Thursday, August 15, 2013

Gửi những người chống cộng cực đoan




Dạ Lan - Tôi là một tiến sĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, cũng là người vì chán chế độ Việt Nam hiện nay mà quyết định đi định cư ở nước khác.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, nghĩa là trong cái nôi của chủ nghĩa xã hội và cộng sản. Tất cả những gì tôi hiểu trước đây đều được sự định hướng của xã hội vì học dưới mái trường của chủ nghĩa xã hội. Tôi lớn lên cứ học và chỉ học. Tôi cũng tham gia vào sinh hoạt thanh thiếu nhi tại quê nhà ít bữa, nhưng vì bố mẹ tôi là giáo viên, cuộc sống của chúng tôi cũng phần nào bị tách biệt với nông dân. Quan trọng nhất là tôi không tìm thấy điều gì thực chất trong những sinh hoạt thanh thiếu niên đó, những hoạt động mang tính hình thức, cạnh tranh giữa các đội, rồi trong các đội thì họp hành đấu tố nhau. Chính vì thế tôi đã không có ý thức “phấn đấu” thành đoàn viên, tuy cuối cùng tôi vẫn phải gia nhập vào tổ chức Đoàn vì muốn vào đại học bắt buộc phải là đoàn viên. Nhưng cũng may là sau khi vào đại học, nhất là tôi chọn một trường đại học ở phía Nam, tôi chỉ là đoàn viên trên danh nghĩa, không phải tham gia những cuộc họp đoàn đội gì nữa.

Tôi có thể hiểu rằng thế hệ những người ở bậc tuổi cha chú tôi như luật gia Lê Hiếu Đằng, nghệ sĩ Kim Chi họ cũng đã bị mắc kẹt vào những giai đoạn lịch sử và sự thoái hóa của những nhà cầm quyền. Khi có điều kiện chín muồi, họ đã thẳng thắn vạch trần và tuyên bố sẽ từ bỏ hoặc chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là điều chúng ta nên trân trọng. HỌ XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ LÀ NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG thật sự cho tiến trình dân chủ của Việt Nam.
Tôi cũng không ưa gì chế độ cộng sản, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của các loại quan tham và cường bạo ở Ba Đình. Nhưng tôi không cực đoan để bỏ rọ toàn bộ những người sống ở xã hội đó. Các bạn đang sinh sống ở hải ngoại nhưng luôn nung nấu ý chí loại bỏ cộng sản để một Việt Nam tốt đẹp hơn. Mỗi người có điểm khởi đầu khác nhau, các bạn và những người như bác Lê Hiếu Đằng cùng có chung một ý tưởng và hiện đang cùng một thời điểm. Các bạn luôn chửi rủa cộng sản là chủ nghĩa lý lịch, luôn hô hào dân chủ, THẾ TẠI SAO CÁC BẠN các bạn cứ xỉ vả tất cả mọi người khi người ta chỉ cần nói những gì chưa giống những gì các bạn nói. Tôi nhớ, hồi trước GS. Chu Hảo, nghệ sĩ Kim Chi cũng bị các bạn chửi rủa, hỏi móc. Việt Nam đang rất cần những người như luật gia Lê Hiếu Đằng, GS. Chu Hảo, nghệ sĩ Kim Chi, bởi họ chính là những con người đại diện cho người dân Việt Nam hiện nay, họ đang tiên phong cho phong trào dân chủ của Việt Nam. Các bạn ở hải ngoại, vai trò của các bạn tiếp sức là rất quan trọng, nhưng nếu các bạn cứ cực đoan không chịu hòa giải và hòa hợp dân tộc, các bạn muốn Việt Nam thay đổi thành một nước dân chủ mà không dựa vào nòng cốt người Việt Nam đang sống và làm việc trong Việt Nam thì hỏi các bạn làm được gì?
Tiến trình thay đổi của xã hội Việt Nam hiện nay có sự đóng góp rất lớn của các nhân sĩ yêu nước trong nhóm Kiến nghị 72, của các bạn thanh niên trẻ trong nhóm Tuyên bố 258, của nhóm Tuyên bố của các công dân tự do, của các nhà dân chủ độc lập Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, Nguyễn Đắc Kiên, Nguyễn Lân Thắng, Đoan Trang, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha và nhiều tấm gương khác nữa. Những phản biện của người dân ngày càng quyết liệt, thẳng thắn và công khai, đòi hỏi sự sòng phẳng về quyền và chức của con người và các tổ chức của chính quyền và xã hội. Trang mạng Bauxite Việt Nam là điểm khởi đầu của hình thái đấu tranh trên mạng điện tử, để rồi tiếp nối hàng loạt các trang blogger yêu nước mạnh dạn tuyên bố chính kiến và quyền phản biện của họ. Kiến nghị 72 làm nền tảng cho một loạt các kiến nghị và tuyên bố khác ra đời bất chấp sự đàn áp và sự độc quyền về truyền thông của chính quyền Ba Đình.
Chúng ta cần nhận thức rõ và khắc ghi câu nói của BS Phạm Hồng Sơn khi ông kêu gọi sự hiệp sức của cộng đồng trong những ngày nguy kịch tuyệt thực của anh Điếu Cày “Chúng ta cần phải có tiếng nói tích cực hơn để áp lực lên nhà cầm quyền về trường hợp tuyệt thực của blogger Điếu Cày, trong tình thế này, nếu chúng ta chỉ mong chờ vào sự phản ứng từ bên ngoài thì tôi cho là không hiệu quả”. Hàng loạt các bloggers và trí thức như TS. Nguyễn Quang A đã cùng hiệp sức với hai mẹ con chị Tân cháu Dũng áp lực lên toàn bộ hệ thống quản lý nhà tù của Cao Ngọc Oánh, buộc Viện Kiểm sát và nhà tù số 6 Nghệ An phải ngay lập tức khám kiểm tra sức khỏe và nhận đơn khiếu nại của anh Điếu Cày. Nếu không có những phản ứng của người dân trong nước, liệu chúng ta có thể hy vọng nhà cầm quyền Hà Nội sẽ tôn trọng các phản ứng và yêu cầu của các tổ chức nhân quyền thế giới hay những phản ứng của người Việt hải ngoại? Xin thưa, chính quyền Hà Nội họ có đủ tiểu xảo và độ trơ lì để đối phó với bên ngoài.
Nền dân chủ của Việt Nam phải do người Việt Nam xây dựng nên. Chúng ta cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhưng dân chủ không phải là thứ nhập khẩu được. Người dân Việt Nam, đang sống trong lòng Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt. Chúng ta cũng không vì những tư tưởng cực đoan để ly tán và cô độc những nhân vật cấp tiến.
Hãy để người Việt Nam thực sự trân trọng những gì các bạn làm, và hãy đừng cực đoan để làm ly tán những phần tử cốt lõi của tiến trình dân chủ của người Việt Nam.
Dạ Lan
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

No comments:

Post a Comment