Monday, October 7, 2013

Bộ Máy Lãnh Đạo Quốc Gia Cần Gì?



Lý Quang Diệu Dịch giả: Phương Thanh (Doanh Nhân Saigon)
(Trích bài phỏng vấn của các tác giả Graham Allison, Robert D.Blackwill và Ali Wyne trong cuốn sách Lee Kuan Yew: The Grand Master’s Insights on China, the United States, and the World)

Với Singapore, thách thức cơ bản vẫn chưa thay đổi: trừ phi chúng tôi liên tục có rất nhiều người có năng lực cao để đảm nhận cương vị Thủ tướng và Bộ trưởng, nếu không điểm đỏ nhỏ bé Singapore sẽ trở thành một chấm đen tí xíu…

Để tìm được những con người có năng lực, tận tụy, chính trực và sẵn sàng cống hiến giai đoạn sung sức nhất của mình, và dám vượt qua quá trình bầu cử đầy rủi ro, chúng tôi không thể trả lương thấp cho các vị Bộ trưởng và nói rằng phần thưởng duy nhất của họ chính là sự đóng góp của họ cho lợi ích chung được.
Chúng tôi không đưa Singapore từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất bằng việc săn lùng những vị bộ trưởng sẵn sàng hy sinh tương lai con cái của mình khi phải gánh vác nhiệm vụ phục vụ công chúng. Chúng tôi có một quá trình rất thực dụng, không đòi hỏi người có năng lực phải từ bỏ quá nhiều vì cộng đồng. Chúng tôi không hạ thấp Singapore xuống thành một quốc gia bình thường khác ở thế giới thứ ba bằng việc né tránh vấn đề trả công cho các bộ trưởng với mức lương cạnh tranh.
Người ta nói con người nghĩ cho bản thân? Nói một cách trung thực thì bạn có tin rằng một gã không học hết tiểu học lại biết rõ kết quả lựa chọn của mình khi gã trả lời theo bản năng câu hỏi về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo không? Nhưng chúng tôi thì biết kết quả. Chúng tôi sẽ chết đói, chúng tôi sẽ bị xung đột sắc tộc. Chúng tôi sẽ tan rã.
Để có một chính phủ tốt, bạn phải có những con người giỏi trong chính phủ. Suốt 40 năm qua, tôi đã quan sát thấy rằng ngay cả với một hệ thống chính phủ kém nhưng có những con người giỏi giang thì người dân vẫn có một chính phủ tạm ổn với mức tiến bộ kha khá. Mặt khác, tôi đã thấy nhiều hệ thống chính quyền lý tưởng bị thất bại.
Hai nước Anh và Pháp đã viết hơn 80 bản hiến pháp cho các thuộc địa khác nhau của mình. Chẳng có gì sai với các bản hiến pháp, các thiết chế, vấn đề chi tiêu và các cán cân cả. Thế nhưng xã hội lại không có những nhà lãnh đạo vận hành được các thiết chế đó, và cũng không có những con người tôn trọng các thiết chế đó… Các nhà lãnh đạo thừa kế những bản hiến pháp này không đủ khả năng đảm đương công việc, và đất nước của họ thất bại, và hệ thống của họ sụp đổ trong cảnh bạo loạn, đảo chính và cách mạng.
Nếu một dân tộc đánh mất hẳn niềm tin vào các thiết chế dân chủ của mình bởi vì họ không tìm thấy người đủ năng lực điều hành họ, cho dù hệ thống đó rất tốt, thì dân tộc đó sẽ suy tàn. Cuối cùng, chính người dân mới vận hành hệ thống để cho nó đi vào cuộc sống.
Rất cần thiết phải bồi dưỡng một thế hệ ở trên đỉnh của xã hội, sao cho thế hệ ấy có đủ phẩm chất cần thiết để dẫn dắt và đem lại cho người dân cảm hứng và động lực để đi tới thành công. Nói tóm lại, chính là tầng lớp tinh hoa… Tất cả những người có tiềm năng phát triển rực rỡ phải được như vậy. Đó chính là mũi nhọn trong xã hội, những con người để gửi gắm tốc độ tiến bộ của chúng ta.
… Không có cách nào để vận hành một đất nước tốt hơn là dùng người giỏi nhất cho công việc khó khăn nhất.

No comments:

Post a Comment