Nguyễn Thành Công
Cựu chiến binh QDDND Việt Nam
Cựu chiến binh QDDND Việt Nam
Trong một cuộc trò chuyện về dân chủ, có người hỏi: Có thể trông chờ gì vào những người chống cộng quá khích ở nước ngoài không nhỉ? Câu hỏi đưa đến cuộc tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến rất khác nhau. Tôi chỉ là người "nghe hơi nồi chõ" cuộc trao đổi theo kiều "trà dư tửu hậu" này nhưng sẵn bút, giấy và lại còn biết chữ nữa nên tạm ghi lại dăm ý kiến để ai đó thích thì đọc chơi cho biết.
Đầu tiên phải ghi nhận công lao to lớn của anh em chống cộng quá khích ở hải ngoại vì đã duy trì trào lưu "chống cộng" trong ngần ấy năm tháng, không mệt mỏi, không nản chí. Năm 1975, quân lực Việt Nam cộng hoà buông súng để chính quyền cộng sản thiết lập quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày ấy cả miền Nam sôi sùng sục, sinh viên, học sinh theo điều động của chính quyền đổ xuống đường đi "làm cách mạng". Trên các đường phố của nhiều đô thị miền Nam xuất hiện những bạn sinh viên đeo băng đỏ giữ trật tự, tham gia các hoạt động của chính quyền chống "tư sản mại bản", chống các "tệ nạn xã hội"... Ngay sau đó, chính quyền thực hiện cải tạo công thương nghiệp để cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhiều người ở miền Nam và cả một số người ở miền Bắc đã tìm đường vượt biên ra nước ngoài, không kể gì đến những nguy hiểm rình rập trên đường tìm tự do. Những ngày ấy tư duy "xã hội chủ nghĩa tươi đẹp, tất thắng" đang thống trị trong dư luận. Trong tình trạng khó khăn nhiều mặt, có cả khó khăn về truyền bá thông tin nhưng một số người tạm gọi là "chống cộng cực đoan" hay "chống cộng quá khích" đã bắt đầu cuộc đấu tranh của mình nhằm chống lại chính quyền cộng sản thì thật sự là những chiến binh kiên định. Cuộc đấu tranh của họ dội vào trong nước, thắp lên ngọn lửa hi vọng cho nhiều người khác.
Cũng cần phải nói rằng trong nhiều năm nhân dân Việt Nam tin vào Đảng Cộng sản vì những sai lầm trong quản lý kinh tế chưa bộc lộ rõ nét. Những khó khăn trong đời sống được đổ lỗi cho hoàn cảnh chiến tranh. Chỉ sau khi chiến tranh kêt thúc, không còn đỗ lỗi vào đâu được nữa thì các sai lầm mới hiện rõ. Tuy nhiên, giới lãnh đạo vẫn còn chỗ để bao biện: Thiếu cán bộ. Người ta nhắc lại câu nói của Lênin "cán bộ quyết định tất cả" để giải thích các yếu kém kinh tế. Vào những năm 80 (tk XX) người ta đề cao tác phâm văn học Đứng trước biển của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn mà nội dung có thể nói ngắn lại chính là vấn đề cán bộ. Nhưng rồi đến những năm 90 thì toàn bộ hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ. Những quốc gia vốn là mơ ước của người Việt về đời sống kinh tê như Đông Đức, Tiệp-khắc theo nhau tan hàng. Lúc này thì quy luật kinh tế của lý luận Mác-Lênin mới bộc lộ hết sai lầm.
Cái sai lớn nhất cùa lý luận Mác-Lênin là xoá bỏ quyền tư hữu. Môt khi đã xoá bỏ quyền tư hữu thì kinh tế nhất định chậm phát triển, không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Nếu các nhà lãnh đạo của đảng cộng sản biết phục thiện và có tinh thần khoa học thì sẽ nhận ra rằng chù nghĩa Mác-Lênin đã hết thời hiệu sử dụng, cần phải thay đổi bằng những quan niệm mới, phù hợp với thời đại. Đáng tiếc là họ không thay đổi, cố sống cố chết bảo vệ một học thuyết lỗi thời, để giữ quyền ăn trên ngồi trốc, đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Những năm gần đây nội bộ lãnh đạo cộng sản phân hoá mạnh, hình thành những nhóm lợi ích khác nhau. Các ngành kinh tế do các nhóm lợi ích giữ quyền điều hành đều tụt dốc thảm hại, tạo ra những món nợ khổng lồ cho kinh tế nhà nước. Trong tình hình ấy, việc vơ vét chỉ còn trông vào quá trình "cướp đất" dưới nhãn hiệu xây dựng khu kinh tế như đô thị mới, khu công nghiệp... Quá trình này làm xuất hiện một tầng lớp mới trong xã hội mà người ta gọi là "dân oan".
Càng ngày các "dân oan" càng mở rộng phạm vi khiếu nại, số người tham gia vào tầng lớp này đủ mọi hạng người, từ người dân thấp cổ bé họng đến các lão thành cách mạng, những người đã đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng nên chính quyền hôm nay. Cuộc đấu tranh dẫn đến việc dư luận nhân dân công khai xem xét lại toàn bộ các giá trị cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết mà chính quyền cộng sản đến nay vẫn dựa vào. Trên đà đó, các giá trị của cuộc chiến 1954-1975 cũng bị đánh giá lại, nhiều nhận định trước đây coi là chân lý thì nay đang bị đảo ngược. Phải thừa nhận rằng cuộc đấu tranh trên mạng truyền thông xem xét lại các giá trị cuộc chiến có đóng góp cực kỳ lớn lao của những người được gọi là "chống cộng cực đoan". Đến tận bây giờ thái độ quyết liệt của họ vẫn có tác dụng nhất định trong dư luận trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, cái gì thái quá đều có hại. Ngay cả thuốc bổ uống quá liều cũng gây hại nữa là những thứ không phải thuốc bổ. Dư luận nhân dân trong nước đang hình thành phong trào đấu tranh đòi dân chủ, đòi quyền sống, mà mục tiêu là xây dựng một xã hội dân sự, xã hội dân chủ ở Việt Nam. Từ phong trào, câu hỏi đang đặt ra là: Nếu xoá bỏ chế độ độc tài cộng sản thì lấy chế độ gì thay thế? Trả lời câu hỏi này cần phải được suy nghĩ thấu đáo, minh bạch, vì câu trả lời chính xác có giá trị tập hợp lực lượng. Trả lời sai sẽ dẫn đến việc phân ly lực lượng, làm yếu sức mạnh của những người đấu tranh cho dân chủ. Đã có nhiều cách trả lời, trong đó hình như những người "chống cộng cực đoan" muốn khôi phục lại chế độ Việt Nam cộng hoà. Trên các trang mạng, nhiều bài viết đánh giá cao thời Đệ nhất cộng hoà của Tông thống Ngô Đình Diệm, có bài khen ngợi thời Đệ nhị cộng hoà của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; tất nhiên cũng có những bài viết phủ định cả hai thời kỳ này. Người viết phủ định có thể là các đồng chí dư luận viên cộng sản, nhưng đáng chú ý có cả những bài của các đảng viên đảng phái khác ở miền Nam, đã từng bị nền cộng hoà đàn áp. Như vậy, với nhiều người quan sát, cả hai chính quyền cộng hoà ở miền Nam chỉ còn giá trị so sánh chứ không có giá trị kêu gọi tập hợp lực lượng.Với cách nhìn này, nhiều anh em đang dấn thân vào cuộc đấu tranh xây dựng xã hội dân chủ ở Việt Nam rất buồn lòng khi thấy anh em "chống cộng cực đoan" có những hành động quá đà làm tổn thất uy tín của những người dân chủ nói chung. Khi tìm hiểu lại các sự kiện ở hải ngoại, tôi rất kính nể cuộc đấu tranh đòi treo cờ vàng trên đất Mỹ. Cuộc đấu tranh này đưa đến kết quả nhiều nơi trên đất Mỹ chấp nhận cho cộng đồng người Việt treo cờ vàng 3 sọc đỏ, lá cờ chính thức của Việt Nam cộng hoà trước đây. Có một câu chuyện về cờ vàng làm tôi đặc biệt thích thú: Đó là khi đón tiếp chức sắc cao cấp Thiên chúa giáo, có một ai đó đã đưa lá cờ vàng cho ngài và ngài thắt lá cờ trên cổ, trước mắt nhiều người Việt ở hải ngoại (hình ảnh kèm theo bài rất đẹp). Nhưng đến câu chuyện ở báo Người Việt thì thật là buồn. Báo Người Việt đăng một bức ảnh về một cái chậu rửa chân sơn màu vàng có 3 đường viền đỏ. Các bạn chống cộng cực đoan coi đây là việc bôi nhọ lá cờ 3 sọc đỏ và liên tục tổ chức biểu tình chống báo Người Việt. Chủ nhiệm báo buộc phải xin lỗi dư luận.
Tưởng rằng câu chuyện đến đây là kết thúc nhưng không phải, các nhóm chống cộng cực đoan tiếp tục biểu tình chống báo Người Việt, và đến tận bây giờ hình như vẫn còn đang kêu gọi biểu tình chống báo Người Việt. Tôi không hiểu các ông chống cộng cực đoan nghĩ thế nào nữa? Đọc trên mạng thì chúng ta biết trước đây nước Mỹ có xử người xúc phạm quốc kỳ Mỹ, nhưng điều này đã bỏ từ lâu rồi. Tư duy "xúc phạm quốc kỳ" đã lỗi thời, chỉ còn nằm trong pháp luật của những chính quyền dã man như chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thôi. Quốc gia văn minh không có tội danh đó. Tại sao các đồng chí chống cộng cực đoan không học tập thái độ ứng xử văn minh của xã hội Mỹ, trong khi đang sống ngay trong lòng xã hội Mỹ rất văn minh? Thế thì hi vọng gì vào các đồng chí chống cộng cực đoan được nhỉ? Đến ngày "cách mạng dân chủ" thắng lợi liệu các đồng chí có biết thể hiện mình là người văn minh được không? Mà nói gần hơn, nếu cách mạng dân chủ xẩy ra ở Việt Nam bây giờ thì các đồng chí chống cộng cực đoan có thể sẵn sàng tham gia với tư thế của các công dân văn minh hay không? Chắc là rất ít hi vọng.
No comments:
Post a Comment