá nhân, rồi lặng lẽ rút vào bóng tối, thỉnh thoảng có sự kiện gì đó họ viết một vài bài báo rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Tổ chức giúp chúng ta sàng lọc ý kiến và sản xuất ý kiến. Một người dù uyên bác đến đâu cũng có lúc sai lầm, nhưng nếu người đó có tổ chức thì ý kiến của họ trước khi đưa ra công chúng đã được những người trong tổ chức góp ý. Những người trong tổ chức sẽ nhận xét đánh giá trên tinh thần thẳng thắn, bao dung và mang tính xây dựng, vì vậy sẽ tránh cho người đó những sai lầm không đáng mắc phải. Tổ chức là nơi sản xuất ra ý kiến, những trao đổi thường xuyên trong nội bộ sẽ làm phát sinh ra nhiều ý kiến hay và ý tưởng mới. Rất nhiều bài viết của tôi là sự tổng hợp những ý kiến và tranh luận trong nội bộ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Tổ chức cho ta kiến thức, sự khôn ngoan và tấm lòng bao dung. Những trao đổi trong nội bộ của một tổ chức khiến kiến thức của các thành viên tăng lên rõ rệt, đến mức khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong cuộc hội luận trên mạng với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, do báo điện tử Dân Luận tổ chức, đã có những thành viên của Tập Hợp rất ít viết báo hay tham gia các cuộc tranh luận nhưng kiến thức chính trị của họ đều rất thuyết phục… Những ý kiến chủ quan mang nặng cảm tính hay cực đoan đều không có chổ đứng trong một tổ chức đứng đắn. Không phải tự nhiên mà có lần tôi đã nói rằng quan điểm của Tập Hợp về "hòa giải và hòa hợp dân tộc" là khoan dung tuyệt đối, tôn trọng nhau tuyệt đối, nhìn nhận mọi người Việt Nam với bất cứ chính kiến nào cũng là anh em tuyệt đối. Tôi cảm nhận được và tin vào điều này sau một thời gian tham gia vào Tập Hợp.

Tổ chức cho ta sự khiêm tốn và nghiêm túc. Nếu không nghiêm túc, khiêm tốn và nếu cái tôi trong mỗi người quá lớn (thật ra là quá bé) thì chúng ta không thể tham gia vào một tổ chức. Sẽ có những tranh luận nội bộ, có lúc sẽ gay gắt vì lời qua tiếng lại, nếu lúc đó chúng ta không có đủ tự tin hay nóng giận thì khó giữ được hòa khí và rồi bất đồng hay việc từ bỏ tổ chức sẽ phải đến. Bình tĩnh trong mọi tình huống là bản lĩnh của người làm chính trị, môi trường tổ chức là nơi giúp ta rèn luyện đức tính đó. Đúng như ông Nguyễn Gia Kiểng nói, để trở thành một "trí thức chính trị" thì ít nhất phải có hai điều kiện, thứ nhất là phải có ước mơ lớn và thứ hai là phải sống thành thực với chính mình. Mọi sự giả dối hay miễn cưỡng đều không tồn tại trong môi trường tổ chức.

Tổ chức cho chúng ta biết yêu nước thế nào là tốt nhất. Yêu nước có trăm nghìn cách yêu nước khác nhau. Người Việt Nam hầu hết là yêu nước nhưng không phải ai cũng biết yêu nước đúng cách. Nếu biết yêu nước đúng cách thì bây giờ Việt Nam không nghèo và tụt hậu như vậy. Những người cộng sản bây giờ thì "không còn gì để nói", nhưng thế hệ những người cộng sản trước đây (trong đó có bố tôi, một đảng viên với 40 năm tuổi đảng) có yêu nước không ? Tôi tin là có, và thậm chí nhiều là đằng khác. Họ chỉ biết hy sinh và cống hiến mà không đòi hỏi bất cứ cái gì cho bản thân và gia đình. Họ xứng đáng được kính trọng. Thế nhưng lòng yêu nước của họ đặt không đúng chổ, họ không biết yêu nước đúng cách nên suốt đời họ phải khổ và cả dân tộc Việt Nam phải chịu khổ, chịu nhục như họ. Vì vậy mới có câu "nhiệt tình cộng với ngu dốt thành phá hoại".

Thế nào là biết yêu nước đúng cách? Chủ đề này sẽ còn phải tranh luận nhiều. Theo ý tôi thì một tổ chức chính trị "biết yêu nước đúng cách" là một tổ chức phải hướng về tương lai, tổ chức đó phải có tư tưởng tiến bộ và đúng đắn để chỉ đường dẫn lối. Tổ chức đó phải có một đội ngũ cán bộ có phẩm chất và quyết tâm cùng với một lộ trình, một kế hoạch cụ thể để có thể đi đến thắng lợi cuối cùng. Một người "biết yêu nước đúng cách" là phải tham gia vào một tổ chức "biết yêu nước đúng cách".

Đơn giản như vậy nhưng đến bây giờ người Việt chúng ta vẫn chưa ý thức được điều đó. Có những ngộ nhận cần thay đổi, đã có những ý kiến cho rằng "làm cách mạng" thì chỉ cần hành động (bằng cách xuống đường biểu tình) mà không cần đến lý thuyết, phương pháp hay tổ chức làm gì (?!), hoặc một đám đông vài nghìn người là quan trọng hơn một nhà tư tưởng vì có thể dẫn đến thành công cho một cuộc cách mạng…Nếu đúng thế thì Lưu Bang không phải hạ mình ba lần đến lều cỏ của Khổng Minh để mời ông ra làm quân sư cho mình. Đấy chỉ là một vị quân sư (một mưu sĩ), trong khi một nhà tư tưởng thì tầm nhìn của họ còn cao hơn các vị quân sư này rất nhiều lần. Châu Âu tiến bộ vượt bậc và bỏ xa thế giới là nhờ phong trào Khai Sáng của các nhà tư tưởng trong thế kỷ 18.

Một đám đông nếu không có người gắn kết thì làm sao họ đoàn kết lại với nhau để tạo thành sức mạnh ? Chúng ta phải tâm niệm rằng "suy nghĩ phải luôn đi trước hành động", chúng ta cần học hỏi về phương pháp đấu tranh, về văn hóa chính trị, về văn hóa của tổ chức… Có vậy chúng ta mới có kiến thức về lĩnh vực chính trị. Khi có kiến thức và hiểu biết về chính trị thì chúng ta mới có được niềm tin vào chiến thắng sau cùng và rồi nhờ đó mà chúng ta có được sự dũng cảm để tranh đấu với hiện tại. Đúng như Kant, nhà tư tưởng lỗi lạc của Đức trong thế kỷ 18, đã nói "tri thức làm nên dũng khí. Hãy can đảm sử dụng tri thức của chính mình".
Biết yêu nước đúng cách và dẫn dắt lòng yêu nước của người dân luôn là nhiệm vụ khó khăn nhưng là việc làm bắt buộc của thành phần trí thức tinh hoa, thành phần trí thức chính trị. Cho đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có thành phần "trí thức chính trị" đúng nghĩa. Việc xây dựng và hình thành tầng lớp nhân sự chính trị này là việc làm cấp bách và không thể trì hoãn được. Số phận của một dân tộc là được sống trong vinh quang hay tủi nhục đều do tầng lớp này quyết định.


Việt Nam đã từng có một vị tiền bối lỗi lạc là cụ Phan Châu Trinh, người tiên phong, người đã cố gắng làm hết sức mình để thực hiện giấc mơ thay đổi văn hóa của người Việt, để từ đó thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở việc giành độc lập cho Việt Nam. Giấc mơ của cụ đã không thành, cụ đã thất bại trong cô đơn. Tuy nhiên con đường cụ đi, giấc mơ chưa thành hiện thực của cụ đang được tiếp tục bởi một vị hậu bối xuất sắc đó là ông Nguyễn Gia Kiểng và một tổ chức chính trị mà ông đã góp phần sáng lập : Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Ngoài việc tập trung xây dựng một tổ chức chính trị đứng đắn với một cương lĩnh chính trị mang tính thời đại để làm nơi hội tụ cho những con người Việt Nam ưu tú muốn làm tác nhân thay đổi lịch sử thay vì chỉ là tiếng nói của lương tâm, bản thân ông Nguyễn Gia Kiểng và Tập Hợp còn có một tham vọng lớn, rất lớn đó là góp phần hình thành nên tầng lớp trí thức chính trị (hay nhân sự chính trị) cho Việt Nam. Đây sẽ là thành phần trí thức chính trị tinh hoa của dân tộc, những người biết yêu nước, biết hy sinh, biết bao dung, có viễn kiến, có ước mơ lớn và sống trung thực. Tiếng nói của họ sẽ định hình và giúp cho người dân biết cách để chọn lựa chế độ chính trị và nhân sự lãnh đạo Việt Nam trong tương lai. Tôi tự hào khẳng định rằng Tập Hợp là tổ chức chính trị có nhiều "trí thức chính trị" nhất so với các tổ chức chính trị khác, kể cả đảng cộng sản Việt Nam.

Ước mơ lớn lao của Tập Hợp có thể trở thành hiện thực hay không ? Chúng ta có thể thay đổi được số phận của dân tộc Việt Nam hay không ? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, nhưng không dễ dàng. Với một điều kiện là giới trí thức Việt Nam phải dấn thân làm tiên phong.

Đâu là những rào cản để Việt Nam có được đội ngũ nhân sự chính trị đúng nghĩa này ? Đầu tiên là từ chính di sản của lịch sử, từ nền văn hóa Khổng giáo. Suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ có tầng lớp chính trị đúng đắn. Thành phần trí thức (sĩ phu) sinh ra là để phục vụ cho một ông vua nào đó chứ bản thân họ chưa bao giờ nhìn nhận rằng chính họ mới là người lãnh đạo và dẫn dắt nhân dân. Sau khi giành được độc lập năm 1945, những thành phần ưu tú của dân tộc đã bị đảng cộng sản triệt hạ gần hết với khẩu hiệu "Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc trốc tận rễ" và những trí thức du học cũng phải chịu số phận tương tự qua vụ án "Nhân văn giai phẩm".

Đảng cộng sản Việt Nam với 66 năm cầm quyền đã làm cho người dân lẫn trí thức kinh sợ những việc đáng lẽ rất trong sáng, cao đẹp và cần được khuyến khích đó là làm chính trị, dấn thân cho chính trị. Cứ nhắc đến việc "làm chính trị" hay "động cơ chính trị" là mọi người đều thấy cảnh giác, ghê sợ và xa lánh như là việc làm xấu xa và đồi bại. Những ai hoạt động chính trị chống lại chính quyền cộng sản đều bị trừng phạt nặng nề, nếu không lãnh án tử hình thì cũng tù chung thân, hay hàng chục năm tù. Trong khi đó những tội phạm hình sự (cướp của, giết người) thì cứ nhỡn nhơ, nếu bị bắt chúng có thể đựơc tha bổng dễ dàng nếu biết đút lót.

Việc nhồi nhét tư tưởng Mác-Lênin và chủ nghĩa cộng sản đã làm cho mọi thành phần nhân dân nhất là giới sinh viên chán ghét bất cứ một thứ chủ nghĩa chính trị nào, và làm cho người dân thờ ơ với các giá trị cao đẹp của nhân loại. Từ đó nảy sinh chủ nghĩa luồn lách.

Chủ nghĩa luồn lách ngày nay đă trở thành chủ nghĩa chỉ đạo mọi người, từ các cấp lãnh đạo đến thứ dân. Thứ chủ nghĩa quái dị này đã làm hủy hoại đi tất cả những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người, nó làm băng hoại đạo đức và chuẩn mực của toàn xã hội. Mỗi người chỉ còn biết đến bản thân mình và sẵn sàng chà đạp lên người khác để sống. Trong cuộc chơi này thì một người chống lại mọi người (bằng cách đút lót, chạy chọt để được việc cho mình) và mọi người sẽ chống lại mỗi người (những người có quyền luôn kiếm cách hành hạ người khác để tư lợi), rốt cục tất cả đều thất bại.

Ông Nguyễn Gia Kiểng rất đúng khi cho rằng "chủ nghĩa luồn lách" còn nguy hại hơn cả "chủ nghĩa cộng sản". Một đất nước mà ai cũng luồn lách giỏi, ai cũng khôn cả thì tương lai đất nước đó sẽ đi về đâu ?

Một thành phần có đóng góp quan trọng cho việc hình thành tầng lớp nhân sự chính trị đó là tầng lớp trí thức doanh nhân. Tiếc thay giới doanh nhân Việt Nam ngày nay đều có quyền lợi dính dáng đến chính quyền nên họ không thể vượt lên một tầm cao để có thể trở thành "trí thức chính trị", hy vọng thời gian sẽ thay đổi được tư duy của họ.

Những biến động gần đây trên Biển Đông đang phá vỡ thế trận "đi với Trung Quốc để cứu đảng" của chính quyền Việt Nam. Trước sự ngang ngược ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc, qua việc tàu hải giám của họ đã vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam và tấn công tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2 và Viking 2, khiến Việt Nam phản ứng gay gắt chưa từng có.

Ngày 5-6-2011 chính quyền Việt Nam đã bật đèn xanh cho các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn. Dù chính quyền Việt Nam thật sự bức xúc trước hành động của Trung Quốc, hay họ đang cố tình đánh lạc hướng chú ý của dư luận trong nước vì các vấn đề nổi cộm như lạm phát, thất nghiệp…thì sự kiện này cũng đang gây ra nhiều bất lợi và hệ lụy cho đảng cộng sản Việt Nam. Nó chứng tỏ một điều là chính quyền Việt Nam quá nhu nhược và hèn nhát trước ông hàng xóm to xác nhưng xấu tính. Các cấp lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam không dám lên tiếng vì sợ Trung Quốc "dạy cho một bài học" nữa.

Rõ ràng là chính quyền Việt Nam khó lòng chống chọi với dã tâm của Trung Quốc. Vì độc tài, không có dân chủ nên chính quyền không thể đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Vì tham nhũng hoành hành nên nhà nước không thu được thuế, ngân sách trống rỗng vì vậy không có tiền mua vũ khí để bảo vệ tổ quốc. Ai cũng rõ một điều đơn giản là không thể nào bảo vệ tổ quốc chỉ bằng sự phẫn nộ và lòng yêu nước mà phải có thực lực, có sức mạnh quân sự. Việt Nam cũng không có hậu thuẫn của quốc tế (đứng đầu là Mỹ) cũng vì thể chế chính trị độc tài. Việt Nam thường xuyên lên tiếng chỉ trích Mỹ và Châu Âu là "can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam", giờ đây trước sức ép của Trung Quốc, Việt Nam tha hồ mà tự xoay xở, sẽ chẳng ai muốn "can thiệp" vào làm gì. Nước Nga thì đã trở nên quá thực tiễn, hễ ai có tiền thì chơi.

Nguy cơ và thách thức đối với dân tộc Việt Nam từ Trung Quốc là có thật và hiện hữu ngày càng rõ ràng. Giới trí thức tinh hoa của Việt Nam phải dũng cảm đứng dậy để đảm nhận trọng trách lãnh đạo đất nước. Tập Hợp Dân Chủ đa Nguyên sẽ luôn sẵn sàng để đồng hành cùng quí vị.

Việt Hoàng

http://www.ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=200:vi-sao-chung-ta-cn-n-t-chc-vit-hoang-tl-259

No comments:

Post a Comment