Trần Bình Nam - Nelson Mandela, nhà tranh đấu thành công bãi bỏ chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi đang hấp hối tại một bệnh viện ở thủ đô Pretoria. Mấy tháng gần đây ông ra vào khẩn cấp bệnh viện nhiều lần. Ngày 8 tháng 6 ông lại vào bệnh viện vì phổi bị nhiễm trùng và bệnh tình đang trở nên trầm trọng. Sáng Thứ Hai 24/6 Tổng thống Jacob Zuma vào thăm ông Mandela và sau đó nói với dân chúng Nam Phi rằng người anh hùng của đất nước tuổi đời đã cao, và điều tốt nhất là hãy cầu nguyện cho ông.
Các vị lãnh đạo trên thế giới đang chuẩn bị lịch trình đến Pretoria chào vị anh hùng Nam Phi lần cuối nếu mệnh Trời đòi hỏi ông phải ra đi. Tổng thống Barak Obama đang công du Phi Châu, theo chương trình sẽ dừng chân tại Petroria, nơi ông Mandela đang được chữa trị. Tuy nhiên, Tổng thống Obama có đích thân thăm ông Mandela ở bệnh viện không còn tùy tình trạng sức khỏe của ông Mandela và ý muốn của thân nhân. Trên đường từ Senegal đến Nam Phi, tổng thống Obama nói: “Không riêng tôi, mà ai cũng đều đồng ý rằng ông Nelson Mandela là một vị anh hùng thế giới.”
Ông Mandela năm nay 94 tuổi. Ông mang trong lồng ngực một quả tim nhân bản, quả cảm, yêu đời, yêu người, sống trọn tình nghĩa với đồng bào và đất nước, ông Mandela ra đi là một mất mát lớn không những cho nhân dân Nam Phi, mà là một mất mát lớn cho nhân loại như người đi biển bỗng mất một ngọn hải đăng.
Nam Phi, một nước rộng gần 4 lần diện tích Việt Nam nằm ở cực nam Phi châu do người Hòa Lan đến chiếm làm thuộc địa giữa thế kỷ 17. Đầu thế kỷ 20 người Anh đánh thắng người Hòa Lan và thành lập nước Nam Phi. Người gốc Hòa Lan tại Nam Phi được gọi là người Afrikaner. Năm 1948 người Anh thiết lập một chế độ kỳ thị chủng tộc phân chia đen trắng thành hai giai cấp quy định bằng luật gọi là chế độ “Apartheid”. Người đen không được sống chung đụng với người da trắng, và sống trong những khu riêng biệt gọi là các Townships.
Năm 1976 người đen tại các Townships đồng loạt nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc gia Phi châu (African National Congress – ANC) trong đó luật sư Nelson Mandela là một thành phần lãnh đạo chủ chốt.
Ông Nelson Mandela sinh ngày 18 tháng 7 năm 1918 trong một gia đình vọng tộc thuộc bộ lạc Thembu. Ông học luật tại hai đại học Fort Hare và Witwatersrand. Trở thành luật sư ông sống và hành nghề tại Johannesbursg. Khoảng thập niên 1940 ông gia nhập đảng ANC, một đảng chính trị thoát thai từ Đảng Quốc Gia của Người Bản xứ (The South African Native National Congress) được thành lập từ năm 1912 khi người Hòa Lan còn áp dụng một chế độ thuộc địa cởi mở.
Sau khi người Anh thiết lập chế độ apartheid, năm 1952 ông Mandela cầm đầu cuộc đấu tranh chống chế độ kỳ thị bằng phương pháp bất bạo động. Sau đó ông đổi phương pháp hợp tác với đảng Cộng sản Nam Phi thành lập tổ chức Umkhonto we Sizwe, bạo động đánh bom các cơ sở của chính phủ. Năm 1962 ông bị bắt, bị truy tố về tội phá hoại và âm mưu lật đổ chính phủ và bị kết án chung thân.
Ông bị giam ở nhà tù trên đảo Robben, sau chuyển qua nhà tù Pollsmoor và Victor Verster. Do vận động quốc tế, năm 1990 ông được trả tự do sau 28 năm tù đày.
Ra khỏi nhà tù, năm 1991 ông được bầu làm Chủ tịch ANC, và với tư cách này ông kiên nhẫn thương thuyết với tổng thống F. W. de Klerk bãi bỏ chế độ Apartheid và tổ chức bầu cử đa chủng lần đầu tiên năm 1994. Đảng ANC thắng và ông Nelson Mandela trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.
Ông làm tổng thống Nam Phi trong một nhiệm kỳ 5 năm (1994-1999). Trong nước ông thi hành một chính sách hòa giải chủng tộc giữa “người đen, trắng, Africaner, người Á châu …”, qua đó giải thể dần các định chế kỳ thị do chế độ apartheid để lại, giải quyết nạn nghèo đói (cho người da đen) và san bằng sự chênh lệch đời sống kinh tế trong xã hội. Thái độ đáng yêu của ông là khéo léo dùng thể thao tạo một bộ mặt đoàn kết đen trắng tại Nam Phi. Người Africaners gốc Hòa Lan thích Rugby, ông đã biến Rugby thành một phong trào toàn quốc giúp đoàn lực sĩ Nam Phi toàn người da trắng giật giải vô địch Rugby thế giới năm 1995.
Trên mặt quốc tế ông dùng uy tín giúp dàn xếp vụ án vụ nổ bom Pan Am Flight 103 giữa Anh và Lybia.
Trên mặt quốc tế ông dùng uy tín giúp dàn xếp vụ án vụ nổ bom Pan Am Flight 103 giữa Anh và Lybia.
Mãn nhiệm tổng thống năm 1999 ông không ra tái ứng cử (dù sự đắc cử ông nắm trong tay) và dành thì giờ vào các công việc từ thiện. Ông thành lập Viện Nelson Mandela lo việc chống bệnh HIV/AIDS và nạn nghèo khó.
Ông Mandela chứng tỏ là một người có một tấm lòng khoan dung lớn và một cái nhìn rộng. Khi cầm quyền ông không biến 28 năm tù đày thành thù hận mà biến nó thành một tinh thần hòa giải, giúp mang lại sự ổn định quốc gia tránh một cuộc nội chiến chủng tộc và đóng góp không ít cho nền hòa bình thế giới. Mặc dù Nam Phi hôm nay vẫn còn là một xã hội nhiều giai cấp và bất công, (như vụ án nhà thể thao Oscar Pistorius bắn chết cô đào Reeva Steenkamp đang bày ra cho thế giới thấy (1) người ta tin rằng nếu không có ông Mandela, Nam Phi đã trở thành một xã hội băng hoại hơn.
Mặc dù đời sống chính trị và cá nhân của ông cũng có nhiều điểm để bàn tán như liên kết với đảng Cộng sản thời kỳ đấu tranh bạo động. Và khi cầm quyền không kềm chế nổi bà Winnie, vợ ông – tuy từng trung thành và chia sẻ gian lao với ông trong cuộc đấu tranh – lạm dụng chức vụ và uy tín của ông làm nhiều điều trái phép buộc ông li dị bà năm 1996.
Tuy nhiên không ai ngạc nhiên khi thấy ông Mandela được 250 giải thưởng quốc tế đủ loại trong đó có Huy Chương Tự Do của Tổng Thống Mỹ, Huy chương Lenin của Liên bang Xô viết và cao quý nhất là giải hòa bình Nobel năm 1993. Và “Phong Trào Không Liên Kết” (Non-Aligned Movement) bầu ông làm Tổng Thư ký Phong Trào nhiệm kỳ 1998-1999. Riêng với người Nam Phi ông Nelson Mandela xứng đáng là một vị “cha già dân tộc”.
Xin hãy cùng cầu nguyện cho ông!
June 28, 2013
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt
————————————————–
(1) Xem www.tranbinhnam.com Bình Luận tài liệu số 467
No comments:
Post a Comment