Friday, October 4, 2013

Ôi Quê Hương của những câu hò Ví, Dặm



Nguyễn Bá Chổi - Năm 1930, Bác lập nên phong trào “Xô Viết Nghệ Tịnh” để ưu tiên quậy nát quê nhà: “Trí Phú Địa Hào, Đào tận gốc trốc tận rễ” và 83 năm sau, không xa lăng Bác ngự, đám cháu ngoan học tập và lao động theo gương bác Hồ sùng sục các nhà nghỉ, khách sạn để kiểm tra ráo riết và tìm kiếm những nhóm người đông và có giọng Nghệ An, Hà Tĩnh...
Nghĩ mà xót thương cho quê hương của những câu hò Ví, Dặm...

“Đi mô cụng nhớ về Hà Tịnh
Nhớ núi Hồng Lịnh, nhớ dòng Sông La...”
Chào Bác,
Trước tiên xin Bác thứ lỗi cho Tèo lâu nay không gửi meo thăm Bác. Nhưng thực ra, sở dĩ Tèo lơ là việc meo vấn an sức khỏe Bác trong thời gian qua cũng chỉ vì thương Bác: Tèo biết Bác đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi vì bị “bức xúc” đủ thứ chuyện. Bên ngoài thì bọn phản động quả quyết Bác không phải là Hồ nghệ sinh ra ở Làng Sen, Nam Đàn, mà là Hồ hẹ đem từ Miêu Lật, Đồng La, bên Đài Loan sang trồng, như kiểu lời Bác dạy: “vì lợi ích (Tàu) trăm năm, trồng người (Hẹ)”. Bên trong thì các chú chóp bu Đảng thụi nhau đến nỗi chú trùm đảng Cả Lú phải nức nở khóc hu hu giữa buổi kết thúc Đại hội Đảng mới đây không lâu.
Thưa Bác, Tèo biết bác chẳng những chưa hết bức xúc, mà còn bức xúc hơn nữa vì nhiều chuyện xảy ra tới tấp - cũng do các cháu ngoan bác chứ không ai khác. Chẳng hạn như chú Ba Ếch với tư cách Thủ tướng, sau chuyến đi Pháp vừa rồi đã làm trò cười cực “hot” cho cả bà thiên hạ trên Đài truyền hình Canal Plus của nước chủ nhà, lại lót tót mò sang Mỹ giở trò ăn mày “một người vì tất cả, tất cả vì một người” khiến chúng chửi chú ấy cầm nhầm Alescendre Dumas không đúng chỗ, đã dốt lại còn nói chữ... Tây v.v... Nhưng bức xúc nhất là trước tình hình đồng bào ngao ngán hỡi ôi khi thấy chân dung Bác bị bọn phản động Gú Gồ nó lột truồng tồng ngồng treo lủng lẳng giữa trời, trên mạng lưới toàn cầu WWW chấm Com, mà chẳng thấy chú đồng chí nào ló mặt ra biện hộ, chối cãi cho “cha già dân tộc” một tiếng.
Mặc dầu biết Bác đang cực kỳ bức xúc như vậy, nhưng Tèo liều mạng viết meo này cho Bác, vì chính Tèo đây cũng đang bức xúc cực kỳ. Một nổi bức xúc không chỉ trong phạm cá nhân Tèo chỉ cần “một mình mình biết, một mình mình hay”, nhưng là thứ bức xúc có liên quan “gắn bó hữu cơ” với Bác.
Đó là giọng nói Nghệ An Hà Tịnh - quê hương của Hò Ví Dặm mà ông Giáo sư Trần Quang Hải lặn lội từ bên “nước Pháp ở Châu Âu và trên thế giới”, về tận “quê choa” thu thập tài liệu để lập hồ sơ trình lên UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2014-đang bị chính các chú Công an Nhân dân kỳ thị đàn áp.
Người dân xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) biểu diễn ví, dặm (Nguồn Internet)
Để Tèo kể cho Bác chuyện các chú “Còn đảng còn mình” kỳ thị đàn áp dân nhà mềng (mình) mới nhất mà chính Tèo là nạn nhân:
Cách đây hai bựa, tức ngày 1/10/2013, Tèo đi từ Đức Thọ, quê hương chú Trần Phú, Tổng Bí Thư đầu tiên của Đảng, ra Hà Nội để dự phiên tòa công khai ngày 2/10 xử Luật sư Lê Quốc Quân - cụng dân Nghệ An với Bác cả - phạm tội “trốn thuế” ra răng (như thế nào) để rút... kinh nghiệm. Đến nơi Tèo đi thuê phòng ngủ để trọ qua đêm nhưng tới đâu đâu cũng bị trả lời hết chỗ. Có điều lạ là, từ nhà ngủ bình dân đến khách sạn 1, 2, 3, 4, 5 sao, khi mới thấy Tèo vào, người quản lý nào cũng tỏ ra hồ hởi phấn khởi, niềm nở chào Tèo như lâu lắm mới vớ được khách hiếm, hỏi ngay “cậu lấy phòng hạng nhất nhé?”, nhưng khi nghe Tèo trả lời chưa hết câu là tức thì cô cậu nào cũng đều “bỗng dưng muốn khóc”, “gục đầu xuống như muông chim”, tay lật lật cuốn sổ rồi tiu nghỉu như mèo cụt tai: “hết sạch, không còn phòng nào nữa”.
Đêm đó Tèo lang thang mãi rồi cuối cùng cũng tìm được cái... chân cầu dựa lưng. Tèo rán ngủ để lấy sức mai tha hồ tự do đi dự phiên tòa công khai, chứ không phải tòa ủm nhủm như bọn Tư bản giãy hoài chưa chịu chết, nhưng có lẽ do hăm hở háo hức với... phiên tòa công khai nên không tài nào chợp mắt được.
Mẹ LS Lê Quốc Quân thất thần ngồi thụp xuống bên hàng rào tòa án - Hình ảnh đặc tả tính chất “phiên tòa công khai” của nhà nước pháp quyền XHCN. (Nguồn Internet)
Cũng may là nhờ thằng Cu Tý ở bên Úc xưa kia cùng chơi trò Thánh Gióng đánh Bắc Quân te tua nhiều trận; có lần bắt hụt Ba Ếch ở vùng Rạch Sỏi... Rồi trận sau cùng, khi cả đám hậu duệ Phù Đổng đang trên lưng ngựa sắt thì có tiếng phán từ sau lưng “Thôi oánh, hãy tự động ngã ngựa đi”. Thế là, Tèo, Tý, Ty, Tỵ, Cu, Hĩm gì cũng đồng loạt tự động ngã ngựa cái ạch, “bó tay về với... VC”. Từ đó mỗi đứa mỗi nơi. Về sau thằng Cu Tý bắt chước bác Hồ ra đi tìm đường vượt biển; không ngờ gặp lại Ba Ếch đang làm chúa bãi đứng canh me. Cũng may Tý có ít vàng mang theo vừa đủ giá cả, Ba Ếch nhíu mày, tha mối thù cũ, cho Tý ra đi bình an đến xứ Kanguru. Nay nghe tin Tèo chuẩn bị đi Hà Nội dự phiên tòa công khai xử LS “trốn thuế”, Tý tán thưởng Tèo, thương tình tặng Tèo tiền tậu cái Apple iPad.
Nhờ cái Ai-Pát, Tèo vào mạng đọc tin Hà Nội đêm 1/102013:
“...Các nhà nghỉ, khách sạn được kiểm tra ráo riết và nhằm tìm kiếm những nhóm người đông và có giọng Nghệ An, Hà Tĩnh... Facebooker Thiếu Ngân cho biết: “Lúc tối đến nhà cô bạn chơi, thấy 2 anh công an đang ở đấy xem sổ sách (cô bạn m cho thuê nhà trọ). 1 anh đứng xem sổ còn anh kia thì nói: Nếu có tốp khách nào từ 3 đến 5 người đến thuê phòng mà nói giọng Vinh-Nghệ An thì đề nghị chị phải đến c/a phường báo cáo ngay. Cả nhà m biết lí do vì sao ko??? Chả có nhẽ...”
Bác Hồ ơi, nhờ đọc bản tin trên, bây giờ Tèo mới hiểu lý do người ta không thể cho Tèo thuê phòng trọ là vì cái giọng “trọ trẹ” Nghệ An Hà Tịnh của Bác Cháu ta, do lệnh cấm của Công an Nhân dân Hà Nội, “Thủ đô của phẩm giá con người”.
Đến đây Tèo không kìm được “bức xúc”, hỏi Bác lúc xưa “đi tìm đường cứu nước”, Bác có bị thằng Tây phú-lít nào cấm vào nhà trọ qua đêm chỉ vì cái giọng Nam Đàn của bác không?
Năm 1930, Bác lập nên phong trào “Xô Viết Nghệ Tịnh” để ưu tiên quậy nát quê nhà: “Trí Phú Địa Hào, Đào tận gốc trốc tận rễ” và 83 năm sau, không xa lăng Bác ngự, đám cháu ngoan học tập và lao động theo gương bác Hồ sùng sục các nhà nghỉ, khách sạn để kiểm tra ráo riết và tìm kiếm những nhóm người đông và có giọng Nghệ An, Hà Tĩnh...
Nghĩ mà xót thương cho quê hương của những câu hò Ví, Dặm.

No comments:

Post a Comment