Phương Bích - Là một trong những người ký vào bản tuyên bố 258, đương nhiên tôi nhận lời tham gia trao tuyên bố này cho sứ quán Đức, vào sáng ngày 28/8. Thú thực, tuy các cuộc trao tuyên bố 258 trước đó cho các sứ quán Thụy Điển, Úc, Mỹ đều diễn ra bình thường, nhưng tôi vẫn khá hồi hộp. Tôi chỉ nghĩ duy nhất về một điều: làm thế nào để đến được đó?
Sáng 28/8, tôi vẫn vào mạng bình thường. Vừa vào facebook đăng một status xong thì đọc được một tin khác, rằng quanh sứ quán Đức hiện có rất nhiều công an, an ninh, dân phòng.
Tim tôi đập thình thịch một cách vô thức. Chứng kiến hôm sứ quán Mỹ cho xe đến đón luật sư Nguyễn Văn Đài bất thành, tôi nghĩ chẳng có gì đảm bảo là họ sẽ không chặn chúng tôi ngay từ vòng ngoài. Tôi bắt đầu tính toán xem đi bằng phương tiện gì? Mặc thế nào để che được cái áo có logo 258? Rốt cuộc, tôi chọn phương án đi taxi, và mặc trùm ra ngoài cái áo 258 bằng một cái áo khác.
Mở cửa ra, thấy hành lang trống trơn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Đi nhanh xuống dưới nhà, bắt taxi và ngồi trên xe rồi, tim tôi mới đập trở lại bình thường. Vì quá hồi hộp, tôi đến chỗ hẹn sớm mất nửa tiếng. Chui vào một hàng quần áo giảm giá, mua 2 cái và xin ngồi nhờ để nhìn ra ngoài quan sát. Gần đến giờ, tôi mới lò dò ra chỗ hẹn. Chưa kịp uống cốc nước thì đã có tin, người của sứ quán đang chờ chúng tôi ngoài cổng, thế là lên taxi đi ngay. Nói thế nhưng đến được đây rồi mà vẫn còn hồi hộp lắm.
Đến gần sứ quán, từ xa đã thấy mấy người đàn ông cả tây lẫn ta đang đứng trên vỉa hè, ngay trước cổng sứ quán. Cuống quá, chúng tôi bảo xe tạt vào gần chỗ họ. Chiếc xe vừa láng vào bên trái đường thì lái xe lại bảo không được, đỗ thế này công an phạt chết. Thế là chiếc xe lại phải đi quá lên trên để tạt vào bên lề phải. Thấy chiếc xe láng vào rồi lại láng ra, mấy người Đức tưởng có vấn đề gì, nên vội đi sang đường để đón chúng tôi. Nhưng chúng tôi xuống xe rất nhanh và đi sang đường. Lúc đó lưu lượng xe trên đường rất đông, những người Đức đã sang đến nửa đường, thấy vậy cũng quay trở lại.
Ngay lúc đó, tôi đã cảm thấy được che chở, mặc dù mình đang đứng ngay trên đất nước mình. Một cái gì đó ấm áp, tin cậy khiến tôi rất xúc động. Những lính gác người Việt tiến đến, yêu cầu chúng tôi xuất trình giấy tờ. Nhưng những người Đức ngăn lại, lắc đầu ra hiệu không cần và đưa 5 người phụ nữ chúng tôi vào bên trong. Những người anh em đi theo chúng tôi đứng đợi ở bên ngoài, cùng với tất cả các lực lượng an ninh chìm nổi.
Vào đến phòng, qua giới thiệu, chúng tôi mới biết những người Đức đứng đợi chúng tôi ngoài cổng chính là các ngài tham tán và trưởng phòng văn hóa chính trị của sứ quán Đức. Thực sự tôi rất ngạc nhiên. Họ là đại diện cho một trong những đất nước được coi là văn minh hàng đầu thế giới, nhưng lại sẵn sàng đứng đợi những người dân thường như chúng tôi, để đón tiếp và lắng nghe những nguyện vọng tâm tư của những người chẳng có một chút địa vị nào trong xã hội. Đến bao giờ, quan chức Việt Nam mới đón tiếp người dân của mình được như thế này?
Ngài tham tán nói, ông và các đồng sự sẵn sàng dành thời gian còn lại trong ngày để tiếp chúng tôi. Đương nhiên, mục đích chính của chúng tôi đến đây là chỉ để trao cho sứ quán Đức tuyên bố 258 của mạng lưới blogger, đề nghị chính phủ Đức bằng con đường ngoại giao, yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết về nhân quyền mà luật pháp Việt Nam và Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đang hướng tới vị trí trong HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016...
Việc trao tuyên bố thì đơn giản. Ngài tham tán hỏi chúng tôi đến đây bằng cách nào? Có gặp khó khăn gì không? Việc chúng tôi bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội như thế nào? Có đề nghị gì thêm không?
Ngay từ đầu, ngài tham tán đã giới thiệu về mình và các đồng sự. Bây giờ đến lượt chúng tôi giới thiệu về mình. Bốn trong năm người chúng tôi thì đơn giản, nhưng đến lượt Hoàng Vi kể về mình, mắt tôi bỗng nhòe đi, vì thực ra có những điều đến bây giờ tôi mới biết. Cổ họng tôi nghẹn lại khi hình dung ra những gì mà cô gái nhỏ bé nhưng kiên cường này đã phải chịu đựng, suốt từ năm 2006 đến nay. Giọng Hoàng Vi nghẹn lại, run rẩy, những giọt nước mắt lăn trên má Vi. Một người Đức trẻ vội đứng dậy, đặt trước mặt chúng tôi một hộp khăn giấy.
Bỗng nhiên tôi thấy tủi thân ghê gớm. Đất nước mình lúc nào cũng tự hào có 4000 năm lịch sử, vậy mà hôm nay con cháu Người vẫn nghèo khổ, vẫn thua xa thiên hạ một trời một vực. Bên cạnh họ, năm người phụ nữ chúng tôi đủ lứa tuổi, thật nhỏ bé và yếu đuối. Có lẽ những điều đang xảy ra với chúng tôi và những người dân Việt Nam đang phải chịu đựng, thật xa lạ và khó hiểu đối với họ.
Chúng tôi không đề nghị gì thêm, chỉ nói rằng mặc dù muốn có một xã hội tốt đẹp hơn, phải do chính người dân chúng tôi đấu tranh để giành lấy. Nhưng việc giúp đỡ từ quốc tế là rất cần thiết và quan trọng (chiến tranh ở Việt Nam có thể kết thúc được, là nhờ rất nhiều sự giúp đỡ từ bên ngoài, chứ đâu chỉ bằng tinh thần không thôi?).
Chúng tôi cũng thật sự vui mừng, khi ngài tham tán nói, chính phủ Đức và Liên minh Châu Âu tỏ ra rất quan ngại và đã gửi một thư yêu cầu tới chính phủ Việt Nam, về những vấn đề trong nghị định 72/NĐ-CP của chính phủ Việt Nam, hạn chế quyền tự do thông tin (internet) của người dân. Ngài tham tán cũng nói, Liên Hiệp Quốc có các cuộc họp thường niên tại Genever, để giám sát việc thực hiện nhân quyền của các nước thành viên, và chúng tôi hoàn toàn có thể gửi thư kiến nghị tới hội nghị về việc trên.
Mặc dù chúng tôi có thời gian là cả buổi chiều, nhưng chúng tôi không muốn làm mất thời gian quý báu của ngài tham tán và các đồng sự của ông. Thêm nữa, hẳn bạn bè chúng tôi đang rất sốt ruột ở bên ngoài, nên chúng tôi xin cáo từ. Mọi người ra chụp ảnh làm kỷ niệm, nhờ máy tính của sứ quán để gửi những hình ảnh lên mạng, vì e rằng sẽ có thể bị an ninh trấn lột máy ảnh, máy tính.
Chúng tôi rất cảm động khi thấy các quan chức và nhân viên sứ quán đã lo lắng cho chúng tôi khi đề nghị đưa chúng tôi về bằng xe của sứ quán. Thậm chí ngài tham tán còn hỏi, có cần họ đi cùng không. Nhưng sứ mệnh của chúng tôi đã hoàn thành. Chúng tôi cảm ơn thịnh tình của các ngài và lên xe ra về. Bạn bè của chúng tôi vẫn đợi ở bên ngoài, và trước mắt các lực lượng an ninh, họ đi xe máy hộ tống chúng tôi tới cafe Highland ở cạnh Nhà hát lớn. Lúc đó là 1 giờ chiều. Xin lỗi, tất cả chúng tôi đều đói lắm rồi.
Có thể ai đó cười mỉa mai, rằng sao phải cầu tới ngoại bang? Nếu vậy, xin hầu các quý vị vào dịp khác.
No comments:
Post a Comment