Tuesday, May 28, 2013

Hiệu ứng Trương Duy Nhất



Phạm Thị Hoài - Vài tháng trước, một người từng tham gia những hoạt động không được chính quyền Việt Nam ưu ái như biểu tình, kiến nghị, đồng thời là tác giả của một số bài viết thẳng thắn về những đề tài nhạy cảm đăng trên blog cá nhân, chia sẻ với tôi rằng cho đến nay ông vẫn an toàn và sự an toàn đó có ý nghĩa lớn, vì nó giúp những người khác bớt sợ hơn.


Quả thật số người không còn sợ hay đã bớt sợ bộ máy trấn áp của chế độ chưa bao giờ tăng nhanh như trong thập niên vừa qua tại Việt Nam, và một phần quan trọng là do được khích lệ bởi sự an toàn tương đối của cá nhân một số người đi ở hàng đầu. Cho đến Chủ nhật vừa rồi, blogger Trương Duy Nhất thuộc về số ấy. Song việc ông bị bắt khẩn cấp một lần nữa cho thấy: bảo hiểm chính trị ở Việt Nam chỉ đảm bảo một điều duy nhất, đó là: nó không bảo đảm điều gì hết.
Trương Duy Nhất đã chuẩn bị sẵn chỗ dựa lập luận để tránh cho mình khỏi trở thành nạn nhân của bộ máy trấn áp một cách vô ích. Bài trả lời một nhân vật Tom Cat nào đó của ông là tổng kết của những lập luận này, không ai có thể bảo vệ ông xuất sắc hơn. Ông trình bày mình như một tiếng nói độc lập chứ không đối lập, một nhà báo tự do chứ không li khai, một người phát ngôn chính kiến riêng chứ không bất đồng chính kiến, phản biện chứ không phản động, phản đối chứ không chống đối. Ông không treo biển “Kính Đảng, trọng chế độ, yêu Bác Hồ” [i], không trưng hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không đồng tình với mọi biểu hiện chống cộng cực đoan, không đi biểu tình, chưa bao giờ kí tên vào một bản tuyên bố hay kiến nghị, và bất chấp những tấn công và đe dọa từ nhiều phía vẫn không rời góc nhìn KHÁC của mình. Trong nhiều năm trời, ông đi ở ranh giới giữa an toàn và mạo hiểm mà tỉ lệ có thể là 51 % nghiêng về an toàn.
Một số người có cảm giác rằng thời gian gần đây, tỉ lệ ấy đã đảo ngược, Trương Duy Nhất đã ngày càng đi xa hơn trong quan điểm phê phán chế độ và đó là một trong những lí do khiến ông bị bắt. Tôi cho rằng mọi phỏng đoán đều vô nghĩa, vì không có một biểu giá an toàn nào cố định trong một chế độ công an trị, trừ biểu giá duy nhất là không làm gì hết. Ảo tưởng về những vùng an toàn nào đó, trớ trêu thay, được nuôi dưỡng trên mảnh đất đầy mìn, gài bởi chính sách chia để trị, kết tinh thành thủ pháp điêu luyện nhất của bộ máy an ninh Việt Nam. Người chưa bị đụng tới có thể là một cái thớt hữu ích cho con dao bổ xuống người nằm trên thớt. Hay đơn giản hơn, những người còn đi xa hơn Trương Duy Nhất mà vẫn an toàn chẳng qua là “của để dành”, nói theo cách dân dã của blogger Người Buôn Gió, cho những thao tác khác trong chiếc hộp đen của bộ máy quyền lực mà chúng ta chịu đựng và dung dưỡng.
Quan sát từ những bản án chính trị trong ba năm gần đây (2011, 2012, 2013), tôi nhận thấy hai đặc điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, tuyệt đại đa số những người bị kết án đều không phải là đảng viên Đảng Cộng sản [ii]. Thứ hai, tuyệt đại đa số những người bị kết án đều không ở trong biên chế cán bộ, nhân viên, công chức các cơ quan Đảng và nhà nước [iii]. Ông Trương Duy Nhất thỏa mãn cả hai đặc điểm này. Khả năng vụ điều tra ông được đình chỉ như trong trường hợp ông Phạm Chí Dũng, đảng viên, cán bộ Thành ủy TPHCM khi bị bắt, có vẻ như xa vời.
Trở lại với câu chuyện mở đầu bài viết này, vâng, tôi đồng ý rằng người ta bớt sợ khi dựa lưng vào an toàn. Nhưng điều đáng nói hơn là: người ta có thể can đảm lên, khi chứng kiến người khác thách thức mạo hiểm và đường hoàng chấp nhận cái giá của hành động đó. Trương Duy Nhất rất chú trọng đến hiệu ứng thông điệp của các hình ảnh. Ông từng ca ngợi hình ảnh hiên ngang của Cù Huy Hà Vũ, hình ảnh trong trắng, đĩnh đạc của Nguyễn Phương Uyên. Bức hình chụp ông trong ngày bị bắt cho thấy một Trương Duy Nhất khỏe mạnh và tự chủ, không một nét khiếp nhược. Tôi hoàn toàn tin rằng nếu phải đứng trước tòa, ông sẽ là một hình ảnh đẹp và hình ảnh ấy sẽ có ý nghĩa lớn, vì nó gây cảm hứng cho lòng can đảm, cũng như blog Một góc nhìn khác của ông đã góp phần quan trọng để giới blogger Việt Nam bớt e sợ, khi ông còn an toàn.
© 2013 pro&contra
__________________________
[i] Ngay sau khi Trương Duy Nhất bị bắt, chủ nhân của blog “Kính Đảng, trọng chế độ, yêu Bác Hồ” này, nhà báo kì cựu Đào Tuấn, người có nhiều bài viết nhạy bén và thẳng thắn mà tôi thường xuyên theo dõi, lập tức lên tiếng với bài “Cái còng và khẩu súng không thể chĩa vào Nhất”. Nhưng một ngày sau, bài ấy chỉ còn là mã 404 trên chính trang của chủ blog.
[ii] Riêng ông Vi Đức Hồi từng là giám đốc trường Đảng một huyện ở Lạng Sơn, nhưng đã trở thành thành viên Khối 8406 và bị khai trừ Đảng nhiều năm trước khi bị bắt.
[iii] Ngoại lệ duy nhất là ông Đinh Đăng Định, giáo viên trung học phổ thông ở Đắk Nông.

No comments:

Post a Comment