Tuesday, October 8, 2013

Không được kích động bạo lực



Nguyễn Quang A (Diễn đàn Xã hội Dân sự) - Các báo chính thức đưa tin về vụ xử Luật sư Lê Quốc Quân vì tội “trốn thuế”. Từ “trốn thuế” trong ngoặc là nguyên văn của TTXVN và các tờ báo của nhà nước. Như thế báo chính thống cũng ngầm thừa nhận Luật sư Quân không phạm tội trốn thuế.
Nhiều người đã đến dự phiên tòa nhưng bị cản trở. Vì thế nhiều cuộc biểu tình đã hình thành trên địa bàn Hà Nội trong ngày xét xử. Tôi ủng hộ những người biểu tình ôn hòa.

Nhưng tôi thực sự bị sốc khi xem một đoạn video mang tên Lê Quốc Quân trên mạng. Tại đó một người phụ nữ hô to “Học tập gương anh hùng Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình,”... “Nhìn thẳng đầu bọn quan tham mà nổ súng”, “Nhìn thẳng đầu bọn tham nhũng mà bóp cò”. Tôi không thể tin vào tai mình nữa. Hình như người đó cũng mang một chiếc áo có in hình Lê Quốc Quân. Những lời hô hào đó làm bẩn danh Lê Quốc Quân! Tôi nghĩ Luật sư Lê Quốc Quân chắc hẳn không tán thành sự kích động bạo lực như vậy. Những người hô hào như thế có thể có bức xúc gì đó nhưng chẳng gì có thể biện minh cho việc làm tai hại của họ. Những hành động như thế là có hại cho đất nước và phải bị lên án.
Chúng ta lên án chính quyền đã gây ra những bất công cho anh Đoàn Văn Vươn. Chúng ta ủng hộ anh Vươn và có thể đồng cảm với sự “tự vệ” của anh em ông Vươn, nhưng chúng ta không thể đồng tình với việc dùng vũ khí (dù chỉ để “dọa”) của anh em họ Đoàn.
Cũng vậy với ông Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình. Việc ông Viết gây ra 2 cái chết và 3 người bị thương là hành động bạo lực rất đáng tiếc. Ông Viết đã bị dồn đến đường cùng. Nguyên nhân chính hẳn là ở Hiến pháp, Luật đất đai và việc thi hành. Chúng ta phải lên tiếng để loại bỏ những nguyên nhân gây ra sự cố đau thương như thế. Tuy vậy, không thể và không nên coi ông Viết là anh hùng và càng không thể chấp nhận việc noi gương ông Viết để giết người.
Chúng ta phấn đấu cho một nền pháp trị. Hô hào “nổ súng” và “bóp cò” là phản lại các ý tưởng dân chủ và pháp trị, là khuyến khích bạo lực và khuyến khích luật rừng và như thế phải bị lên án. Hơn thế, luật Việt Nam và luật của hầu hết các nước đều coi kích động bạo lực là một tội, mà ở đây đích thực là kích động giết người!
Phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam phải tránh xa các phần tử quá khích như vậy và phải thấm nhuần và tuân theo nguyên tắc bất bạo động.
Trong một đất nước mà lịch sử chỉ chủ yếu là lịch sử chiến tranh, việc truyền bá tinh thần bất bạo động hẳn không dễ. Thế mà chừng nào mọi người Việt Nam, nhất là những người cầm quyền, không thấm nhuần tư tưởng bất bạo động, không mạnh dạn lên án bạo lực, thì Việt Nam không có tương lai.
Bất bạo động không chỉ là việc không dùng bạo lực như công cụ để đạt mục tiêu của mình, mà còn là việc lên tiếng và dùng tất cả các biện pháp bất bạo động và hợp pháp khác để (cùng những người khác) chống lại bạo lực từ bất kỳ phía nào.
Thí dụ, trong một cuộc biểu tình ôn hòa thì việc lên án nhà cầm quyền dùng bạo lực là chuyện hiển nhiên, nhưng việc can ngăn, thậm chí cách ly những phần tử quá khích trong hàng ngũ những người biểu tình là hết sức quan trọng. Nếu chúng ta phản đối nhà cầm quyền sử dụng bạo lực với những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa, thì chúng ta càng phải ngăn chặn những người chủ trương bạo lực trong chính hàng ngũ những người biểu tình bằng cách can khuyên họ hoặc thậm chí cách ly họ nếu họ không nghe lời khuyên.
Chúng ta cũng phải coi chừng công an cài người vào khiêu khích và tạo cớ cho nhà cầm quyền can thiệp bằng bạo lực. Chính vì thế những người biểu tình nên tìm mọi cách lưu và truyền bá mọi chứng cứ như ảnh, video để vạch trần những kẻ được cài vào nhằm kích động và yêu cầu cảnh sát cách ly chúng với chứng cớ cụ thể về cả bản thân sự yêu cầu này, và đấy là một phần quan trọng của phương pháp bất bạo động.
Bạo lực là sức mạnh của việc dùng cơ thể, khí cụ, vũ khí. Nhưng bạo lực cũng có thể là bạo lực ngôn từ, sự hô hào, kích động dùng vũ lực, việc sử dụng lời lẽ ác khẩu. Tránh bạo lực là phải tránh cả hai loại đó.
Phật giáo, Công giáo đều đề cao sự bất bạo động. Tôi tin các Ki tô hữu không khuyến khích những người hô hào bạo lực như vậy đi với họ. Và phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam cũng phải bày tỏ chính kiến dứt khoát phản đối việc hô hào bạo lực.
Ảnh: Từ Blog Tễu.

No comments:

Post a Comment