Trần Trung Đạo - Qua nay, bên cạnh niềm vui trong lòng mọi người yêu mến Phương Uyên, việc CSVN thả cô bé 21 tuổi này cũng đã tạo nhiều tranh luận giống như khi em bị chế độ CSVN giáng xuống cuộc đời non trẻ một bản án nặng nề hồi giữa tháng Năm.
Có quan điểm cho rằng Phương Uyên chỉ là một “món hàng” trả giá giữa Mỹ và CSVN về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership); có lý luận cho rằng Phương Uyên là dấu hiệu cho thấy phe thân tây phương đang mạnh trong nội bộ lãnh đạo CSVN; có phân tích cho rằng giới lãnh đạo CSVN nhận ra họ đã phạm sai lầm chính trị khi giáng xuống đời một cô gái chỉ ngoài 20 tuổi bản án 6 năm tù lần trước nên nay phải sửa sai.
Các lý luận đó không những chứng tỏ sự thiếu tự tin, tinh thần lệ thuộc vào ngoại bang mà còn phạm phải sai lầm căn bản là không xác định được vai trò chủ động của các thành phần dân tộc trong con đường tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam.
Áp lực chính buộc nhà cầm quyền CSVN thả Phương Uyên phát xuất từ cuộc đấu tranh bền bỉ, đa dạng, tích cực và nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân, mọi thế hệ Việt Nam trong nước và ngoài nước.
Chính những bạn trẻ trong nước thức đêm viết từng tờ biểu ngữ, in từng tờ truyền đơn, vẽ hình Phương Uyên và Nguyên Kha trên từng chiếc áo đã góp phần làm thay đổi “bản án sáu năm tù giam” thành “bản án ba năm tù treo” của Phương Uyên.
Chính các bạn trẻ ngoài nước tổ chức những đêm không ngủ, gởi hàng ngàn lá thư lên các tổ chức nhân quyền quốc tế, tổng thống và quốc hội Mỹ, các lãnh đạo châu Âu, các cơ quan nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc đã giúp cho Phương Uyên được ngồi ăn bữa cơm bên mẹ chiều nay.
Chính đồng bào các giới khắp nơi tại hải ngoại tích cực tham gia những cuộc biểu tình liên tục trước Tòa Bạch Ốc, điện Capitol, trước các tòa đại sứ CSVN đã giúp cho Phương Uyên tìm lại được nụ cười hồn nhiên trong vòng tay của gia đình, bạn bè và bà con thân thuộc.
Các thành phần dân tộc Việt Nam trong suốt nhiều năm và qua nhiều hình thức đã làm nên những đợt sóng đập liên tục vào bức tường chuyên chính độc tài cũng như làm tiếng chuông vang vọng vào lương tri nhân loại. Ở hải ngoại, bao lớp người dầm mưa, đội nắng, đạp tuyết mà đi trong các cuộc biểu tình chống CS độc tài, đòi hỏi nhân quyền cho đồng bào Việt Nam ngay cả trong những ngày tháng vô cùng khó khăn chân ướt chân ráo mới đến định cư sau 1975. Các cộng đồng người Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung, Rumania, Bulgaria, Albany định cư tại các nước tây phương sau khi quốc gia của họ bị CS cai trị sau thế chiến thứ hai, và cả cộng đồng người Cu Ba tại Mỹ sau 1959 đã không làm được như thế.
Nếu không có hàng loạt các hình thức đấu tranh được phát động ồ ạt và nhịp nhàng từ các thành phần dân tộc, chẳng một nguyên thủ quốc gia dân chủ nào, một cơ quan nhân quyền quốc tế nào biết đến Phương Uyên ngoài những bản tin nhân quyền thường lệ, và số phận của em cũng giống như số phận hàng ngàn người Việt Nam khác đang bị tù đày hay đã chết đi trong quên lãng khắp ba miền đất nước suốt ba mươi bảy năm qua.
Trách nhiệm nặng nề, đôi vai nặng gánh, cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại không thể làm hết những điều cần phải làm, cứu được hết những đồng bào cần phải cứu nhưng cuộc đấu tranh chưa bao giờ dừng lại.
Phân tích để thấy chính sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc là nền tảng, là nguồn lực của cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam.
Quan hệ và tranh chấp quốc tế bao giờ cũng tồn tại không chỉ giữa các quốc gia thù địch, đối nghịch về quyền lợi mà ngay trong các nước đồng minh. Các dân tộc nhỏ luôn phải bị chi phối và ảnh hưởng. Điều đó không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, các bài học Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Do Thái cho thấy yếu tố quyết định cuối cùng cho số phận của một dân tộc vẫn luôn nằm trong tay của chính dân tộc đó. Và cũng phân tích để thấy không chỉ Phương Uyên mà còn rất nhiều người như Đinh Nguyên Kha, Việt Khang, Nguyễn Văn Hải, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức v.v... cần phải được tiếp tục đấu tranh.
Cuộc vận động tự do dân chủ cho cả dân tộc là con đường đầy gai góc, gian nan nhưng là con đường chính nghĩa và chính nghĩa sẽ tất thắng.
No comments:
Post a Comment