Wednesday, June 1, 2011

Một “phép thử” xuẩn ngốc!

Mạnh Kim - Trung Quốc chưa bao giờ thật sự là một cường quốc, trong mọi lĩnh vực, theo nghĩa một nước lớn có đủ tư cách chững chạc và đáng kính trọng. Và bây giờ điều này một lần nữa đã thể hiện qua hành động côn đồ của Trung Quốc “khủng bố” tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngay trong lãnh hải Việt Nam ngày 26-5-2011 như một phép thử với nhiều ý nghĩa và mục tiêu.
Chỉ hạng “mục trung vô nhân” (trong mắt không có người) mới làm điều xằng bậy như vậy và chỉ một tư duy hoang tưởng cực độ về sức mạnh mình mới nghĩ ra cái “phép thử” quái đản dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực như thế!

Từ cái “lưỡi bò”…

Hành động ngổ ngáo của Trung Quốc không chỉ thể hiện một chiến lược ngu xuẩn mà còn cho thấy Trung Quốc láo lếu khi họ luôn mồm nói đến khái niệm “hòa bình quật khởi” (和平崛起 – peaceful rising, phát triển trên tinh thần hòa bình). Hầu hết ý kiến bình luận cho rằng chính sách du côn của Trung Quốc tăng dần tại Biển Đông, không phải “thâm tàng nhược hư” (giấu thật kín) mà hoàn toàn công khai, là xuất phát từ chiến lược thu vén nguồn năng lượng cho con đường phát triển hiện đại hóa. Điều đó chỉ đúng một phần. Điều quan trọng hơn và cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ, nó thể hiện cái tinh thần “trước sau như một” về luận thuyết “đường lưỡi bò” (để biến Biển Đông thành cái ao nhà và độc chiếm quyền khai thác) mà trong thực tế chưa nước nào trên thế giới công nhận. Như đã biết, Trung Quốc đã “quốc tế hóa” luận thuyết “đường lưỡi bò” vài năm gần đây. Tháng 5-2009, Trung Quốc lần đầu tiên gửi kèm tấm bản đồ “đường lưỡi bò” trong lá thư đệ trình Ủy ban LHQ về ranh giới thềm lục địa (CLCS) với nội dung phản đối cách tính thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia. Ý tưởng “độc đáo” về cái “đường lưỡi bò” xuất hiện năm 1948 khi Trung Hoa Dân Quốc đưa ra một bản đồ với 11 vạch uốn éo tạo thành hình chữ U bao bọc gần như trọn khu vực Biển Đông. Sau khi tuyên bố độc lập năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục sử dụng bản đồ trên, với sự “giản lược” bớt hai vạch (còn 9 vạch) sau năm 1953. Từ đó, cái “hình minh họa” với “đường lưỡi bò” 9 vạch bắt đầu được xem là bản đồ chính thức của Trung Quốc trong tất cả cuộc tranh luận về phân định biên giới lãnh hải tại Biển Đông với các nước khu vực. Lý lẽ tối giản của “đường lưỡi bò” là những gì nằm bên trong nó, từ các hòn đảo đến “đảo liền kề” và “vùng biển liên quan”, đương nhiên phải thuộc Trung Quốc, dù những thuật từ trên chưa bao giờ được sử dụng trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)!

Xét về mặt luật, luận điểm “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có giá trị pháp lý quốc tế. Lori F. Damrosch, giáo sư Công pháp quốc tế thuộc Đại học Columbia, đã vạch ra rằng những đảo nhỏ mà Trung Quốc đưa ra như là một phần của biên giới thực chất chỉ là “những cụm đá nhỏ lốm đốm”, và chúng không đủ lớn để có hải phận riêng. Và nhận định về “đường lưỡi bò”, một trong những chuyên gia luật hàng hải hàng đầu châu Âu, giáo sư Erik Franckx thuộc Vrie Universiteit Brussel (Bỉ), kết luận (trong một cuộc hội thảo về Biển Đông tại TP. HCM) rằng, tấm bản đồ “đường lưỡi bò” hoàn toàn “thiếu cơ sở thuyết phục” và do đó nó sẽ “gây ra nhiều phiền toái nếu tiếp tục được xem như là một phần trong chính sách của Trung Quốc lẫn của Đài Loan” (1). Sử gia tên tuổi Stein Tønnesson (Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo từ 2001-2009) thậm chí nhận định: “Trung Quốc lâu nay cứ đề cập đến việc các nước láng giềng nên “gạt bỏ những bất đồng và cùng hợp tác khai thác nguồn tài nguyên” nhưng điều thật sự cần gạt bỏ chính là cái bản đồ hình chữ U của Tưởng Giới Thạch; và những tranh cãi chủ quyền quanh quần đảo Trường Sa có lẽ cũng cần nên gạt quách đi”. Tất nhiên chẳng dễ gì Trung Quốc từ bỏ. Nó là tham vọng. Nó là tư tưởng bá quyền. Nó là thể hiện cụ thể của cái gọi là “sức mạnh đang lên”. Và bởi nó còn là lá bùa hộ mạng cho lý lẽ biện biệt của cái chiến lược “hạch tâm lợi ích” (lợi ích cốt lõi) – một khái niệm mà Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc từng đề cập với hai viên chức ngoại giao Mỹ vào tháng 3-2010 khi nhắc đến Biển Đông. Và trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, họ Đới một lần nữa lại dùng từ “lợi ích cốt lõi” khi nói đến các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông (2).

Đến cái “hạch tâm lợi ích” (核心利益)

Điều quan trọng đặc biệt đáng chú ý nhất của ý nghĩa khái niệm “hạch tâm lợi ích” là gì? Đó là những vấn đề mà Trung Quốc có thể “xử” bằng quân sự! Cho đến nay, chỉ có ba “đại đề” chính trị lớn là Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là được đưa lên vị trí ngang tầm chính sách chiến lược, như là “lợi ích cốt lõi” quốc gia, mà khi cần, Trung Quốc có thể “động dao động thớt”. Bởi yếu tố cực kỳ nhạy cảm của luận điểm “lợi ích cốt lõi” đối với vấn đề Biển Đông nên trong các phát biểu chính thức, Trung Quốc, đến nay, vẫn chưa dám khẳng định Biển Đông nằm trong danh sách những vấn đề “lợi ích cốt lõi” (3). Tuy nhiên, sự e dè có tính toán của Trung Quốc (trong việc chính thức đưa Biển Đông vào phạm trù nhóm “lợi ích cốt lõi”) cũng chẳng ngăn họ, mặt khác, song song, bày tỏ gián tiếp việc củng cố luận điểm trên, chẳng hạn các tuyên bố lải nhải việc “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi” về quần đảo Trường Sa; hoặc qua những cuộc kích động dư luận trong nước (tờ Nhân dân nhật báo tổ chức thực hiện cuộc thăm dò ý kiến độc giả Trung Quốc rằng, liệu bây giờ có cần thiết “nâng cấp” vấn đề Biển Đông lên tầm mức “lợi ích cốt lõi” hay không và 97% trong gần 4.300 phản hồi nói rằng “NÊN”, tính đến tháng 1-2011).

Năm 2009, Đới Bỉnh Quốc bắt đầu mở rộng khái niệm “lợi ích cốt lõi” với ba ý chính: 1/ Duy trì hệ thống chính trị; 2/ Bảo vệ các luận điểm liên quan chủ quyền; và 3/ Cổ súy phát triển kinh tế. Xét theo đó, Biển Đông bây giờ với Trung Quốc hẳn nhiên là vấn đề “lợi ích cốt lõi” rồi! Không trở thành “lợi ích cốt lõi” sao được, khi Trung Quốc một mặt tăng cường phát triển “quốc phòng biển”; một mặt tăng tốc kế hoạch đầu tư khai thác nguồn tài nguyên Biển Đông, ngay tại những khu vực tranh chấp. Năm 2011, Trung Quốc dự kiến nâng tổng số lực lượng hải giám lên hơn 10.000 quân; chuẩn bị mua 36 tàu tuần tra trong 5 năm tới, bổ sung cho hạm đội hải giám hiện gồm 300 tàu… Phải nói rằng lực lượng hải giám Trung Quốc vài năm gần đây đã làm việc cực kỳ “hiệu quả”. Năm 2010, theo nguồn (4), với hơn 1.000 chuyến bay và hơn 13.300 chuyến tuần dương, hải giám Trung Quốc đã bắt 1.380 vụ liên quan “hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp”, thu số tiền phạt 757 triệu tệ. Hẳn nhiên không cần nhắc lại chi tiết cũng biết trong số những người bị bắt phạt, có không ít ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong lãnh hải Việt Nam!… Một cách thận trọng, xin không dám xúc phạm lực lượng hải giám Trung Quốc mà nói rằng họ là những tên “du đãng biển” thuộc loại đầu bò đầu bướu được trả lương để làm “bảo kê” cho hàng trăm hoặc hàng ngàn tàu ngư dân Trung Quốc ngang nhiên vào “biển bạn” để cướp cá và đánh hại “ngư dân bạn” (đặc biệt Việt Nam), nhưng có thể khẳng định rằng sự “tả xung hữu đột” của lực lượng này đã giúp Trung Quốc dễ dàng triển khai các dự án đầu tư khai thác dầu tại các vùng còn nằm trong vòng tranh chấp. Trong không ít trường hợp, họ đã chĩa súng vào gáy bắt người khác phải ra đi để dọn chỗ cho gọn…

Hạ tuần tháng 5-2011, Trung Quốc bắt đầu tung ra dàn khoan khổng lồ CNOOC981 trị giá hơn 922 triệu USD (thuộc Trung Quốc hải dương thạch du tổng công ty – CNOOC) có thể khoan sâu 3.000m và “trục” dầu ở độ sâu 12.000m. CNOOC981 được xem là giải pháp “giúp” Trung Quốc “không còn” bị các nước láng giềng “ăn cắp” 20 triệu tấn dầu mỗi năm – theo cách nói của Tống Ân Lai, Chủ tịch Hội đồng cố vấn CNOOC.

Không trở thành “lợi ích cốt lõi” sao được, khi Biển Đông đang được xem là “vịnh Ba Tư thứ hai” với 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 ngàn tỉ m3 khí (6).

Không trở thành “lợi ích cốt lõi” sao được, khi năm 2010, CNOOC cho biết họ dự kiến đầu tư 200 tỉ tệ (30 tỉ USD) trong 20 năm tới cho các dự án khai thác dầu khí đốt, trong một kế hoạch qui mô được miêu tả là có thể “biến cả khu vực Biển Đông thành một Đại Khánh mới của Trung Quốc” (mỏ dầu lớn nhất Trung Quốc tại Hắc Long Giang, cung cấp 21% nhu cầu nội địa nước này) – theo cách nói của tác giả Zou Le trên Global Times (báo Trung Quốc). “Biến cả Biển Đông thành một mỏ dầu” – câu nói này đã thể hiện “ý chí” Trung Quốc trong việc kiểm soát độc quyền Biển Đông trên tinh thần “lợi ích cốt lõi” của quan điểm chính trị “đường lưỡi bò”. Bởi vì, “việc khai thác dầu và khí đốt ngoài khơi là điều cốt yếu giải quyết tình huống thiếu nguồn dầu thô mà Trung Quốc đang đối mặt” – như nhận định của Trương Đại Vĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược nguồn dầu khí thuộc Bộ Tài nguyên Đất đai (Trung Quốc Nhân dân Cộng hòa quốc thổ tư nguyên bộ). Thống kê của Cơ quan Tổng quản hải quan (Hải quan tổng thự) cho biết, năm 2010, Trung Quốc nhập 239 triệu tấn dầu, tăng 17,5% so với năm trước. Sự lệ thuộc nguồn dầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 52% năm 2009 lên 55% năm 2010.

Không trở thành “lợi ích cốt lõi” sao được, khi Mi Chấn Ngọc, nguyên sĩ quan Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, từng phát biểu rằng: “Trung Quốc phải phát triển sức mạnh hải quân để bảo vệ và nhất định không nhân nhượng dù chỉ một tấc trong tổng số ba triệu kilomet đường lãnh hải. Trung Quốc phải xây dựng cho được một Vạn Lý Trường Thành trên biển”.

Không trở thành “lợi ích cốt lõi” sao được, khi tháng 4-2011, Trung Quốc một lần nữa lại nhắc lại rằng họ có toàn quyền kiểm soát khoảng 80% Biển Đông cùng tất cả quần đảo lẫn rặng san hô nằm trong “hình minh họa” của “đường lưỡi bò” (7)…

Một phép thử – nhưng thử gì và thử ai?

Ngày 28-5-2011, đề cập việc tàu hải giám Trung Quốc làm “nhiệm vụ”… cắt cáp tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngay trong lãnh hải Việt Nam ngày 26-5-2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du phát biểu: “Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc”, và khẳng định thêm: “Trung Quốc đã cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với các bên có liên quan để tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp liên quan”. Mong sao việc “bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông” là một chính sách được thực thi thật sự với thái độ thành thật chứ không phải là trò đùa của một phép thử về mặt chính trị. Ngay cả với những người ít hiểu biết nhất về chính trị ngoại giao, cũng có thể thấy rằng trò nắn gân “cắt cáp” Việt Nam của Trung Quốc là một động thái phát ra vài tín hiệu: nó muốn nhắc lại và tái khẳng định quan điểm “đường lưỡi bò”; nó muốn thăm dò phản ứng các nước khu vực như thế nào; nó muốn thử nghe người Mỹ nói gì; và đặc biệt, nó muốn chọc giận và khiêu khích để tạo ra nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự và từ đó có cớ dùng tổng vũ lực xâm chiếm, thôn tính và tất nhiên áp đặt chủ quyền cho toàn bộ những phần quần đảo tranh chấp với Việt Nam! Tất nhiên Việt Nam chẳng dại rơi vào cái bẫy này; và kẻ dại nhất (sẽ) chính là kẻ “gắp lửa bỏ tay người”, bởi Đông Nam Á đang ngày càng cẩn trọng đề phòng với “hắn”. Vô hình trung, “hắn” bị cô lập, bằng sự nhích lại của các nước láng giềng, để đương đầu với kẻ thù chung. Và dại nhất trong tất cả những cái dại là “hắn” đã gián tiếp mời Mỹ tham gia sân chơi Thái Bình Dương vốn đang bốc nhiệt hầm hập cùng sự bành trướng “không biết thân biết phận” trong tư duy hoang tưởng cực độ về sức mạnh của “hắn”. Chẳng phải mới, vào giữa năm 2010 bà Hillary Clinton đã chẳng nói rằng “Chúng tôi đã trở lại” (châu Á-Thái Bình Dương) rồi đấy sao! Mỹ há chẳng lẽ khoanh tay ngồi yên nhìn “hắn” tự tung tự tác được à!?

M. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Chú thích:
(1) China’s changing role in the South China Sea: Reflections on a scholars workshop, giáo sư Stein Tønnesson, chuyên san Harvard Asia Quarterly
(2) China actions meant as test, Hillary Clinton says, Greg Sheridan, The Australian (9-11-2010)
(3) China Hedges Over Whether South China Sea Is a ‘Core Interest’ Worth War, Edward Wong, New York Times (30-3-2011
(4) China Beefs up Maritime Patrol Force, Grace Ng, The Straits Times (3-5-2011)
(5) Mega oil rig changes game, Li Qian, Global Times (24-5-2011)
(6) Oil bonanza in South China Sea, Zou Le, Global Times (19-4-2011)
(7) Beijing’s troubling South China Sea policy, Michael Richardson, Japan Times (28-4-2011)

No comments:

Post a Comment