Saturday, August 10, 2013

Nguy Cơ Tây Nam đang gia tăng



NGUYỄN TRẦN SÂM - Tháng 7 vừa qua, tại Campuchea đã xảy ra một sự kiện bất ngờ: Sam Rainsy, thủ lĩnh đảng CNRP, trở về Campuchea sau khi được quốc vương Sihamoni ân xá, và người đứng ra xin ân xá cho ông ta không phải ai khác mà chính là người đã giữ vai trò chủ đạo trong việc tuyên án 11 năm tù đối với Rainsy, thủ tướng Hunsen.


Còn nhớ, tội trạng chính của Rainsy dẫn đến án tù cho ông ta là việc nhổ 6 cột mốc biên giới với Việt Nam vào ngày 25 tháng 10 năm 2011, kèm theo những lời lẽ khiêu khích nhắm vào Việt Nam. Vì việc này, ông ta đã bị buộc tội “phá hoại mối quan hệ giữa Campuchea và Việt Nam” và “phá hoại tài sản quốc gia”.
Vậy động cơ nào đã dẫn đến việc Hunsen bỏ tù ông ta, và vì sao cũng chính Hunsen lại xin cho ông ta được ân xá?
Trong việc trừng trị Rainsy, cố nhiên có một lý do là Hunsen không muốn “vuốt mặt” chính quyền Việt Nam hiện nay, gồm những “đồng chí” của người đã nhấc Hunsen đặt lên chiếc ghế quyền lực cao nhất ở Camphuchea sau khi đá Pen Sovan ra khỏi vị trí đứng đầu đảng CPP. Không chỉ vì chịu ơn, mà việc trở mặt quá lộ liễu đối với chính quyền Việt Nam trong giai đoạn hiện nay hiển nhiên không có lợi cho vị thế cầm quyền của Hunsen. Tuy nhiên, nếu nhớ rằng Campuchea đã từng chiều theo Trung Quốc trong vấn đề biển Đông tại hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN ở Phnom Penh tháng 11 năm 2012, thì có thể thấy việc “chiều” Việt Nam không phải lý do chính để Hunsen bỏ tù Rainsy. Như vậy, lý do chính không là gì khác ngoài việc Hunsen thấy ở Rainsy một đối thủ chính trị nguy hiểm.
Ở một đất nước có dân trí tương đối cao, một chính khách ngông cuồng như Rainsy chắc chắn sẽ thất bại. Tuy nhiên, ở Campuchea thì không hẳn như vậy. Mặc dù nỗi kinh hoàng vì những gì được tận mắt chứng kiến thời Pol Pot vẫn còn đó, trong tâm khảm của hàng trăm ngàn người, nhưng cũng do người dân Campuchea chưa được sống trong một chế độ ổn định lâu dài để hình thành một hệ tư tưởng ổn định, nhận thức không rõ ràng của họ rất dễ bị thay đổi, đặc biệt khi các thế lực chính trị luôn tìm cách thao túng cuộc sống xã hội và tâm lý quần chúng (ít nhất từ cuối những năm 1950, thời Norodom Sihanouk, tới giờ). Chỉ mươi năm nữa thôi, đa số, nhất là thế hệ trẻ ở Campuchea, có thể sẽ chẳng còn để ý đến việc đã từng có một nạn diệt chủng rùng rợn, và lực lượng đã đứng ra dập tắt nạn đó chính là quân đội Việt Nam. Khi đó, những kẻ bài Việt có thể sẽ thắng thế khi tìm mọi cách để nhồi vào sọ người dân những luận điệu rằng Việt Nam là kẻ xâm lược, cả bây giờ lẫn trong quá khứ, rằng đất Campuchea kéo dài đến tận Sài Gòn! Và hãy nhớ rằng qua cuộc tổng tuyển cử vừa rồi tại Campuchea, đảng CNRP của Rainsy đã chiếm non nửa số ghế trong quốc hội (CNRP: 55, CPP: 68). CPP của Hunsen tuy vẫn chiếm ưu thế nhưng không còn áp đảo nữa!
Vậy vì lý do gì mà Hunsen lại xin ân xá cho Rainsy và cho phép ông ta về nước? Câu trả lời có lẽ nằm ở tuyên bố mới đây của Rainsy. Trong khi tiếp tục thóa mạ không chỉ chính quyền mà cả dân tộc Việt Nam, Sam đã tuyên bố rằng tất cả các đảo trên biển Đông là của Trung Quốc, rằng ông ta nhìn thấy ở Trung Quốc một người bạn lớn và một đồng minh quan trọng và đáng tin cậy!
Thì ra thế! Sam đã tìm mọi cách ve vãn Trung Quốc, và chắc hẳn Bắc Kinh đã nhận thấy ở ông ta một kẻ bài Việt điên cuồng. Nếu tìm cách để ông ta trở thành chính khách có ảnh hưởng lớn ở Campuchea thì có thể biến đất nước này thành tay sai của Tàu cộng để áp đảo Việt Nam từ phía tây-nam, không để cho Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Và chính vì sức ép của Trung cộng mà Hunsen đã phải ngậm bồ hòn bảo Sihamoni ân xá cho Sam.
So với bè lũ Pol Pot, những kẻ đã từng đập chết bất kỳ ai dám cầm đến cuốn sách, thì Sam Rainsy là “bậc đại trí thức” với bằng cấp đầy mình. Nếu ông ta cầm quyền ở Campuchea thì chắc chắn ông ta sẽ không dựng lại thảm cảnh diệt chủng nữa. Tuy nhiên, với cái máu hung hăng, ông ta vẫn sẽ cai trị Campuchea bằng bạo lực. Và đặc biệt, đối với Việt Nam, ông ta sẽ thực thi một chính sách thù địch, nhất là khi được khuyến khích bằng những lợi lộc từ Bắc Kinh.
Viễn ảnh của chiến tranh biên giới tây-nam lại đang lởn vởn trước mắt chúng ta!

No comments:

Post a Comment